Vụ lở núi tại La Pán Tẩn:

Những thân phận mong manh trong thảm họa

Thứ Sáu, 28/09/2012, 14:32
Đến thời điểm này, thảm họa sạt lở núi tại bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) làm chết 18 người, đủ dài để đã "nguội" bớt trong dư luận, nhưng lại quá ngắn cho những nỗi đau. Những thân phận mong manh của người dân nghèo phải giành giật miếng cơm từ tay tử thần sẽ còn là những nỗi ám ảnh không thể nguôi quên với người thân của họ.

Kiếm cơm trong tay tử thần

Ở huyện Mù Cang Chải, xã La Pán Tẩn chưa phải là nghèo nhất. Bản La Pán Tẩn lại là bản trung tâm của xã, đi bộ chừng 1, 2km là ra đến đường cái rồi. Người dân La Pán Tẩn không dựa nhiều vào nương rẫy, vào cây lúa cây ngô mà vào thảo quả. Loài cây này chỉ sống dưới tán rừng, nên người dân nơi đây đã nhiều năm qua luồn sâu vào rừng, leo đồi trồng được hàng ngàn hecta.

Mỗi kilôgam thảo quả tươi chở ra đến ngoài đường bán được 20 nghìn đồng. Nếu là thảo quả sấy khô thì bán được 120 nghìn đồng/kg. Nếu một mùa thu được chừng vài tạ thảo quả khô, người dân đã có vài chục triệu đồng rồi. Tính thì thế, nhưng mỗi năm được thu hoạch một lần, cây thì nằm cheo leo vách đồi, tít trong rừng sâu không đường không lối, để kiếm được đồng tiền cũng mướt mồ hôi.

Những năm trước không có đường, người dân vào rừng thu hoạch thảo quả, ăn ở rồi sấy khô luôn trong ấy. Sức người không đủ để vác thảo quả tươi ra, dù bán quả tươi được giá hơn. Tiện trong rừng, người dân cứ gỗ rừng ngả xuống sấy thảo quả, vừa tàn phá thiên nhiên vừa nguy cơ cháy rừng, nên vài năm nay chính quyền cấm không cho sấy thảo quả tại chỗ nữa.

Lại thêm có mỏ quặng ở đó, doanh nghiệp mở đường chở quặng ra ngoài, người dân cũng được lợi nên đã tình nguyện hiến đất, góp công mở đường. Từ đó vào đồi thảo quả có thể đi xe máy, đỡ được 7, 8 cây số. Chỉ còn lên đồi cao mới phải đi bộ thôi. Đời sống từ đó tưởng cũng dễ thở hơn, nhưng cũng vẫn chỉ là cơm rau với muối.

Cán bộ của xã bảo, cũng có người dân La Pán Tẩn có đến tiền tỷ gửi ngân hàng, từ tiền bán thảo quả, tiền doanh nghiệp đền bù đồi thảo quả (lúc giá cao được đến 1 triệu đồng/gốc), mỗi tháng lấy được mấy chục triệu tiền lãi, nhưng cũng chỉ cơm với muối. Tất nhiên những hộ đó cũng là cá biệt, còn lại đa phần là nghèo. Niềm hạnh phúc của những đứa trẻ nhem nhuốc nơi đây là ngày ngày được nhìn ôtô chạy qua đường.

Hiện trường vụ tai nạn.

Đường thì lầy lội, xe chở quặng thì nặng, ngày nắng bụi lên đỏ kè mặt mũi, ngày mưa bùn bắn qua cả cửa kính xe, thế mà hễ cứ có xe chạy qua là lũ trẻ lại đổ ra ven đường đứng vẫy, mặt mũi rạng ngời hạnh phúc. Lắm lúc xe đang chạy cũng có cậu nhóc lao ra để sờ xe, chẳng biết nguy hiểm là gì. Cánh lái xe của mỏ nhiều khi cũng phát thương, phanh xe lại cho sờ thì chúng lại vừa sợ vừa thẹn, chạy biến mất.

"Cũng tại vì nghèo quá, không có tiền cho con đi học" - Hảng A Sinh, thành viên của dòng họ đã mất 9 người, bị thương 2 người trong vụ sạt lở, nói. "Mỗi ngày đi mót quặng, mang ra ngoài bán được 200 - 300 nghìn, nhưng không phải ngày nào cũng vào mót được. Phải chọn ngày mưa, tháng đi vài lần thôi, không kiếm được nhiều tiền đâu".

Nhiều người gọi đây là cách mưu sinh từ cái chết, thực ra là thử thách mạng sống của chính mình để ngày kiếm được vài đồng. Những quặng vỉa trong lòng núi thì chỉ có doanh nghiệp khai thác được, người dân phải chờ mót những quặng lộ thiên lẫn lộn trong đất đá, chỉ ngày mưa mới lộ ra. Vì thế chỉ có ngày mưa đi mót mới được quặng, mà vào những ngày đó tử thần có thể thăm hỏi bất cứ lúc nào.

Khu vực mỏ là một rãnh suối sâu, độ dốc rất lớn. Nếu từ trên đồi đổ xuống cửa hầm quặng thì hầu như dốc đứng. Người dân lại mót ở phía cuối nguồn, 2 bên là vách đồi cao, nên khi thiên tai ập xuống không thể nào chạy nổi. Nếu có phát hiện sớm, thì họ cũng chỉ biết đứng nhìn, trong vài giây, mình sẽ bị cuốn phăng đi.

Đưa xác nạn nhân lên khỏi lòng suối.

Đây không phải lần đầu, sạt lở đất xảy ra và cũng không phải lần đầu tiên có thương vong. Nhưng những lần trước bị nhẹ, hoặc là người dân chạy được, hoặc là chỉ bị gãy tay, gãy chân. Chủ tịch UBND xã Giàng Chứ Ly bảo, cũng nhiều lần đến vận động nhân dân, nhưng được vài bữa họ lại vào. Với người dân thì tai nạn cũng chết mà đói cũng chết. Nếu may mắn vào nhặt được vài cục quặng bằng 2 bàn tay, bán cũng được vài trăm nghìn rồi.

Có khi cả 6 tháng mùa mưa họ chẳng kiếm được khoản nào nhiều như thế.  Không riêng gì bản La Pán Tẩn, người dân trong xã cùng nhiều xã xung quanh cũng coi mỏ quặng này như một nơi kiếm sống. Bởi vậy mà những lúc cao điểm, có đến cả hàng nghìn người dân kéo vào mỏ, xã phải huy động lực lượng, chia thành nhiều trạm gác nhỏ dọc đường, người dân vào thì đuổi về, mãi mới yên.

Ông Đào Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty Thịnh Đạt, đơn vị khai thác quặng cho biết còn may phước là hồi cơn bão số 5 trước không xảy ra sạt lở, bởi lúc đó phải đến 600, 700 người dân kéo vào, có cả phụ nữ, trẻ em. Thấy tình hình căng quá, xã, huyện phải cử lực lượng xuống vận động nhân dân về, bắt ký cam kết không tái phạm. Sau lần đó, im ắng được khoảng 1 tuần, rồi thì người dân lại vào và xảy ra tai nạn thương tâm vừa qua.

Nỗi đau đớn chưa thành hình

18 người chết, đều là những trụ cột. Có những gia đình mất 3 người, chỉ còn lại 3 người phụ nữ; có những gia đình mất 2 con trai, có những người phụ nữ mất chồng khi đang mang thai, có người con mất cha khi mới chưa được 1 tháng tuổi, tang thương lắm chứ. Thế nhưng, có lẽ chính người dân nơi đây chưa cảm nhận được hết thảm cảnh mà họ vừa trải qua.

Nỗi đau xé lòng của chị Lý Thị Sinh, vợ nạn nhân Hảng A Sú.

Có nhiều người, nhận thức còn non nớt đến độ tìm được xác người nhà rồi, bàn giao cho gia đình rồi nhưng cứ để người thân nằm đấy đã, phải chạy đi xem đào bới xem thế nào rồi mới về. Một số vì xác thân nhân không còn toàn vẹn, nên họ cũng chôn luôn trong khu mỏ chứ không mang về nữa.

Một số phóng viên là đồng nghiệp của chúng tôi lên thăm gia đình các nạn nhân, trao tiền hỗ trợ bước đầu cho họ cũng thấy xót xa trước những gương mặt ngơ ngác. "Vào đến nhà chỉ thấy trống huơ, trống hoác, chẳng thấy tang thương, lại tưởng mình vào nhầm nhà, gặp nhầm người. Cứ như họ chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, đau mà cũng không biết mình đau".

Thế nhưng rồi nỗi đau sẽ ngấm dần khi cả quãng đời khó khăn phía trước, những người phụ nữ sẽ phải một mình chèo chống. Như trường hợp hai anh em ruột Hảng A Dinh và Hảng A Sùng đều gặp nạn, để lại vợ dại, con thơ. Riêng Hảng A Sùng vốn đang theo học Cao đẳng Nông nghiệp tại Sơn La, Sùng là một trong những người hiếm hoi của bản theo học được đến mức này.

Vì nhà nghèo, Hảng A Sùng và người anh của mình rủ nhau đi nhặt quặng thiếc để bán, kiếm tiền vừa đi học vừa giúp đỡ vợ con. Nhưng lần đi này cả 2 anh em chẳng ai về nữa. La Văn Trận, người Thái - bảo vệ của khu mỏ cũng mới 23 tuổi, được khen là vừa ngoan, vừa cao ráo, đẹp trai. Bố Trận vốn quen với giám đốc mỏ nên gửi gắm "cho cháu theo chú làm bảo vệ hay nấu ăn gì cũng được".

Tuy nhiên vào đến mỏ thì Trận bảo cho làm bảo vệ vì "đàn ông ai lại chui vào bếp", thêm nữa công việc này lương cũng cao hơn, được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trận vừa mới đi làm được hơn 1 tháng, mới bắt đầu quen việc, quen người thì xin giám đốc về quê để ăn rằm tháng 7. Tối 6/9, bố Trận phải lặn lội đèo con bằng xe máy từ quê Văn Chấn lên nơi làm việc, vì nhà ở trong bản không tiện bắt xe, thì 10h sáng hôm sau, Trận thiệt mạng.

Người bảo vệ may mắn thoát chết kể lại rằng, lúc ấy tận mắt chứng kiến Trận bị khối đất đá khổng lồ hất bay lên không rồi mới rơi xuống. Chỉ trong tích tắc, khe suối đầy người đã không còn một ai. Lúc tìm thấy xác Trận, một bên chân đã bị cắt đứt lìa, không biết lẫn đi đâu. Đến tận chiều 8/9, lúc cậu bảo vệ này đã được đưa về quê an táng, một bên chân đó mới được tìm ra.

"Ba nhà liền nhau này mất 5 người. Dòng họ chúng tôi mất 9 người rồi, còn 2 người nằm viện dưới kia" - anh Hảng A Sinh chỉ nhà anh Hảng Tồng Chua, Hảng A Sú và chị Sùng Thị Dở, đều ở bản La Pán Tẩn, nói. Những người này trước đều ở một nhà tách ra, bây giờ mới đến đời thứ 3.

Trong số 9 người chết, gia đình mới tìm được 8 người, còn 1 người đến tận bây giờ vẫn bị vùi lấp trong đám đất đá và hi vọng tìm kiếm chắc cũng không còn. Những người chứng kiến cho biết, thực ra lượng đất đá đổ xuống không lớn, nhưng do đổ từ trên cao 200 mét, cộng với lượng nước lớn nên sức tàn phá cực kỳ nặng nề.

2 chiếc máy nén khí của DN khai thác nặng hàng tấn cũng dễ dàng bị cuốn trôi. Tại hiện trường vẫn còn một chiếc xe máy méo mó, vỡ vụn nhiều phần, dù chỉ bị cuốn đi có một đoạn ngắn. "Đến sắt thép còn như thế. Con người là gì hả chị?". Áp lực của nước, sức nặng của đất cộng với va đập, nhào trộn, thân thể các nạn nhân như ở trong một cỗ máy xay. Ai có nhìn thấy cảnh đội cứu hộ lôi lên từng cánh tay, từng mảnh thân thể, nội tạng... mới thấy hết được sự tàn khốc của thảm họa. Nhiều gia đình chỉ nhận lại được vài mảnh thân xác người thân!

"Nhà nào cũng nghèo, nhưng đáng thương nhất là nhà chết 3 người đấy thôi" - ông Giàng Chứ Ly, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết. Vợ chồng anh Hảng Tồng Chua, chị Thào Thị Của và người con trai duy nhất Hảng A Giàng đều tử nạn trong thảm họa vừa qua, chỉ còn lại người con dâu đang mang bầu và 2 con gái nhỏ. Hảng A Giàng mới cưới vợ được 1 năm, chỉ biết là vợ chồng bằng tuổi nhau, chứ chẳng ai nhớ được họ bao nhiêu tuổi, nghe đâu khoảng 16, 17 tuổi, thậm chí có thể trẻ hơn, vì người Mông thường kết hôn sớm. Họ hàng thì bảo vợ Giàng chỉ còn 1 tháng nữa là đẻ, nhưng khi chúng tôi trực tiếp hỏi vợ Giàng "mang bầu mấy tháng rồi" thì chỉ nhận được cái lắc đầu.

Chính vợ Giàng cũng không biết mình mang bầu mấy tháng. Phụ nữ Mông ở La Pán Tẩn hầu hết là không biết tiếng phổ thông, muốn trao đổi, chúng tôi đều phải nhờ đàn ông phiên dịch mà cũng chỉ câu được câu chăng. Những người phụ nữ này rồi sẽ phải tiếp tục sống, lèo lái gia đình, dù chưa biết tương lai của họ sẽ ra sao. Rời Yên Bái về xuôi, lòng chúng tôi hi vọng vào sự giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng đối với những số phận cô đơn kia sau khi đọc những con chữ xác thực này

Yến Hân
.
.
.