Những người đuổi bóng

Thứ Năm, 29/08/2013, 10:42

Trong cuốn "Cát bụi chân ai", nhà văn Tô Hoài viết: "Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên, vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi, nhưng mà tôi cảm động...

Thỉnh thoảng, Xuân Diệu lại lên nhà tôi. Vẫn nắm tay cả buổi, nhìn tha thiết. Xuân Diệu yêu tôi". Sự hé lộ này gây "sốc" và mở ra một trời "thơ thơ" và "gửi hương cho gió" khác cũng nồng nàn và tha thiết không kém. Lần đầu tiên, mọi xác tín nghệ thuật, chuẩn tình yêu truyền thống bị lung lay.

Lần đầu tiên, trong tình yêu đôi lứa, không nhất thiết phải "sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất" như lời Đức Chúa phán. Họ sinh ra, lớn lên, yêu người mình yêu, đơn giản vậy thôi.

Có thể nói, với những tiết lộ chân thực về con người đồng tính luyến ái của Xuân Diệu, chính Tô Hoài đã mở ra một chân trời khác trong cách tiếp cận và lý giải thứ tình yêu "rào rạt" của ông hoàng thơ tình một thuở. Điều đó làm nghiêng ngả bao nhiêu luân lý, bao nhiêu chuẩn mực tình yêu truyền thống trong văn học. Lần đầu tiên, chân dung của một con người, một nhà thơ nổi tiếng được phơi bày giữa một rừng nghi kị, định kiến. Và người ta cũng nhận ra con người ấy cô đơn đến nhường nào.

Ông đã viết "Tình trai" với những câu như "Thây kệ thiên đường và địa ngục. Không hề mặc cả, họ yêu nhau" dành tặng hai nhà thơ Rimbaud và Verlaine của Pháp, cũng là ký gửi thầm kín chính thân phận mình. Một thân phận trong bóng tối, thỉnh thoảng có những sắc màu tươi sáng đến huy hoàng, nhưng cũng khổ đau, chan chứa biết bao nhiêu là tình.

Con người ấy đã tự ví mình là loài chim di thê "đến từ xứ lạ" và "ngửa cổ hót chơi". Người ấy "đào hoa và đam mê, cả đời đuổi theo mộng, nhiều mộng, nhiều mối tình trai" đã sống vĩnh viễn với thuở khai sinh đơm hoa kết trái trong tuổi trẻ của đời mình.

Một cảnh trong vở kịch hình thể "Xiềng xích" tại cuộc hội thảo "Văn học - Nghệ thuật và LGBT".

Sự dẫn nhập "tình trai" của Xuân Diệu là một cách nói để người viết lý giải về những người âm thầm. Những người âm thầm vì lẽ gì đi nữa cũng là những người cô đơn. Người ta vẫn gọi cộng đồng LGBT (tên viết tiếng Anh của cụm từ cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới) bằng những tên gọi đầy ẩn ý như "nàng men", "chàng bóng"… Và thế giới của họ nhấp nháy hai màu xanh - đỏ, đọng lại trong trí nhớ già nua, cũ kỹ của xã hội này chỉ có lạm dụng tình dục, bạo lực, hỗn loạn…

Những người LGBT lên màn ảnh, sàn diễn sân khấu hình như lại trở thành đối tượng "mua vui trong một vài trống canh" của thiên hạ. Vì thế mà dị nghị nối dài dị nghị. Định kiến vẫn như một thừng, chực chờ giết chết một đôi người khi lỡ được sinh ra là LGBT.

May chăng, trong đám hổ lốn màu mè ấy, vẫn có những tác phẩm văn học - nghệ thuật đi vào những ngóc ngách rất riêng, rất đẹp, rất người và cũng rất tình của những người LGBT. Họ là những người đi đuổi bóng về phía chân trời, khi tìm được hình, được dạng của bóng rồi mới ngừng nghỉ. Ấy là Bùi Anh Tấn, là Nguyễn Ngọc Tư, là Nguyễn Đình Tú… với rất nhiều tác phẩm nổi bật trong thời gian gần đây.

Qua những trang viết đi đến tận cùng thế giới khác, những con người khác ấy, những cây bút này đã làm dày lên những thân phận mà từ trước đến giờ xã hội ta vẫn mặc nhiên họ là một nhân vật phụ, vai phụ. Họ cũng khổ đau, hạnh phúc và yêu thương hồn hậu như con người ngàn đời vẫn thế. Họ cũng đã gieo nhiều cơn mộng của chàng Xuân Diệu khi xưa trong hành trình tìm ra bản ngã chính mình. Và họ là vai diễn chính trong cuộc đời họ. Luôn là vai chính.

"Trước năm 2006, tôi là người kỳ thị đồng tính. Nhắc lại điều này, tôi chân thành xin lỗi cộng đồng LGBT. Sau đó, nhờ theo học một khóa học của Tổ chức PETA mà tôi hiểu thêm về họ. Trong khóa học đó, thậm chí tôi, với ngoại hình râu tóc như thế này, đã thử mặc áo lót phụ nữ để hiểu cảm giác của một người nam muốn là phụ nữ". Đó là những lời chia sẻ chân thành mà đạo diễn Bùi Như Lai, tác giả của những vở kịch viết về đề tài những người LGBT gây được tiếng vang trong thời gian gần đây như "Stereo Man", "Hành trình đi tìm cảm xúc", "Được là chính mình"… tại Hội thảo "Văn học - Nghệ thuật và LGBT" diễn ra vào ngày 14/8.

Và những người nghệ sỹ, sao không một lần thử mặc "áo lót" như đạo diễn Bùi Như Lai? Tất nhiên không phải mặc áo lót là cắt nghĩa được thế giới của những người LGBT. Việc hiểu họ bắt nguồn từ một chiếc áo khác mỏng manh hơn nhiều. Và người nghệ sỹ, bằng sự mẫn cảm của mình, sẽ làm đầy đặn lên sự mỏng manh, dễ thương tổn ấy.

+ Thưa PGS .TS Nguyễn Thị Bình, nhận thức về văn học đồng tính ở nước ta có từ bao giờ, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Bình: Viết văn để câu khách, dù là đề tài gì rồi cũng đoản mệnh mà thôi.

- So với những ngành khác, nhận thức về những người LGBT trong văn học nói chung đến rất muộn. Ở miền Nam, vào năm 1977 xuất hiện tác phẩm "Khung rêu" của Nguyễn Thị Thụy Vũ và chỉ có công chúng miền Nam mới tiếp cận được. Còn ở miền Bắc, mãi đến năm 1993, nhà văn Tô Hoài mới chính thức tiết lộ con người đồng tính luyến ái của Xuân Diệu.

+ Văn học Việt Nam hiện nay đang cạn kiệt đề tài có phải là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phát triển và nở rộ của văn học viết về đề tài đồng tính?

-  Sau mấy chục năm giao lưu đa chiều từ sách báo, các tư tưởng triết mỹ, các lý thuyết về nhân chủng học, về nữ quyền, văn hóa học…  đủ thẩm thấu ở Việt Nam, cộng đồng LGBT mới được quan tâm một cách rất rõ rệt và trở thành một trong những vấn đề "hot", bên cạnh vấn đề nữ quyền. Ý thức cá nhân phát triển đủ để người ta có thể tiếp nhận nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề đồng tính một cách khá cởi mở. Lúc đó, văn học lại đứng trước nguy cơ bị sáo mòn, cũ kỹ, cạn đề tài.

Và trong sự cầu thị để tìm ra cái mới về nội dung và hình thức, khao khát làm thế nào để văn học có thể tri nhận và lý giải về tiểu vũ trụ cực bí ẩn ấy, người ta bắt gặp, được trang bị thêm những tri thức này và đấy là một trong những cơ hội cho văn học đổi mới. Nó đến từ tác động bên ngoài, vừa là vận động tự thân bên trong. 

Một số tác phẩm trưng bày ngoài đại sảnh hội thảo.

+ Ngoài một số tác phẩm và tác giả được công nhận thì hình như văn học viết về đề tài này có số phận như chính những nhân vật của tác phẩm ấy - là những người LGBT?

- Thực ra, nó cũng tạo ra được một sự chú ý đáng kể trong đời sống văn học. Bằng cớ là báo in đề cập khá dè dặt thì báo mạng khá sôi nổi. Tuy nhiên, tôi khẳng định cả người viết lẫn người đọc vẫn chưa thoát khỏi những định kiến. Nó vẫn là 1 quá trình nhận thức phía trước nữa.

+ Khu biệt trong vùng tự truyền viết về đề tài đồng tính, hình như mới chỉ có tự truyện mà tác giả là đồng tính nam?

-  Tôi nghĩ phải chăng điều này cũng phản ánh tâm lý giới ở đất nước chúng ta? Người phụ nữ vẫn cứ nhút nhát hơn, vẫn cứ có khuynh hướng là khép kín hơn so với nam giới. Nó là tàn dư của văn hóa. Lý do chủ yếu theo tôi nghĩ chỉ có vậy thôi. Và chắc chắn sẽ có tự truyện của đồng tính nữ. Có điều bây giờ thì chưa.

+ Nhà văn Bùi Anh Tấn cho rằng, hiện nay, một số tác giả khi viết về đề tài đồng tính chú trọng yếu tố câu khách, rẻ tiền, chính vì thế làm méo mó đi rất nhiều những cái thuộc về bản chất của họ? Bà có đồng tình ý kiến này không?

- Ý kiến của Bùi Anh Tấn tôi nghĩ có thể sáng suốt, có thể là có hạn chế, nhưng dù sao nó cũng là thiện chí chân thành của cá nhân Bùi Anh Tấn, một người đã có nhiều quan tâm tới đề tài này. Tôi thì tôi chỉ nghĩ rằng, viết văn để mà câu khách, dù là đề tài gì, không riêng gì đề tài viết về người đồng tính rồi nó cũng đoản mệnh mà thôi. Muôn thuở văn học, nghệ thuật muốn có sức sống thì yếu tố con người, nhân văn vẫn là điều đặt lên hàng đầu.

+ Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện này!

+ Nhà văn Bùi Anh Tấn: "Sáng tác luôn là hư cấu, nhưng hư cấu bao giờ cũng dựa trên một phần sự thật nào đó. Thế nên những nhân vật đồng tính mà tôi đã và đang viết đều dựa trên chính cuộc đời của họ. Và hiện nay rất nhiều nhân vật đồng tính là bạn bè của tôi.

Viết về người đồng tính trước hết phải có cái tâm, hiểu biết, chia sẻ và trân trọng người đồng tính. Đặt người đồng tính như chính chúng ta, chỉ khác chúng ta vài "dị biệt" nhỏ do sự lựa chọn của chính mỗi con người và đấy cũng là quyền của mỗi con người, không có gì đáng ngạc nhiên hết. Không có thương hại, không thổi phồng và cũng đừng tỏ vẻ "thương xót" người đồng tính, họ không cần vậy. Họ bình đẳng như chính chúng ta.

Ngược lại cũng đừng đem người đồng tính ra để chế giễu, câu khách... đó là không có lương tâm, tôi phản đối điều đó. Với cá nhân tôi, viết về người đồng tính chính là sự chia sẻ tận đáy lòng mình.

+ Đạo diễn Bùi Như Lai: Trước năm 2006 có rất ít tác phẩm sân khấu về người đồng tính, tại sao vậy? Vì chính nghệ sĩ chúng tôi cũng sợ bị tẩy chay. Qua các vở diễn của tôi, hình tượng người đồng tính hiện lên khác hẳn với hình ảnh bi kịch, đau khổ trước đó. Tôi không xây dựng một nhân vật đồng tính, tôi xây dựng một con người có tình yêu và cuộc sống như những con người khác.

Nhiều sinh viên khi xem đã thán phục, họ hỏi: "Sao các nhân vật có thể đẹp thế? Từ trước đến nay tôi tưởng họ là những kẻ quái gở, kinh khủng". Rất nhiều người khóc, nhiều người ân hận vì cũng như tôi, họ đã kỳ thị một cách thiếu hiểu biết".

Du Nguyên
.
.
.