Những "nữ chiến binh" bảo vệ tê giác ở Nam Phi

Thứ Ba, 06/09/2016, 11:02
Black Mambas là một đơn vị chống nạn săn trộm tê giác ở Nam Phi. Nhiệm vụ của Black Mambas là tuần tra không vũ trang trong khu bảo tồn thiên nhiên Balule, rộng 50.000 ha, thuộc Vườn Quốc gia Greater Kruger. Điều đặc biệt là đơn vị này chỉ tuyển cán bộ nữ.


"Khắc tinh" của tội phạm săn trộm tê giác

Đơn vị Black Mambas được thành lập cách đây hơn 3 năm và là "đứa con tinh thần" của Craig Spencer, giám đốc một tổ chức bảo vệ tê giác ở Châu Phi. Craig Spencer muốn xây dựng dự án để vừa bảo vệ tê giác, vừa giúp những người dân nghèo sống ở khu vực biên giới có thêm thu nhập.

Tất cả thành viên Black Mambas đều là phụ nữ trẻ người địa phương, sống gần Vườn Quốc gia Greater Kruger. Khi mới thành lập, Black Mambas chỉ có 6 thành viên, giờ đây, con số này là 36 người. Black Mambas được lấy tên theo một loài rắn độc sống chủ yếu ở phía Nam và Đông Phi.

Tất cả nhân viên của Black Mambas phải trải qua sáu tuần huấn luyện vô cùng nghiêm ngặt.

"Làng tôi gần Vườn Quốc gia Greater Kruger. Cha mẹ tôi làm việc ở đó. Cha tôi là kiểm lâm. Khi còn nhỏ, tôi đã nhiều lần đến đây chơi và có tình yêu đặc biệt với thiên nhiên. Khi đi học, tôi đã được nghe các thầy cô giáo nói về tầm quan trọng của công tác bảo tồn thiên nhiên.

Lớn lên, tôi quyết định gia nhập Black Mambas", Felicia Mogakane, một thành viên của Black Mambas nói. Felicia Mogakane cho biết thêm, Nam Phi đang trong tình trạng khủng hoảng nạn săn trộm tê giác.

Ước tính, cứ bảy giờ có một con tê giác bị giết. Kể từ khi Black Mamba ra đời, số lượng tê giác bị săn trộm trong khu bảo tồn giảm đáng kể. "Khoảng 13.000 con tê giác sống trong khu bảo tồn thiên nhiên Balule. Đây là một trong những nơi có nhiều tê giác nhất trên hành tinh.

Trong khu bảo tồn, có 12 con tê giác đã bị giết trong 30 tháng trở lại đây. Số lượng bẫy tê giác đã giảm 76%. Tuy nhiên, ở những nơi khác, tê giác vẫn tiếp tục bị giết chết hàng ngày để lấy sừng", Mogakane nói với phóng viên tờ DW (Đức).

"Tuần tra khu vực hàng rào là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi. Chúng tôi phải kiểm tra và đảm bảo sự an toàn tuyệt đối. Nếu phát hiện kẽ hở hay sai sót nào, chúng tôi phải xử lý ngay lập tức.

Ở khu vực có bụi rậm, chúng tôi tập trung tìm kiếm và phát hiện xem có bẫy hay dây điện mà những kẻ săn trộm thường sử dụng hay không. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu chúng tôi có sợ hãi nếu gặp những kẻ săn trộm tê giác? Câu trả lời là: "Không".

Chúng tôi không sợ hãi vì đã được đào tạo cách ứng phó khi gặp họ. Nếu khó khăn, chúng tôi có thể gọi lực lượng vũ trang đến trợ giúp", Felicia Mogakane nói.

Từng bị cánh mày râu hoài nghi về hiệu quả công tác

NoCry Mzimba, 21 tuổi, một thành viên của Black Mambas cho biết, khi mới thành lập, rất nhiều người hoài nghi về khả năng hoạt động của nhóm bảo vệ tê giác toàn nữ giới.

"Họ chỉ đơn giản là không muốn tin rằng, phụ nữ có thể làm tốt công việc vốn được coi là thuộc về phái mạnh", NoCry Mzimba nói.

Đối với hầu hết nữ chiến binh của Black Mambas, đây là công việc đầu tiên kể từ khi rời ghế nhà trường. Tiền lương do một quỹ bảo vệ môi trường chi trả. Tất cả nhân viên của Black Mambas phải trải qua sáu tuần huấn luyện vô cùng nghiêm ngặt.

Kể từ khi Black Mamba ra đời, số lượng tê giác trong khu bảo tồn bị săn trộm giảm đáng kể.

Những người phụ nữ được đào tạo cách sử dụng vũ khí cũng như cách đối phó với động vật trong tự nhiên. Đồng thời, họ cũng được học cách phát hiện bẫy của những kẻ săn trộm tê giác và cách ứng phó khi phải đối mặt với kẻ săn trộm.

Những thành viên của Black Mambas không được trang bị vũ khí khi đi tuần tra. Nhiệm vụ chính của họ là thu thập thông tin, tìm bẫy chứ không phải bắt giữ những kẻ săn trộm.

"Những kẻ săn trộm thấy chúng tôi là phụ nữ và không nghĩ rằng chúng tôi đang thực hiện công việc quan trọng đến vậy", NoCry Mzimba nói. NoCry Mzimba cho biết thêm, Back Mambas có những mục tiêu dài hạn, đó là không chỉ ngăn chặn nạn săn trộm tê giác, mà còn thuyết phục những tay săn trộm tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia tại Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) cho biết, Vườn Quốc gia Greater Kruger là một trong những khu vực săn bắn chính của những kẻ săn trộm tê giác. 1kg sừng tê giác có thể bán được với giá 25.000 USD trên thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Hầu hết các tay săn trộm đến từ Mozambique. Họ là người trẻ thất nghiệp, được những tay săn trộm tê giác giấu mặt cung cấp vũ khí để hoạt động.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.