Những người nhân mầm thiện

Thứ Năm, 06/07/2017, 14:48
Phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp (PC 81) Công an tỉnh Phú Thọ với những việc làm đầy ý nghĩa giúp những con người từng một thời lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành những người có ích cho xã hội.

Bốn phiên tòa cùng lúc diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 6, đều là những vụ án phức tạp. Ngoài vụ lừa đảo chiếm đoạt 5kg vàng ở bản án sơ thẩm, bị can bị tuyên tử hình, còn một vụ án khác cũng từng gây xôn xao dư luận, thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người dân trên địa bàn.

Bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), có tiền sử mắc bệnh huyết áp, khiến Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp (PC 81) Công an tỉnh Phú Thọ và các đồng sự không khỏi lo lắng.

1. Suốt đêm hôm đó, Thượng tá Nguyễn Quốc Cường chẳng thể chợp mắt, anh tỉ mỉ đọc lại phương án áp giải bị cáo, bảo vệ phiên tòa.

Trách nhiệm của người chỉ huy là phải nghiên cứu, đưa ra nhiều tình huống, giải pháp..., bảo vệ tuyệt đối an toàn từ quá trình trích xuất, dẫn giải, áp giải bị cáo, bảo vệ an toàn cho Hội đồng xét xử, vật chứng vụ án và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Đồng thời, còn phải bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự khu vực xét xử. Trong các tình huống xảy ra phải kịp thời tập trung lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công theo phương án, phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra...

Đúng như phán đoán của cán bộ đơn vị, phiên tòa xét xử bị can Trần Thị Thắng hôm nay đông người kéo đến. Họ phần lớn là nạn nhân của mẹ con Thắng. Vì tin tưởng vào Thắng, nhiều người đã gom góp tiền rồi vay mượn của ngân hàng, bạn bè để nộp tiền cho bà ta làm thủ tục cho mình sang Cộng hòa Sip, đi lao động xuất khẩu. Nhưng có người sang đến Cộng hòa Sip thì công việc lại không như thỏa thuận, buộc phải về nước; một số trường hợp thì sau khi vào TP Hồ Chí Minh đã buộc phải quay về nhà với gánh nợ chồng chất trên lưng.

Ở phiên tòa đầu tiên, Trần Thị Thắng đã xốc trước phản ứng của những người bị hại. Họ la ó, chửi bới và xúc phạm... cho đến khi cán bộ đơn vị làm công tác tư tưởng, yêu cầu họ giữ trật tự tại tòa.

Lần này, do đã có sự chuẩn bị trước tình huống có thể xảy ra, ngay từ khi trích xuất bị cáo, Đại úy Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ Phòng PC81 đã gặp gỡ, làm công tác tư tưởng với bị can...

Chị động viên Thắng uống thuốc, chấp hành mọi quy định của cán bộ quản giáo. Dù đã có sự chuẩn bị trước về tâm lý nhưng cán bộ trong đơn vị không khỏi ngỡ ngàng trước phản ứng của người dân. 23 người bị hại tiếp tục kéo đến chửi bởi, la ó. Trong tình huống đó, cùng lúc Công an làm nhiệm vụå vừa phải giữ ổn định tâm lý bị can, đồng thời bảo vệ phiên tòa diễn ra an toàn.

Ở một hội trường khác, Toà án nhân dân cấp cao xét xử theo trình tự phúc thẩm hình sự vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản 50kg vàng đối với bị cáo Nguyễn Văn Thuyết (39 tuổi, hộ khẩu thường trú số nhà 62, phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP  Hà Nội) cũng diễn ra sôi động không kém...

Ở phiên tòa này, căn cứ hành vi phạm tội của bị cáo và những tài liệu, chứng cứ thu thập được tại toà cũng như qua phần tranh tụng công khai, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vẫn giữ nguyên mức án sơ thẩm; tuyên phạt Nguyễn Văn Thuyết tù chung thân về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Thuyết phải có trách nhiệm hoàn trả 18,5 tỷ đồng tiền mua vàng còn thiếu của nạn nhân.

Cán bộ Phòng PC81 bảo vệ phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thuyết.

2. Được chứng kiến một ngày làm việc của các bộ Phòng PC81 Công an tỉnh Phú Thọ, tôi thêm hiểu hơn công việc thầm lặng của một lực lượng mới thành lập.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Quốc Cường bộc bạch: Ngoài việc đảm bảo an ninh trật tự ở phiên tòa, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp còn thực hiện nhiều lĩnh vực khác nhau như tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự, đảm bảo xuất - nhập vật chứng đến tham mưu tổng hợp.

Rồi kế đó là việc theo dõi, quản lý người có án phạt tù còn ngoài xã hội, người đang chấp hành án phạt tại xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội.

Việc tham mưu, đề xuất, xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, có quá trình cải tạo tốt trong các dịp lễ, Tết và Quốc khánh...

Chỉ ngần ấy cái gạch đầu dòng, cũng cho thấy áp lực đối với người trưởng phòng. Trước mỗi phiên tòa, căn cứ vào tình hình khảo sát, cán bộ trong đơn vị, đã xây dựng phương án; phân công cụ thể vị trí của từng cán bộ, các tình huống đều được đặt ra nhưng đôi khi không tránh khỏi những trường hợp đột xuất.

Bị cáo có nhiều lứa tuổi, cũng đủ loại thành phần, có những đối tượng dù tòa chưa tuyên nhưng đã biết trước mức án phải đối mặt nên tâm lý cực kỳ căng thẳng. Vì thế, phải nắm bắt diễn biến tư tưởng của bị cáo, tránh tình trạng đối tượng lợi dụng sơ hở để bỏ trốn; việc giám sát được tiến hành một cách chặt chẽ, tránh để các đối tượng thông cung, dù chỉ là một cử chỉ. Rồi kế đó là những bị cáo có suy nghĩa tiêu cực, muốn tự tử và không ít đối tượng còn giả vờ ngất để hoãn phiên tòa.

Từ thời điểm đối tượng lên xe, tất cả trách nhiệm đều đổ dồn lên vai họ. Ngồi trên xe cũng phải áp sát, không để đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội...

Cho đến bây giờ, cán bộ Phòng PC81 Công an tỉnh Phú Thọ vẫn không thê quên được phiên tòa xét xử vụ án ma túy có số lượng bị cáo đông nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, 57 bị can. Đối tượng đều là những kẻ có tiền án, tiền sự, trình độ văn hóa thấp, luôn có ý thức chống đối lại cơ quan pháp luật.

Trong khi đó, người nhà bị cáo đến dự phiên tòa đông, dễ bị kích động, gây rối. Ngoài ra, còn có những khó khăn khác như nơi vệ sinh cá nhân xa hội trường xét xử; người nhà các bị cáo dễ cất giấy các vật cấm tại nơi này để tạo điều kiện cho bị cáo lấy thuốc gồm các loại như thuốc lào, thuốc lá, ma túy...

Trong số 51 bị cáo Tòa án nhân dân có yêu cầu trích xuất đang được tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh còn có 6 bị can khác được tại ngoại ở ngoài xã hội.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn đã khảo sát và xây dựng phương án, đơn vị đã cử nhiều lực lượng lãnh đạo và cán bộ chiến sỹ xuống trực tiếp tại địa điểm diễn ra xét xử; thống nhất với Tòa án nhân dân tỉnh về việc đường xe chở bị cáo vào, chở bị cáo quay về, diện tích hội trường... Được nghiên cứu một bản báo cáo, tôi mới thấy sự tỉ mỉ và kỳ công của các cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Trong phiên toà này, với tinh thần trách nhiệm cao của tập thể, cán bộ chiến sỹ đơn vị và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị từ khâu trích xuất các bị cáo từ các buồng giam tại K và công tác áp giải đến nơi xét xử, công tác quản lý các bị cáo trong các ngày xét xử, đảm bảo an toàn trong và sau khi xét xử không để các bị cáo thông cung, trốn, tự sát, đánh tháo hoặc thủ tiêu trong quá trình  dẫn giải...

Sau 4 ngày làm việc, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt 57 bị cáo với mức án cao nhất là tù chung thân và có nhiều mức án cao từ 10 đến 29 năm. Nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa khép lại, đối tượng bàn giao lại cho trại tạm giam Công an tỉnh an toàn, kết thúc 4 ngày làm việc căng thẳng, anh em mới thở phào nhẹ nhõm.

3. Trước khi phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội đã gây ra, tử tù NAT đã xin được hát một bài hát tặng cán bộ Phòng PC81 và tạ lỗi với người mẹ đã có công sinh thành ra anh ta.

Chỉ vì một phút lầm lạc, gã thanh niên ở thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội đã gây ra. Quãng thời gian chờ thi hành án ở Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ, NAT đã được các cán bộ quản giáo làm công tác tâm lý.

Anh ta cũng xác định rõ tư tưởng nhưng phàm đã là con người, trước sự sống và cái chết ai cũng có điều phải suy nghĩ... Dẫn giải các bị án đi nhận án tử hình, có lẽ là công việc nặng nề nhất đối với những cán bộ Phòng PC81 Công an tỉnh Phú Thọ nói riêng và lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nói. Vẫn biết đây là công việc của Nhà nước nhưng phía sau bản án cũng là tình người và nghĩa cùng cũng là nghĩa tận nên anh em ai cũng làm những việc hậu sự theo đúng phong tục tập quán của người Việt Nam.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Chử Trọng Kiên cho biết: Trong quá trình dẫn giải, trạng thái của các đối tượng thay đổi liên tục, ngay cả những trường hợp đã xác định về mặt tư tưởng. Rồi anh dẫn chứng trường hợp của NAT. Trong suốt quá trình dẫn giải thi hành án, NAT nói chuyện rất bình thản, anh ta chia sẻ về nỗi ân hận; sự tiếc nuối với cuộc đời...Và ngay khi xe ôtô dừng bánh, NAT còn bình thản hát một bài hát.

Hay trường hợp của Lê Trung Sơn, đối tượng từng nhiều lần ra tù vào tội, ý thức rõ cái giá phải trả... cũng sợ hãi đi vệ sinh ngay trên xe dẫn giải. Trong tình huống ấy, anh em đã phải tự tay làm vệ sinh cho đối tượng. Rồi đến khi vào phòng tiêm thuốc, bị cáo vẫn bình tĩnh cho cán bộ làm các thủ tục cần thiết nhưng khi nằm lên bàn thì gần như mạch đã nặn hết... gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Không ít gia đình đã từ chối chính người thân. Khi ấy, cán bộ đơn vị lại trở thành người cuối cùng, làm nghĩa vụ của người sống đối với người đã chết.

Cùng với những phần việc trên, trong những năm qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng cũng được đơn vị tiến hành một cách bài bản. Lực lượng thi hành án hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận hơn 2.000 trường hợp chấp hành xong án. Đây là công việc khó khăn, với những rào cản từ phía cá nhân người chấp hành xong án phạt tù và những yếu tố khách quan tác động như định kiến của xã hội.

Lấy tri thức và nhân văn để tuyên truyền và vận động quần chúng, nhằm sẻ chia, tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt  khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, không tái phạm... Phòng PC81 phối hợp với lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp trong toàn tỉnh giúp nhiều người lầm lỗi trở lại cộng đồng.

Đó là những việc làm đầy ý nghĩa của cán bộ, Phòng PC81 Công an tỉnh Phú Thọ. Những thành tích của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự không phải là những chiến công bề nổi; không chỉ dừng lại ở những tấm huân chương, huy chương, bằng khen vinh dự được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trao tặng; mà hơn cả đó là sự nhân văn, khi giúp những con người từng một thời lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành những người có ích cho xã hội, đúng như quan điểm "cứu một người phúc đẳng hà sa" 

Xuân Mai
.
.
.