Những người mẹ ở 'làng da cam' của Hà Nội

Thứ Hai, 31/08/2015, 15:00
Người ta gọi Làng Hữu nghị Việt Nam (ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) là "làng da cam" bởi đây là nơi sinh sống của những nạn nhân đang phải từng ngày vật lộn với di chứng chất độc da cam, hậu quả của chiến tranh để lại. Và ở đây, có những người mẹ đặc biệt, đông con hơn bất cứ người mẹ nào trên đời. Hằng ngày, họ cần mẫn làm những công việc khác nhau, chỉ để xoa dịu phần nào nỗi đau mà di chứng của cuộc chiến vẫn còn rớt lại.
Thích vì được gọi từ "mẹ"

"Mẹ" Lê Bích Hợp năm nay 53 tuổi, là mẹ của 19 em nhỏ bị nhiễm chất độc da cam ở nhà T5. Vừa nói chuyện vừa đút cơm cho một em nhỏ, mẹ kể mình vào đây cũng lâu rồi. Những ngày đầu, cũng chán nản lắm. Sau một thời gian gắn bó với các em nhỏ, mẹ nhận ra mỗi em có một hoàn cảnh, chẳng đứa nào giống đứa nào. Mẹ Hợp lại thấy thương các em hơn. Và thế là, có bao nhiêu tình thương của mình, mẹ trao hết cho 19 đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi này.

Mẹ bảo nhiều lúc nhìn chúng thương lắm, chúng có nhận biết được cuộc đời như những đứa trẻ bên ngoài đâu. Nói đến, lòng mẹ lại chùng xuống khi nhắc đến hai trong 19 đứa trẻ nhà T5, đó là em Việt (16 tuổi) và em Dương (11 tuổi). Em Việt bị động kinh, thời gian đầu mới tiếp nhận mẹ chưa quen nên hoảng sợ. Thỉnh thoảng em la hét, mẹ dỗ còn bị em "ủn" lại (ý là đánh - PV). Mà "những đứa trẻ ở đây có thể bị khiếm khuyết ở một mặt nào đó nhưng trời còn thương khi đứa nào cũng có sức khỏe, ăn khỏe, ít khi đau ốm. Nên nó mà "ủn" lại thì đau lắm".

Các em nhỏ trong một lớp học kĩ năng.

Còn em Dương, có những hôm, vừa mới dọn dẹp xong, em ăn cơm lại bôi thức ăn đầy lên tường. Những lúc đó mẹ cũng phải kiên nhẫn mà dọn, chứ quát tháo là hỏng việc. Với lại cũng se lòng khi nghĩ ừ thì, chúng có được như trẻ em bên ngoài, như cháu chắt của mình ở nhà đâu, nếu nó mà khôn thì nó đã không làm thế. Rồi mẹ lại lích kích lau dọn như mấy năm qua mẹ vẫn làm. Mẹ bảo bây giờ mà bắt mẹ xa chúng nó, mẹ buồn và nhớ lắm.

Với "mẹ" Lê Thị Dung, 48 tuổi, mẹ của 22 em nhỏ nhà T3, mặc dù mới vào đây hơn 2 năm, mẹ chưa phải là "gạo cội" nhưng cũng gắn bó với bao buồn vui nơi này. Mẹ vốn trước đây là công nhân, nhà máy giải thể, mẹ ở nhà buôn bán. Nhưng rồi mẹ cảm thấy thích đi làm hơn nên mẹ xin vào Làng Hữu nghị Việt Nam làm và trở thành mẹ của các em nhỏ bị nhiễm chất độc dioxin Nhà T3 có 2 mẹ thay nhau trực và chăm sóc các em. Nhà T3 toàn là các em nam nên các mẹ sẽ vất vả hơn những nhà toàn các em gái.

Mẹ Hợp, mẹ của 19 em nhỏ nhà T5.

Các em gái dẫu sao cũng không nghịch bằng và còn biết giúp đỡ các mẹ một số công việc vặt. Mẹ Dung kể, những em nhỏ vào đây, một số là trẻ mồ côi không nơi nương tựa, một số có gia đình nhưng được đưa vào đây để các em hòa nhập dễ hơn, các em đến từ nhiều nơi khác nhau nhưng có chung mái ấm là Làng Hữu nghị Việt Nam. Đến đây, các em được chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề và vui chơi. Sau 3 năm, có những em về lại với gia đình và cộng đồng nhưng cũng có những em ở đây suốt 10 năm.

Nhớ về những ngày đầu khi bước chân vào ngôi làng có những em nhỏ đặc biệt này, mẹ Dung bảo, việc tiếp xúc, làm quen và chơi cùng các em là điều khó nhất. Các em không giống như những đứa trẻ khác, mới đầu chúng khá nhút nhát, dè dặt. Khi đã có một thời gian tìm hiểu và làm quen nhau rồi thì chúng mới xích lại với mình.

Tâm sinh lý của các em cũng đặc biệt nên sự thấu hiểu, nhẫn nại và tình thương luôn là điều cần và đủ. Mẹ Dung kể, phải mất một thời gian khá lâu thì mẹ con mới hiểu nhau. Mỗi lần nghe các em ở đây gọi tiếng "mẹ", mẹ rất thích. Mẹ bảo đó là hạnh phúc thứ hai của cuộc đời mẹ, sau hạnh phúc đầu tiên của mình. Mỗi lần có việc đi xa vài ngày, không gặp, mẹ đã lóng ngóng chân tay để về rồi.

Chúng tôi hỏi mẹ làm thế nào để các mẹ ở đây vượt qua được tất cả những tâm lý cố hữu của người thường, để kiên nhẫn, để làm bạn và chăm sóc các em nhỏ không một lời phàn nàn? Mẹ cười, nói đi nói lại cũng chỉ có một điều đó là tình thương.

Nếu không thương các em có hoàn cảnh bất hạnh, chịu nhiều thiệt thòi như thế thì sẽ chẳng có ai bám trụ lại được nơi này với mức lương một vài triệu một tháng. Đó là chưa kể, 1 tháng, các mẹ chỉ có 10 tối được nghỉ và về với gia đình riêng của mình, còn lại, toàn bộ thời gian đều dành ra ở đây để chăm sóc, theo sát các em từng giờ.

Ngoài ra còn bao khó khăn trong việc làm quen và sống với nhịp sinh hoạt chẳng giống ai. Chẳng bao giờ các mẹ ngủ ngon giấc, lúc nào cũng canh cánh lúc tỉnh lúc thức, nhỡ có em nhỏ nào đau ốm đêm hôm hoặc có em nào tè dầm, các mẹ lại phải thức dậy đưa lên trạm xá hoặc tắm rửa, lau dọn cho các em rồi mới đi ngủ tiếp. Lắm lúc, mất nguyên một đêm vì những việc lặt vặt nhưng là thường nhật ấy.

Mẹ Dung bảo được các em ở đây gọi "mẹ", mẹ vô cùng hạnh phúc.

Xuất phát từ tình thương

Sau khi bưng cơm về nhà cho một số em yếu hơn các bạn khác, hướng dẫn các em cầm thìa, xúc cơm ăn, đợi các em ăn xong, các mẹ mới dẫn chúng tôi xuống nhà ăn tập thể của làng. Ở đó, các em đang tự xúc cơm ăn, ăn xong biết đường bưng mâm ra chỗ rửa.

Đưa mắt tới phía cuối căn phòng, một trong các mẹ chỉ cho chúng tôi trường hợp em Hương ở khu nhà T2. Nhà em có 4 người con thì cả 4 em đều bị nhiễm chất độc da cam. Em bị khiếm thính nhưng múa rất đẹp. Rồi mẹ kể, may ông trời thương, lấy của nó cái này thì cho nó cái kia. Nhưng dẫu sao, mang vác một thứ chất độc như thế trong người, cũng đã là một điều không may mắn trong cuộc đời này rồi.

Hỏi về lương cụ thể bao nhiêu, mẹ Dung nói, đầu tiên mới vào, là 1triệu 500 ngàn đồng/ tháng, sau đó tăng dần và đến nay là 1triệu 900 ngàn đồng/tháng, ngoài ra thêm một vài trăm ngàn đồng tiền trực. Cộng lại cả tháng, nhỉnh hơn 2 triệu đồng một chút, chi tiêu mấy ngày là hết. Các mẹ nói rằng đứa nào mình cũng quý như nhau. Đến đây, đứa nào cũng thiếu thốn tình cảm, cũng coi mình như chỗ dựa cả, mình không thương chúng thì ai thương. Khi vào đây làm, các mẹ đã xác định đây là một đơn vị từ thiện nên mặc dù đồng lương ít ỏi, các mẹ vẫn không bỏ nghề.

Với những em nhỏ có khả năng nhận thức kém so với các bạn, các mẹ phải hướng dẫn cách cầm thìa ăn cơm.

Theo tiêu chuẩn, mỗi nạn nhân được ở lại làng trong 3 năm. Tuy nhiên, vì một số điều kiện, cũng có những người đã sống tại đây 10 năm. Hiện tại, Làng Hữu nghị Việt Nam có 6 nhà chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhỏ. Mỗi nhà có 19 - 22 em, có 2 mẹ thay nhau chăm sóc. Ngoài nơi ăn chỗ ở, làng còn tổ chức các lớp học kĩ năng, học nghề cho các em, phân theo trình độ.

Vì đây là một ngôi làng từ thiện nên nguồn kinh phí để hoạt động đều dựa vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong cộng đồng. Kinh phí trả lương cho các mẹ cũng như đội ngũ giáo viên ở đây đều trích từ đây nên hiện nay, "làng da cam" này luôn cần nhận được sự quan tâm và chung tay của toàn xã hội trong việc chia sẻ nỗi đau cũng như sự mất mát của những nạn nhân không may mắn của cuộc chiến tranh.

Mẹ Dung, mẹ Hợp… cũng như những người đang làm việc tại đây, hằng ngày vẫn cần mẫn "phát tâm", dành tình yêu thương cho những hoàn cảnh chịu nhiều thiệt thòi ấy. Họ không phải là những người sinh ra các em. Họ càng không phải là những người gây ra nỗi đau đó. Nhưng họ đã ôm trọn những đứa trẻ đặc biệt này như những đứa con thực sự của mình. Và như thế, theo một cách nào đó, nỗi đau đã vơi đi phần nào.

Đậu Dung - Ngọc Trâm
.
.
.