Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Những thông điệp trong lòng người Việt trẻ

Thứ Hai, 14/10/2013, 12:37

Giữa trưa mùa thu nắng như đổ lửa, cái nắng gay gắt táp vào mặt bỏng rát, từng hàng người vẫn lặng lẽ nhích dần từng bước một. Không một sự cau có, khó chịu, không một sự chen lấn, xô đẩy, tất cả đều thành kính trang nghiêm, một lòng hướng về ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Nơi ấy, vị Đại tướng vĩ đại, vị Anh hùng của dân tộc Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã mãi mãi ra đi.

Vậy là đã sáu ngày trôi qua kể từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với người Thầy vĩ đại của mình - Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu cũng không ngăn nổi dòng người mỗi ngày một dài hơn, đông hơn về viếng bác.

Trong dòng người lặng lẽ, tưởng chừng như bất tận ấy, hôm nay bỗng nhiều hơn những gương mặt thanh niên trẻ tuổi của đất nước. Những học sinh, sinh viên tranh thủ giờ nghỉ học kiên nhẫn đứng xếp hàng, những chiến sĩ Công an, Quân đội tay cầm hoa, nghiêm trang đứng chờ đợi. Có bạn mang theo tấm hình của bác, trang trọng ôm trước ngực, có bạn in hình bác trên huy hiệu cài bên ngực trái để khẳng định rằng, người mãi mãi trong trái tim tôi.

Từng chai nước, chiếc bánh mì, thậm chí cả những tờ báo che đầu được mang đến tận tay những người đi viếng để làm dịu bớt cơn đói, khát của ngày nắng gắt. Hình ảnh những thanh niên tình nguyện thay nhau quạt mát cho những người xếp hàng, hay những chiến sĩ cơ động, cảnh vệ miệt mài làm công tác giữ trật tự an toàn, dù gương mặt ướt đẫm mồ hôi khiến ai cũng cảm động.

Không một lời nói to, quát nạt, không một sự lộn xộn, chen ngang như văn hóa đám đông vẫn thường thấy. Lỡ có giẫm phải chân nhau, có xô vào nhau cũng chỉ là nụ cười thân thiện, là ánh mắt đầy thông cảm, sẻ chia. Một sự thay đổi lớn ở thế hệ trẻ hôm nay, nhưng lại rất dễ hiểu khi họ đang cùng chung một nỗi buồn thương tiếc nhớ.

Họ - những thế hệ thanh niên được sinh ra trong thời bình, chưa bao giờ được gặp Đại tướng, chỉ được biết bác qua lời kể của những thế hệ đi trước, qua những trang sách lịch sử, những phóng sự tài liệu, vậy mà hôm nay không ai bảo ai, cùng tập trung về phố Hoàng Diệu, kiên nhẫn xếp hàng mấy tiếng đồng hồ dưới trời nắng gắt để được vào viếng vị Đại tướng huyền thoại. Có người đôi mắt đỏ hoe, có người nhanh tay quệt giọt nước mắt bất chợt lăn dài trên gò má, có người nghẹn ngào tiếng khóc. Đâu đây vang lên khúc nhạc "Hồn tử sĩ" réo rắt khiến một bạn trẻ chợt òa lên, nấc nghẹn.

Hòa vào dòng người lặng lẽ đi, tôi chợt nghe được một bạn gái tâm sự: "Hôm bác mất, mẹ em gọi điện ở quê ra hỏi em có đúng thật không, lúc đầu em không tin, nhưng sau đó tự nhiên em khóc như mưa, cảm tưởng như chính người thân của mình vừa ra đi vậy". Một bạn sinh viên nghẹn ngào: "Hàng nghìn người ở xa đến đây còn chờ được thì em cũng chờ được. Phải vào thắp hương được cho bác và nhìn di ảnh bác em mới về".

Mới chỉ hôm qua thôi, thế hệ thanh niên trẻ vẫn bị nghi ngờ là những con người thờ ơ với thời cuộc, chỉ biết sống vì bản thân, chỉ biết mưu cầu lợi ích cá nhân, thì hôm nay, hình ảnh những khuôn mặt đau thương, những giọt nước mắt, những tiếng khóc, những cái nắm tay xiết chặt là minh chứng hùng hồn cho sự bừng tỉnh về lẽ sống, về niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Và trong thời khắc thiêng liêng ấy, chúng ta chợt nhận ra một điều rằng, chỉ có những con người huyền thoại, những nhân cách vĩ đại như Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới làm nên một điều kì diệu như thế.

Tên tuổi, sự nghiệp, sự cống hiến và hy sinh của Đại tướng mãi ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhân cách của bác mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.

Một bạn sinh viên Học viện Cảnh sát rưng rưng nói với tôi rằng: "Em vào Cảnh sát chỉ vì ngưỡng mộ bác Giáp, em muốn được trở thành một người lính như bác". Và quả thật, lật giở cuốn sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đọc những dòng lưu bút xúc động của các bạn trẻ mới thấy, thế hệ trẻ hôm nay yêu quý và ngưỡng mộ bác đến chừng nào.

Hàng triệu con người, hàng triệu trái tim đang hướng về Đại tướng. Một trái tim lớn ngừng đập, nhưng lại truyền lửa cho hàng triệu trái tim nhỏ hồi sinh. Đoàn kết nhân dân là đây, gốc rễ nhân dân chính là đây! Cả đến lúc mất đi, vị Tướng ấy vẫn làm nên một điều kì diệu như chính Người đã từng làm trong những chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu năm xưa. Đó chính là tạo nên sự đoàn kết toàn dân, toàn quân, làm lay động, thức tỉnh lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ.

Cánh cửa ngôi nhà 30 Hoàng Diệu đã đóng lại khi đêm đã khuya, nhiều khuôn mặt bần thần vì chưa kịp vào viếng bác. Nhưng tôi biết, ngày mai, ngày kia, và cả đến khi bác đã yên nghỉ nơi đất mẹ Quảng Bình, thì những người yêu quý bác, ngưỡng mộ bác vẫn một lòng hướng về bác, nơi họ luôn tìm thấy một niềm tin về những giá trị nhân văn cao đẹp.

Trong dòng người đến viếng Đại tướng

Bác Nguyễn Thị Cúc, 74 tuổi ở Thanh Hóa vừa khóc vừa nói: "Tôi ở Thanh Hóa ra đây, nhưng dù ở đâu, xa mấy tôi cũng đi, tôi cũng không quản ngại. Bác là người bảo vệ dân, bảo vệ nước, đem lại hòa bình, độc lập, đã hi sinh thân mình vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc".

Bác Phạm Thị Bích, dù phải ngồi xe lăn sau một lần tai biến mạch máu não cũng lặn lội từ Hòa Bình xuống viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Chồng tôi cùng Bộ tổng Tư lệnh với bác Giáp, là lính của bác, tôi là công nhân quốc phòng. Năm 2000, bác Giáp có về thăm Hòa Bình và trồng cây xoài lưu niệm tại nhà tôi. Năm nào bác Giáp khỏe, những cựu chiến binh của Bộ tổng Tư lệnh cũng tổ chức về nhà bác Giáp ăn Tết. Bác Giáp sống tình cảm lắm, bác rất tốt, đối với dân, ai bác cũng yêu quý, không phân biệt ai với ai".

Thanh niên tình nguyện tạo hàng rào để dòng người xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Thế, Bộ Tư lệnh Thủ đô, người may mắn được tham gia bảo vệ an ninh trật tự cho các cơ quan Đảng và Nhà nước tại Hà Nội cho biết: "Tấm lòng của nhân dân thập phương đối với bác thật lớn lao, mọi miền đều đổ về đây hết. Có người đến từ 3h sáng để xếp hàng đủ thấy tình yêu của mọi người dành cho bác lớn đến như thế nào. Từ hôm bác mất đến giờ phải đến hàng triệu người đến viếng bác. Đại tướng là vị anh hùng trong lòng dân. Là người đầu tiên dẫn dắt lực lượng quân đội từ những ngày đầu tiên. Không chỉ riêng em mà tất cả toàn quân đều hướng về Đại tướng, quyết tâm noi theo tấm gương của người".

Những chiến sĩ của Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng đang nhanh tay phát bánh mì cho những người dân thập phương về viếng Đại tướng cho biết: "Cá nhân bọn em làm ở Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn Bộ Quốc phòng, ngay sát nhà bác, thấy mọi người mệt nên chúng em mua bánh mì để phát cho mọi người ăn cho đỡ mệt. Còn nước uống cũng của bên quân đội phát cho mọi người. Đây chỉ là tấm lòng nhỏ của bọn em thôi ạ!"

Một bạn trẻ chia bánh mỳ cho những người đi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại úy Nguyễn Văn Hưởng, đơn vị C2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an thành phố Hà Nội tâm sự: "Chúng tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, chỉ được biết những chiến công và tài năng của bác qua những trang sách, những bài giảng lịch sử, nhưng hôm nay chúng tôi rất vinh dự được về đơn vị này và được giao nhiệm vụ giữ trật tự an ninh trước cửa nhà bác. Trong ngày chúng tôi chia ra làm hai ca, từ 6h sáng đến 1h chiều và từ 1h chiều đến 7h tối. Mỗi ca có 14 chiến sĩ tham gia. Mọi người đều nỗ lực hết mình để đảm bảo an ninh trật tự trước nhà bác".

Nguyễn Minh Lý, sinh viên năm thứ hai, Học viện Hậu cần chia sẻ: "Em đăng ký tham gia tình nguyện giữ trật tự trước cửa nhà bác theo phường nơi em sinh sống. Phường em có khoảng 30 tình nguyện viên. Buổi chiều mới phải đi học nên chúng em tranh thủ tham gia vào buổi sáng. Em là sinh viên, sinh ra trong hòa bình nên không thể hiểu hết nỗi đau, mất mát do chiến tranh gây ra. Em chỉ được nghe qua lời kể của ông bà, bố mẹ, và qua sách báo, nhưng em được biết bác Giáp là một anh hùng, một vị Đại tướng vĩ đại của nhân dân, bác có công lao rất lớn trong việc giữ gìn độc lập cho dân tộc. Em cảm thấy tự hào khi được góp một phần rất nhỏ bé vào việc giữ gìn trật tự lễ tang của bác, đó cũng là cách thế hệ trẻ chúng em được bày tỏ lòng biết ơn với bác".

Ngọc Trâm - Trung Hiếu
.
.
.