Những người bảo vệ sao la trên đỉnh Trường Sơn

Thứ Tư, 24/06/2020, 16:11
Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam có hệ sinh thái rừng nhiệt đới với hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là những loài quý hiếm trong Sách đỏ thế giới như sao la, mang Trường Sơn, thỏ vằn,…


Để ghi nhận thông tin, bảo tồn loài sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các thành viên Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam đã ngày đêm ăn ngủ tại rừng, trong số họ đã có nhiều người gắn bó hơn 1 thập kỷ với rừng sao la.

Bảo vệ "kỳ lân châu Á"       

Một ngày trời mưa dông, sau khi chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi rừng từ nhu yếu phẩm, tư trang cho đến các thiết bị đặt bẫy ảnh, gỡ bẫy, bảo tồn sinh vật, các thành viên Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam dẫn chúng tôi băng theo một con đường mòn giáp với đường Hồ Chí Minh để vào tiểu khu 14 (xã Bhalee, huyện Tây Giang).

Lội theo những con dốc thẳng đứng, suối sâu chúng tôi mới vào được vùng lõi Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam. Khi vào tới vùng lõi tiểu khu 14, đoàn dừng lại khu vực bờ suối nghỉ ngơi. Anh Lê Ka Thắng, nhân viên BQL Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam cùng 3 người khác nhanh chóng mang bẫy ảnh vào đặt trong rừng. 

Trong rừng già, anh Thắng cùng các thành viên không cần đến bản đồ, la bàn, vì đã quen thuộc với khu rừng nơi đây. Anh Thắng cho biết, mỗi bẫy ảnh đặt cách nhau 2km. Vị trí đặt bẫy ảnh là nơi có ít cây mọc và có một khoảng không gian để cho camera chụp hình khi con vật đi ngang qua.

Nhân viên Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam tuần tra, gỡ bẫy trong Khu bảo tồn.

Để có thể chụp được hình ảnh một con sao la cao khoảng 90cm, sau khi bắt bẫy ảnh vào thân cây, anh em phải bò xuống đất và bò quay bẫy ảnh để chỉnh bẫy ảnh. Khi nhận thấy bẫy ảnh hoạt động tốt rồi tiếp tục khóa bẫy ảnh lại. 

Anh Thắng cho biết, bẫy ảnh hoạt động bằng pin nên cứ 2 tháng sẽ thay pin một lần, số pin này được thu gom và đưa về Văn phòng BQL Khu bảo tồn loài sao la xử lý để tránh ô nhiễm môi trường. "Lịch trình là như vậy nhưng vài ngày phải đi kiểm tra xem có người phá, xê dịch hoặc lá cây rụng xuống che khuất", anh Thắng nói.

Sau nhiều năm không ghi nhận thêm thông tin mới, giới nghiên cứu bảo tồn tưởng chừng sao la đã tuyệt chủng. Nhưng điều bất ngờ đã đến khi ngày 27-9-2013, chiếc bẫy ảnh chụp được một bức ảnh đen trắng con sao la đang đi ăn. 

Tấm ảnh đen trắng từ máy ảnh cảm biến của BQL Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam đã giúp Việt Nam chính thức tái phát hiện sao la qua bẫy ảnh tại vùng rừng sâu của tỉnh Quảng Nam.

Một con thú rừng được giải cứu - Ảnh: Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam.

Gỡ bẫy cứu thú rừng

Ông Lê Hoàng Sơn, Phó Giám đốc Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam, cho biết từ ngày thành lập khu bảo tồn đến nay, các chuyên gia nước ngoài đánh giá sinh cảnh của sao la dần phục hồi và tốt lên. 

Tần suất xuất hiện một số loài thú quý hiếm nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chịu sự tác động bởi người dân địa phương và người từ các nơi khác đến khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã.

Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la thành lập các tổ tuần tra rừng, ngày đêm ăn ngủ với rừng, đi tuần tra, gỡ bẫy cứu động vật, bảo tồn các hệ sinh thái rừng và tất cả các loài động vật hoang dã.

"Công tác bảo vệ của chúng tôi là hoàn toàn chuẩn bị trước và thiết lập các đội tuần tra. Hiện chúng tôi có 6 tổ tuần tra. Mỗi tổ vào rừng 2 lần/ tháng, đảm bảo ngày công từ 14 đến 16 ngày đi tuần tra. 

Công việc tuần tra của nhóm là đi kiểm tra và tháo dỡ những cái bẫy của thợ săn đặt săn bắt thú, thu thập tất cả những dấu hiệu của động vật, thu mẫu vắt, thu phân để về phân tích ADN để biết đó là những loài gì", ông Sơn nói.

Cuối giờ chiều dừng chân tại bờ suối ở tiểu khu 14, tổ bảo vệ rừng nhanh chóng dựng trại, nấu ăn để nghỉ qua đêm. Lán bạt tạm được dựng lên giữa rừng. Đêm, dưới anh đèn pin mập mờ, mấy anh em bảo vệ rừng quây quần bên nhau, họ chia sẻ những câu chuyện cũng như kinh nghiệm đi rừng cho nhau.

Cán bộ BQL Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam lắp đặt bẫy ảnh.

Anh A Ting Đông (35 tuổi, đồng bào Cơ Tu, thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang) tâm sự, anh vào Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam đã gần 10 năm. Anh không nhớ hết mình đã tham gia gỡ bao chiếc bẫy. Những chuyến đi có thể gỡ đến hàng trăm bẫy do người dân lén lút đặt.

"Người dân ở vùng núi chủ yếu làm bẫy bằng dây phanh xe máy, các cách đặt bẫy mỗi vùng khác nhau. Trước đây họ thường làm theo một hàng bẫy, cứ 5m đặt một cái, có khi tới vài trăm cái. Những năm gần đây, lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên đi kiểm tra và gỡ bẫy nên người dân đã "cảnh giác", họ đặt bẫy lẻ tẻ vài cái và hạn chế đặt theo đường đi. Nhiều lúc lực lượng bảo vệ rừng cắt đường rừng mới gặp bẫy", anh Đông kể.

Ngày thứ 2 trong vùng lõi, dọc theo những con đường mòn có những chiếc bẫy rút do một số người dân đi rừng để lại, nhóm bảo vệ rừng tiến hành phá, gỡ bẫy. Tại vùng lõi rừng đặc dụng sao la Quảng Nam, nhóm bảo vệ rừng phát hiện 3 chiếc bẫy do người dân đặt được làm bằng cây rừng và  dây phanh xe đạp. Những chiếc bẫy này chỉ mới đặt vì dấu đất đào rất mới.

"Mình phá bẫy bà con cũng nói, nhưng nhiệm vụ mình thì phải làm. Người dân không thích anh em chặt cây cần bẫy. Nhiều lúc trong làng có người chết cũng bị đổ thừa do anh em chặt phá bẫy. Những khu vực nào chặt cần dân họ không dám đi nữa. Trường hợp tháo dây thì bữa sau họ làm lại, những vị trí chặt cần thì không dám làm. Ngoài đường cũng nghe tiếng ra tiếng vào. Dân làng có người đau ốm thì họ bắt đền", anh Đông tâm sự.

Hình ảnh con sao la được ghi lại qua bẫy ảnh tại Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam năm 2013 - Ảnh: Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam.

Ngoài gỡ bẫy thú rừng, một nhiệm vụ quan trọng không kém của các thành viên Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la là ghi nhận càng nhiều thông tin về các loài động vật quan trọng trong khu rừng càng tốt. Vì vậy, các anh luôn đi cắt rừng để đi thật xa để… bắt nhiều loại vắt rừng, thu phân để về phân tích ADN để biết đó là những loài gì.

Ngoài thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, BQL Khu bảo tồn loài sao la cũng tăng cường việc áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ vào tuần tra, bảo vệ rừng. Dù có những chuyến đi hơn 1 tuần lễ mới ra khỏi rừng, một ngày xa nhất cũng hơn 10km. Mặc cho những lúc ăn rừng, ngủ bờ suối và những cơn mưa chiều dông sét, mắc lũ giữa mùa mưa với họ như mảnh ký ức không bao giờ quên.

Hà Vy - B.An
.
.
.