Những người định hướng cho hành trình phá án

Thứ Hai, 12/06/2017, 09:22
Là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường để nhặt nhạnh, tìm kiếm những dấu vết để lại, từ đó định hướng cho cơ quan điều tra phá án. Cũng chính họ bám sát hiện trường suốt cả một ngày dài, làm việc với xác chết nồng nặc mùi phân huỷ chỉ để tìm ra một bằng chứng từ các vi vết để tìm ra kẻ gây án. Nhưng cho đến khi vụ án được phá, họ lại là những người ít được nhắc đến nhất.


Giống như nhiều đơn vị kĩ thuật hình sự khác, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an tỉnh Hoà Bình cũng gặp biết bao khó khăn trong công tác. Ngoài các vấn đề thường trực như thiếu thốn về nhân lực với số lượng công việc lớn và cơ sở vật chất không được đầy đủ thì những khó khăn đặc trưng của một tỉnh miền núi cũng là một gánh nặng.

Cán bộ PC54 Công an tỉnh Hòa Bình đang tiến hành xét nghiệm.

Gánh nặng được nhắc đến ấy là địa hình đồi núi hiểm trở, đường xá giao thông vào trong một số bản làng không được thuận tiện trong khi công tác khám nghiệm, giám định hiện trường cần phải làm trong thời gian sớm nhất. Công tác dân vận, giao tiếp với một số bà con dân tộc vẫn còn khó khăn do dân trí thấp, khác biệt ngôn ngữ và có sự khác biệt về văn hoá tín ngưỡng nên trong một số vụ việc, phải rất khó khăn để giải thích cho bà con hiểu.

Trước những điều kiện bất lợi  ấy, bắt buộc cán bộ chiến sĩ của Phòng PC54 Công an tỉnh Hoà Bình phải gồng mình lên để hoàn thành trọng trách được giao và cố gắng thích nghi với những khó khăn thiếu thốn.

Theo Đại tá Bùi Đức Nhật - Trưởng phòng PC54 Công an tỉnh Hoà Bình cho biết: "Công tác khám nghiệm hiện trường là vô cùng quan trọng với mỗi vụ việc. Hiện tại, chúng tôi lực lượng còn mỏng nhưng phải đảm đương một khối lượng công việc vô cùng lớn, chỉ riêng khám nghiệm đã xấp xỉ 300 vụ mỗi năm, chưa kể đến giám định pháp y tử thi và ma tuý…

Trách nhiệm của mỗi chiến sĩ là vô cùng lớn nên chuyện làm ngày, làm đêm hay trực chiến cả tuần ở cơ quan là thường xuyên. Hiện tại, đơn vị chỉ có hai bác sĩ pháp y do một người vừa nghỉ hưu, việc tuyển dụng vị trí này cũng hết sức khó khăn vì công việc vất vả nên đã nhiều năm chưa ai ứng tuyển. Trong thời gian sắp tới, gánh nặng công việc sẽ lại phải dồn trên vai những cán bộ còn đang công tác".

Ngoài khó khăn về người thì sự thiếu thốn về dụng cụ kĩ thuật phục vụ công tác cũng là một điều khiến các cán bộ chiến sĩ của PC54 phải tìm mọi cách  xoay xở. Được biết, cơ sở vật chất của PC54 bao gồm các loại máy móc hiện đại phục vụ cho công tác giám định, thử mẫu… chủ yếu do Bộ Công an cấp.

Tuy nhiên, với tính chất đắt đỏ nên hiện tại nhiều loại đã cũ chưa thể thay thế, một số loại thì không đồng bộ nên phải tìm các thiết bị trong nước thay thế tạm. Nhận thức được sự quan trọng trong công tác kĩ thuật hình sự, lãnh đạo Công an tỉnh Hoà Bình cũng hết sức tạo điều kiện để các anh đỡ được phần nào khó khăn vất vả trong công việc.

Cán bộ chiến sĩ của PC54 cho biết, công việc của đơn vị là tìm những thông tin, bằng chứng trên hiện trường và đôi khi là trên cơ thể của những nạn nhân xấu số. Nhân chứng là thông tin "sống" nhưng hiện trường là thông tin "chết". Từ những cái "chết" ấy họ cóp nhặt những manh mối nhỏ nhặt nhất trên hiện trường để tìm ra con đường phục vụ phát án, bắt giữ được thủ phạm.

Nhưng theo Đại tá Bùi Đức Nhật, với đặc thù là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với phong tục, quan niệm khác biệt nên đôi khi họ gây khó khăn cho các cán bộ khám nghiệm.

"Đã có nhiều trường hợp, người nhà nạn nhân không cho khám nghiệm, không cho chúng tôi động vào xác nạn nhân mà chỉ cho nhìn từ xa. Bởi theo quan niệm và nhận thức của họ thì điều đó là không tốt. Một số trường hợp thì chúng tôi phải làm công tác dân vận, khuyên giải giúp bà con hiểu được điều đó", Đại tá Nhật cho biết.

Sự cố nói trên vẫn thường xuyên xảy ra đối với cán bộ của đơn vị. Nhưng trong đó, có một vụ việc khiến cán bộ chiến sĩ của PC54 nhớ mãi, đó là chuyện xảy ra tại huyện Kim Bôi. Khi đó, người nhà nạn nhân chỉ đồng ý cho cán bộ pháp y… đứng nhìn mà không được động vào xác. Do bất đồng ngôn ngữ nên chỉ hiểu phần nào, anh em trong đơn vị nghĩ rằng họ đồng ý cho khám nghiệm bên ngoài không mổ tử thi nên định ngồi xuống cởi áo của nạn nhân để kiểm tra.

Hiện trường một vụ án.

Khi vừa chạm vào thì người nhà nạn nhân bỗng nhiên chửi bới và cầm dao đuổi cán bộ chiến sĩ. Để tránh mọi việc trở nên căng thẳng, anh em trong đơn vị cũng ngậm ngùi ra về sau khi tìm các bằng chứng có thể thấy tại hiện trường mặc dù khi đó đang là buổi đêm rét mướt.

Trong một vụ việc khác xảy ra vào ngày mùng 2 Tết, khi người nhà nạn nhân cho biết đây chỉ là một vụ tai nạn nên xin không khám nghiệm tử thi. Tuy nhiên, bằng con mắt tinh tường, các anh đã nhận thấy nghi vấn trong vụ việc và yêu cầu phải được khám nghiệm.

Sau đó, từ những dấu vết để lại đã cho thấy nạn nhân không phải bị ngã mà do người khác sát hại. Nhờ đó mà qua đấu tranh, con gái của nạn nhân đã phải nhận tội giết cha của mình.

Còn trong vụ án xảy ra ở xóm Mường Vọ (xã Cuối Hạ, Kim Bôi) cách đây nhiều năm, khi một nhóm công nhân của công ty than đang thăm dò lại một hầm than cũ ở độ sâu khoảng 70m so với mặt đất thì bỗng nhiên phát hiện lẫn trong lớp than có một vật lạ. Mọi người gọi nhau tập trung lại để soi sáng xem là vật gì thì nhận ra đó là một bộ quần áo cùng đôi giầy vải đã mục rách.

Tìm kiếm kỹ hơn quanh chỗ phát hiện bộ quần áo, nhóm công nhân hầm mỏ giật mình nhìn thấy một bộ xương người trong tư thế nằm sấp. Nhận được tin báo, cán bộ của PC54 ngay lập tức xuống hiện trường để thực hiện công tác khám nghiệm.

Qua khám nghiệm cho thấy phần xương sọ có một vết lún khá sâu, rất có thể là nguyên nhân khiến nạn nhân tử vong. Cũng từ đó xác định được đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, định hướng cho cơ quan điều tra trong quá trình tìm ra thủ phạm.

Mới đây nhất, đó là vụ giết người gây chấn động xảy ra ở huyện Tân Lạc, đối tượng Bùi Văn Dũng (35 tuổi), là kẻ gây án trong vụ hiếp, giết cô gái chăn bò. Ngay sau đó, xác của Dũng được phát hiện trên hang đá cao 15m trên địa bàn xóm Ngay(xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc).

Nạn nhân trong vụ án ở Tân Lạc.

Trong vụ việc này, cán bộ chiến sĩ của PC54 Công an tỉnh Hoà Bình đã phải làm việc từ sáng sớm cho tới tận 16 giờ chiều cùng ngày để làm công tác khám nghiệm. Tại hiện trường phát hiện tử thi, cơ quan chức năng tìm thấy một khẩu súng tự chế "súng kíp", bên cạnh còn có 10 viên đạn AK, dao và một số vật dụng khác. Kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân chết do "tự tử bằng súng kíp".

Chia sẻ về vụ án này, Đại tá Bùi Đức Nhật cho biết: "Do đối tượng tự tử đã được nhiều ngày trong hang đá nên khi phát hiện thì mùi tử thi đặc trưng vô cùng nồng nặc. Nhưng anh em đã quá quen với những chuyện như thế nên sau khi chuẩn bị dụng cụ cũng bắt tay vào làm luôn. Sau gần một ngày làm việc, nhờ các dấu vết vẫn còn trên người nạn nhân nên chúng tôi đã xác định được hung thủ".

Chuyện băng rừng buổi đêm để đến hiện trường, trèo đèo lội suối leo hang đá hay làm việc trong môi trường độc hại, bốc mùi xú uế, ô nhiễm mùi tử thi đối với cán bộ Phòng PC54 Công an tỉnh Hoà Bình đã trở nên quá đỗi bình thường. Có nhiều đêm, nhận được tin báo, các chiến sĩ của PC54 lập tức lên đường để đến hiện trường sớm nhất. Cái công việc "bới lông tìm vết" ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra lại vô cùng phức tạp. Có khi để tìm được một bằng chứng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, các anh phải mất cả một ngày trời vất vả.

Để vượt qua được những "chông gai" ấy trong quá trình công tác, chắc chắn các anh phải có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm vô cùng lớn lao. Những chiến công kể trên chỉ là một số rất ít trong hàng ngàn vụ việc lớn nhỏ mà cán bộ chiến sĩ Phòng PC54 Công an tỉnh Hoà Bình đã thụ lý.

Và rồi họ vẫn cứ ngày đêm làm việc, ở cơ quan nhiều hơn ở nhà để hoàn thành trọng trách được giao phó. Thậm chí phải đánh đổi, hy sinh nhiều thứ chỉ vì lòng yêu nghề. Rồi mỗi khi có vụ án xảy ra, họ lại là những người đầu tiên lăn xả vào tìm kiếm dấu vết hiện trường một cách thầm lặng để tìm ra nguyên nhân, định hướng cho công tác điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm.

Phong Trâm
.
.
.