Những trang nhật ký cô đơn

Thứ Sáu, 19/07/2013, 23:24

Tôi còn nhớ, khi tôi còn là học trò, viết nhật ký là một thói quen hàng ngày. Chuyện trường lớp, chuyện bạn bè thầy cô, chuyện "thầm yêu trộm nhớ" một người bạn khác giới… đều được kể với nhật ký. Và khi mùa hè đến, nắng vàng như mật, hoa phượng bừng nở, bằng lăng tím sân trường, con ve bắt đầu tấu nhạc trong những vòm xanh mướt lá, là mùa chia tay đến.

Bạn bè phải tạm xa nhau, bao nhiêu thương nhớ, tâm sự gửi vào trang lưu bút. Không ít người trong chúng ta còn giữ, dưới đáy chiếc hòm đựng sách của mình, là cuốn sổ lưu bút đã nhòe nét mực bởi thời gian, những cánh hoa ép khô và những dòng chữ ấm áp tình bè bạn.

Nhưng trong thế giới của học trò thời đại công nghệ hôm nay, đã vắng bóng những cuốn sổ tay ghi nhật ký, những trang lưu bút thơm mùi mực. Các em viết nhật ký không phải bằng bút mực, mà bằng bàn phím, trên máy tính, trên điện thoại, trên Ipad và nhiều công cụ công nghệ khác.

Các em viết nhật ký trên trang Facebook của cá nhân mình. Và chính nhờ cách viết nhật ký trên mạng xã hội, người lớn chúng ta có dịp hiểu về các em hơn. Những tâm sự  bí mật xưa kia chỉ là gửi gắm trên những trang giấy trong cuốn sổ nhỏ được cất kỹ ở góc học tập, thì nay, khi hiển hiện trên mạng xã hội, người đọc những trang nhật ký đó, có thể là rất nhiều, chứ  không chỉ là  riêng cá nhân người viết ra nó…

Trong thế giới ảo, nơi người ta không thể nhìn thấy mặt nhau, chỉ có thể đọc của nhau và lắng nghe nhau, tôi đã đi lướt qua rất nhiều bạn Facebook tuổi học trò. Không chỉ lướt qua, chúng tôi còn là bạn của nhau. Và khi đã đủ thân thiện để chân tình với nhau, tôi có thể nghe thấy rất nhiều sẻ chia.

Một cô bé tuổi teen từng chát với tôi: "Em cô đơn quá chị ạ. Trong gia đình không một ai hiểu em. Bố mẹ em quá bận, và họ không thể dành cho em một chút thời gian nào trong quỹ thời gian của họ. Khi em chống đối điều gì họ thường quát mắng, hỏi em còn muốn gì nữa, máy tính, điện thoại, Ipad, quần áo đẹp, trường học tốt, họ đã trang bị cho em rồi. Và em đừng đòi hỏi họ thêm gì nữa. Khi nào em đủ lớn họ sẽ cho em đi học ở nước ngoài. Nhưng em có muôn vàn nỗi bận tâm, thậm chí là khổ tâm cần được cha mẹ giải đáp, lắng nghe. Nhưng họ quyết không mở cánh cửa ấy…".

Cũng trên Facebook của em, nhiều lần tôi đọc các status kiểu như: "Không ai chịu hiểu mình, chết quách cho rồi", hay: "Đời chán như con gián, làm thế nào".  Và những comment của những người bạn tuổi teen với nhau phía dưới, rất nhiều người chung một nỗi niềm. Phải chăng đang có một thế hệ học trò cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình. Những đứa trẻ bắt đầu tập làm người lớn, sống ngập trong tiện nghi, vật chất, mà tâm hồn thì lúc nào cũng trống trải, như bị vết thương, như bị đau ốm…

Ảnh minh họa.

Nhìn vào đời thực, đôi lúc tôi cảm thấy rất rõ, rằng có một sự liên đới nào đó giữa tâm trạng cô đơn của các em với những vụ học sinh tự tử đang có chiều hướng gia tăng. Tuổi mới lớn, dường như không có vấn đề gì các em gặp phải được các em xem là chuyện nhỏ. Chỉ có người lớn chúng ta, chỉ có các bậc cha mẹ là nhìn vào vấn đề của các em như chuyện nhỏ mà thôi.

Những cú sốc đầu đời, yêu một bạn nào đó không được đáp lại, hay áp lực thi cử học hành, bị cô giáo mắng, bố mẹ rầy la, bị xâm hại thân thể… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi tiêu cực. Không có vòng tay yêu thương, che chở và động viên an ủi kịp thời của người thân, rất nhiều hậu quả đau lòng đã xảy ra, như chúng ta đã từng nhìn thấy trên rất nhiều phương tiện thông tin báo chí thời gian qua…

Một em học sinh lớp 5 ở Hà Tĩnh đã viết thư tuyệt mệnh để lại cho cha mẹ với những lời xót xa: "Cha mẹ ơi, có lẽ nếu không có con trong nhà thì cả nhà sẽ êm ấm hạnh phúc rất là nhiều" rồi sau đó nhảy xuống sông tự tử. Tôi cứ nghĩ mãi, đằng sau cái chết của em, là một chuỗi ngày ngày trầm cảm em đã trải qua. Vì sao cha mẹ em lại để cho em có cái cảm giác mình sống trong nhà mà như vô dụng, như gánh nặng, như một hiện thân của sự khó chịu, đến nỗi em phải chọn cách "ra đi".

Hay chuyện mới đây thôi, một em học sinh treo cổ tự tử sau khi viết đơn ly dị hộ mẹ, và sau chuỗi ngày sống trong tủi nhục vì bị chính cha đẻ lạm dụng tình dục, gây một nỗi bàng hoàng trong dư luận. Sự đồi bại của người cha đã rõ, nhưng dấu hỏi rất lớn dư luận muốn tra vấn người mẹ, rằng chị đã làm những gì để sẻ chia, bảo vệ con gái mình, khi mà chị biết rõ những chuyện con gái mình đang phải trải qua.

Sự thiếu hiểu biết và cả sự vô cảm của người mẹ đã vô tình trở thành nguyên nhân đẩy con gái mình tới cái chết… Tôi tự hỏi, nếu em gái này mà viết nhật ký trên Facebook, thì không biết em sẽ kể những gì trong các status của mình. Nhưng tôi đoán là em chắc sẽ có đôi lần muốn hét lên, rằng tôi cần sự yêu thương, bảo vệ…

Thế giới của các em học sinh tuổi mới lớn có quá nhiều điều phức tạp, lúc nào cũng cần được người lớn cúi xuống, hiểu và chia sẻ. Nhưng tiếc là người lớn chúng ta đang trôi đi trong một đời sống quá vội vàng, gấp gáp. Chúng ta bị nền văn hóa vật chất kéo đi nhanh đến nỗi, chúng ta tưởng rằng dành cho con cái mình một đời sống tiện nghi đã là đủ…

Mỗi khi đi lướt qua một bạn Facebook tuổi teen, và đọc thấy cảm giác cô đơn trên những con chữ bạn viết, tôi lại nghẹn lòng. Nếu được viết một status cho những ai đang làm cha mẹ có con tuổi mới lớn, tôi muốn viết rằng: "Hãy làm bạn với con, không chỉ trong cuộc sống, mà đôi khi cả trên Facebook. Đọc nhật ký của con mỗi ngày cũng là cách để hiểu con hơn. Hiểu con hơn, nghĩa là cho con những năm tháng đẹp hơn của thời cắp sách, với đầy đủ mọi xúc cảm, dư vị cuộc đời.

Hãy bỏ ra khỏi tâm trí bạn một ít từ liên quan đến vật chất, và thêm vào đó là rất nhiều thương yêu…"

Vũ Quỳnh
.
.
.