Những ngăn tủ mang khát vọng của người đồng tính

Thứ Hai, 23/03/2015, 07:00
Một chú gấu nhàu nát, cũ kỹ, một bộ đồ trang điểm, một chiếc áo dài, hay giản đơn chỉ là một gói thuốc tránh thai. Những đồ vật đời thường ấy trở thành những câu chuyện kể về cuộc đời người đồng tính. Đó là những bí mật được giấu kín trong những ngăn tủ, lần đầu tiên được mở tại triển lãm "Những ngăn tủ".

Tự sự của những ngăn tủ

80 ngăn tủ, 80 câu chuyện được kể bằng những nỗi đau, những uẩn khúc không dễ sẻ chia của những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Họ, ở nhiều lứa tuổi, nhiều vùng quê khác nhau, nhưng đều có chung một khát vọng được sống là chính mình. Và để được sống là mình, họ đã phải đối diện, trải qua rất nhiều những đớn đau, bầm dập.

Ngăn tủ của Nắng.

Ngăn tủ của Nắng, có mấy khuy áo và một chú gấu bông nhàu nhĩ. Nắng bị bố mẹ coi như là đồ bệnh họan và xích em ở nhà. Tất cả những đồ vật yêu thích của Nắng đều bị bố mẹ bỏ đi, bắt em sống theo cách họ nghĩ, bắt em là con trai. Những uất ức, đau đớn ấy khiến Nắng bị trầm cảm. Em dùng dao lam tự cứa vào tay mình như một cách để giải tỏa nỗi đau. 

Nắng viết: "Chuyện xảy ra vào một ngày năm 2009, khi bạn trai đến chơi. Thấy không có ai, bạn đã ôm và hôn em. Không ngờ, bố về và nhìn thấy cảnh đó. Bố đuổi bạn và chửi em là đồ bệnh hoạn. Bố nói con trai không được giữ mấy món đồ con gái và ném tất cả ra ngoài. Em đi tìm và chỉ thấy hai cái này nằm trên bờ.

Em yêu mấy cái móc khóa này, hay đeo vào cặp sách, trên móc có các hình diễn viên Hàn Quốc mà em thần tượng. Chiếc quần màu xanh ưa thích của em cũng bị cắt, vì bố nói con trai không được mặc những bộ quần áo lòe loẹt này. Lúc bố chửi, mẹ cắt các đồ vật ưa thích của em. Mẹ cắt cổ và chân con thú bông. Kéo cùn nên cắt mãi không đứt. Sau đó mẹ ném nó ra đường. Em phải đợi đến khi nhà không có ai để ý mới đi nhặt nó về. Nó bẩn lắm vì hôm đó trời mưa, bị xe cộ cán lên".

Ngăn tủ của Cathy chỉ có mấy viên thuốc tránh thai.

Còn ngăn tủ của Cathy, sinh năm 1987, ở Sài Gòn, chỉ có những viên thuốc ngừa thai. "Đây là loại thuốc đắt tiền và có tác dụng tốt hơn các loại khác. Em uống 2-3 viên mỗi ngày, uống để giữ ngực nguyên dáng, không bị xẹp xuống. Giá một vỉ hơn 100 ngàn đồng, dùng thay cho tiêm hoóc môn vì em nghe nói dùng hoóc môn nhiều không tốt".

Hầu hết những người đồng tính đều không được xã hội chấp nhận, thậm chí bị kỳ thị. Họ phải bằng nhiều cách, lần mò để được sống là mình, bất chấp những nguy cơ rủi ro về sức khỏe, bệnh tật. 

Chị Đinh Thị Nhung, một thành viên của dự án chia sẻ: "Cuộc triển lãm diễn ra, có nhiều bạn đã mất. 6 năm trời đi thu thập đồ vật, trò chuyện với họ, tôi nhận ra, cuộc sống không phải là một con đường thẳng mà có nhiều lựa chọn, nhiều cách để đi. Rất nhiều bạn trong cộng đồng LGBT đã trở thành những người sống tử tế, tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện của cộng đồng".

Mộng, từng đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi sắc đẹp của người đồng tính. Em không có nhu cầu thay đổi giới tính, em hài lòng với cuộc sống của mình. Ngăn tủ của Mộng là bộ váy và những bức ảnh ngày Mộng đăng quang hoa hậu. "Lúc còn nhỏ, mỗi lần nghe hàng xóm mách "con bà pê đê", mẹ điên tiết đánh tôi rất đau. Với bà, pê đê là một thứ nhục nhã.

Câu chuyện của Mộng.

Mẹ đánh, xát muối vào chỗ đánh và chửi: "Phải chi không sinh ra mày mà sinh cái trứng gà, trứng vịt". Lớn lên, nhiều đứa bằng tuổi tôi dính vào ma túy, vào tù ra tội. Đó là con của những gia đình từng chế nhạo tôi. Hàng xóm và mẹ chứng kiến cảnh tôi đi làm từ thiện, tổ chức trung thu cho những em xóm nghèo tôi ở. Những miệt thị bớt đi, mẹ cũng dần chấp nhận. Vài năm trước, tôi ngạc nhiên khi mẹ rủ tôi đi chọn vải may đầm. Tôi vẫn nhớ lúc mẹ nói ở chợ: "Mua vải cho con gái tôi, nó đây này".

Và nỗi đau đồng tính

Nhưng có lẽ không có nhiều người may mắn như Mộng. Hầu hết những người đồng tính đều không được xã hội chấp nhận. Thậm chí, họ bị kỳ thị, bạo hành. Những nỗi đau, có thể không đến từ xã hội, mà đến ngay từ những người thân yêu của họ, từ bố mẹ, anh chị, những người không thể chấp nhận sự thật rằng, con họ thuộc thế giới thứ 3.

Điều ám ảnh tôi khi bước vào triển lãm này là 16 bức tranh do chính các bạn trong cộng đồng LGBT tự làm để kể câu chuyện của mình. 16 bức tranh, 16 cuộc đời, 16 nỗi đau. Ở đó có cả quá khứ, hiện tại và có cả khát vọng về tương lai tươi sáng của họ.

Những bức tranh về nỗi đau đồng tính.

16 con người ấy, từ nhiều vùng quê khác nhau, đã đến một nơi rất xa, nơi không ai biết về họ, để được sống đúng là mình. Ở đó, họ biết mình là ai. Họ có thể mặc chiếc váy mình yêu thích, có thể khóc, cười, có thể trang điểm như cách họ muốn. Và ở đó, họ có thể kể câu chuyện của mình. Họ nằm dài trên cát, theo cách họ muốn, kẻ ôm gối, người nằm thẳng, dang tay, người bịt tai… Họ dựng lại con người mình ở những tư thế khác nhau như thế. Và trên đó là cuộc đời họ, những cuộc đời đẫm nước mắt, thương tâm.

Bức tranh của Tường Vi là một con chim phượng hoàng lửa đầy kiêu hãnh. 15 tuổi, Vi đã phải đối diện với tất cả, khi cuốn nhật ký em viết về người bạn thân mà em yêu thương bị các bạn lấy trộm và đưa cho cô giáo. Em bị cô giáo sỉ nhục, bố mẹ xích chân ở nhà, và bị chính người bạn thân của mình quay lưng.

15 tuổi, chúng ta sẽ đối diện với những câu chuyện đó như thế nào? Còn với Tường Vi: "Dường như nỗi đau quá khứ khi bị bạn bè chế giễu, đánh đập và cảm giác ê chề khi cô giáo đọc nhật ký của em trước lớp vẫn còn ám ảnh em mỗi khi em nhớ lại câu chuyện xảy ra khi em mới 15 tuổi. Nhưng sự đau đớn ấy không thể trói buộc em, cũng như không thể ngăn cản em sáng tạo. Em muốn mình như loài chim phượng hoàng lửa, đầy kiêu hãnh và có khả năng tái sinh". 

Giờ Vi là thành viên của một nhóm giáo dục về đồng tính ở Sài Gòn, em cũng thường tham gia các show diễn thời trang, sống kiêu hãnh như cách Vi vẽ về cuộc đời mình.

Vẫn còn những ngăn tủ để trống.

Tranh của Tiểu Nhật là hình người bịt tai. Em không muốn nghe tất cả những lời đàm tiếu về mình. "Khi chuyện tình cảm của em bị phát hiện, em bị đưa đi viện tâm thần. Chỉ đến lúc mình nhận sai và cam kết không yêu con trai, em mới được trở lại trường. Nỗi phẫn uất khi đến lớp bị bạn bè trêu chọc, đánh và dọa nạt vì dáng vẻ thư sinh, em đã dùng rất nhiều cách khiến mình đau đớn để có thể quên đi nỗi đau".

Rất nhiều câu chuyện đã được giấu kín sau những ngăn tủ bí mật đã được kể như thế. Những nỗi đau bị dồn nén. Những bất ổn chất đầy. Những  khao khát âm ỉ cháy. Mở những ngăn tủ bí mật, là cách chúng ta chia sẻ, đón nhận cộng đồng LGBT, để họ được sống là mình và sống tích cực cho cộng đồng.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên:

"Trong cuộc đời mỗi người đều có những ngăn tủ để cất giữ bí mật. Nó không dễ dàng mở ra vì hiểm nguy, rủi ro, khi số đông sẵn sàng "ném đá" và kỳ thị với những ai, với những gì khác với nguyên tắc. Những nỗi đau khổ bị giấu kín nhưng những bất mãn âm ỉ, những khát khao âm thầm vẫn cháy. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và bất ổn nếu cứ bị đóng mãi trong ngăn tủ. Và hôm nay, chúng tôi tạo cơ hội để những ngăn tủ đó của các bạn trong cộng đồng LGBT được mở ra".

Chị Đinh Thị Nhung, thành viên Ban biên tập nội dung chia sẻ về thiết kế độc đáo của triển lãm:

"Những ngăn tủ" được trưng bày theo bốn chủ đề: Bản sắc, Nỗi đau, Niềm tự hào và Chia sẻ, nhưng các chủ đề đều hòa quyện vào nhau và không có vách ngăn giữa các chủ đề. Tính tương tác trong triển lãm là rất lớn. Bởi những vật trưng bày sẽ được đặt trong lồng kính và để biết câu chuyện của những hiện vật này, người xem sẽ phải tự tay kéo những ngăn tủ phía dưới. Chỉ khi tự mình khám phá, người ta mới thấy, mới biết rồi dần thấu hiểu về cuộc sống của cộng đồng LGBT".

Triển lãm Những ngăn tủ được trưng bày tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày 31/3/2015.

Việt Hà
.
.
.