Cuộc thi ảnh với chủ đề "Vì Bình yên cuộc sống" do Báo CAND phát động:

Những vẻ đẹp lặng thầm

Thứ Tư, 26/10/2016, 13:11
Khoảnh khắc khi hai chiến sĩ Công an làm “bà đỡ” đón đứa trẻ chào đời, hay hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy mặt còn đen nhẻm than và khói, bế đứa trẻ trên tay chạy ra từ khu nhà bị cháy, hay những hình ảnh bình dị của các chiến sĩ Công an cùng bà con chống lũ.


Tất cả những khoảng khắc đời thường, xúc động ấy chỉ là số ít trong hàng ngàn những khoảnh khắc được ghi lại trong các tác phẩm dự thi ảnh với chủ đề “Vì bình yên cuộc sống” do Báo Công an nhân dân (CAND) phát động.

Tại cuộc trao giải tổng kết cuộc thi ảnh với chủ đề “Vì Bình yên cuộc sống” - một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1-11-1946/1-11-2016), Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND phát biểu: “Cuộc thi đã hoàn thành mục đích yêu cầu Ban tổ chức đề ra, đó không chỉ đơn thuần chọn những tác phẩm tốt để trao giải mà quan trọng hơn là tạo ra một diễn đàn nhằm giúp người dân hiểu hơn nữa những khó khăn vất vả của lực lượng Công an Nhân dân (CAND), những hi sinh thầm lặng của chiến sĩ CAND trong thời bình trong công cuộc đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn bình yên cuộc sống.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng Biên tập Báo CAND trao giải nhất cho tác giả.

Tác phẩm dự thi phản ánh, tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ CAND và quần chúng dũng cảm, mưu trí, tận tụy vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc”.

Điều đáng nói là cuộc thi chỉ sau 4 tháng phát động (từ ngày 10-5 đến 10-9), Ban tổ chức đã nhận được 8.376 tác phẩm của gần 500 tác giả là các nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên, cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an và các tay máy không chuyên trong toàn quốc.

Chính các thành viên trong Ban tổ chức cũng bất ngờ khi số lượng tác phẩm dự thi phong phú như vậy. Hình ảnh người chiến sĩ Công an qua ống kính trở nên thật gần gụi, ấm áp.

Tác phẩm "Gồng mình chống lũ" của tác giả Vũ Tiến Tầm (An Giang).

Có những bức ảnh thực sự xúc động, khi nhìn thấy sự hy sinh thầm lặng của họ trong cuộc chiến với thiên tai cùng bà con, trong cứu hộ. Ở đó, người xem sẽ có một góc nhìn khác về hình ảnh chiến sĩ Công an, về những hy sinh lặng thầm của họ.

Tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn (báo điện tử Zing.vn) với tác phẩm “Những trái tim dũng cảm” đã chia sẻ: “Dù là phóng viên mới có 5 năm công tác nhưng tôi đã không ít lần ghi lại những hình ảnh của các chiến sĩ CAND, từ lực lượng Phòng cháy chữa cháy (PCCC) đến các anh em Cảnh sát giao thông; Cảnh sát hình sự; Cảnh sát đặc nhiệm.

Họ là những con người hy sinh thầm lặng, lăn xả trong mọi hoàn cảnh. Tôi đã tác nghiệp tại nhiều vụ cháy lớn nhưng những khoảnh khắc cứu người của các chiến sĩ PCCC hôm đó khiến tôi rất ấn tượng.

Tác giả Phạm Thuần Thư (Báo An ninh thủ đô) - giải Nhì: Góp thêm một góc nhìn đẹp về các chiến sĩ Công an

Tôi nhớ hồi tháng 4 có sự kiện hai đồng chí Cảnh sát hình sự huyện Quốc Oai trên đường đi tuần đã gặp sản phụ Phương đi cùng chị gái chồng đến nhà hộ sinh. Lúc đó khoảng 4h sáng, trời sương gió, nhìn hai người phụ nữ yếu ớt, tội nghiệp. Chị Phương trở dạ và loay hoay không biết làm thế nào.

Tác phẩm "Niềm vui của hai Cảnh sát bà đỡ” của tác giả Phạm Thuần Thư (Hà Nội).

Hai chiến sĩ cảnh sát hình sự đã vội đưa chị vào trạm và họ trở thành những bà đỡ bất đắc dĩ. Báo An ninh Thủ đô cũng là báo đầu tiên đăng tải thông tin này và nhận được phản hồi tốt của độc giả. Tôi chủ động liên hệ với hai đồng chí Cảnh sát xuống thăm lại nhà sản phụ Phương sau đó hơn 1 tuần.

Mọi chuyện diễn ra rất tự nhiên, ấm áp. Cả nhà sản phụ, từ bố mẹ, ông bà đều vẫn còn cảm giác hạnh phúc khi con mình may mắn được hai đồng chí, cảnh sát đỡ đẻ. Cảm giác như câu chuyện mới chỉ diễn ra hôm qua. Cả nhà yêu quý, coi hai đồng chí như người nhà.

Vì thế, hai đồng chí cũng rất tự nhiên và thoải mái khi trò chuyện, bế ẵm, cưng nựng đứa bé. Và tôi may mắn chụp lại được khoảnh khắc bình dị nhưng cũng rất xúc động đó. Đó cũng góp thêm một góc nhìn đẹp về hình ảnh các chiến sĩ Công an. Họ cũng đời thường, gần gụi như thế đó.

Những khuôn mặt sạm đen vì khói lửa nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm tin, sự quyết tâm”. Bức ảnh của Nguyễn Tiến Anh Tuấn đã mang lại hiệu ứng xã hội tốt, bởi đó là những khoảnh khắc của sinh tử, của lòng dũng cảm.

Hay đôi khi, bình dị thôi, đó là hình ảnh những chiến sĩ Công an “Mang nụ cười đến với các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo”, (Trịnh Đình Thắng –Hà Nội), “Gồng mình chống lũ”, (Tiến Tầm- An Giang), chia sẻ với những khó khăn, thiệt thòi của bà con. Đó là những khoảnh khắc đẹp của tình nhân ái, của sự sẻ chia, và cả sự hy sinh lặng thầm.

17 tác phẩm đoạt giải là 17 tác phẩm nghệ thuật, vượt ra khỏi giới hạn một cuộc thi của ngành, chạm tới vẻ đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh.

Ban giám khảo đánh giá cao tính nghệ thuật trong các tác phẩm được giải, bởi nó không chỉ mang đặc trưng của ảnh báo chí hiện đại, mà còn giàu tính nghệ thuật. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện về những khó khăn, vất vả, về những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Công an để giữ bình yên cho cuộc sống của nhân dân.

Và ở đó, ta cũng thấy sự đồng cảm, thấu hiểu của những người cầm máy đối với lực lượng CAND. Tôi gọi đó là những vẻ đẹp lặng thầm, những vẻ đẹp luôn khiến ta xúc động mỗi khi được nhìn hay chứng kiến trong đời sống này.

Ông Bùi Họa Tiễn - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - Trưởng ban Giám khảo cuộc thi: Chúng tôi đề cao tính hiện thực trong cuộc sống

Đây là một bộ ảnh rất tốt, chất lượng, phản ánh đa dạng, phong phú hoạt động của các cán bộ chiến sĩ trong ngành Công an. Với một cuộc thi mà phạm vi phản ánh chỉ trong ngành, nhưng số lượng lên tới 8.000 ảnh cho thấy sự quan tâm rộng rãi và sức hấp dẫn của cuộc thi đối với các tác giả cầm máy.

Tác phẩm "Giải cứu thiên thần từ lòng đất" của tác giả Đoàn Như Phú (Bình Dương).

Chủ đề này nằm trong một ngành tính bảo mật cao nên việc tiếp cận với các hoạt động của lực lượng Công an không dễ dàng với bất cứ ai. 8000 bức ảnh cho thấy đã có một sự cố gắng rất lớn của Ban tổ chức, của Công an các địa phương và các cán bộ chiến sĩ, đặc biệt của những người cầm máy.

Bởi họ phải lăn lộn với các hoạt động của Công an, trong cả lúc đánh án, cứu hộ… 8.000 bức ảnh thể hiện rất đa dạng các hoạt động của lực lượng Công an. Chúng tôi chọn ra 85 tác phẩm vào chung khảo, quả rất khó khăn, nhưng tiêu chí đầu tiên vẫn là chất lượng nghệ thuật.

Trong bộ giải, chúng tôi đề cao tính hiện thực trong cuộc sống chiến đấu, trong cứu hộ. Ví dụ như giải nhất, là hình ảnh xúc động về công tác cứu hộ của các chiến sĩ Cảnh sát PCCC.

Đặc biệt Ban giám khảo rất ấn tượng với những hình ảnh người chiến sĩ cùng với dân trong những hoạt động chống thiên tai, bảo vệ an ninh. Về chất lượng nghệ thuật, những bức ảnh không chỉ phản ánh các hoạt động của ngành, mà cách thể hiện của tác giả từ ánh sáng đến bố cục rất bắt mắt, xúc động.

Ví dụ bức “Những trái tim dũng cảm”, nếu bạn để ý sẽ thấy một ánh đèn pin của người bên cạnh chiếu vào cháu bé đang được chiến sĩ thứ 2 bế làm sáng bừng lên bức ảnh, thể hiện tư duy nhanh của tác giả. Ánh sáng đó làm tăng thêm lên giá trị của bức ảnh, ánh sáng của niềm tin, của lòng dũng cảm.

Có thể nói, các tác phẩm được giải trong bộ ảnh này đều có thể đứng riêng thành một tác phẩm nhiếp ảnh độc lập chứ không chỉ nằm trong khuôn khổ của một cuộc thi ngành nữa.

V. Hà
.
.
.