Những "nông dân" điển hình ấn tượng

Thứ Tư, 23/01/2019, 20:23
Không được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm và hạn hẹp về nguồn vốn nhưng những người nông dân bằng ý chí thoát nghèo đã nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


Thương hiệu "Quýt vàng Bắc Sơn" của một nông dân người Tày

Là một trong 63 gương điển hình tại Lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018, anh Đặng Văn Lương được biết đến là người mang thương hiệu "Quýt vàng Bắc Sơn" ra với thị trường. Anh là nhân chứng cụ thể về câu chuyện vươn lên thoát nghèo từ việc phát huy giá trị đặc sản của địa phương.

Sau nhiều năm phát triển kinh tế theo hình thức truyền thống như: trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình anh Đặng Văn Lương vẫn không thoát khỏi tình cảnh khó khăn. 

Đến đầu năm 2000, anh quyết định chuyển đổi canh tác, từ trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng quýt Bắc Sơn, một loài cây ăn quả đặc sản của địa phương, đồng thời kết hợp với chăn nuôi trâu bò, lợn, gia cầm… khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Lựa chọn trồng giống quýt Bắc Sơn là loại cây chủ đạo, vì theo anh Lương đây là cây đặc sản địa phương cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, đất đai. 

Anh cho biết, quýt Bắc Sơn có từ rất lâu, nhưng trước đây chỉ trồng trong rừng, hoặc trồng để ăn chứ không có ý tưởng trồng để bán. Gia đình anh là một trong những hộ tiên phong trồng giống quýt Bắc Sơn theo mô hình phát triển kinh tế.

Ban đầu, anh Lương chưa dám trồng toàn bộ diện tích đất của gia đình, mà chỉ trồng 150 cây. Sau một năm thấy cây quýt phát triển tốt, anh tiếp tục trồng thêm 180 cây, năm sau trồng thêm 200 cây. Sau một thời gian, từ 1ha quýt kết hợp nhiều mô hình phát triển kinh tế, hiện tổng diện tích đất sản xuất của gia đình anh Lương lến tới 3 ha. 

Trong đó, anh dùng 2,5 ha đất để trồng quýt, 0,5 ha còn lại trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò. Hiện gia đình anh Lương có hàng chục con trâu nuôi vỗ béo, hơn 100 con lợn và hàng nghìn con gà.

Ông Đặng Xuân Lương thăm vườn quýt của gia đình.

Hằng năm, anh Lương còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật cùng với nông dân do Trạm Khuyến nông huyện Bắc Sơn tổ chức về chăm sóc, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch đảm bảo thời vụ.

Anh Lương chia sẻ: "Quýt Bắc Sơn có hai loại quả tròn và quả dẹt, tùy theo đặc điểm thổ nhưỡng của nơi trồng. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ dày hơn, khó bóc, vị chua và cũng ít sơ. 

Trọng lượng quả trung bình 100- 150g. Quýt Bắc Sơn ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh và khô nên sinh trưởng tốt nhất trong các khe núi, thung lũng thuộc vùng núi đá, độ cao 500- 700 m so với mực nước biển".

Bằng kiến thức và sự quyết tâm, hai năm qua, mỗi năm gia đình anh Lương thu về hàng tỉ đồng từ cây quýt và việc chăn nuôi. Nhìn vào thành quả của gia đình anh, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng, tập trung vào trồng quýt vàng đặc sản và dần tạo thành vùng trồng quýt chủ lực của huyện Bắc Sơn. 

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Bắc Sơn, hiện toàn huyện có hơn 500 ha quýt. Quýt Bắc Sơn được thị trường ưa chuộng. Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, quýt được thương lái thu mua với giá khoảng 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Vào những ngày giáp Tết âm lịch, giá có thể lên đến 35.000 đồng hoặc 50.000 đồng/kg, đem lại lợi ích kinh tế cao cho người dân.

Năm 2015, anh Lương là một trong những người đầu tiên trong xã Chiến Thắng thành lập Hợp tác xã kiểu mới, lấy tên là Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Hồng với 18 thành viên. Hợp tác xã hoạt động với mục tiêu phát triển sản xuất cây ăn quả, bước đầu là đặc sản quýt vàng Bắc Sơn theo chương trình VietGap nhằm tạo thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. 

Anh Lương cho biết: "Phát triển trồng cây quýt đặc sản theo hướng VietGap không chỉ là mong muốn của các thành viên Hợp tác xã mà còn là mong muốn của tất cả người dân trong vùng, có như vậy mới giữ được giá ổn định, bà con yên tâm sản xuất, tránh được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Sau hai năm thành lập, hiện hợp tác xã Nam Hồng đã mở được diện tích đất hơn 17ha".

Với những suy nghĩ mạnh dạo trong làm kinh tế, anh Lương được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, hộ gia đình phát triển kinh tế giỏi, điển hình tiêu biểu, được Hội Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn chọn làm mô hình điểm về vườn cây quýt vàng Bắc Sơn cho bà con học hỏi và làm theo. 

Trong những năm gần đây anh Lương luôn nhận được rất nhiều bằng khen của UBND huyện Bắc Sơn và của UBND tỉnh Lạng Sơn vì có thành tích xuất sắc trong việc phát triển cây quýt trên địa bàn.

Chiếc máy xẻ gỗ cải tiến của anh Trương Văn Thủy giúp tiết kiệm thời gian và nhân công.

Máy xẻ gỗ cải tiến của một nông dân người Sán Dìu

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Sán Dìu ở mảnh đất Thái Nguyên, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, năm 1997 anh Trương Văn Thủy phải rời quê hương lên Bắc Kạn làm ăn và lập gia đình tại thôn Còi Mò. Những năm đầu, cuộc sống mưu sinh nơi đất khách rất khó khăn vất vả khi chỉ trông chờ vào mấy nương ngô, ruộng lúa. 

Không bằng lòng với hoàn cảnh nghèo khó, thiếu thốn anh Thủy đã tự mày mò học hỏi qua bạn bè về nghề mộc. Dần dần, anh đã tự làm chạn bát, làm khung cửa sổ cho gia đình. 

Năm 2008, với kinh nghiệm làm nghề được tích lũy, anh Thủy đã mạnh dạn  vay vốn ngân hàng mở xưởng mộc tại nhà. Cứ thế, cuộc sống gia đình anh từng bước được cải thiện, xưởng mộc cũng ngày một hoạt động ổn định hơn.

Sau bao nhiêu năm làm mộc, anh Thủy nhận thấy những chiếc máy xẻ gỗ và máy bào giá thành rất cao nên rất khó khăn cho các xưởng mộc nhỏ không có điều kiện để mua máy. Năm 2017, anh Trương Văn Thủy bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi để cải tiến máy móc nhằm nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm. 

Sau 3 tháng miệt mài, người thợ mộc này đã cải tiến thành công và hiệu quả công năng của máy xẻ gỗ CD đứng, vốn chỉ xẻ gỗ tròn ra thành phẩm thì nay đã có thêm rất nhiều tính năng với độ an toàn rất cao trong sử dụng như: có thể dọc bào cánh cửa, ghép ván,  cắt độ chéo, độ dài tùy ý…

"Máy được gắn mô tơ điện, chỉ cần đặt tấm gỗ lên và di chuyển thanh trượt, gỗ được xẻ theo đường thẳng tắp mà không cần đánh dấu…", đó là những mô tả về công năng của chiếc máy xẻ gỗ cải tiến do anh Trương Văn Thủy ở thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) sáng chế. 

Chiếc máy của anh Thủy đã giúp cho các xưởng gỗ tiết kiệm số tiền lớn, thay vì mua những chiếc máy xẻ gỗ có giá hàng trăm triệu đồng thì nay đã có chiếc máy của anh Thủy với giá chưa đến 5 triệu đồng.

Anh Trương Văn Thủy tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14.

So với các máy xẻ gỗ đã có trên thị trường thì tính mới, tính sáng tạo của sáng kiến chính việc là anh Thủy đã khéo léo chế một đường ray xây bằng gạch, đổ bê tông khối cố định, mặt trên khối gắn chặt 2 thanh sắt nằm ngang song song với nhau để tạo thành đường ray di chuyển dàn sắt và giữ gỗ. Dàn được gắn 4 bánh sắt trượt trên đường ray khi di chuyển dàn để đặt và giữ thanh gỗ cố định song song với dàn. 

Cải tiến đã giúp thanh gỗ vừa được xẻ, vừa được bào nhẵn cùng một lúc nên đã giảm chi phí thời gian, công lao động. Thanh gỗ được bào đạt độ bằng, phẳng gần như tuyệt đối nên khi ghép các thanh gỗ để thành hàng hóa, các mạch ghép gần như khép kín nâng cao chất lượng, mỹ quan hàng hóa.

Anh Trương Văn Thủy cho biết, khi chế tạo ra chiếc máy này anh không có điều kiện để đọc bất cứ tài liệu hay xem mẫu máy xẻ gỗ nào đã có trên thị trường, mà hoàn toàn từ công việc thực tế và tự mày mò. Chi phí cải tiến mỗi máy chỉ gần 5 triệu đồng. 

Sau cải tiến, năng suất lao động tăng, nếu trước đây 2 thợ lành nghề sản xuất được 40 sản phẩm/ngày, thì dùng máy cải tiến sản xuất được 300 sản phẩm/ngày. Đặc biệt chất lượng sản phẩm được nâng cao và đảm bảo độ an toàn trong sử dụng.

Theo như anh Thủy thông tin, anh muốn cùng với chính quyền địa phương giúp bà con trong tỉnh tự làm ra máy, phục vụ vào sản xuất theo mô hình mỗi nơi một sản phẩm. "Tôi muốn xây dựng làng nghề mộc, tỉnh Bắc Kạn vốn đất rộng người thưa, nguyên liệu dồi dào nhưng bà con chủ yếu bán gỗ thô. Bây giờ nếu có máy bà con có thể sản xuất hàng tinh, bán ra thị trường sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn", anh Thủy chia sẻ.

Với sáng chế này, anh Thủy vừa vinh dự được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh cũng được trao giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14 năm 2016-2017.

Tuấn Anh
.
.
.