Những thương vụ "làm xiếc" đất công của Công ty HMC

Thứ Tư, 23/01/2019, 20:48
Có hay không việc Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kim khí TP Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương) sai phạm trong vụ việc bán 9.125m² đất công với giá "bèo" cho tư nhân, gây thất thoát tài sản của Nhà nước?

Ngoài ra, công ty này còn được cho là liên quan đến nhiều thương vụ chuyển nhượng đất công khác, trong đó "nổi tiếng" nhất là vụ chuyển nhượng đất công không qua đấu giá đầy tai tiếng tại khu đất 10-12 Lê Duẩn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh…

Chuyển nhượng dự án không đấu thầu

Mới đây, Bộ Công Thương có thông báo kết luận xác minh nội dung đơn tố cáo về một số sai phạm của đại diện phần vốn Nhà nước, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kim khí TP Hồ Chí Minh (Công ty HMC, vốn Nhà nước chiếm gần 56%), trong đó có thương vụ liên quan đến việc bán hơn 9.000m2 đất công cho một công ty tư nhân.

Theo kết luận (số 10700/KL-BCT, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký), người tố cáo là ông Hứa Văn Hải, nguyên là nhân viên Công ty HMC. 

Ông Hải tố cáo một số sai phạm của ông Đặng Huy Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty HMC trong quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp. Đặc biệt, ông Hứa Văn Hải tố cáo ông Đặng Huy Hiệp được sự bao che của Tổng Công ty Thép Việt Nam, tự ý bán toàn bộ khu đất 9.125m² trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh, cho Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc ĐX (viết tắt Công ty ĐX) với giá hơn 102 tỷ đồng không đúng quy định (hiện khu đất này đã được Công ty ĐX xây dựng hai tòa nhà cao 25 tầng mang tên Luxgarden).

Dự án Luxgarden đang hoàn thành.

Theo Bộ Công Thương, khu đất 9.121,2m² được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty HMC sử dụng làm kho chứa hàng từ năm 1990 - 2008, thời hạn thuê đất hàng năm. Lúc đó, Công ty HMC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. 

Sau đó, ngày 22-12-2010, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5796/QĐ-UBND duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại khu đất này theo giá thị trường để Công ty HMC thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển hình thức từ thuê đất sang chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất, đầu tư xây dựng công trình chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ (đất ở) là hơn 84 tỷ đồng. Năm 2011 (sau 6 năm cổ phần hóa), Công ty HMC nộp đủ tiền sử dụng đất thì khu đất lúc mới này là tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp.

Ông Hứa Văn Hải, người đứng đơn tố cáo thì trước khi cổ phần hóa vào năm 2005, khu đất 9.121,2m² của Nhà nước giao cho Công ty HMC thuê đất. Khi cổ phần hóa thì khu đất này là tài sản của Nhà nước góp vốn vào công ty để tham gia cổ phần hóa.

Bộ Công Thương cho rằng, tại thời điểm cổ phần hóa năm 2005, khu đất này Công ty HMC thuê của Nhà nước trả tiền hàng năm nên giá trị quyền sử dụng đất không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa HMC…

Đáng nói, đến tháng 6-2015, người đại diện vốn Tổng công ty Thép Việt Nam tại Công ty HMC đã có công văn xin ý kiến tổng công ty thay đổi phương án chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với dự án chung cư cho Công ty cổ phần Thiết kế Xây dựng H.T với giá trị chuyển nhượng là 93 tỷ đồng. Nhưng sau đó vì một số lý do, dự án chuyển nhượng này không thực hiện được.

Đến giai đoạn ông Đặng Huy Hiệp, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc HMC là người đại diện chính phần vốn của Tổng Công ty Thép Việt Nam tại HMC, theo Bộ Công Thương, Công ty HMC đã chủ động tìm kiếm khách hàng, thông báo chào giá cạnh tranh để chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, theo ông Hứa Văn Hải thì năm 2016, ông Hiệp đã tự ý bán toàn bộ khu đất nói trên cho Công ty ĐX với giá hơn 102 tỷ đồng… 

Để hợp thức hóa việc mua bán đất, Công ty HMC đã đưa một số công ty vào tham gia chào giá cạnh tranh. Trong khi những công ty này không có năng lực tài chính, vốn điều lệ chỉ có vài tỷ đồng, trong khi khu đất được chào bán hơn 102 tỷ đồng.

Theo Bộ Công Thương, nội dung tố cáo của ông Hải là chưa có cơ sở vì ông Hiệp triển khai việc thực hiện chuyển nhượng dự án để thoái vốn theo chủ trương chung của Chính phủ, trên cơ sở tổng công ty đồng ý về chủ trương và ý kiến chỉ đạo của HĐQT Công ty HMC. 

Công ty ĐX có vốn sở hữu hơn 1.526 tỷ đồng, sau khi thực hiện các thủ tục chào giá cạnh tranh, Công ty HMC và Công ty ĐX đã ký hợp đồng chuyển nhượng là hơn 102 tỷ đồng (tương ứng với 11,2 triệu đồng/m2). Giá trị chuyển nhượng không bao gồm tài sản trên đất.

Dù vậy, Bộ Công Thương cũng thừa nhận trong quá trình thực hiện chuyển nhượng dự án, Tổng Công ty Thép Việt Nam chưa hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể đối với việc chuyển nhượng dự án. Bộ phận đại diện phần vốn của tổng công ty chưa thông qua HĐQT Công ty HMC xây dựng quy chế nội bộ, quy trình chuyển nhượng dự án, quy trình Người đại diện vốn trình tổng công ty các bước thực hiện chuyển nhượng.

Ông Hứa Văn Hải cho rằng việc bán khu đất đã không thực hiện đấu giá theo quy định tại Điều 4 của Luật Đấu giá năm 2016. Tuy nhiên, kết luận của Bộ Công Thương khẳng định điều này là không đúng vì Luật Đấu giá có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017, trong khi HMC triển khai các thủ tục chuyển nhượng dự án từ tháng 10-2015 - 10-2016. Trong giai đoạn này, Luật Đấu giá chưa có hiệu lực.

Bộ Công thương cho rằng như vậy là HMC đã thực hiện chào giá cạnh tranh để chuyển nhượng dự án. Tuy nhiên, nếu HMC tổ chức đấu thầu rộng rãi thì tránh được dư luận không tốt về giá chuyển nhượng. Bộ Công Thương kết luận, trách nhiệm để xảy ra thiếu sót, hạn chế trên thuộc về cá nhân, đơn vị các thời kỳ liên quan... của Công ty HMC và Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Khu đất vàng gần 5.000m2 ở số 8 -12 Lê Duẩn, quận 1 đã "đưa" nhiều cán bộ lãnh đạo vào tù.

Những thương vụ "khó hiểu"

Ngoài việc chuyển nhượng khu đất hơn 9.000m² ở quận 7 như đề cập, Công ty HMC còn liên quan đến nhiều thương vụ chuyển nhượng đất công khác. Trong đó, đình đám nhất là khu đất vàng gần 5.000m2 ở số 8 -12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 mà Công ty HMC là một trong bốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh (viết tắt Công ty QLKDNTP) thuê làm trụ sở làm việc.

Năm 2007, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao có một phần trung tâm thương mại tại khu đất 8-12 Lê Duẩn và giao Công ty QLKDNTP thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.

Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương và phương thức đầu tư, tháng 10-2010 UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý về phương án thành lập công ty cổ phần (Công ty CP Đầu tư Lavenue) để thực hiện dự án; với các cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn góp là Công ty QLKDNTP giữ tỷ lệ vốn góp là 50% và 50% còn lại do Công ty HMC và ba công ty khác thuộc Bộ Công Thương góp vốn. 

Sau đó, khi Công ty QLKDNTP bán 30% vốn góp của mình tại dự án này cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm thì 4 doanh nghiệp của Bộ Công Thương cũng đồng loạt chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) để thu về 250 tỷ đồng (giá chuyển nhượng được tính là 62,5 tỷ đồng/công ty). 

Với 12,5 tỷ đồng vốn góp vào Công ty CP Đầu tư Lavenue để thực hiện dự án 8-12 Lê Duẩn, Công ty HMC đã thu về 50 tỷ đồng sau khi bán phần vốn góp này.

Tuy nhiên, tại dự án này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc giao và cho thuê. Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc UBND TP Hồ Chí Minh giao, cho thuê đất tại dự án này không qua đấu thầu, đấu giá là vi phạm Luật Đầu tư và Luật Quản lý tài sản Nhà nước… Từ đó, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thu hồi dự án.

Một thương vụ khác mà Công ty HMC bán đất công là chuyển nhượng khu đất số 5 Quốc Hương, phường Thảo Điền, quận 2 cho Công ty cổ phần Xây dựng Phước Thành vào năm 2015, chỉ sau 1 năm được TP Hồ Chí Minh giao đất.

Phối cảnh dự án Luxgarden khi hoàn chỉnh.

Khu đất tại số 5 Quốc Hương có diện tích hơn 1.600m2 được UBND TP Hồ Chí Minh quyết định giao cho HMC sử dụng đất vào năm 2014. Theo quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh của HMC tại đây có 1.400m2 dùng xây dựng nhà ở, phần còn lại là diện tích đường giao thông, công viên cây xanh.

Vụ chuyển nhượng dự án gấp gáp này giúp Công ty HMC thu về 23 tỷ đồng. Trong đó có 17 tỷ đồng tiền thuê đất công ty trả một lần và 6 tỷ đồng lợi nhuận chuyển nhượng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng…

Ngoài ra, Công HMC còn tòa nhà tại số 189 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 và tòa nhà tại số 193 Đinh Tiên Hoàng, quận 1 đang được Công ty HMC khai thác.

Riêng tòa nhà số 189 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 đã được Công ty HMC đem cho Công ty TNHH Anh văn Hội Việt Mỹ thuê với giá 1 triệu USD/năm, từ năm 2010. Đến năm 2016, ông Đặng Huy Hiệp, Tổng Giám đốc HMC ký tiếp hợp đồng cho thuê 3 năm với Công ty TNHH Anh văn Hội Việt Mỹ.

Điều khó hiểu là ông Hiệp không tăng giá cho thuê mà lại giảm giá cho thuê gần một nửa. Cụ thể, HMC ký hợp đồng 3 năm với Công ty TNHH Anh văn Hội Việt Mỹ từ 2016 đến 2018 với giá 575.000 USD/năm. 

Theo giải trình của Công ty HMC, trong quá trình đàm phán, điều chỉnh giá cho thuê tòa nhà, công ty có tìm hiểu thông tin giá cho thuê từ các công ty môi giới, các thông tin về giá cho thuê từ đối tác nhưng không lưu các bằng chứng thực hiện khảo sát. 

Điều này cho thấy có "thiếu sót, hạn chế" nhưng không hiểu vì lý do khách quan hay có sự cố ý lấp liếm về "thương vụ" này, bởi giá thuê văn phòng ở quận trung tâm thành phố luôn gia tăng theo từng năm?

Có thể thấy, xung quanh những dự án đất công liên quan đến Công ty HMC khá nhiều phức tạp và có dự án đã bị cơ quan chức năng chỉ ra nhiều sai phạm. Vấn đề là cần điều tra xử lý theo pháp luật để thu hồi tài sản thất thoát của Nhà nước. 
Phú Lữ
.
.
.