Những phận đời ở làng “4 không” giữa lòng thành phố

Thứ Ba, 02/04/2013, 16:26

Sở dĩ được gọi làng "4 không" là bởi cuộc sống của hàng chục hộ dân ngôi làng nơi đây đang trôi nổi, lúc bờ sông bên này mai bờ sông bên kia để lánh nạn mưu sinh. Hàng trăm thân phận đang trên những con thuyền mục nát nghèo xơ xác, lạc hậu, thất học... Bởi họ không có hộ khẩu, không nhà cửa, không điện nước và không một tấc đất cắm dùi, thậm chí chết không có nơi chôn cất.

Đó là cuộc sống có thực đã và đang hiện hữu của những người dân ngụ cư ở xóm vạn chài ngay trong lòng thành phố đô thị loại 1, nơi bến sông Cửa Tiền, thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Những mảnh đời đói nghèo ở làng chài “4 không”

Sông Cửa Tiền chỉ cách chợ Vinh, trung tâm buôn bán lớn nhất tỉnh Nghệ An hơn 100 mét theo đường bộ, đoạn chảy qua các phường Cửa Nam, Hồng Sơn và phường Vinh Tân thuộc địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Trước kia đoạn bến sông này là nơi giao lưu buôn bán tấp nập. Thế nhưng hiện nay cũng chính trên bến sông này - dòng sông đang phải oằn mình gồng gánh, chở che biết bao mảnh đời phiêu bạt.

Họ là những cư dân được coi là ngụ cư bất hợp pháp ở nhiều miền quê khác nhau, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình họ trôi dạt về bến sông Cửa Tiền để mưu sinh từ đời ông, đời cha và trở thành hàng xóm cùng cảnh ngộ với nhau. Cuộc sống rách nát, tạm bợ là những gì đang bám riết lấy bao phận người già, trẻ của xóm vạn chài ngụ cư này. Có mặt tại bến sông Cửa Tiền vào một buổi sáng, đứng trên sườn đê vẫn nghe tiếng xe máy ôtô ồn ào náo nức của những con phố phía sau lưng, nhìn xa dưới dòng nước sông Cửa Tiền hiền hòa lại là những con đò cũ nát đang dạt vào những ụ đất ven bờ sông. Tiếng trẻ con khóc, tiếng người già ho lụ khụ vẫn đâu đó trong những chiếc thuyền vọng ra.

Chiếc thuyền đáy bằng bê tông đã cũ kỹ, rêu xanh mọc bá trên thành, phía trên là nhiều tấm lợp từ tôn, lá cọ. Khuôn viên chỉ khoảng 3 mét vuông, bà Ngô Thị Hồng (64 tuổi), quê ở Quảng Bình, bà Hồng đang bế đứa cháu nội hơn 1 tuổi khóc thét: "Nó khát sữa chú à, sáng mai mẹ nó đi làm sớm không đánh thức nó dậy bú nên bây giờ nó đói...".

Vừa dỗ dành đứa cháu, bà Hồng nói giọng buồn: "Cả đại gia đình nhà tôi đã 3 thế hệ có 7 người (2 ông bà, 2 vợ chồng cậu con trai và 3 đứa cháu - PV) chỉ sống trên chiếc thuyền bé con này thôi. Bố mẹ các cháu là lao động chính đi làm thuê cửu vạn quanh trong thành phố, đi từ sáng sớm mãi tới đêm mới về, tiền công thì cũng phập phù lắm, có bữa không đủ mua gạo. Ban ngày thì có mấy bà cháu ở nhà,  nhưng ban đêm thì cả 7 con người cùng tá túc trên con thuyền bé nhỏ này, chật chội khổ sở lắm chú ơi! Điện nước thì không có, khổ nhất là vào những ngày mùa mưa lụt, cả gia đình tròng trành trên chiếc thuyền cũ nát...".

Khi được hỏi về sổ hộ khẩu và giấy tờ tùy thân thì bà Hồng lắc đầu liên tục và khẳng định chắc nịch: "Không có gì đâu chú ơi, không phải riêng gì gia đình tôi mà cả hàng chục hộ dân nơi đây không ai có hộ khẩu, chứ chưa nói gì đến có đất đai...".

Cách thuyền của gia đình bà Hồng chỉ dăm bước chân là túp lều vỏn vẹn chỉ vài tấm lá cọ đính kèm theo vài mảnh bao bì cũ nát, khuôn viên chỉ khoảng 2 m2 ngay trên mom đất sát vệ sông đó là căn lều của 2 cụ Nguyễn Tiến Dần (77 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan, quê ở Thanh Hóa.

Cái kiềng sắt 3 chân cũ kỹ đang lập lòe ánh lửa heo hút, cụ Dần đang nấu nồi canh rau vặt cho bữa trưa của 2 ông bà, giọng cụ như nghẹn lại: "Gia đình tôi trước ở Thường Xuân - Thanh Hóa nhưng hoàn cảnh gia đình ngoài đó khó khăn không đủ cuộc sống mưu sinh nên 2 ông bà chúng tôi mang cả 2 đứa con vào đây sống từ những năm 1976, 1977 chi đó tôi cũng không nhớ rõ nữa. Những tưởng ly hương vào đây tìm được cuộc sống khấm khá hơn nhưng đâu nỗi, con đò là nhà những năm còn trẻ còn có sức khỏe thì vừa mưu sinh đánh cá vừa lên thành phố đi làm cửu vạn kiếm tiền nuôi sống gia đình, nhưng càng về sau thì cuộc sống bươn chải kiếm ăn càng khó. Gia đình giờ có cả cháu nội và cháu ngoại rồi nên ông bà tôi nhường chiếc thuyền cũ cho vợ chồng thằng con trai ở riêng, còn ông bà tôi dựng tạm căn lều này để ở, hằng ngày thì đi dọc đường nhặt ve chai về bán, ngày nào khấm khá cũng được dăm bảy nghìn. Cuộc sống chúng tôi khổ lắm, trời nắng thì đỡ chứ  tháng tám mưa bão khổ lắm, nước sông lên cao, trời mưa nước dột khắp nơi không biết chui vào đâu cả, mong được Nhà nước, chính quyền quan tâm một tý cho đỡ khổ...".

Làng chài nơi bến sông Cửa Tiền thuộc phường Vinh Tân, Cửa Nam, Hồng Sơn của thành phố Vinh.

Bê nồi cơm vừa cạn nước để vần vào mấy hòn than bên cạnh bếp lửa, đôi tay run run ông Dần nói một câu làm tôi thấy nhói lòng: "Tuổi này chắc cũng chả được mấy hơi nữa đâu chú à! Ở làng này người quá cố còn không biết chôn cất vào đâu ấy chứ, hộ nào khấm khá thì con cháu còn đi mua đất ở nghĩa trang quanh thành phố này để chôn cất, còn không thì phải tìm cách đưa về quê chứ biết làm răng...".

Tạm biệt cụ Dần chúng tôi đến con thuyền được che chắn bởi những tấm bạt nhiều màu xanh, vàng, đỏ lẫn lộn của vợ chồng anh Lê Đình Thỏa (43 tuổi) và chị Phạm Thị Xuân.

Tay lôi vội lưới đánh cá vừa giăng ra trên mạn thuyền, thấy tôi hỏi thăm anh Thỏa như tìm được nơi tâm sự: "Khổ lắm, nhà có 3 cháu nhưng đã 2 cháu đầu thất học từ lúc lên lớp 3 rồi, còn cháu út thì năm nay bước vào lớp 1. Mấy năm nay tôi bị bệnh ốm liên miên nên không đi làm thuê đâu được, chỉ tranh thủ ngồi quăng tay lưới xuống sông để kiếm con tôm con tép phục vụ gia đình nhưng sông suối nơi đây bây giờ cũng có cá nữa đâu. Mọi thu nhập của gia đình đều trông chờ vào vợ thôi, sáng lên chợ Vinh đi mua mấy bó rau xanh bán lại, chiều đi mua đồng nát. Chúng tôi ở đây không có bất cứ hộ khẩu, giấy tờ tùy thân gì nên những lúc phát hiện có cơ quan chức năng tới kiểm tra thì lại phải đẩy thuyền ra chạy sang bờ sông bên kia để trú ngụ, cũng vì cảnh chạy trốn đó mà từ lâu nhiều người đã đặt cho làng chài nơi đây là làng nhảy dù.”

Túp lều chỉ rộng chưa đầy 3 mét vuông ven bờ sông Cửa Tiền.

Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Hồng, cụ Dần và anh Thỏa là hàng chục thân phận khác tại làng "nhảy dù" nơi đây, họ sống thiếu thốn, tạm bợ, không điện, không nước sinh hoạt, con trẻ thất học từ sớm...

Chính quyền chưa có lời giải

Theo thống kê sơ bộ, dọc theo bến sông Cửa Tiền qua 3 phường Vinh Tân, Cửa Nam và Hồng Sơn hiện có hơn 20 hộ dân vạn chài với trên 100 nhân khẩu sinh sống. Do ngụ cư bất hợp pháp nên tất cả những hộ dân làng vạn chài nơi đây đều không có hộ khẩu, không nhà cửa, không điện nước và không một tấc đất cắm dùi, thậm chí chết không có chỗ chôn. Tài sản giá trị nhất của những hộ dân vạn chài ở bến sông Cửa Tiền chỉ duy nhất là cái nốc cũ hoặc căn lều tạm bợ rách nát dựng chênh vênh bên mép sông. Và trên những cái nốc cũ hay trong mỗi túp lều dựng tạm này đều có từ 5 đến 7 nhân khẩu ăn ở, sinh hoạt.

Được biết, cách đây 6 năm,  chính quyền thành phố Vinh đã lập danh sách các hộ dân làng vạn chài ở bến sông Cửa Tiền để làm thủ tục bàn giao về cho các địa phương. Tuy nhiên chưa đầy một tháng sau khi nhận tiền hỗ trợ và được chở về tận quê, những hộ dân làng vạn chài này đã quay trở lại bến sông Cửa Tiền để tiếp tục sinh sống. Và rồi thực trạng cư trú bất hợp pháp của những hộ dân làng vạn chài ở bến sông Cửa Tiền đang là bài toán khó trong việc quản lý hành chính, đảm bảo trật tư,å an ninh xã hội.

Dù rằng họ là những người ngụ cư bất hợp pháp nhưng các cấp chính quyền thành phố Vinh cũng cần sớm có một chủ trương để đưa các hộ dân vạn chài ở bến sông Cửa Tiền vào một nơi ở tập trung. Đó không chỉ để đảm bảo quyền lợi cho các công dân và đảm bảo an ninh trật tự mà còn là một chính sách an sinh xã hội để những công dân làng vạn chài ở bến sông Cửa Tiền thành phố Vinh, Nghệ An được nhập cư hợp pháp.

Đem vấn đề ở làng vạn chài tìm gặp ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND phường Vinh Tân, thành phố Vinh (Nghệ An) ông Sửu trăn trở:

 "Theo số liệu thì số hộ dân vạn chài sinh sống trên sông Cửa Tiền thuộc địa bàn phường Vinh Tân là khoảng 11 hộ với chừng hơn 25 nhân khẩu, những hộ còn lại thuộc vào các phường khác. Tất cả những hộ trên địa bàn phường Vinh Tân này đều không có hộ khẩu. Họ chủ yếu quê ở Quảng Bình và các tỉnh khác. Cho đến giờ phút này chúng tôi cũng rất là khó về vấn đề này, vì kinh tế địa phương cũng hạn hẹp nên hiện chưa có chính sách để hỗ trợ họ thoát nghèo. Còn chuyện chính quyền địa phương rượt đuổi truy quét bà con làng chài là không có, chỉ có công an kiểm tra hộ khẩu để đảm bảo an ninh trật tự. Cũng không có chuyện các cháu ở làng vạn chài thất học, duy nhất chỉ có một vài trường hợp? Ngày lễ, Tết hằng năm như Tết Trung thu phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể thăm tặng quà cho các cháu, Tết Nguyên đán thì lập danh sách hỗ trợ thăm hỏi, phát gạo cho bà con ăn Tết...".

Nguyễn Hải
.
.
.