Những người cứu dân ra khỏi bóng tối u mê

Thứ Tư, 25/02/2015, 13:00
Đến Tây Nguyên, nghe chuyện cứu dân thoát khỏi cơn mê tà đạo, mới thấy ngỡ ngàng trước những điều các chiến sỹ Đội an ninh - Công an TP Kon Tum đã làm được, vì bình yên trên dải đất cao nguyên hùng vĩ.

Hà Mòn - một xã hẻo lánh ở huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum,  từ năm 1999 đột nhiên được nhắc tới như "thánh địa" của một "tôn giáo" mới, thường gọi là "đạo Gyin", "Công giáo Đề ga" hay "đạo Hà Mòn". Vị "giáo chủ" là bà Y Gyin (sinh năm 1942, người Ba Na Rơngao). Tuy theo Công giáo, nhưng Y Gyin lại hành nghề cúng bái và có khá nhiều "con nhang, đệ tử". Trong một lần hành nghề, bà ta "nổ" rằng mình đã nhìn thấy Đức mẹ Maria hiện hình trên nóc nhà vào đêm 20/12/1999.

Thấy câu chuyện ly kỳ, có thể tận dụng để kiếm tiền, đám "đệ tử" ruột như A Hờ Dung, A Tách, A Tik, Y Kach, A Níp... lập tức thêu dệt thành chuyện bà Y Gyin được Đức mẹ nhập vào để sáng lập ra một tôn giáo mới. Dựa trên những giáo lý, giáo luật và các tín điều của Thiên Chúa giáo (phần nói về Đức mẹ Maria), nhóm này bắt tay vào việc biên soạn các tài liệu như "Thông điệp Đức mẹ hiện hình"; "Sứ điệp Đức mẹ Maria"… với những điều mê tín, lừa mị. Theo đó, tín đồ "đạo Hà Mòn" không phải đến nhà thờ, mà tụ tập theo nhóm để đọc kinh, cầu nguyện và dâng hoa tại nhà riêng của nhóm trưởng. Về cách thức hành lễ cũng bắt chước nghi thức của Công giáo.

Để thu hút tín đồ, họ phao tin: "Chỉ cần tin vào Đức mẹ, tôn kính Đức mẹ thì sẽ được Đức mẹ dẫn dắt đến với Chúa Giê su nhanh hơn. Nếu siêng năng dâng hoa, cầu nguyện và đọc "kinh Đức mẹ" thì cuộc sống sẽ tốt đẹp, đủ đầy, không làm cũng có ăn, bị ốm đau, bệnh tật không chữa cũng khỏi, thậm chí cả nợ ngân hàng cũng được trả hết"!.

Đội An ninh - Công an TP Kon Tum vận động người dân từ bỏ tà đạo.

Những hứa hẹn đậm màu sắc huyễn hoặc, nhảm nhí, nhưng lại có chỗ đứng ở những địa bàn khó khăn, dân trí lạc hậu. Tà đạo này từng bước bám rễ ở các buôn làng trong vùng, sau lan ra các tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk. Tính đến khi bị vạch trần, nó đã thu hút được gần 4 nghìn người, ở 11 huyện trên địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk tham gia.

Từ ngày theo "đạo Hà Mòn", nhiều người đã bỏ bê lao động sản xuất để tụ tập cầu kinh. Đồng tiền ít ỏi có được, họ phải quyên góp cho bọn sừng sỏ khiến kinh tế gia đình ngày càng sa sút, kiệt quệ. Khi có bệnh, thay vì đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, họ lại ở nhà cầu nguyện, dẫn đến nhiều hậu quả thương tâm.

Trẻ em trong các gia đình này bỏ học rất nhiều, như tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối tháng 4/2012 đã có 113 học sinh các cấp bỏ học. Trong sinh hoạt, họ không tham gia các phong trào của làng, xã, mà thường tách thành nhóm riêng biệt. Vì vậy có nơi đã xảy ra mâu thuẫn giữa tín đồ "đạo Hà Mòn" với giáo dân và người không theo đạo. Mặt khác, những người này thường bất chấp các quy định của nhà nước, như tổ chức đám cưới không đăng ký kết hôn, không đi nghĩa vụ quân sự, chống đối khi chính quyền cơ sở triệu tập làm việc. Bọn cầm đầu, cốt cán thường vắng mặt bất thường, lôi kéo tín đồ rời khỏi địa phương làm ảnh hưởng ANCT, TTATXH trên địa bàn.

Ông A Khưm (ở buôn Kon Drai, xã Đăk Bla, TP Kon Tum) phát biểu khi từ bỏ tà đạo Hà Mòn.

Nhận thấy cơ hội phát triển của tà đạo Hà Mòn, bọn Fulro và các tổ chức phản động bên ngoài đã móc nối với các đối tượng cầm đầu, lập ra bộ khung "Hà Mòn Tây Nguyên", phân công người phát triển "điểm nhóm Hà Mòn". Mục tiêu là nhân rộng tà đạo này để buộc nhà nước phải công nhận đó là một "tôn giáo riêng", từ đó tập hợp lực lượng nhằm chống phá chính quyền nhân dân. Trước mắt, chúng tuyên truyền kích động tư tưởng ly khai, tự trị, gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc trong khu vực, giữa các tín đồ tôn giáo… để gây mất ổn định về an ninh chính trị trên địa bàn.

Khi tôi đến Tây Nguyên, công cuộc cứu dân ra khỏi sự u mê của tà đạo Hà Mòn kết thúc chưa lâu. Những điều mà Đội An ninh - Công an TP Kon Tum đã làm, đại diện cho những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng An ninh ở khắp dải cao nguyên trung phần, trong cuộc chiến đấu với các thế lực thù địch, phản động núp dưới chiêu bài dân tộc, tôn giáo.

Kon Tum là địa bàn khởi phát, vùng "lõi" của tà đạo Hà Mòn. Trước những tác hại mà nó gây ra trong đời sống người dân và ANCT, TTATXH trên địa bàn, Đội An ninh - Công an TP Kon Tum đã có những cách làm sáng tạo trong thực hiện chủ trương giải quyết vấn đề xã hội phức tạp này.

Khác với lực lượng Cảnh sát đấu tranh với tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy… trận tuyến là rõ ràng, ở lĩnh vực an ninh, không đơn giản việc phân định ranh giới địch - ta. Ngoài những đối tượng sừng sỏ cần kiên quyết đấu tranh, còn lại là người dân. Vì lạc hậu, thiếu hiểu biết và bị lợi dụng, ép buộc, dụ dỗ, lừa phỉnh… mà họ đi theo tà đạo, vô tình tiếp tay cho các thế lực phản động. Với họ, cần sự cứu giúp chứ không phải là trừng phạt. Công cuộc về với dân của lực lượng An ninh TP Kon Tum đã bắt đầu từ nhận thức ấy.

Thiếu tá Nguyễn Thành Đông (Đội trưởng Đội An ninh-Công an TP Kon Tum).

Thiếu tá Nguyễn Thành Đông (Đội trưởng Đội An ninh - Công an TP Kon Tum) nhớ lại: "Chúng tôi xác định bằng mọi cách phải làm bà con trót theo tà đạo nhận thức được đâu là niềm tin tôn giáo, đâu là mê tín dị đoan, thế nào là bị lợi dụng và tác hại của tà đạo với mỗi gia đình như thế nào. Để làm được điều đó, chỉ có thể bằng phương pháp vận động, giáo dục, thuyết phục.

Tuy nhiên, thay đổi suy nghĩ của một người đã khó, ở đây chúng tôi buộc phải làm cuộc thay đổi một đức tin mù quáng cho hàng trăm con người. Đó là việc vô vàn khó khăn. Chưa hết, họ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, bấy lâu đã sống xa cách với cộng đồng, lại bị tiêm nhiễm những luồng tư tưởng chống đối, nên đây không thể là chuyện một sớm, một chiều mà giải quyết xong. Để cảm hóa họ, chỉ có thể dùng tình người với sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ".

Được biết, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành địa phương, Đội An ninh - Công an TP Kon Tum đã cử 100% CBCS của Đội xuống các hộ gia đình theo tà đạo Hà Mòn trong địa bàn các thôn, buôn thuộc TP Kon Tum để tuyên truyền vận động. Ban đầu, bởi mặc cảm với cộng đồng và tâm lý chống đối chính quyền, nên khi cán bộ đến họ không tiếp, hỏi không nói.

Y Gyin và các đối tượng cầm đầu tà đạo Hà Mòn tại phiên tòa xét xử.

Để từng bước "phá băng", các anh đã tận dụng tất cả mối quan hệ bạn bè, người thân của họ để tiếp cận. Đồng thời tranh thủ già làng, trưởng buôn, các chức sắc tôn giáo… tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, giảng giải để họ dần dần hiểu ra. Nhiều vị linh mục đã khuyên con chiên đi nhầm đường trở về và giúp đỡ công an vận động người khác bỏ tà đạo, nhà thờ sẵn sàng đón nhận và làm lễ giải tội cho họ.

Biết vật cản trên nẻo đường về chính là tâm lý mặc cảm, xấu hổ với cộng đồng, Đội đã vận động hàng xóm của họ qua thăm hỏi, giúp đỡ công việc gia đình, chia sẻ chuyện buồn vui…và giúp họ tham gia các hoạt động phong trào tại khu dân cư, tham gia ngày hội đoàn kết toàn dân. Khi câu chuyện "ấm" dần, Đội đã xây dựng nhiều đoạn phim phóng sự khá hấp dẫn để làm tài liệu tuyên truyền, biến trụ sở cơ quan thành một tòa báo hình "bất đắc dĩ"!. Sau đó, anh em mang máy tính xách tay xuống tận nhà đối tượng và mở clip mời họ xem.

Quá trình xuống dân, anh em đều mặc thường phục để xoá nhòa khoảng cách hai bên. Để nói dân hiểu được, Đội đã cử CBCS đi học các lớp tiếng Ba Na, thường xuyên đối thoại để nghe tiếng lóng của họ, nhờ những người cùng dân tộc như trưởng, phó thôn buôn, hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên thôn... để làm phiên dịch cho Công an.

Sau khi Công an tỉnh Gia Lai bắt các tên sừng sỏ như Y Gyin, A Hờ Dung, A Tăk…, tại Kon Tum nhiều người đã sợ hãi mà bỏ trốn vào rừng. Quyết không để họ tiếp tục lạc lối, đi theo bọn phản động Fulro, CBCS của Đội liên tục gặp gỡ, tiếp xúc với thân nhân gia đình và nhờ gửi thư kêu gọi họ trở về. Có đối tượng dù đã biết rõ nơi trốn, nhưng Đội quyết định không huy động lực lượng lên núi triệu tập về, vì không muốn người dân sợ hãi.

 Kiên trì với công tác vận động, đến nay Đội An ninh Công an TP Kon Tum đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vận động 100% người dân theo tà đạo Hà Mòn trên địa bàn TP Kon Tum trở về hòa nhập với cộng đồng, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Ông A Khưm (60 tuổi, nhà ở buôn Kon Drai, xã Đăk Bla, TP Kon Tum) vui vẻ kể với tôi: "Trước đây kinh tế nhà tôi cũng khá, có máy ép mía, máy xay xát gạo, tôi đã từng là giáo phu của giáo xứ Kon Dreh. Từ khi theo tà đạo Hà Mòn, chúng tôi rơi vào cảnh túng bấn, thiếu đói quanh năm. Nhờ ơn cán bộ Đông (Thiếu tá Nguyễn Thành Đông - PV) đã kiên trì khuyên bảo nên tôi đã từ bỏ tà đạo, cùng gia đình tu chí làm ăn. Đến nay kinh tế cũng đã phục hồi. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và các anh Công an nhiều lắm".

Đào Trung Hiếu
.
.
.