Những lời ca vút trên đầu ngọn sóng

Chủ Nhật, 01/07/2018, 12:11
Không chỉ mang đến những phần quà có ý nghĩa, những năm qua, các đoàn văn công trên cả nước đã góp phần làm giàu đời sống tinh thần cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 bằng lời ca tiếng hát.


Những tiếng hát vang lừng, vút bay trên đầu ngọn sóng, thể hiện sức sống trường tồn của dân tộc, tinh thần quật cường của những người con yêu quê hương.

Da diết tình yêu biển đảo

Ước mơ được đến Trường Sa, Nhà giàn DK1 hát để phục vụ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc là khát khao của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ. Trong đó, những năm qua, nhiều đoàn ca múa nhạc, đoàn văn công đã thông qua Quân chủng Hải quân, tổ chức những chuyến lưu diễn giữa trập trùng sóng biển. 

Qua mỗi chuyến lưu diễn, các ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công đều thể hiện hết khả năng của mình, cống hiến những tiết mục đặc sắc nhất.

Đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa.

Vào đầu tháng 5-2018, Đoàn công tác số 14 do Đại tá Bùi Văn Thiết, Chủ nhiệm Hậu cần (Quân chủng Hải quân) làm trưởng đoàn đã thành công. Một trong những đóng góp làm nên sự thành công ấy là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đoàn Văn công Biển xanh, thuộc Nhà hát Biển xanh Bình Thuận. 

Các ca sĩ, vũ công, nhạc công đều là những người trẻ, sung sức, khao khát cống hiến. Bởi thế, sóng biển và sự khó khăn không làm họ chùn bước. Họ đã vượt lên khó khăn và làm gấp đôi sức lực của mình.

Cũng phải nhìn nhận thêm, nắng gió, sóng biển làm không ít người trong đoàn thấm mệt. Trong khi đó các bạn trẻ tuổi đôi mươi này phải vận chuyển và vận hành hệ thống âm thanh, nhạc cụ để phục vụ cho các buổi giao lưu trên mỗi hòn đảo. 

Rồi các bạn chuẩn bị trang phục biểu diễn, lại nhảy, múa, hát, mà việc gì cũng hết mình. Cuối buổi giao lưu, các bạn lại khăn gói, chuyển đồ xuống ca-nô, về tàu. Trên tàu, trong điều kiện chật hẹp, thiếu thốn, họ lại miệt mài khớp chương trình, tiết mục để buổi sau phục vụ khán giả. Nhưng khuôn mặt ai nấy đều hồ hởi và lời ca tiếng hát cứ ngân lên, ngân lên.

Mỗi năm đều có các nghệ sĩ, ca sĩ, các đoàn văn công lưu diễn đến Trường Sa. Nhưng đây là đoàn gồm những bạn trẻ nhất, chỉ mười tám, đôi mươi, mang ước vọng đóng góp lời ca cho các chiến sĩ nơi biển đảo. Phục vụ khán giả là lính, nên các tiết mục văn nghệ phải rất… lính! 

Ngồi bên dưới sân khấu là những gương mặt trẻ sạm nắng gió nhưng ngời sức sống như cây phong ba trước mưa gió biển khơi. Họ tin, lạc quan, họ thèm hơi ấm đất liền. Và hôm nay được cùng cất cao giọng với các ca sĩ, nghệ sĩ. 

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Nhà hát Biển xanh Bình Thuận, kiêm Trưởng Đoàn Văn công Biển xanh cho hay, Nhà hát đã chọn 10 gương mặt trẻ, có sức khỏe, đa năng nhất cho chuyến đi cùng Đoàn công tác số 14, vừa bảo đảm sự gọn nhẹ vừa đạt hiệu quả cao nhất.

Tôi ấn tượng với bạn trẻ Lê Trọng Bình, biết sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ khác nhau, có giọng ca khỏe khoắn, giàu cảm xúc, đóng vai trò là Phó trưởng Đoàn Văn công Biển xanh, linh hồn của chuyến lưu diễn tình nguyện này. Lê Trọng Bình tâm sự: “Mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu đất nước, biển đảo theo cách riêng. Chúng em mang lời ca, tiếng hát đến với các chiến sĩ, giúp các chiến sĩ có giờ giao lưu thoải mái”.

Một trong những đơn vị nhiều lần tham gia các chuyến đi Trường Sa, Hoàng Sa, Nhà giàn DK1 là Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (Nha Trang - Khánh Hòa). Không chỉ có những ca sĩ, nghệ sĩ “gieo” tiếng hát mà còn có các nhạc sĩ sáng tác bài hát về biển đảo. 

Đoàn văn công Biển xanh hát giao lưu trên đảo Tốc Tan C.

Đầu năm 2018, đoàn cũng có một chuyến lưu diễn 12 ngày phục vụ các chiến sĩ. Là ca sĩ trẻ, Mỹ Hạnh cảm thấy tự hào vì được đem lời ca tiếng hát của mình phục vụ quân và dân đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, gặp gỡ thêm những người lính, người bạn mới, đây không chỉ là niềm tự hào riêng của bản thân chị mà còn là niềm tự hào chung cho các anh chị em nghệ sĩ khác. 

Hay nhạc sĩ Huỳnh Thúc Ngân khao khát được cống hiến những ca khúc hay để phục vụ vùng biển đảo, vùng sâu, anh đã từ bỏ nhiều nơi làm việc với điều kiện kinh tế tốt hơn để đầu quân cho Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. 

Anh Ngân tâm sự: “Kinh tế là quan trọng, nhưng được vắt hết sức sáng tạo của mình viết các ca khúc về biển đảo để phục vụ chiến sĩ và phục vụ hàng ngàn đồng bào vùng sâu còn quan trọng hơn”.

Còn nhớ, 20 người của Đoàn Văn công Quân khu 2 tham gia lưu diễn cùng Đoàn công tác số 1 ra đảo Trường Sa năm 2017 cho thấy sự say mê và lòng nhiệt thành của những nghệ sĩ. Họ dường như căng mình ra, khắc phục khó khăn, làm hết mức có thể để có thể cống hiến những tiết mục hay nhất cho quân và dân làm nhiệm vụ ngoài biển khơi. Nghệ sĩ Ngọc Quỳnh đã đảm nhiệm là người dẫn chương trình, hát, diễn kịch, giao lưu… 

Ở vị trí nào, chị Ngọc Quỳnh cũng rất chuyên nghiệp, tạo điểm tựa cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ cùng đoàn. Quỳnh chia sẻ: “Nhiều chiến sĩ trẻ hát giao lưu rất tốt bởi chất giọng, sự khỏe khoắn. Người dẫn chương trình làm tròn vai, sẽ giúp những buổi giao lưu thành công hơn, tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi để mọi người đều được vui vẻ”.

Nối dài những cánh tay

Không chỉ những thành viên của các đoàn văn công có các ca sĩ chuyên nghiệp, mà ở các đội văn nghệ xung kích ở nhiều cơ quan, đơn vị cũng có đội văn nghệ xung kích, sở hữu những giọng hát rất hay. Cùng Đoàn công tác số 14, ngoài Đoàn văn công Biển xanh còn các đoàn viên thanh niên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã chuẩn bị nhiều tiết mục đặc sắc. 

Nghe họ hát về biển, về sóng, về tình yêu quê hương đất nước mà thấm thía, truyền cảm. Các bạn trẻ đã tập luyện rất kỹ, hát nhiều lần một số bài như “Trái tim người chiến sĩ”, “Gần lắm Trường Sa”, “Tình em biển cả”, “Ước mơ chiến sĩ”...

Trước đó, cuối tháng 5-2016, Đội Văn nghệ xung kích (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa) cũng đến với Trường Sa. Mỗi thành viên Đội Văn nghệ xung kích đều cảm nhận được vinh dự lớn lao của mình. Hôm đó, trong câu hát của bạn Bùi Thanh Vy, tôi nghe thấy những lời vô cùng tha thiết: “Em đến thăm anh giữa trùng khơi mênh mông/ Em đến thăm anh nơi hải đảo xa xôi/…/ Nghe em hát lòng anh vơi đi nỗi nhớ/ Nỗi nhớ người lính đảo xa nhà/… Khi tàu em xa khuất chân trời tím/ Anh ngồi đây canh giữ biển trời/ Và anh vẫn hát, vẫn hát cùng em/ Khúc hát biển quê hương”. 

Ông Bùi Duy Thanh, Đội trưởng Đội Văn nghệ xung kích chia sẻ: “Có người trong đội từng ra Trường Sa 2 - 3 lần, có người mới đi lần đầu, nhưng ai cũng háo hức chuẩn bị, tập luyện. Ở những đảo nổi, đảo chìm chúng tôi đến, dù bên công sự, trước thềm nhà, trên sàn xi-măng nhỏ sát biển, các thành viên đội văn nghệ, bằng tình cảm của mình, đều biểu diễn hết mình”.

Quả thật, được hát bên cột mốc chủ quyền, dưới cờ Tổ quốc tung bay trong gió, có những ánh mắt chiến sĩ trẻ trung đang dõi theo, có các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” giao lưu là những cảm giác thật đặc biệt và khó diễn tả. Hôm mới lên tàu, chị Thanh Vy vẫn chưa quen với sóng gió, sức khỏe không tốt, phải nhờ các bác sĩ trên tàu 561 chăm sóc, vậy mà khi đặt chân lên các đảo: Cô Lin, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Đá Lớn… chị vẫn cháy hết mình.

Yêu ca hát, Thiếu tá Lưu Quang Sắc, Chính trị viên đảo Thuyền Chài B, bộc bạch, những người lính làm nhiệm vụ canh giữ đất trời cũng có rất nhiều tâm tư. Trong đó có nhu cầu đọc sách báo, thưởng thức văn nghệ, giao lưu. Mỗi lần có các đoàn công tác đến thăm, đơn vị đều cử chiến sĩ giao lưu nhiệt tình. Qua lời ca, tiếng hát, vừa để động viên tinh thần anh em chiến sĩ, vừa nối dài những cánh tay chia sẻ, yêu thương.

Hát giao lưu ở Nhà giàn DK1.

Còn Thiếu tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ: “Các anh chị ở mỗi đoàn công tác, các anh chị văn công vừa hát hay, diễn xuất giỏi vừa gần gũi, thân thương. Đối với chiến sĩ, đây là nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn lao, giúp chúng tôi thêm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”.

Chứng kiến sự xúc động của các chiến sĩ trẻ, sự rưng rưng của những người từ trong đất liền ra đảo, nhà giàn, tôi nhận thấy lời ca tiếng hát quan trọng thế nào đối với đời sống tinh thần các chiến sĩ. Bởi thế, có những chuyến đi thăm với điều kiện sóng to, người trên tàu không thể vào đảo, người trên tàu hát qua sóng bộ đàm phục vụ chiến sĩ trên đảo cũng như nhà giàn. 

Như hồi tháng 6-2017, khi đến thăm Nhà giàn DK1/14, các chiến sĩ được nghe những lời chúc qua sóng bộ đàm, được hỏi han, trò chuyện và nghe hát và hát tặng đoàn công tác cũng qua thiết bị này. Chiến sĩ Đỗ Chính Huy, quê ở Thanh Hóa đã hát bài “Tổ quốc gọi tên mình”. 

Dù nghe qua bộ đàm nhưng giọng anh Huy trầm ấm như át tiếng sóng biển ngoài kia đang dữ dội, làm ngất ngây các thành viên ở trong ca bin tàu. Ngoài boong tàu, nhiều thành viên đoàn dùng khăn vẫy theo nhịp hát, gửi gắm tình cảm yêu thương sang chiến sĩ bên kia nhà giàn đang vẫy cờ, dõi mắt ngóng sang tàu. Đó là khung cảnh thân thương, gần gũi đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Trong gian khó, điều kiện khắc nghiệt, câu ca vẫn vút  bay trên sóng...

Diên Khánh
.
.
.