Những sự kiện định hình thế giới 2017

Thứ Tư, 10/01/2018, 10:33
Năm 2017 đã khép lại, hãy cùng điểm qua những sự kiện nổi bật được cho đã “định hình” bức tranh địa chính trị toàn cầu trong năm qua.


1. Năm APEC Việt Nam 2017

Lần thứ hai Hội nghị APEC được tổ chức tại Việt Nam. Năm APEC 2017 đã quy tụ khoảng 21.000 đại biểu tới tham dự các Hội nghị APEC tại các tỉnh, thành. Riêng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 quy tụ 11.000 người, gồm lãnh đạo cấp cao của hầu hết các nền kinh tế thành viên, các quan chức cũng như doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng khẳng định thông điệp mạnh mẽ, kịp thời về quyết tâm thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư, tăng trưởng bao trùm, bền vững. 

Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 cũng như của Năm APEC 2017. 

Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo điều phối các hoạt động; đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp có giá trị góp phần nâng cao vai trò, tác dụng của APEC; thể hiện vị thế và uy tín của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương.

2. Tỷ phú Donald Trump thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ

Ngày 20-1-2017, tỷ phú Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Với lập trường “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump đã có nhiều quyết định táo bạo như: siết lại luật nhập cư; rút khỏi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thỏa thuận khí hậu Paris; ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel… 

Những chính sách này gây nhiều tranh cãi, nhưng kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt bậc dưới sự lãnh đạo của ông Trump với GDP 2 quý gần nhất tăng vượt mức 3%, tốc độ cao nhất kể từ năm 2014.

 Tổng thống D.Trump cũng cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm B.Obama về vấn đề Triều Tiên và Biển Đông. Về Triều Tiên, ông cảnh báo Mỹ sẽ “đặt lựa chọn quân sự lên bàn”. 

Ông cũng gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng bằng cách thúc đẩy Liên Hiệp Quốc gia tăng trừng phạt với Triều Tiên, tạo sức ép để các đồng minh thân cận Bình Nhưỡng như Trung Quốc và Nga phải tuân thủ đầy đủ nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của LHQ. 

Về Biển Đông, Tổng thống Trump đã phê duyệt kế hoạch 1 năm cho phép Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.

3. CHDCND Triều Tiên liên tục thử tên lửa

CHDCND Triều Tiên đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới trong năm 2017, khi phóng 23 quả tên lửa trong 16 lần thử kể từ đầu năm, trong đó lần thử gần nhất là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới Mỹ. Triều Tiên cũng thử một quả bom nhiệt hạch (bom H) vào ngày 2-9. 

Sự bất chấp của CHDCND Triều Tiên đã đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh thế giới thứ 3 khi lãnh đạo Bình Nhưỡng và Washington liên tục đưa ra những phát ngôn gay gắt về đối phương. Quan hệ giữa Mỹ và các nước Trung Quốc, Nga cũng bị ảnh hưởng xấu vì vấn đề Triều Tiên.

4. Thảm họa thiên nhiên

2017 cũng được biết đến như một năm của nhiều thảm họa thiên nhiên. Điển hình là thảm họa động đất tại Mexico ngày 19-9 cách thành phố Puebla 55km về phía nam. Nó gây ra thiệt hại ở các bang Puebla, Morelos và khu vực vùng đô thị México, bao gồm sự sụp đổ của hơn 40 tòa nhà, gây ra cái chết của 370 người và làm bị thương hơn 6.000 người.

Kế đó là các siêu bão Harvey, Irma và Maria ở Đại Tây Dương. Bão Harvey gây thiệt hại ước tính 200 tỷ USD và giết chết 63 người. Bão Irma gây thiệt hại 66,77 tỷ USD và giết chết 134 người. Bão Maria gây thiệt hại 103,45 tỷ USD và làm chết 547 người. 

Tại Việt Nam, 2017 tiếp tục là một năm thiên tai khốc liệt đối với hầu khắp các vùng miền trên cả nước, với gần 400 người chết và mất tích, “cuốn trôi” 60.000 tỷ đồng.

5. Những vụ tấn công đẫm máu

Những vụ tấn công đẫm máu liên tiếp xảy ra trên thế giới năm 2017, trong đó có nhiều vụ nổi bật như: vụ tấn công khủng bố ở Westminster, London ngày 22-3 làm 6 người chết và 49 người bị thương; vụ đánh bom tại Manchester Arena ngày 22-5 làm 23 người chết và 512 người khác bị thương; 

vụ tấn công bằng xe ở Barcelona ngày 17-8 khiến 16 người chết và 152 người bị thương; vụ xả súng tại Las Vegas vào ngày 1-10 làm chết 58 người và bị thương 546 người;  vụ đánh bom xe ở Somalia ngày 14-10 khiến 512 người chết, 316 người bị thương …

6. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghi dấu ấn

Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 18 đến 24-10 đã đánh dấu sự tập trung quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với việc ông tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư ĐCSTQ. 

Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới cũng được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ. Việc ông Tập gia tăng quyền lực được mong đợi sẽ dẫn đến những thay đổi sâu rộng hơn nữa tại Trung Quốc.

7. Bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ngày 9-12 tuyên bố các lực lượng của nước này đã đánh bật hoàn toàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi nước này. Trước đó 2 ngày, quân đội Nga cũng khẳng định hiện không còn vùng lãnh thổ nào ở Syria nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức IS. Cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông bước vào thời đại “hậu IS”.

Đáng chú ý, Syria năm 2017 trở thành đấu trường giữa các nước lớn, đứng đầu là Mỹ và Nga. Các bên tham chiến đã tham gia vào một cuộc “chạy nước rút” để khôi phục hòa bình ở đó. Với việc IS bị đánh bật khỏi Iraq và Syria, cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực sẽ nhường cho cuộc đối đầu địa - chính trị, tranh giành ảnh hưởng trầm trọng hơn giữa các nhóm sắc tộc và ở bên ngoài, cuộc đấu tranh phe phái gay gắt hơn giữa các tôn giáo xuyên quốc gia, những khó khăn kinh tế và an ninh của các nước chuyển đổi đều sẽ tạo ra “mầm họa” cho sự quay trở lại của các thế lực khủng bố.

8. Khủng hoảng nhân đạo Rohingya

Theo Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF), hơn 6.700 người Hồi giáo Rohingya, trong đó có ít nhất 730 trẻ em dưới 5 tuổi, đã bị giết chết trong tháng đầu tiên của cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 8 ở bang Rakhine miền Bắc Myanmar. Đa số người bị giết (69%) là do bị bắn, trong khi đa số người khác bị đốt cháy và đánh đập đến chết. 

Hơn 640.000 người Rohingya đã bỏ chạy khỏi Rakhine kể từ tháng 8. Binh lính, cảnh sát và dân quân địa phương đã thiêu rụi hàng trăm ngôi làng Rohingya thành tro bụi. Nhiều báo cáo cũng cho thấy binh lính đã hãm hiếp phụ nữ và trẻ em như một cách để khủng bố, cũng như tàn sát dân thường bừa bãi.

9. Đảo chính 

Đêm 14-11, quân đội Zimbabwe đã tiến vào Harare, thủ đô Zimbabwe. Sau đó, Tổng thống Robert Mugabe đã bị quản thúc tại gia và tước quyền lãnh đạo, chấm dứt 37 năm trị vì đối với đất nước từng là nền kinh tế nổi bật của châu Phi. Người dân Zimbabwe đã vỡ òa vui sướng vì thoát khỏi sự cai trị tồi tệ của ông Mugabe. 

Bằng tư duy thiển cận và độc đoán, ông Mugabe đã đưa đất nước từng là niềm mơ ước của các nước láng giềng ở châu Phi, trở thành một đất nước nghèo đói và lạc hậu vào hàng bậc nhất. Sau đó, cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa được bầu làm Tổng thống lâm thời thay ông Mugabe và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ngày 24-11.

10. Kinh tế thế giới ấm lên toàn diện

Sau gần 10 năm cuộc khủng hoảng tài chính gây chấn động thế giới, kinh tế thế giới cuối cùng đã đi ra khỏi ngõ cụt, ấm lên toàn diện. Tháng 4-2017, lần đầu tiên trong 6 năm qua Tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự đoán tăng trưởng ngắn hạn của kinh tế thế giới, điều chỉnh dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 từ 3,4% lên 3,5%. 

Trong 35 chỉ số chủ yếu đại diện cho các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, một nửa lập kỷ lục mới trong năm nay. Ở Mỹ, chỉ số giá bình quân cổ phiếu công nghiệp Dow Jones năm nay đã trên 60 lần lập kỷ lục trong ngày.

Theo đánh giá của báo chí Anh, kinh tế thế giới đang tăng trưởng rộng rãi và nhanh nhất trong 10 năm qua. Còn theo báo chí Mỹ, vốn của nhà đầu tư nước ngoài đang đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Mỹ với tốc độ nhanh nhất trong những năm gần đây.

Bàng Cương
.
.
.