Những khu chợ nghĩa tình

Thứ Tư, 05/04/2017, 16:33
Giữa TP Hồ Chí Minh, nơi "tấc đất tấc vàng", nhưng vẫn có những con người giàu lòng nhân nghĩa, dành ra mấy trăm mét vuông đất để mở chợ cho người bán hàng rong. Đó là nghĩa cử đẹp giúp cho bao phận đời mưu sinh trong thời buổi khó khăn...


Khu chợ từ tấm lòng thương người

Những ngày gần đây, khu chợ của ông Lý Văn Hấp (70 tuổi), người dân thường gọi là "chợ ông Năm Hấp" ở góc đường Kênh 19 Tháng 5 và T1, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh bỗng nhiên nổi tiếng, nhiều người biết đến.

Báo chí truyền thông cũng ùn ùn tìm tới để viết bài, quay phim chụp ảnh, phỏng vấn ông chủ của khu chợ, dù cái chợ này đã thành lập và tồn tại ở đây gần chục năm nay. Có lẽ nó gây sự chú ý bởi giữa lúc TP. Hồ Chí Minh và cả nước đang lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường thì chuyện một người dân như ông Năm Hấp lại làm chuyện "bao đồng", lấy 800 m² đất làm chợ cho nhiều người dân nghèo có chỗ buôn bán bỗng dưng thành chuyện lạ.

Chúng tôi tìm đến khu chợ buổi trưa nhưng lúc này ông Năm Hấp vẫn đang chỉ dẫn và trả lời phỏng vấn một số phóng viên báo đài. Nhìn ông vui vẻ trò chuyện và thân thiết với các tiểu thương của chợ, chúng tôi có cảm giác ấm áp lạ thường.

Chợ ông Năm Hấp với vài chục quầy sạp có gần chục năm nay, người bán trước đây vốn là những người buôn bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường, thường xuyên bị lực lượng chức năng của phường kiểm tra, đẩy đuổi, khiến họ phải liên tục thay đổi địa điểm bán hàng.

Bản thân ông Năm Hấp từng làm cán bộ nhà nước, giữ nhiều chức vụ như Phó Bí thư Đoàn phường (phường 15, quận Tân Bình cũ, nay là phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) rồi Phó Chủ tịch phường..., ông Hấp rất đồng cảm với chuyện lập lại trật tự lòng lề đường mà chính quyền địa phương thực hiện. Tuy vậy, ông Hấp cũng không khỏi thương cảm với những người bán hàng rong, họ vì hoàn cảnh gia đình, miếng cơm manh áo nên phải bám víu vỉa hè, lòng đường để buôn bán nhỏ lẻ…

"Hồi đó, mỗi lần chứng kiến cảnh lực lượng chức năng của phường đi dẹp trật tự lòng lề đường là những người bán hàng rong chạy nháo nhào, cuống cuồng thu dù, đẩy xe chạy dạt đi chỗ khác; có hôm người bán hàng rong còn đẩy đại xe vào nhà tôi để trốn tránh… khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Đương nhiên việc lập lại trật tự lòng lề đường của chính quyền là đúng, là việc phải làm. Nhưng dù sao buôn bán cũng là nhu cầu có thật của bà con, quan trọng là làm sao có chỗ ổn định cho mọi người bán hàng mà không phạm luật…", ông Năm Hấp chia sẻ.

Khu chợ ông Năm Hấp nhìn từ bên ngoài.

Điều đáng nói là khi biết tâm tư của ông, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Tây Thạnh đã đến nhà gặp ông để trao đổi và động viên. Lúc đó phía sau nhà vẫn còn miếng đất khá lớn, khoảng 800 m² dự định để cất nhà cho con cháu sau này nhưng chưa làm gì nên ông đã bàn với gia đình làm cái chợ nhỏ để bà con có nơi buôn bán, một mặt vừa hỗ trợ địa phương sắp xếp lại trật tự lòng lề đường, mặt khác cũng giúp những người mua bán hàng rong có nơi, có chỗ mưu sinh.

Nói thêm về khu đất này, ông Năm Hấp cho biết đây là khu đất nằm trong phần đất hương hỏa của tổ tiên ông để lại khá rộng (gia đình ông đã năm đời ở đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh này). Phần đất này trước đây trải dài từ mặt tiền đường Lê Trọng Tấn vào đường Kênh 19 Tháng 5.

Khi Nhà nước giải tỏa để cải tạo kênh và làm con đường Kênh 19 Tháng 5, đất của ông bị cắt khoảng 2.000 m², do là đất nông nghiệp nên tiền đền bù gia đình ông nhận chỉ với giá 90.000 đồng/m2. Ông cười bảo: "Với mức đền bù chỉ 90.000 đồng/ m², so với giá cả hồi đó, nếu đi đám cưới tôi phải bù thêm 10.000 đồng mới đủ bỏ bao thơ".

Theo lời ông thì đúng ra lúc đầu khi nói ra ý định của mình với gia đình, vợ con ông cũng có chút lo lắng, rằng lỡ cho nhiều người vào bán hàng rồi sau này muốn lấy lại sẽ khó, thậm chí có thể bị chiếm hay chính quyền sẽ không trả lại… Nhưng sau khi nghe ông giải thích và trước quyết định của ông, vợ con ông đã vui vẻ thuận lòng.

Và thế là cái chợ này ra đời. Ban đầu ông bỏ ra 50-60 triệu đồng để xây bệ xi măng, láng mặt bằng và lắp đặt điện, nước để bà con vào bán. Tính ra thì chợ chính thức hoạt động từ năm 2009 cho đến nay. Tùy từng thời điểm nhưng trung bình chợ luôn có khoảng 30 đến 40 sạp hàng bán thịt, cá, rau, trái cây, quần áo... Nơi đây từ lâu đã trở thành chỗ ghé mua hàng quen thuộc của người dân ở khu vực này, nhưng chủ yếu là phụ huynh đưa đón con đi học ở 4 trường gần đó cũng như của một số công nhân trong Khu công nghiệp Tân Bình khi tan tầm thuận đường đi ngang. Bình thường khu chợ nhộn nhịp nhất vào buổi sáng và buổi chiều tối.

Nói về số tiền các hộ tiểu thương đóng góp, ông Hấp cho biết thời gian đầu mọi người đóng 10.000 đồng/ngày, hiện tại là 30.000 đồng/ngày. Số tiền này gia đình ông Hấp chi vào tiền điện, nước, dịch vụ vệ sinh, bảo vệ… Ngoài ra, ông Hấp còn dùng một phần trong số tiền đóng góp này để cùng các nhà hảo tâm nấu những bữa ăn từ thiện phát cho người nghèo tại đình Tây Thạnh vào ngày đầu tháng và ngày rằm mỗi tháng.

Năm trước, do muốn giúp các tiểu thương yên tâm hơn, ông đã mua tôn, sắt về lợp mái và cất thành nhà lồng; nhờ vậy mỗi lúc mưa gió, các hộ buôn bán không còn sợ cảnh bạt bị thổi bay hay dù bị ngã đổ. Ngoài ra, ông còn xây một nhà kho để tiểu thương cất đồ đạc.

Ông Năm Hấp chia sẻ về khu chợ của mình.

Nghĩa cử đẹp cần nhân rộng

Vừa nhanh tay bán hàng cho khách, chị Thạch Thị Thanh (34 tuổi), quê Trà Vinh chia sẻ, chị cùng chồng và hai con ở quê lên TP Hồ Chí Minh làm ăn, chồng làm công nhân, vợ bán trái cây. Trước đây, chị bán trái cây tại vỉa hè đường Lê Trọng Tấn, Kênh 19-5 nên thường xuyên bị kiểm tra xử phạt và thu hàng hóa khiến chị luôn rơi vào tình cảnh lỗ vốn. Sau khi được vào bán tại chợ của ông Năm Hấp thì việc buôn bán của chị đã ổn định và có thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình.

"Tôi cũng như nhiều tiểu thương ở đây đều rất biết ơn bác Năm Hấp. Nhờ bác ấy cho vào đây bán nên những người bán hàng rong như chúng tôi có chỗ ổn định, không lo bị thu mất hàng nữa", chị Thanh chia sẻ.

Cũng tương tự hoàn cảnh từng bán hàng rong như chị Thanh, bà Nguyễn Thị Định (59 tuổi), nhà ở phường Tây Thạnh cũng vào bán rau củ quả tại chợ ngay từ ngày đầu được lập ra. "Bán ở đây ổn định, chủ yếu bán cho công nhân ở gần khu công nghiệp Tân Bình nên cũng có thu nhập khá. Sướng hơn rất nhiều khi phải bán vất vưởng ngoài đường...", bà Định cười tươi.

Gian hàng bán cá và các đồ thủy hải sản của chị Ngô Thị Diệu (41 tuổi) quê Trà Vinh nằm ngay hông chợ nhưng khá sạch sẽ, gọn gàng. Đi qua gian hàng này, ông Năm Hấp dừng lại nhắc chị Diệu nhớ giữ gìn vệ sinh và vui vẻ trò chuyện, hỏi han công việc bán hàng của chị tiểu thương này. Đây thực ra là việc làm mỗi ngày của ông bởi không chỉ riêng chị Diệu mà với tất cả các tiểu thương khác ông đều quan tâm, thăm hỏi, trò chuyện để biết công việc buôn bán có được thuận lợi hay không. Vốn vui tính, mỗi câu chuyện của ông đều pha trò tiếu lâm khiến mọi người vui vẻ.

 Tâm sự với chúng tôi, chị Diệu cho biết: "Nhờ bán cá ở đây thuận lợi nên thu nhập đủ trang trải cho cả gia đình tôi. Lúc trước "bố Năm Hấp" (chị Diệu thường gọi ông Năm Hấp như thế) thấy tôi khó khăn khi bị phường thu hàng đã cho tôi vào chợ bán và còn cho mượn tiền để làm vốn lấy hàng". 

Đi mua đồ ăn về nấu cơm trưa, anh Sơn nhà ở đường T1, ngay sát chợ chia sẻ, rằng dù chợ này không lớn và cũng không đầy đủ các mặt hàng như các chợ bình thường khác, nhưng bù lại nó tiện lợi và vệ sinh. "Nhà tôi ngay cạnh chợ nên việc mua đồ rất tiện. Ở khu này ai cũng biết và rất ủng hộ chuyện ông Năm Hấp lấy đất đai của nhà mình để lập chợ. Việc làm của ông ấy rất tốt đẹp và cần được khích lệ nhiều hơn nữa", anh Sơn nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Định cho biết, bán ở chợ sướng hơn nhiều việc phải bán vất vưởng ngoài đường.

Tâm sự với chúng tôi, ông Năm Hấp bộc bạch, đến giờ ông vẫn muốn có thêm nhiều người nữa vào bán trong chợ của mình. "Điều này không phải vì tôi muốn thu được nhiều tiền bởi nếu muốn thế tôi đã cho thuê hết miếng đất này như đã có nhiều người hỏi rồi, mà tôi hướng tới chính là có nhiều người bán với nhiều mặt hàng. Như thế sẽ có thêm sự cạnh tranh, giá bán sẽ rẻ hơn và người dân sẽ có thêm sự lựa chọn nhiều hơn nữa. Ngoài ra, do đã hứa, cam kết với địa phương và cả với bà con tiểu thương nên tôi sẽ cố gắng giữ chợ này đến khi nào có thể", ông Năm Hấp giãi bày.

Cũng giống như ông Năm Hấp, một khu chợ khác ở số 552 Hồ Học Lãm, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân của bà Võ Thị Kính cũng rất đáng được khích lệ, ủng hộ. Khu chợ này rộng chừng hơn 500m² cũng là đất hương hỏa do mẹ bà Kính (Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Mai) để lại cho con cháu. Nhưng cũng như tâm tình ông Năm Hấp, bà Kính thấy nhiều người bán hàng rong ngoài đường bụi bặm, xe cộ nguy hiểm nên đã cho người dựng rạp rồi kêu họ vào buôn bán. 

Chợ bà Kính cũng có trên dưới 20 quầy. Bà Kính chia sẻ, quyết tâm làm gương nhường đất làm chợ cho bà con buôn bán kiếm sống vì thấy quận, phường có chủ trương lập lại trật tự đô thị trên các tuyến đường.

Những nghĩa cử tốt đẹp của ông Năm Hấp, bà Kính đã giúp nhiều người có chỗ mưu sinh, đồng thời góp phần hỗ trợ địa phương lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Rất cần nhân rộng những việc làm có ý nghĩa như vậy.

Phú Lữ
.
.
.