Những quỹ đầu tư quyền lực

Thứ Ba, 17/01/2017, 14:06
Quản lý hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ USD tài sản; nắm cổ phần trong rất nhiều đại công ty toàn cầu; chủ nợ của nhiều chính phủ khắp thế giới... các quỹ đầu tư và những công ty quản lý quỹ thực sự là các định chế đầy quyền lực.


Ai đang thực sự điều hành thế giới? Câu trả lời có thể là các ngân hàng toàn cầu như Citigroup, Bank of America và JPMorgan Chase, các đại gia dầu mỏ Exxon Mobil và Shell, thậm chí là các đại công ty tiêu dùng như Apple, McDonald’s hoặc Nestlé. Nhưng có lẽ một công ty không bao giờ xuất hiện trong danh sách này là BlackRock (đá đen).

Tảng đá đen 16.000 tỷ USD

Tuy nhiên, BlackRock là cổ đông lớn nhất trong các công ty nói trên, có cổ phần trong hầu hết công ty niêm yết ở Mỹ và khắp thế giới. Cánh tay nó còn vươn dài đến trái phiếu doanh nghiệp, nợ quốc gia, hàng hóa, các quỹ phòng hộ...

Thực tế, BlackRock là nhà đầu tư lớn nhất thế giới, với lượng tài sản quản lý trực tiếp hiện lên đến 5.100 tỷ USD, lớn hơn dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc - nước có kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới - và tương đương tài sản các quỹ tư nhân, quỹ đầu cơ trên thế giới cộng lại. Ngoài ra, BlackRock còn giám sát 11.000 tỷ USD thông qua nền tảng quản lý rủi ro Aladdin.

Được thành lập vào năm 1988 bởi một nhóm các nhân vật Phố Wall do Larry Fink cầm đầu, BlackRock lúc đầu hoạt động trong việc cung cấp các sản phẩm đầu tư "thụ động", chẳng hạn như các quỹ ETF. Đây là lựa chọn ít tốn kém hơn so với các quỹ tương hỗ đã thịnh hành thời đó.

Lĩnh vực đầu tư thụ động sau đó phát triển rất nhanh chóng và BlackRock, với thương hiệu iShares, đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong ngành công nghiệp đầu tư chỉ số. Khách hàng của BlackRock bao trùm cả các quỹ đầu tư toàn quyền của các nước Ả rập giàu có, mỗi năm mang về hàng tỷ USD tiền phí quản lý.

BlackRock cũng rất thành công trong quản lý rủi ro các danh mục đầu tư chủ động. Chẳng hạn, lúc đầu BlackRock dẫn đầu lĩnh vực chứng khoán thế chấp, nhưng nhờ phân tích rủi ro tốt, đã tránh được việc phải cậy nhờ ứng cứu của chính phủ sau sự sụp đổ của Lehman. Thậm chí, BlackRock đã thu được nhiều lợi nhuận bằng việc mua lại các đơn vị quản lý tiền tệ của các định chế tài chính gặp khó khăn trong khủng hoảng.

Lời ăn, rủi... người khác chịu

Một công ty chỉ chưa tới 30 “tuổi” lại phát triển quá rộng và nhanh chóng thiết lập một mạng lưới sở hữu hầu hết các công ty, định chế quan trọng, đã khiến nhà chức trách Mỹ phải lo ngại về vai trò mang tính cấu trúc của BlackRock. Nhưng giới phân tích cho rằng nếu siết BlackRock nhằm mục đích tránh lặp lại cuộc khủng hoảng vừa qua là sai lầm.

Không giống các ngân hàng, nơi các khoản vay và tiền gửi trở thành bảng cân đối tài sản và nợ phải trả, BlackRock đơn thuần là người quản lý tiền của người khác. Nó kiểm soát các khoản đầu tư mình nắm giữ thay mặt cho khách hàng, không giữ lợi nhuận cũng không bị thiệt hại trên các tài sản đó. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ chao đảo nếu tài sản của họ bị sụt giảm chỉ vài phần nhỏ. 

Ngược lại, BlackRock có thể vượt qua các mất mát đó bằng cách chuyển lỗ lên khách hàng. Trong thực tế, việc tiếp nhận các tài sản giá rẻ từ những người bán chịu sức ép, những công ty quản lý tài sản kiểu như BlackRock là một nhân tố ổn định thị trường.

Khi các nhà chức trách muốn ngăn chặn sự lặp lại khủng hoảng, đồng thời xác định các nguồn rủi ro hệ thống trong tương lai, BlackRock lại đặt ra vấn đề khác tinh vi hơn, không đơn thuần liên quan đến quyền sở hữu tài sản, nhưng là cách đưa ra các quyết định mua và bán.

Lăng kính Aladdin

16.000 tỷ USD tài sản được quản lý trên nền tảng Aladdin của BlackRock chiếm khoảng 7% cổ phiếu, trái phiếu và các khoản vay trên thế giới. Như vậy, những định chế, công ty quản lý tiền bạc, tài sản lớn vẫn phải nhìn thế giới tài chính thông qua lăng kính của BlackRock. Ước tính có đến 17.000 giao dịch viên trong các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ toàn quyền và các định chế khác dựa vào mô hình phân tích của BlackRock để quyết định đầu tư.

Mô hình quản lý rủi ro của BlackRock được cho rất phức tạp nhưng cũng rất hiệu quả. Nguyên tắc của Aladdin là đánh giá giá trị của tài sản bằng cách hợp nhất tất cả ý kiến về tài sản đó. Dù Aladdin chỉ tư vấn cho khách hàng về các quyết định đầu tư, không tự mình thực hiện, nó vẫn có sức ảnh hưởng lớn vì đã thiết lập một khung chắc chắn về cách đánh giá rủi ro thị trường.

Cuộc khủng hoảng vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giới đầu tư không đánh giá nghiêm túc những gì họ sẽ mua. Có rất nhiều quyết định dựa vào đánh giá của các công ty đánh giá tín dụng, chẳng hạn các gói chứng khoán thế chấp. Mô hình của BlackRock rõ ràng tốt hơn các công ty đánh giá tín dụng như Moody hay Standard & Poor’s. 2 đại gia này từng tư vấn khách hàng mua chứng khoán thế chấp trước cuộc khủng hoảng 2008.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất BlackRock có thể mang lại là ngày càng có thêm nhiều người sử dụng mô hình đánh giá của nó để quyết định đầu tư, tức cơ hội thành công sẽ ngày càng giảm đi, trong khi rủi ro thất bại lớn hơn.

Pimco-Vua trái phiếu

Được thành lập từ năm 1971 với 12 triệu USD tài sản, đến năm 2009, Công ty Quản lý đầu tư Thái Bình Dương (Pimco) đã thu hút lượng tài sản lên đến 200 tỷ USD, trở thành quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới.

Đến nay, Pimco vẫn là quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới với tài sản sở hữu trên 250 tỷ USD và quản lý hơn 2.000 tỷ USD – tốc độ thu hút tài sản nhanh nhất trong các quỹ tại Mỹ. Lợi nhuận của quỹ này bình quân 7,7% trong suốt 1 thập niên trước, tốt hơn 97% các công ty tương tự, đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 với vị thế mạnh mẽ hơn.

Nhờ vậy, trong khi nhiều đối thủ phải thu hẹp hoạt động, nó tiếp tục chiêu dụ các nhân tài và thuê mướn nhân viên. Bên cạnh đó, với việc nắm trong tay một lượng lớn trái phiếu chính phủ các nước, Pimco được nhìn nhận như “phát ngôn viên” không chính thức của thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu đều chăm chú dõi theo từng động thái của Pimco để đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Chỉ cần một thay đổi của Pimco trong việc đánh giá loại trái phiếu nào đó cũng tạo thành cơn sóng thần nâng trái phiếu đó lên cao, hoặc nhấn nó chìm xuống vực sâu. Vì thế, nhiều nhà lãnh đạo các nước phải tìm cách o bế Pimco, chẳng hạn Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha năm 2010 đã đích thân sang thăm tổng hành dinh Pimco ở Newport Beach, California.

Quyền lực của Pimco cũng xuất phát từ cách tiếp cận nghiêm ngặt trong đầu tư. Nó có một đội ngũ lớn các nhà quản lý là những ngôi sao sáng được nhiều công ty đầu tư thèm khát. Những ngôi sao này được triệu tập ít nhất 4 lần mỗi tuần, mỗi lần không ít hơn 3 giờ, để bàn luận các vấn đề đang diễn ra.

Trong mỗi cuộc họp, các thành viên được chia làm 2 nhóm, một nhóm có nhiệm vụ trình bày các ý tưởng, nhóm kia có nhiệm vụ phản biện các ý tưởng đó. Theo Mohamed El-Erian, CEO Pimco, đó là một phần của “văn hóa xây dựng phản biện”. Những người đứng đầu của công ty cũng thường xuyên xuất hiện trên báo chí và truyền hình trong các tranh luận công khai.

Pimco cũng là một đề tài tranh cãi trong cuộc khủng hoảng tài chính. Vai trò kép của nó vừa là nhà đầu tư tư nhân vừa quản lý các chương trình cứu trợ của chính phủ, đã khiến nhiều người cho rằng đó là một sự mâu thuẫn. Một số người thậm chí tin rằng Pimco đặt ra một rủi ro hệ thống lớn không kém gì các ngân hàng lớn, vì vai trò của nó với thị trường rất quan trọng.

Ông Bill Gross (đồng sáng lập viên kiêm giám đốc đầu tư), nói có thể công ty tận hưởng một số “lợi thế của kẻ mạnh”, nhưng nhấn mạnh rằng khi ông tư vấn cho những chính sách cụ thể của chính phủ, những quan điểm đó là thành thật.

Không bỏ trứng vào một giỏ

Bắt đầu từ năm 2010, Pimco triển khai kế hoạch đa dạng hóa danh mục đầu tư. Thay vì tập trung đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư này bắt đầu thâm nhập các loại tài sản khác, như các quỹ ETF, cổ phiếu, đề phòng rủi ro, dịch vụ định giá và nhiều thứ khác, với tổng cộng 108 quỹ trên toàn thế giới. Giải thích cho sự thay đổi này, các nhà điều hành công ty tin rằng lãi suất trong thập niên tới sẽ cao hơn, ngược lại so với thực trạng lãi suất có xu hướng giảm trong 30 năm qua. Khi lợi suất trái phiếu tăng, giá trái phiếu giảm, sẽ ăn vào lợi nhuận đầu tư trái phiếu.

“Một sự kết hợp của các nước giàu nặng nợ và các nước đang phát triển có sức tiêu thụ yếu cũng có thể làm giảm lợi nhuận” – Bill Gross nói. Pimco đã tuyển dụng nhiều nhân tài mới để dẫn dắt cuộc bành trướng qua các lĩnh vực khác.

Các quỹ cổ phần được quản lý bởi 2 cựu chiến binh đầu tư của Franklin Templeton. 2 người này lại thuộc quyền quản lý của Neel Kashkari, cựu giám đốc Chương trình Cứu trợ tài sản (TARP) của chính phủ Mỹ. Kashkar được Pimco mời về hồi tháng 12-2009. Pimco cũng đặt kỳ vọng cao vào một đơn vị chuyên trợ giúp các định chế định giá các khoản đầu tư và một đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp chống lại những rủi ro xác suất thấp nhưng tác động cao.

Trong thực tế, xu hướng xuống dốc của trái phiếu chỉ là một trong nhiều lý do cho việc đa dạng hóa của Pimco. El-Erian cho rằng các nhà đầu tư sẽ ngày càng hướng tới những nhà quản lý có thể cung cấp tất cả giải pháp đầu tư, không chỉ chuyên về một loại tài sản cụ thể.

Nhưng một số người cho rằng động thái của Pimco là một kiểu đối sách với sự trỗi dậy của BlackRock như nhà quản lý quỹ lớn nhất thế giới. Tăng trưởng hữu cơ của Pimco trái ngược với đối thủ của nó, BlackRock đã nhảy lên vị trí hàng đầu sau khi chi 13,5 tỷ USD để mua Barclays Global Investors vào năm 2009. Một lý do khác cho việc đa dạng hóa của Pimco có thể đến từ bản thân Bill Gross.

Với dòng vốn 50 tỷ USD đổ vào quỹ trái phiếu Total Return Fund do ông quản lý (chiếm 1/2 tổng số vốn đổ vào tập đoàn) năm 2009, nhiều người ở Pimco lo ngại công ty quá phụ thuộc vào “ông vua trái phiếu” này. Đa dạng hóa là một cách để giảm rủi ro này. Năm 2011, Pimco từng bán ra hết trái phiếu chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, nỗ lực đa dạng hóa vẫn không giúp Pimco giữ được khoảng cách với các đối thủ. Tháng 10 vừa qua, quỹ này đã mất ngôi quỹ hỗ tương lớn nhất thế giới vào tay Quỹ Vanguard Total Stock Market Index, khi bị giới đầu tư rút vốn 37,5 tỷ USD, khiến tài sản còn 247,9 tỷ USD. Trong khi đó, Vanguard thu hút số vốn đạt 251 tỷ USD.

Vĩnh Cẩm
.
.
.