Những người sửa giày tử tế

Thứ Năm, 25/02/2016, 15:59
Nó có hàm răng trắng đều và nụ cười rất tươi. Nụ cười ấy không pha tạp bất cứ âu lo, toan tính nào. Nhưng nhìn nó là nhận ra ngay một cậu bé sửa giày dép chuyên nghiệp, bởi những “thứ” bám víu trên người nó. Từ chiếc áo hoen ố keo dán đến chiếc quần rách lỗ chỗ do kim, kéo đâm vào. Những thứ đó vận vào người, khiến dáng dấp nó càng nhỏ bé thêm.


Nó tên đầy đủ là Nguyễn Bá Cường (SN 1997), nhưng người ta biết đến nó với biệt danh Beo nhiều hơn. Đã 3 năm nay, giữa dòng xe tấp nập, ồn ào trên con đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP Hồ Chí Minh), khuất sau gốc cột điện, nó vẫn ngồi lặng lẽ sửa giày dép. Nó ngồi ở đây, không làm phiền ai cũng không gây sự chú ý nổi bật. Nó âm thầm làm cái việc mà nó đang theo học để ra nghề, trở thành một người đàn ông trưởng thành. Nó chỉ thật sự “nổi tiếng” vài tháng gần đây khi vô tình lọt vào ống kính của một anh phóng viên trang báo mạng rồi sau đó hiệu ứng truyền thông nhào vào nó, tên nó, việc làm tử tế của nó trở thành đề tài bình luận sôi nổi trên diễn đàn.

Nó nổi tiếng không phải vì là cậu bé sửa giày, mà nổi tiếng vì cái bảng hiệu ngay ngắn, gọn gàng được dán trên đầu chiếc bàn để giày dép: “Tại đây, nhận sửa giày, dép miễn phí cho các anh chị khuyết tật, bán vé số, lượm ve chai, đạp xích lô”. Phía sau cánh cửa tủ, là dòng chữ tròn méo, nguệch ngoạc: “Sống là phải biết lao động mới thành công. Trong cuộc sống, sống thật thà mới thành người được quý”. Nó bảo, dòng chữ ấy do thầy của nó viết, dành riêng cho nó. Mỗi ngày, nó đẩy xe đồ nghề ra đường, thì dòng chữ ấy đập vào mắt của nó, nhắc nhở, khuyên răn nó.

Bảng sửa giày dép miễn phí dán ngay trước bàn làm việc của Beo.

 Những người khuyết tật, bán vé số, lượm ve chai mang giày, dép rách đến nhờ nó sửa đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy nó lắc đầu không nhận tiền. Nhìn nó đâu có hơn gì ai, cũng phải ra đường mưu sinh và lao động cật lực để có tiền phụ giúp cha mẹ. Nhưng tại sao nó không nhận tiền? Ai thắc mắc thì nó trả lời: “Là thầy dạy thế, không được lấy tiền của người bán vé số, lượm ve chai, người khuyết tật”.

Gần ba năm nay, nó mặc nhiên hành động theo mệnh lệnh của thầy và không có bất cứ một sai sót nào. Hỏi nó sao lại thích nghề sửa giày dép? Nó cười, bảo là: “Vì không biết làm nghề gì, cũng chẳng có ước mơ gì”. Nó chông chênh như vậy sau khi nghỉ học, gặp được thầy sửa giày ở gần nhà thế là nó xin theo học luôn.

Ngoài hoàn cảnh gia đình, thì nó gãi đầu gãi tai cho biết, sau khi phá kỷ lục ở lại 3 năm lớp 6, nó quyết định nghỉ luôn. Cha mẹ nó không hề phản đối, bởi nó nghỉ học thì sẽ đỡ đi một khoản chi phí lớn, nó sẽ  ra đời sớm để kiếm tiền. Cha nó là Nguyễn Bá Quốc (SN 1967) vốn là một nhạc công trong quân đội, sau khi xuất ngũ thì công việc bấp bênh, vài tháng mới có một show đi diễn ở đám cưới. Mẹ nó một tay chăm bà ngoại bị tai biến nhiều năm nay nên cũng không làm việc gì. Nó còn một đứa em trai 11 tuổi, đang học lớp 6. Ngần ấy miệng ăn mà không có nguồn thu nhập nào nên bây giờ nó là trụ cột trong gia đình.

Beo chăm chỉ làm việc để sớm ra nghề.

Nhà nó ở dưới gầm cầu thang chung cư, có chỗ bước vào phải cúi đầu và diện tích bề ngang cũng chỉ đủ chỗ cho hai người ngồi nói chuyện. May là hàng tháng chỉ phải đóng tiền điện, nước chứ đóng thêm tiền thuê nhà nữa thì bĩ cực trăm bề. Ông Nguyễn Bá Quốc thở dài: “Năm ngoái đưa nó đi khám nghĩa vụ quân sự, nhưng bác sĩ bảo nó bị bệnh trong người nên không thể đi lính. Tính xin cho nó vào trường dạy nghề của quận, mọi chi phí đều được cho nợ, sau này ra nghề mới phải trả. Nhưng nó không thích, nó chỉ thích theo thầy Tuấn sửa giày dép thôi”.

Khuôn hình nó nhỏ hơn tuổi 18. Ba nó cho biết, nó bị u trong người, nhiều u lắm nên không lớn được, cao bằng đó đã mừng lắm rồi. Những cục u này có từ ngày mới sinh, ngấm vào máu nên không chữa được, rất may là không phải u ác. Da nó đen vì dãi nắng dầm mưa nhiều. Tay nó khẳng khiu và chai sần, do kim khâu chọc vào. Nhưng nó còn đỡ, thầy Tuấn của nó vạch tay chân lên còn chi chít vết sẹo, cũng do kim, kéo và dao vạc trúng.

Ngồi nói chuyện với nó được vài câu, nó bảo phải gặp thầy sửa giày của nó mới hiểu hết chuyện được. Rồi nó nhanh thoăn thoắt phi lên xe gắn máy dẫn tôi đi gặp thầy. Thầy nó là Huỳnh Thanh Tuấn, một “cao thủ” sửa giày dép ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Đó là một người đàn ông phong trần, nước da ngăm đen.

Ấn tượng đầu tiên về anh Tuấn là một khuôn mặt đầy bụi giày, bụi bám đầy cả vào mớ tóc xoăn tít của anh. Xung quanh tiệm sửa giày của anh còn có hai học trò trạc tuổi Beo, đang cặm cụi khâu vá, sơn quét những đôi giày cũ. Mở đầu câu chuyện, anh Tuấn cho biết: “Tính đến nay là 21 năm tôi làm nghề sửa giày dép”. Chừng ấy năm, người đàn ông này đã tích lũy được cả một “kho” kinh nghiệm. Nhưng anh bảo, buồn vui, bi đát cũng nhiều lắm.

Anh Tuấn thường khuyên học trò của mình phải trung thực trong cuộc sống.

Huỳnh Thanh Tuấn sinh ra trong gia đình nghèo, từ bé anh đã phải bươn ra đời kiếm sống. Anh bảo, thời đó, không có ai dạy cũng không ai nâng đỡ cưu mang như anh dành cho bọn nhỏ bây giờ, tất cả phải tự lực cánh sinh hết. Nghề sửa giày dép không có thầy dạy, tự mà học, tự mà đúc rút kinh nghiệm. Khởi nghiệp bằng nghề sửa giày dép cũng bầm dập, te tua, đói lên đói xuống nhưng anh Tuấn quyết bám nghề và trụ lại với nghề bởi tình yêu và niềm đam mê giày dép đã ngấm vào máu.

Sau này, gặp những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học sớm để ra đời, anh Tuấn đồng cảm và thấy thương bọn nhỏ. Chúng như “phiên bản” của anh ngày xưa, anh giang tay nhận hết. Tuy nhiên, học trò anh nhận phải có lai lịch rõ ràng, và thường là những đứa trẻ anh đã nắm rõ về hoàn cảnh gia đình. Anh Tuấn nhận định, ở tuổi đôi mươi, nhận thức của chúng đã hình thành và là lứa tuổi học nghề chín muồi nhất. Nhưng cái khó đối với anh Tuấn không phải là dạy nghề mà là dạy đạo đức, dạy cách làm người cho chúng.

Anh Tuấn chia sẻ: “Tuổi này rất năng động, hiếu kỳ, nông nổi và dễ sa ngã nếu người lớn không uốn nắn từ đầu. Được cái, học trò của tôi đều ngoan, biết vâng lời, ra ngoài xã hội đều tử tế, đàng hoàng”.

Beo là một điển hình, nó hiểu được hoàn cảnh gia đình, ý thức được thân phận của mình nên chỉ nỗ lực làm việc. Tiền kiếm được, Beo mang về đưa hết cho mẹ để trang trải gia đình. Sau ba năm học nghề sửa giày dép, Beo đã tích lũy cho mình được vốn kiến thức cơ bản, từng đường kim mũi chỉ, Beo đều làm thuần thục. Tuy nhiên, còn những thao tác đòi hỏi kỹ thuật cao thì Beo chưa nhuần nhuyễn. Những ca nào khó, nó vẫn phải “cầu cứu” thầy.

Tiệm sửa giày của anh Tuấn lúc nào cũng có vài học trò học việc.

Trong đời sửa giày dép của mình, anh Tuấn kể rằng, có những câu chuyện cứ ám ảnh tâm trí, không bao giờ quên được. Chẳng hạn như mấy tháng trước, có ông cụ xách đôi dép rách như xơ mướp thuê xe từ Hóc Môn lên quận 3 nhờ anh Tuấn vá lại cho. Khi làm xong, anh Tuấn không lấy tiền còn tặng ông thêm một đôi dép lành lặn khác. Cụ ông khóc, ôm người sửa dép rồi nói: “Quả thật đúng với tin đồn, anh tử tế quá”. Rồi người dân xa gần biết việc thầy trò anh làm đã mang giày dép cũ đến để anh sửa tặng cho người bán vé số, lượm ve chai.

Triết lý của người sửa giày dép răn dạy học trò của mình là sự trung thực trong cuộc sống. Hãy san sẻ tình thương cho những người nghèo khó trong xã hội, biết trân trọng sức lao động và hiểu được giá trị đồng tiền.

Ngọc Hoa
.
.
.