Những thành công đầu tiên của một dự án số hóa mộ liệt sĩ

Thứ Hai, 14/10/2013, 13:50

Có thể rất nhiều người khi nghe tới ý tưởng của Lê Công Thành và lietsi.com sẽ nói rằng việc này không mới và cũng có người cho rằng đây là việc... thừa. Vì dường như đã có rất nhiều nơi đã xây dựng mô hình giống như vậy và việc của lietsi.com cũng chỉ là việc chép các danh sách liệt sĩ, thứ mà người ta có thể tìm thấy trong sổ ghi chép ở các nghĩa trang. Thế nhưng, dự án của Lê Công Thành hoàn toàn khác, dựa trên tiêu chí cộng đồng và mạng xã hội. Hơn 1 năm sau, Lê Công Thành và những người bạn chung tay góp sức đã nhận được những niềm vui đầu tiên, niềm vui của những gia đình tìm được mộ liệt sĩ qua lietsi.com.

Sức mạnh của cộng đồng

Xuất thân là một thầy giáo của Trường Đại học Công đoàn, sau đó tạm gác việc dạy để hoàn toàn có thời gian theo đuổi những dự định của riêng mình, Lê Công Thành đã bắt đầu dự án số hóa mộ liệt sĩ như một trong những điều mình ấp ủ từ rất lâu và tới giờ vẫn đang tìm cách để nhân rộng và hoàn thành được nó. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế của giảng đường đại học, xuất phát từ việc gia đình có người thân là liệt sĩ chưa tìm được mộ, là một sinh viên công nghệ thông tin, Lê Công Thành sớm suy nghĩ đến một phần mềm có thể tự động nhận dạng chữ trên bia mộ thông qua ảnh chụp.

Nhưng thời điểm ấy (đầu những năm 2000), công nghệ chưa đủ tốt, máy tính chưa đủ mạnh và phổ biến, tại Việt Nam các mạng xã hội chưa phát triển. Máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động cũng chưa thông dụng như hiện nay. Ý tưởng của Thành tưởng như không khả thi do khó khăn về nguồn dữ liệu.

Xã hội công nghệ phát triển rất nhanh. Chỉ sau mấy năm, những gì Lê Công Thành từng thấy khó khăn bỗng trở nên vô cùng thuận lợi. Máy tính, điện thoại, máy ảnh kĩ thuật số, internet, mạng xã hội... ở Việt Nam đua nhau bùng nổ. Lê Công Thành quay trở lại ngay với ý tưởng số hóa mộ liệt sĩ luôn đau đáu trong anh. Thành quyết định triển khai ý tưởng của mình thành một dự án, phát triển dựa trên mô hình Massive-scale Online Collaboration. Mô hình này là một phương thức làm việc mới trên thế giới, nó thông qua internet tập hợp những sự tham gia, cộng tác rất nhỏ của mọi người tạo nên những giá trị vô cùng lớn. Một số công ty, tổ chức công nghệ hàng đầu đã thành công với loại hình cùng cộng tác này như trang thông tin Bách khoa toàn thư mở Wikipedia hay Công ty Google với việc số hóa hơn 80 triệu bản sách.

Bản thân là một giám đốc, có những công việc riêng, một mình Thành không thể đi chụp ảnh và số hóa từng bia mộ khi khắp cả nước có tới 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, anh chọn tiếp cận dự theo hướng tận dụng yếu tố công nghệ để giảm tải công việc của con người. Thành thấy ít có cách thức tiến hành nào phù hợp hơn với ý tưởng của mình bằng cách kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng. Tuy nhiên phải vận động mọi người ra sao, cung cấp cho cộng đồng những công cụ thế nào để sẽ không ai phải làm những điều khó khăn, tốn thời gian, công sức; phải làm sao để chỉ là những cú bấm chuột trong thời gian rảnh rỗi, chỉ là những bức ảnh chụp trên điện thoại khi thuận tiện mà thôi.

Ảnh sau khi chụp được lưu trữ tập trung trên internet thông qua một phần mềm. Một phần mềm khác sẽ nhận diện các thông tin có trong bức ảnh, tạo ra nguồn dữ liệu cho hệ thống tìm kiếm thông tin. Với những ảnh chụp bị mờ, bị nhòe, máy tính không có khả năng nhận dạng, Thành và nhóm của anh đăng tải lên website lietsi.com nhờ cộng đồng internet nhập liệu giúp. Thông thường chỉ mất khoảng 10 đến 20 giây để nhập thông tin của bức ảnh. Mọi người đều có thể tham gia một cách đơn giản, tự chủ về thời gian và lựa chọn công việc phù hợp nhất với mình (chụp ảnh hoặc nhập liệu).

Hình ảnh bia mộ người thân của gia đình Nguyễn Anh Tuấn được gửi về.

Lê Công Thành ví von: việc số hóa toàn bộ các nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam giống như di chuyển một tảng đá lớn; sẽ giải quyết được đơn giản nếu nghiền nhỏ tảng đá thành nhiều hạt bụi, mỗi người trong xã hội đóng vai trò như một chú kiến, khuân một vài hạt bụi mà thôi. Công nghệ thông tin đã cung cấp cho dự án của Thành một chiếc “máy nghiền đá” hiệu quả, việc còn lại chỉ còn chờ các cá nhân trong xã hội. Anh cũng cho rằng bài toán số hóa nghĩa trang liệt sĩ là bài toán sớm muộn gì xã hội cũng phải giải quyết trọn vẹn vì nó mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực.

Cho tới giờ, lietsi.com đã thu thập được số lượng khá lớn thông tin về nơi yên nghỉ của các liệt sĩ, ước tính khoảng 30% số lượng các liệt sĩ có tên nằm tại các nghĩa trang tương đương với 200.000 liệt sĩ. Với lượng thông tin này những người vào tìm người thân cũng có xác suất khá cao. Nhưng vấn đề đặt ra là nhiều người có nhu cầu tìm mộ người thân là liệt sĩ nhưng lại chưa biết tới dự án. Chính trong lúc tìm cách gia tăng lượng người biết tới lietsi.com, Thành và các bạn đã tìm thấy được những niềm vui đầu tiên của dự án mang nhiều ý nghĩa này.

Gia đình đầu tiên tìm thấy mộ liệt sĩ

Lê Công Thành còn nhớ, đó là ngày 27/7/2013, sau những công việc bộn bề hàng ngày, anh lại dành chút thời gian suy nghĩ về việc đưa lietsi.com ra cộng đồng. Một người bạn đã giúp anh liên kết với một hotgirl nổi tiếng trên mạng và cô bạn gái đã chia sẻ thông tin về trang web cho những người theo dõi facebook của mình. Ngay sau đó đã có rất nhiều người truy cập vào trang lietsi.com. Trong số đó có một chàng thanh niên, người có bác ruột đã hy sinh từ năm 1972 nhưng chưa tìm thấy mộ.

Trong một buổi tối tình cờ vào facebook, Nguyễn Anh Tuấn đã biết tới trang lietsi.com. Gia đình anh cũng có người thân là liệt sĩ, đã nhiều lần đi tìm nhưng chưa thấy. Truy cập vào một trang tìm liệt sĩ lần đầu tiên nhìn thấy này, anh tra cứu thử tên của bác, mặc dù trong lòng không hy vọng quá nhiều. Thật bất ngờ, anh tìm được thông tin mộ liệt sĩ đúng tên Nguyễn Văn Bình, quê quán Ninh Xá, Bắc Ninh trùng khớp với thông tin của người thân mình. Chỉ có điều ngày hi sinh trên mộ được ghi là 12/9/1972 trong khi đó trong giấy báo tử là 12/8/1972. Tuy vậy trong thời chiến, đặc biệt là ngày báo tử, việc sai lệnh thông tin vẫn thường xảy ra. Anh Tuấn liên hệ ngay với anh Lê Công Thành và nhờ thẩm tra giúp thông tin.

Lời tâm sự của gia đình tìm được mộ người thân qua lietsi.com.

Nhận được liên hệ của Tuấn, những người bạn của lietsi.com đã kêu gọi cộng tác viên tại Quảng Trị thẩm định thông tin giúp. Một người bạn đã nhận giúp, đó là bạn Nguyễn Đức Huynh, một nạn nhân bom mìn khá nổi tiếng và cũng có nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Dù ở xa nhưng Huynh vẫn nhận giúp và nhờ em mình đi xe máy 40km từ Đông Hà lên tận xã Cam Chính để kiểm tra thông tin. Một bức ảnh xác thực được gửi về và gia đình Nguyễn Anh Tuấn đã vui mừng vào Quảng Trị thăm mộ người thân.  

Là một dự án xây dựng trên sự góp sức của cộng đồng và dành cho cộng đồng nên Lê Công Thành không bao giờ muốn “kể công” của mình trong việc tìm người thân của các gia đình. Bởi anh biết để dự án thành công đã, đang và sẽ cần sự giúp sức, chung tay của nhiều người hơn nữa, những người hiểu và cùng bỏ chút công sức của mình cho công việc ý nghĩa. Có gia đình tìm được người thân, tự mình tìm tới tận nơi có mộ liệt sĩ, tìm được rồi mới báo với những người điều hành lietsi.com với niềm vui khôn xiết. Và cũng có những gia đình đã tìm thấy mộ liệt sĩ qua lietsi.com mà chưa kịp phản hồi chính thức.

Mỗi niềm vui của các gia đình đầu tiên tìm thấy mộ liệt sĩ là động lực vô cùng to lớn với Lê Công Thành và tất cả những người cùng chung tay góp sức. Để đạt được tới ngày hôm nay, có những lúc những người bạn đồng hành vì bộn bề cuộc sống không thể tập trung trí lực, dự án có lúc như dừng lại, những lúc rất khó khăn. Thế nhưng cho tới nay, lietsi.com đã bước đầu đạt được những điều mà Lê Công Thành ấp ủ và hi vọng trong những ngày đầu bắt tay thực hiện. Anh hi vọng sẽ ngày càng có nhiều người biết tới và hiểu được lietsi.com để cùng chung tay góp sức mang lại niềm vui cho rất nhiều gia đình đang đau đáu tìm lại mộ người thân

Thu Hương
.
.
.