Những nẻo đường thẩm lậu: Hàng lậu 'online'

Thứ Năm, 02/07/2015, 15:30
Không phải chi phí thuê mặt bằng mở cửa hàng, cũng không phải trả lương nhân công đứng bán và các khoản tiền điện nước hằng tháng, lại được "mua gốc, bán ngọn", nên việc kiếm tiền từ những gian hàng online trên Facebook và các trang thương mại điện tử… đã trở thành một xu thế tất yếu, một nghề tay trái vô cùng hấp dẫn dân công sở hiện nay. Hàng hóa bán trên mạng xuất xứ từ đâu, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra. Từ những tiết lộ của "người trong cuộc", chúng tôi giật mình bởi sự hiện diện công khai của hàng hóa nước ngoài nhập lậu trên thị trường nội địa.
>> Kẽ hở 'voi' chui lọt
>> Những nẻo đường thẩm lậu: Theo dấu 'xuồng bay'
Làm giàu từ facebook

Dạo Facebook, thấy nhan nhản những tài khoản bán hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng. Trên mạng Internet, cả ngàn trang bán hàng online vẫn cần mẫn hoạt động bất kể ngày đêm. Bên dưới những hình ảnh bắt mắt, là thông tin sản phẩm và giá cả.

Khách tha hồ lựa chọn các mẫu mã sản phẩm và mức giá phù hợp với túi tiền của mình. Khi đã "chấm" mặt hàng nào đó, việc còn lại là click vào mục "Giỏ hàng" và chọn phương thức thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Lan - một chủ trang Facebook bán hàng thời trang khá đắt khách ở Hà Nội cho biết: "Căn cứ vào địa chỉ của khách, nếu ở tại khu vực Hà Nội, chúng em sẽ cho người giao hàng tận nơi, xong mới nhận tiền. Còn với khách ở tỉnh ngoài, sẽ gửi hàng theo xe khách đến đúng địa chỉ, khách phải chịu phí "ship" (chuyển-PV) hàng. Tất nhiên, với khách xa đều phải trả tiền trước thì mới giao hàng, chứ ai dám "thả gà ra đuổi". Lan kể, cô mới kinh doanh hàng hóa trên Facebook được 3 năm mà đã đủ tiền mua một căn chung cư tại phố Trung Kính (Hà Nội).

"Bình quân mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí, từ việc thuê nhân viên "Sale online", kho chứa hàng, điện nước, phí vận tải… em bỏ túi "tròm trèm" 1,5 tỷ đồng. Mà đấy mới chỉ là bán hàng trên Facebook cá nhân, chứ nếu lập website bán hàng trực tuyến, làm ăn ở quy mô công ty thì lãi suất còn cao gấp bội".

Nghe chuyện, tôi bảo Lan: "Em cứ "nổ", chứ bán hàng lặt vặt trên Facebook, làm gì mà doanh thu lớn như vậy!". Tỏ ra bức xúc vì bị nghi ngờ, trong lúc hăng hái chứng minh điều mình nói là thật, Lan đã lộ ra một thông tin: "Anh không biết đấy thôi, hàng bán trên mạng hầu hết là hàng nhập lậu. Chúng em "mua gốc, bán ngọn".

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT phát biểu tại hội nghị "Đẩy mạnh thực thi pháp luật trong thương mại điện tử".

Ví như một cái đôi giày thời trang "Fake" (hàng nhái-PV), mua bên Trung Quốc quy ra tiền mình chỉ 7 trăm nghìn, em bán lẻ trên Facebook từ 3 đến 4 triệu, bán buôn với số lượng lớn cho các đầu mối trong nước cũng tầm 2,5 triệu/đôi. Lãi gấp ba, gấp bốn là chuyện bình thường, lại chẳng phải chịu bất cứ khoản thuế nào sất, chỉ mỗi tiền công vận chuyển. Thế không "ăn" mới là lạ!".

Thấy tôi vẫn giữ vẻ mặt "bán tín, bán nghi", Lan nổi cáu, bèn nói một mạch không nghỉ: "Này nhé, hàng bán trên Facebook hay các trang mua bán trực tuyến, chủ yếu là hàng Tàu. Cứ quảng cáo bừa là hàng Mỹ, hàng Ý, Nhật… Tàu cả đấy anh ạ!. Bên đấy cung cấp đủ thứ hàng, "thượng vàng, hạ cám" đủ cả.

Hàng "Fake" các thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng được chia thành mấy cấp độ, như hàng "Fake", hàng "siêu Fake". Nếu để hàng "xịn" bên cạnh đồ Tàu "siêu Fake", em đố anh nhận ra đâu thật, đâu giả. Trên các trang mạng Trung Quốc, nhà sản xuất giới thiệu hàng vạn catalog sản phẩm. Chỉ cần biết tý tiếng Trung là biết cách vào khai thác.

Ngày nào em cũng lang thang trên các siêu thị online của họ, tìm ra những sản phẩm có thể thích hợp với thị hiếu của thị trường Việt Nam, rồi tải về Facebook của mình để quảng cáo. Khách xem hàng thấy đẹp đặt mua, em sẽ yêu cầu họ trả tiền trước vào tài khoản cá nhân. Vì em đã làm uy tín mấy năm nên khách rất tin tưởng.

Sau khi nhận được tiền, em "order" (đặt lệnh mua-PV) với các công ty Trung Quốc. Mỗi lần đặt phải vài trăm đơn vị sản phẩm. Họ cũng yêu cầu trả trước, nhưng cách làm rất chắc chắn. Bọn em thường chuyển tiền cho một công ty trung gian rất có uy tín trong thanh toán quốc tế của Trung Quốc là hãng "Alibaba".

Tiền gửi vào đây thực sự yên tâm, vì công ty chỉ "giải ngân" vào tài khoản bên bán sau khi bên mua báo đã nhận được hàng và không có khiếu nại trong vòng 3 ngày. Hàng bọn em đặt mua được nhà sản xuất Trung Quốc chuyển đến ký gửi tại kho thương mại ở Bằng Tường (Quảng Tây).

Sau khi hàng đã về kho, sẽ có bọn ở Lạng Sơn (bọn em hay gọi đùa là các "Tiêu cục", kiểu Tiêu cục Phúc Uy trong truyện chưởng Kim Dung) chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó qua biên giới và đưa về Hà Nội. Nhận được hàng mới thanh toán tiền cước, mất hàng "Tiêu cục" sẽ phải đền. Làm ăn bao năm nay nên mọi khâu đều rất "quy lát", chúng em không phải lo lắng gì".

"Thế hàng của bọn em có phải nộp thuế nhập khẩu không?" - tôi tò mò. Lan bĩu môi: "Phải nộp thì chả còn được mấy. Hàng đó qua biên giới cách nào em không rõ, nhưng không có thủ tục hải quan". Đến đây thì tôi đã hiểu. Đó là hàng nhập lậu, bằng cách nào đó đã vượt qua biên giới để vào Việt Nam và hiện diện tràn lan trên các trang bán hàng online và các tài khoản Facebook cá nhân.

Cũng chính vì không phải chịu bất cứ khoản thuế nào, từ thuế nhập khẩu (vì là hàng lậu), đến thuế bán hàng… nên lợi nhuận thu được từ việc bán hàng online của những người như Lan là khá cao. Điều đó có sức hấp dẫn lớn với "cư dân mạng". Còn gì thú vị bằng trang Facebook của mình lại tạo ra dòng tiền không nhỏ đổ vào tài khoản mỗi ngày.

Bán hàng trên mạng, cái người ta cần chỉ là một máy tính, hoặc đơn giản hơn là một Smart phone (điện thoại di động) có kết nối mạng. Chẳng phải mất chi phí mặt bằng mở "shop" (cửa hàng), thuê nhân viên đứng bán, lại tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi… nên bán hàng online đã trở thành một xu hướng tất yếu hiện nay.

Bát nháo website bán hàng

Những trang web bán hàng online hiện nay nhiều đến mức không cần bước chân ra khỏi nhà, chúng ta cũng có thể mua bất cứ sản phẩm thiết yếu nào cho cuộc sống. Bên cạnh vô số trang chỉ niêm yết số điện thoại di động để liên hệ, chứ không có địa chỉ của đơn vị chủ quản, không đề tên người bán cũng như các chính sách sau bán hàng…, cũng có những website ghi rõ thuộc quyền quản trị của công ty nào, ở đâu.

Đơn cử như trang "Sieuthihanghoa" thuộc sở hữu của Công ty CP Truyền thông ĐT&PT công nghệ Việt Nam; trang "Thoitrangthegioi"... chuyên kinh doanh các sản phẩm về kính mắt thời trang, dây lưng, ví da, túi xách... niêm yết thông tin trụ sở chính đặt tại tòa nhà HITC, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Vẫn theo "bật mí" của Lan, đa số sản phẩm trên các trang web của nhiều công ty bán hàng trực tuyến có cùng "tính chất" như hàng mà cô đang bán trên Facebook cá nhân. Tức là "đừng hỏi về hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Phần lớn là hàng Trung Quốc nhập lậu, chất lượng chẳng thể kiểm định".
Các gian hàng online trên Facebook.

Theo địa chỉ niêm yết trên website "Thoitrangthegioi", PV đã tìm đến tòa nhà HITC, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, nhưng tại đây tuyệt nhiên không thể tìm thấy công ty nào là chủ quản của trang web này. Liên hệ với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT, thuộc Bộ Công Thương) để xác minh, được biết chủ trang "Thoitrangthegioi" không có đăng ký hoạt động với đơn vị này. Đây là tình trạng khá phổ biến của nhiều website bán hàng trực tuyến. Thông tin niêm yết trên mạng nhìn qua thì có vẻ công khai, minh bạch, nhưng đến tận nơi tìm hiểu lại "vỡ lẽ" ra những sự thật khác.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối Thương mại Điện tử của Công ty CP Truyền thông Việt Nam (VCcorp), cho biết: "Khi lượn qua nhiều fanpage bán hàng, có thể thấy nhiều trang chỉ để mình số điện thoại liên hệ, không có địa chỉ cụ thể, không biết tên người bán cũng như các chính sách sau bán hàng, điều này gây rủi ro rất lớn đối với người mua, khi xảy ra sự cố rất khó để có thể khiếu nại, khiếu kiện hay để các cơ quan chức năng quản lý".

Luật liệu có "hổng"?

Theo nguyên tắc Luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, điều này xem chừng không thống nhất với tinh thần của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 của Bộ Công Thương (có hiệu lực từ ngày 20/1/2015) hướng dẫn thi hành Nghị định số 52 /2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).

Theo giải thích của Cục TMĐT & CNTT - Bộ Công Thương thì Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định chỉ những người bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT mới phải nộp thuế. Nếu bán hàng trên mạng xã hội, mà tại đó có một trong các hình thức hoạt động như: a) cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; b) cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; c) có chuyên mục mua bán cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ... mới phải đăng kí với Bộ Công Thương (cung cấp đầy đủ tên, địa chỉ, giấy chứng nhận ĐKKD...) và thực hiện nghĩa vụ thuế. Việc kê khai thuế, cách thức thu thuế, mức thuế, loại thuế… được áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế và quản lí thuế.

Như vậy, cùng là kinh doanh, thu lợi từ việc mua bán hàng hóa, nhưng những cá nhân bán hàng trên Facebook sẽ không phải kê khai, nộp thuế. Mặt khác, chế tài xử phạt đối với các hành vi buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng lậu… áp dụng theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, chỉ dành cho các chủ sở hữu mạng xã hội có hoạt động dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT.

Còn hiện nay, chưa có bất kỳ một cơ chế nào để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa tại các tài khoản Facebook cá nhân. Đồng nghĩa với những nguy cơ bị lừa đảo hay mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là rất cao. Thả nổi hoạt động này, còn "tạo cửa" cho hàng lậu hoành hành trên thị trường nội địa.(Còn nữa)

Nhóm PVĐT
.
.
.