Nhức nhối nạn khai thác cát trái phép:

Những thủ đoạn 'hút bạc' dưới đáy sông

Thứ Bảy, 16/05/2015, 11:00
Nhiều năm nay nạn khai thác cát trái phép là vấn đề nóng bỏng được dư luận hết sức quan tâm. Rất nhiều khúc sông bị tận thu, "cát tặc" khai thác rất ngang nhiên. Hàng nghìn hécta đất màu bị "hà bá nuối chửng", hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, tài nguyên cạn kiệt, ngân sách thất thu. Nguy hiểm hơn cả là tính mạng của những hộ dân ven sông đang ngày đêm bị đe dọa. 

Câu hỏi lớn được đặt ra là: Vì sao vi phạm khai thác cát này diễn ra trong một thời gian dài nhưng cơ quan liên quan lại chưa xử lý được dứt điểm? Phải chăng mánh khóe của "cát tặc" quá tinh vi hay vì cơ quan nhà nước bất lực?

Lợi nhuận khủng

Những năm gần đây quá trình đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về vật liệu xây dựng từ đó cũng trở nên cấp thiết, trong đó có cát. Chính vì vậy những bãi cát tự nhiên được cấp phép đang dần cạn kiệt. Rõ ràng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao này, rất nhiều kẻ hám lợi đã mở rộng địa bàn khai thác cát, dùng máy móc hiện đại, phương thức khai thác nhanh gọn bất chấp hậu quả, vi phạm pháp luật.

Trước đây chúng tôi cũng đã từng phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép tại thôn Tri Lễ (xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Chính quyền bất lực khiến người dân dựng lều, thay phiên nhau ngày đêm canh gác. Theo phản ánh của người dân tại đây, hàng chục tàu từ Hải Phòng, Thái Bình đổ về khai thác. Cường độ khai thác cát ngày càng mạnh mẽ hơn, các tàu từ 80 đến 200 khối, có chiếc lên tới 300 khối. Giá mỗi khối cát khoảng 55 nghìn đồng. Nhẩm tính chỉ trong khoảng 3 giờ hút, mỗi tàu kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Trừ tiền thuê công nhân, tiền dầu, mỗi tàu cũng thu về khoảng 8 triệu đồng/3 tiếng khai thác. Chính vì thu nhập khủng nên các chủ này ngày càng liều lĩnh và bất chấp chính quyền địa phương. 

Những chiếc tàu cuốc công suất lớn đang hoạt động tại sông Hồng.

Cả thôn Tri Lễ có khoảng 1.500 khẩu chủ yếu sống dựa vào đất nông nghiệp, mỗi khẩu được chia hơn 1 sào (Bắc Bộ). Tuy nhiên do nạn hút cát khiến rất nhiều người dân rơi vào tình trạng trắng tay. Tại khúc sông thuộc địa bàn thôn Tri Lễ có rất nhiều hố sâu, hàm ếch. Diện tích đất canh tác ngày một bị thu hẹp. Theo ước tính từ năm 2005 đến 2012 khu vực xã Hà Thanh mất khoảng 3,1 hécta đất bãi bồi. Từ đầu năm năm 2013 đến nay mất thêm 1.300 m2.

Anh Đặng Văn Cường chia sẻ: "Bãi sông ngày trước rất rộng, chúng tôi còn đá bóng ở đó. Nhưng đến nay có đoạn cách đê chỉ vài mét, bà con trồng hoa màu cũng không được nữa. Chẳng bao lâu nước sẽ ngoạm đến chân đê, khi ấy nước lũ về thì không biết bà con Tri Lễ sẽ ra sao!".

Nạn hút cát không chỉ xảy ra tại các tỉnh lân cận, mà tại một số quận, huyện của Hà Nội cũng có hiện tượng như vậy. Qua khảo sát thực tế tại các bãi kinh doanh cát ở Nhật Tân, Tứ Liên, Bạch Đằng… chúng tôi được một số "người trong cuộc" tiết lộ: Hút và bán cát hiện nay có lợi nhuận rất cao. Chi phí cho 1m3 cát đen hạt mịn phù sa hoặc hạt đều khi khai thác khoảng 10.000 đến 15.000 đồng nhưng khi cập bến, chủ tàu "đổ buôn" cho các chủ bến bãi hợp pháp hoặc không phép dọc theo hai bờ sông Hồng có thể chênh giá lên tới vài chục lần.

Anh Thắng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Bây giờ hút cát trộm người ta hay dùng tàu nhỏ, hút thật nhanh sau đó đổ buôn cho các bãi. Nếu những ai có điều kiện, họ sẽ găm hàng chờ đến mùa kiệt nước, khan hàng. Lãi thì không thể nào kể hết được".

Rất nhiều hố cát được hình thành từ hoạt động hút cát trái phép tại một khúc sông Hồng ở Khoái Châu, Hưng Yên.

Mánh khóe né cơ quan chức năng

Trước sự vào cuộc của cơ quan chức năng, "cát tặc" đã có những mánh khóe mới khá tinh vi nhằm đối phó. Nhiều đối tượng lợi dụng sự buông lỏng trong hoạt động cấp phép bến thủy nội địa đã tùy tiện mở bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Nhiều nơi họ còn thuê một phần đất nông nghiệp để làm bến bãi hoặc ẩn nấp dưới dạng liên doanh liên kết, ký các hợp đồng cho thuê đất ven sông để kinh doanh vật liệu xây dựng và không thực hiện thủ tục pháp lý bảo vệ môi trường, mua bán, tiêu thụ cát đen không rõ nguồn gốc. Điều đáng e ngại, rất nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng đều nằm trong hành lang thoát lũ.

Theo thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, toàn bộ thành phố có tới 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Riêng tuyến đê Hữu Hồng có 112 bãi, tập trung chủ yếu ở các huyện Từ Liêm, Thường Tín, Ba Vì, Phú Xuyên, Sơn Tây. Sau khi kiểm tra đối với 34 tổ chức, cá nhân thì phát hiện có tới 19 bãi chứa khoảng 161 nghìn mét khối cát đen không rõ nguồn gốc.

Mới đây, chúng tôi có cuộc khảo sát thực tế tại một khúc sông khu vực thôn Năm Mẫu (xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Đây là địa bàn được đánh giá nóng bỏng bậc nhất về nạn hút cát. Hàng trăm ngôi nhà sụt lún, có nguy cơ sập đổ; hàng nghìn héc ta đất màu của bà con bị cuốn trôi.

Điều đáng nói, hiện tượng khai thác cát trái phép ở đây đã từng được cơ quan chức năng xử lý. Hơn một năm nay hàng loạt tàu cuốc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phố Hiến trở lại hoạt động khai thác. Việc khai thác này diễn ra không kể ngày, đêm. Chính quyền địa phương phải bất lực trước tình trạng khai thác, với lý do đơn vị này có giấy phép hoạt động. Tuy nhiên đơn vị này có cách lách luật khá tinh vi, đó là khai thác liên tục với tàu công suất lớn. Chính vì thế, khối lượng trội hơn khá nhiều so với giấy phép khai thác.

Điều quan trọng nữa, trong giấy phép cho khai thác mỏ lộ thiên, nhưng năm 2012 và đầu năm 2013, các tàu đến khai thác cát đê quai bao bọc quanh làng Năm Mẫu. Việc này khiến dư luận thôn Năm Mẫu vô cùng bức xúc. Trước tình trạng hút cát rầm rộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê bao và đất trồng màu, rất nhiều bà con phản đối bằng biện pháp xua đuổi, đánh  trống thúc. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều vô ích. Những người trên tàu cát dùng súng hoa cải bắn thị uy; các tàu được trang bị phao, gậy gộc, đá để tấn công người chống lại họ. Không những vậy, theo phản ánh của nhân dân, gần đây có hàng chục chiếc xe máy, taxi chở những người ăn mặc bặm trợn đến từng nhà dọa nạt rằng: nếu còn ngăn cản việc hút cát sẽ sống không yên và hậu quả khôn lường.

"Hà bá" nuốt chửng cả ngôi nhà của gia đình bà Hòa (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội), nguyên nhân cũng được xác định do nạn "cát tặc" nhiều năm về trước.

Các đối tượng khai thác cát trái phép rất tỉnh táo khi lựa chọn địa bàn hoạt động. Điển hình như một số huyện thuộc địa bàn Hà Nội có sông Hồng chảy qua, như khúc sông xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, Hà Nội và huyện Khoái Châu, Tỉnh Hưng Yên. Khi đang thực hiện hành vi hút cát, thấy lực lượng chức năng của Hà Nội xuất hiện là tàu sẽ nhổ neo cho chạy sang bờ tả ngạn sông Hồng (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) tránh né. Tương tự, khi thấy lực lượng chức năng của Hưng Yên, họ lại di chuyển tàu sang địa phận Hà Nội để lánh. Khi lực lượng chức năng không còn, các tàu này trở lại hoạt động bình thường.

Anh Nguyễn Công Vũ, một công nhân lái tàu cát thuê cho một chủ tại huyện Phú Xuyên cho biết: "Để tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng, các chủ cát bây giờ làm việc rất cơ động. Họ không cho hút lên tàu rồi chuyển về bãi tập kết như trước đây. Khi có hợp đồng họ mới cho tàu đi hút, chứ không tích trữ như ngày trước. Các ông chủ sẽ cho tàu hút, sau đó xe chở đến tận công trình thi công luôn. Khối lượng bao nhiều thì hút từng đó, tuyệt đối không hút thừa".

Trao đổi với phóng viên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Văn Hải cho biết: Thời gian gần đây xuất hiện hàng chục sự cố sạt lở ở khoảng 40 vị trí khác nhau trên các tuyến đê, trong đó đê sông Hồng có tới gần 20 sự cố. Nguy hiểm hơn cả là xuất hiện rất nhiều hàm ếch ở một số tuyến đê do nạn đào, hút cát bừa bãi gây ra. Về diện tích sạt lở mất đất trồng màu của bà con là khá lớn.

Điển hình là vụ kè Hồng Gậu trên tuyến đê Hữu Hồng, đoạn quanh phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây bị sạt trượt tại vị trí K29 + 850 đến K30 +050, nhiều nơi vết sạt trượt dài, ăn sâu cả trăm mét. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ kinh doanh cát.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy  - Công an Hà Nội chia sẻ với báo chí: Với chiều dài 280km của hệ thống sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ và sông Đà chảy qua Hà Nội khiến công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa lại có khá nhiều điểm khai thác cát lưu động không có giấy phép. Việc xử lý được các đối tượng này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các tàu thuyền khai thác cát đều không có số, không tên và thường là ở địa phương khác di chuyển tới. Chủ phương tiện thì ít khi xuất hiện, chủ yếu là những người làm thuê, thành phần rất phức tạp. Những đối tượng này khi bị bắt sẵn sàng chống đối, không xuất trình giấy tờ, đóng cửa tàu cho trôi tự do… rất khó khăn cho việc xử lý. Hơn nữa bến bãi tạm giữ phương tiện vi phạm cũng là vấn đề. Không biết phải cần đến bao nhiêu diện tích thì mới đáp ứng được. Chính vì lý do đó mà việc xử lý tàu, thuyền hút cát còn gặp nhiều khó khăn. 

(Còn nữa)

Phong Anh
.
.
.