Những sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2013

Thứ Năm, 16/01/2014, 10:03

2013 được xem là năm đầy biến động của thế giới. Những điểm nóng, thiên tai, biến động chính trị, tôn giáo đều xảy ra trong năm này. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2013 do Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn.

Cuộc nội chiến ở Syria

Tháng 8/2012, sau những thông tin liên tiếp cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường ở vùng ngoại ô Damascus và những nơi khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đe dọa sẽ triển khai hành động can thiệp quân sự vào Syria.

Tuy nhiên, nhờ sự trung gian hòa giải của Nga, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hóa học của mình để tránh cuộc can thiệp quân sự của Mỹ. Chính quyền Syria đã chấp nhận trao toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình để LHQ quản lý và phá hủy hoàn toàn vào giữa năm 2014.

Trong khi đó, các cuộc đụng độ trên chiến trường vẫn tiếp tục leo thang đã nâng tổng số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến này lên tới hơn 100 nghìn người và hàng triệu dân thường Syria phải từ bỏ nhà cửa. LHQ đã thuyết phục được các bên tham chiến ngồi vào bàn đàm phán trong một hội nghị hòa bình về Syria sẽ được tổ chức vào năm tới ở Geneva. Tuy nhiên, rất ít người tin vào những gì họ sẽ đạt được.

Vũ khí hóa học đã được sử dụng khiến hàng ngàn người dân thiệt mạng.

Tiết lộ chấn động thế giới của cựu điệp viên CIA Snowden

Việc Edward Snowden, một cựu điệp viên Mỹ tiết lộ hàng loạt tài liệu mật về các chương trình do thám của Mỹ trên khắp thế giới đã khiến mối quan hệ của Mỹ với nhiều nước trở nên hết sức căng thẳng. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu Mỹ trả lời về những cáo buộc rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe trộm điện thoại di động của bà. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff thì hủy bỏ chuyến thăm Mỹ và sau đó, bà Rousseff đã than phiền trước toàn thể các thành viên của LHQ về điều mà bà gọi là "sự sỉ nhục" chủ quyền lãnh thổ đất nước Brazil.

Vụ việc này còn gây ra cả những tác động tiêu cực về mặt kinh tế: Các công ty Internet của Mỹ có thể sẽ bị mất hàng tỷ USD khi người dùng quốc tế chuyển sang sử dụng các sản phẩm mà họ nghĩ rằng ít có nguy cơ bị do thám hơn. Và mối quan hệ vốn đã không mặn nồng giữa Mỹ và Nga trở nên căng thẳng hơn khi Nga chấp nhận cho Snowden tị nạn ở quốc gia này.

Căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên biển của Trung Quốc

Một trong những sự kiện đáng chú ý trong năm 2013 theo tạp chí Time bình chọn là tranh chấp chủ quyền trên biển của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Tại cả khu vực biển Đông và Hoa Đông, Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với các lãnh thổ trên biển - thường là các dải san hô và đá ngầm không có người ở. Những tuyên bố này của Trung Quốc đều vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là các nước trong ASEAN và Nhật Bản.

Hồi tháng 1/2013, Philippines cho biết, nước này sẽ kiện lên Tòa trọng tài của LHQ về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Tình hình thậm chí trở nên căng thẳng hơn giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại khu vực biển Hoa Đông. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 11/2013 khi Trung Quốc tuyên bố "Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông", mà Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nói, có thể "gây ra những sự kiện khó lường".

Chỉ vài ngày sau đó, Mỹ đã tham gia vào vụ tranh chấp này bằng việc đưa máy bay ném bom B52 bay qua khu vực nhận diện phòng không do Trung Quốc tuyên bố mà không thông báo. Trung Quốc đã không phản ứng lại, nhưng trên danh nghĩa, tính đến thời điểm hiện tại, vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố vẫn tồn tại.

Siêu bão Hải Yến tàn phá Philippines

Siêu bão Hải Yến được xem là trận bão có số người thiệt mạng nhiều nhất khi tấn công Philippines, ít nhất là kể từ khi cơn bão Tehlma đổ bộ vào nước này năm 1991. Siêu bão Hải Yến đã đổ bộ vào Philippines với sức gió lên tới 170 dặm/giờ, tương đương hơn 273km/giờ, (mạnh hơn 20 dặm/giờ so với sức gió của cơn bão Katrina tấn công nước Mỹ hồi năm 2005) và làm mực nước biển dâng cao tới hơn 6m. Mặc dù đã có sự chuẩn bị phòng chống trước đó, bao gồm cả việc sơ tán gần 800 nghìn người, song siêu bão Hải Yến vẫn làm hơn 5.000 người thiệt mạng khi tàn phá miền trung Philippines và san phẳng toàn bộ nhiều khu vực của thành phố ven biển Tacloban. Gần hai triệu người bị mất nhà cửa.

Thảm họa sập nhà máy tại Bangladesh

Vụ sập tòa nhà Rana Plaza tại vùng ngoại ô Thủ đô Dhaka của Bangladesh vào ngày 24/4 là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong thời gian gần đây, làm hơn 1.100 công nhân thiệt mạng. Thảm họa đã làm bùng phát các cuộc tranh cãi cả ở trong nước và quốc tế về một cuộc cải cách tại các nhà máy cung cấp hàng hóa cho các hãng bán lẻ lớn trên toàn châu Âu và Mỹ.

Vào tháng 11/2013, các nhóm đại diện cho các hãng bán lẻ Walmart, Gap, H&M và nhiều hãng khác đã nhất trí đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với nhân công của họ. Tuy nhiên, tiến bộ đạt được còn hạn chế - chỉ tính riêng các vụ cháy nhà máy, kể từ khi tòa nhà Rana Plaza bị sập, đã làm chết ít nhất 18 người - các công nhân tại Bangladesh vẫn phải đấu tranh để được tăng lương. Họ là một trong số những người kiếm được mức lương thấp nhất trên thế giới.

Sự trỗi dậy của mạng lưới khủng bố tại châu Phi

Năm 2013 chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố do những kẻ Hồi giáo cực đoan cầm đầu. Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu liên tiếp xảy ra tại châu Phi, trong đó có vụ khủng hoảng con tin tại một giếng dầu của Algeria làm 39 người nước ngoài thiệt mạng; các cuộc tấn công đẫm máu của nhóm khủng bố Boko Haram tại Nigeria; và vụ tấn công tại trung tâm mua sắm Nairobi bởi nhóm khủng bố al-Shabab, một chi nhánh của al-Qaeda tại Somali, làm chết ít nhất 68 người.

Bạo lực đã thu hút sự chú ý của các cường quốc phương Tây. Mỹ đã thiết lập một căn cứ máy bay không người lái tại khu vực Sahel ở Niger vào tháng 2/2013 và thực hiện các cuộc vây bắt đặc biệt tại Libya và Somalia. Vào tháng 11/2013, Pháp tuyên bố nước này sẽ tăng cường sự hiện diện tại Cộng hòa Trung Phi, nơi xảy ra công kích dữ dội của các nhóm nổi dậy đã đặt quốc gia này bên "bờ vực diệt chủng" theo bình luận của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius.

Hồng y Giáo chủ Francis được bầu làm Giáo hoàng

Ngày 13/3, một tháng sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức với lý do sức khỏe và trở thành vị giáo hoàng đầu tiên tự rời bỏ chức vụ của mình, Đức Hồng y giáo chủ người Argentina Jorge Bergoglio đã được bầu vào vị trí Giáo hoàng.

Là một người có tư tưởng cải cách và nổi tiếng vì sự ủng hộ người nghèo, ông Bergoglio đã chọn tên thánh là Francis dựa theo tên vị thánh của người nghèo - Thánh Francis của thành Assisi. Kể từ đó, ông đã có nhiều hành động cấp tiến, thí dụ như tiến hành cải cái tài chính trong Vatican, thách thức quan điểm truyền thống của Giáo hội về phụ nữ và hôn nhân đồng tính, lên án bản chất tham lam của nền tư bản phương Tây.

Tổng thống Ai Cập bị lật đổ

Ngày 3/7, giới quân sự Ai Cập đã lật đổ vị Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi sau hàng loạt các cuộc đại biểu tình của hàng triệu người dân Ai Cập. Ông Morsi đã bị lật đổ chỉ sau một năm ông được chính người dân Ai Cập bầu vào vị trí Tổng thống. Những người biểu tình đã chỉ trích ông đã lợi dụng quyền lực của mình để tập trung quyền lực vào tay tổ chức Anh em Hồi giáo.

Tuy nhiên, sau khi ông Morsi bị lật đổ, những người ủng hộ cũng đã phát động những cuộc biểu tình lớn đòi phục chức cho ông. Những cuộc biểu tình này đã dẫn tới hàng loạt các vụ xung đột và gây chia rẽ người dân Ai Cập. Chính phủ lâm thời của Ai Cập, được sự ủng hộ của giới quân sự, đã ra tay đàn áp phong trào Anh em Hồi giáo làm hàng trăm người chết. Chính quyền Ai Cập cũng đã đưa ông Morsi và các thủ lĩnh của Anh em Hồi giáo ra tòa án để xét xử, nhưng các phiên tòa này đã bị hoãn tới đầu năm 2014.

Nạn hiếp dâm ở Ấn Độ

Phản ứng giận dữ liên quan đến một vụ hiếp dâm tập thể ở Delhi hồi cuối năm 2012 đã lan sang năm 2013. Những cuộc biểu tình lớn đã nổ ra yêu cầu cần có sự bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ và thực thi công lý ngay lập tức. Phiên tòa xét xử và phán quyết đối với các thủ phạm liên quan đến vụ việc này - bốn án tử hình trong số sáu nghi phạm - kéo dài cho đến tháng 9/2013. Những vụ hiếp dâm xảy ra sau đó, trong đó có vụ hiếp dâm một cô gái 23 tuổi tại Mumbai cũng thu hút sự chú ý rộng rãi trong nước và quốc tế và một lần nữa đặt ra sự xem xét lỹ lưỡng đối với quyền của phụ nữ tại các nước đang phát triển, nơi hơn hai triệu bé gái sinh con trước 14 tuổi.

Cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 vừa qua, người dân Iran đã lựa chọn ông Hassan Rouhani, một giáo sĩ ôn hòa, làm Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, với hy vọng ông sẽ giúp chấm dứt các lệnh trừng phạt của phương Tây và cải thiện được nền kinh tế đang trì trệ.

Chỉ trong vòng vài tháng sau khi lên nắm quyền, ông Rouhani và chính phủ của ông đã có những hành động thực tiễn để thực hiện lời hứa khi tranh cử. Tháng 9/2012, khi tới Mỹ tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, ông đã có cuộc điện đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama, cuộc điện đàm đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước sau ba thập kỷ. Đến tháng 11, Iran đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ và các cường quốc trong nhóm P5+1, theo đó họ sẽ tạm ngừng mở rộng chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy sự nới lỏng một cách hạn chế một số lệnh trừng phạt kinh tế

Lai-Linh (Theo Time)
.
.
.