Những quán cơm ấm tình người

Thứ Ba, 11/09/2018, 07:04
Với tinh thần lá lành đùm lá rách nhằm giúp đỡ những người lao động nghèo có được bữa ăn ấm lòng, nhiều quán cơm 1.000, 2.000 đồng đã ra đời chỉ với “lợi nhuận” thu được là niềm vui của những người nghèo.


Đầu tiên phải kể đến là quán cơm chay từ thiện 1.000 đồng của anh Nguyễn Quang Bi, 44 tuổi. Quán cơm chay từ thiện 1.000 đồng của anh Bi ra đời với mục đích mang lại cho người nghèo một bữa ăn chất lượng với giá thành thấp. Là một người ăn chay trường đã 20 năm cùng mong muốn được giúp đỡ người nghèo, quán cơm là tâm nguyện cháy lòng của anh Bi cũng như những người thân trong gia đình ấp ủ từ rất lâu.

Quán có địa chỉ ở số 2 Lê Qúy Đôn, TP Huế với diện tích khoảng 50m2, mở bán từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều tất cả các ngày trong tuần. Thực khách của quán đa số là sinh viên, những người lao động nghèo khó, vất vả… Mỗi ngày, quán phục vụ khoảng 1.000 suất cơm với giá tượng trưng 1.000 đồng/ suất. Vào những ngày Rằm, mùng Một âm lịch hàng tháng quán phục vụ đến gần 2.000 suất. Chỉ tính riêng lượng gạo mỗi ngày lên đến 80-90kg.

Quán cơm 1.000 đồng của anh Nguyễn Quang Bi.

Điều đặc biệt là quán không hề có bất kỳ nhân viên phục vụ nào, khách hàng đến với quán phải tự phục vụ mình. Đầu tiên họ sẽ lấy đĩa ở kệ, sau đó đến thùng cơm lấy đủ phần ăn của mình, cuối cùng là đến khu vực đồ ăn để nhận đồ ăn. Ăn xong, thực khách sẽ tự rửa bát đĩa, lau khô, xếp lên kệ để người đến sau có bát đĩa sạch để ăn. Cứ thế quán hoạt động và không cần một nhân viên phục vụ nào, bởi anh Bi muốn mọi người có thể cùng nhau chia sẻ gánh nặng công việc, tập cho mình tính tự giác và để sự chia sẻ được kéo dài.

Không chỉ mở quán cơm từ thiện, anh Nguyễn Quang Bi còn đi làm từ thiện ở nhiều nơi, giúp đỡ nhiều người. Anh thường cùng gia đình liên hệ với chính quyền địa phương tổ chức phát gạo, quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn mà không kêu gọi bất kỳ tổ chức nào đóng góp, anh cho đó chỉ là một hành động nhỏ không đáng nhắc đến và không cần hô hào. Thêm vào đó, anh còn kêu gọi nhiều dự án cải tạo đường sá, các dự án nước sạch cho vùng quê Quảng Trị của mình.

Anh Bi cho biết trước đây gia đình anh rất nghèo, bản thân từng được nhiều người tận tình chỉ dạy, cưu mang, giúp đỡ những ngày đầu lập nghiệp, do đó việc mở quán cơm từ thiện là cách để anh “trả nghĩa cho đời”, muốn nối tiếp tâm nguyện của những người luôn sống đẹp, sống yêu thương, chia sẻ với người khó khăn hơn mình. Quán cơm cũng là nơi anh dạy cho các cháu, các em của mình sống nhân ái, sẻ chia và biết thương yêu mọi người.

Nằm ở ấp nhỏ Phong Thạnh thuộc xã cù lao Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, quán cơm chay của bà Huỳnh Thị Lil, 60 tuổi, không còn xa lạ với người dân nơi đây. Với đúng tên gọi “Quán cơm 1.000 đồng”, tất cả các thực khách vào quán được chọn ăn các món như cơm, bún, hủ tiếu kèm một ly trà đá đường với giá chỉ 1.000 đồng.

Quán cơm của bà Lil

Bà Lil chia sẻ: “Đất cù lao Phong Nẫm đa số là nông dân. Đời sống bà con còn nhiều khó khăn, nên tôi bàn với gia đình mở quán cơm từ thiện nhằm giúp người lao động nghèo có bữa cơm ấm lòng, góp phần giảm bớt khó khăn, vất vả trong cuộc sống”.

Từ ngày có “Quán cơm 1.000 đồng” của bà Lil, bà con lao động và học sinh nghèo nơi đây đã lựa chọn điểm dừng chân này mỗi ngày để tiết kiệm chi phí, do đó số người đến quán ngày một đông. Mỗi ngày quán nghèo đơn sơ nằm giữa vùng sông nước này đón tới trên 100 thực khách.

Em Nguyễn Hải Đăng học sinh lớp 6 Trường THCS Phong Nẫm - một khách quen của Quán ăn 1.000 đồng - chia sẻ: “Nhà con nghèo nên mỗi ngày con và hàng chục bạn cùng trường đạp xe đến đây ăn cơm trước khi vào lớp”.

Ngoài các em học sinh, nhiều chị bán hàng rong và người bán vé số dạo cũng là khách quen của quán, họ thường ghé qua đây dùng cơm trưa, vừa tiện lợi, lại tiết kiệm.

Không chỉ phục vụ tại quán, các bữa ăn ở đây còn được con trai của chủ quán “ship” tới tận nơi những người lao động bận rộn cộng thêm chút tiền xăng xe  từ 6.000-8.000 đồng phụ thuộc vào đoạn đường gần hay xa.

Biết được tấm lòng “vàng” của chủ quán, không ít người đã đến đây chung tay phụ giúp chi phí bằng việc tự nguyện đóng góp thêm một số tiền nhỏ bỏ vào thùng “tùy hỷ”. Số tiền 1.000 đồng/phần chẳng thấm vào đâu so với chi phí mua thức ăn nên mỗi tháng quán phải bù lỗ khoảng 4-5 triệu đồng. Số tiền này được trích ra từ những nhà hảo tâm và tấm lòng thiện nguyện của bà chủ tốt bụng.

Quán cơm của anh Trương Văn Dũng.

Không chỉ mở quán cơm từ thiện, bà Lil thường xuyên vận động quyên góp sách vở, áo quần, dụng cụ học tập để hỗ trợ các học sinh nghèo. Ngoài ra bà còn hiến tặng cho Hội Từ thiện xã Phong Nẫm một căn nhà để làm phòng khám bệnh Đông y miễn phí. Hiện tại bà cũng đang trông coi cơ sở bốc thuốc nam này. Những lúc rảnh rỗi, bà cùng các thành viên trong đội tình nguyện đi tìm thảo dược cho phòng khám.

Cảm thông trước cuộc sống khó khăn của nhiều người, có rất nhiều quán cơm từ thiện được mở ra như để san sẻ chút gánh nặng giữa bộn bề cuộc sống và nỗi lo cơm áo gạo tiền của những người nghèo khổ. Quán cơm nằm ngay cạnh Quốc lộ 1A, thuộc ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, Châu Thành, Sóc Trăng của anh Trương Văn Dũng cũng nằm trong số đó.

Quán cơm của anh Dũng chỉ phục vụ 3 ngày/tuần, vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu với khoảng 100 suất cơm mỗi ngày. Thay cho việc phát cơm miễn phí, mỗi suất cơm từ thiện của quán của anh Dũng có giá 2.000 đồng.

Anh Dũng lý giải: “Mỗi suất ăn là tình cảm mà quán dành cho người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, mình để giá 2.000 đồng để mọi người vào ăn được thoải mái không mặc cảm”.

Không chỉ giúp người lao động có được bữa no, những quán cơm 1.000-2.000 như thế này còn là nguồn động viên tích cực, làm ấm lòng những người nghèo khó giữa những vất vả mưu sinh hàng ngày.

Hà Phương
.
.
.