Những vũ công chân đất

Thứ Hai, 19/02/2018, 07:00
Ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có một ngôi làng hiền hòa thơ mộng. Bên cạnh những nét độc đáo về văn hóa truyền thống, nơi đây còn độc đáo bởi những người nông dân chân lấm tay bùn lại mê và yêu môn khiêu vũ. Trong ngôi làng đó, bất kỳ chỗ nào cũng có thể trở thành một sàn khiêu vũ, từ sân đình, đầu làng, thậm chí… cả bờ ruộng.


1. Duyên Yết trước đây được gọi là làng Diền, nằm ở hữu ngạn sông Hồng, tiếp giáp với hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên. Bao đời nay, Duyên Yết vẫn giữ được lề lối truyền thống, giữ được những nét văn hóa của một vùng quê Bắc Bộ. 

Nói về nét truyền thống của làng mình, ông Chu Đồng Doanh tự hào: "Hiện nay làng vẫn giữ được 4 ngôi đình cổ, hai ngôi đền và một ngôi chùa. Đình chính gọi là đình Thượng, thờ Cao Sơn đại vương - vị thần có công lớn chống giặc ngoại xâm, là em con chú của Tản Viên Sơn Thánh. Theo dân gian và thần phả thì trong một lần đi dẹp giặc, Thánh Cao Sơn có đi qua làng Duyên Yết và tổ chức khao quân. 

Thời gian lưu lại ngắn mà cỗ khao quân phải thật thịnh soạn, nên mọi người phải làm nhanh tay mới kịp. Tục thi mổ lợn nhanh xuất hiện từ ngày đó, sau này biến đổi thành hội "chạy lợn". 

Làng tôi là một ngôi làng rộng lớn, có địa thế rất đẹp, đường làng ngõ xóm sắp xếp theo kiểu bàn cờ, rất thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất".

Với họ, bất kỳ nơi nào cũng trở thành một sàn khiêu vũ.

Có lẽ, từ truyền thống văn hóa đặc biệt ấy đã tạo nên những con người Duyên Yết năng động, vui tươi như ngày nay. Làng Duyên Yết còn được nhiều người quanh vùng biết đến ở sự mê khiêu vũ, mê đến mức bỏ cả ăn để nhảy. 

Các đội văn nghệ truyền thống như hát chèo, quan họ... ở Bắc Bộ là không hiếm, nhưng đội văn nghệ chuyên về khiêu vũ thì quả là không phải đâu cũng có. Từ già tới trẻ ai cũng hào hứng, mê những điệu nhảy hiện đại như: Cha cha cha, Rumba, Valse, Tango… Họ sẵn sàng bỏ cả ruộng đang cày dở, sân thóc đang phơi để đu đưa theo tiếng nhạc.

Chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa của thôn đúng vào lúc các cụ ở đây đang trong buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho chuyến "lưu diễn" trên thành phố. Có chứng kiến buổi tập của các vị cao niên mới thấy họ yêu khiêu vũ, mê khiêu vũ đến mức nào. 

Bà Phan Thị Xuyến (Đội trưởng Đội Văn nghệ thôn) dù đã bước qua tuổi lục tuần nhưng vẫn còn khỏe mạnh, linh hoạt. Bà bảo, nhờ có khiêu vũ mà bà con trong làng ai cũng khỏe mạnh, ai cũng tươi vui cả. 

"Nói đến khiêu vũ ở làng quê như chúng tôi quả thực là điều quá xa lạ. Từ bé đến giờ, chúng tôi chỉ được nghe, được hát những câu hát dân ca thôi. Còn nhạc hiện đại, điệu múa hiện đại có chăng chỉ được xem trên tivi. 

Ban đầu cứ nghĩ, nếu lập đội khiêu vũ chắc gì ai đã vào, bởi họ cho rằng mình không phù hợp. Thế nhưng, từ ngày thành lập, ai nấy đều hào hứng tập luyện. Sau khi tập môn khiêu vũ này, các cụ trong thôn ai cũng vui vẻ, sống có ích hơn. Nhiều cụ còn bảo, từ lúc tham gia tập khiêu vũ, khỏi cả bệnh đau lưng, mỏi gối, đau đầu nữa" - bà Xuyến chia sẻ.

Theo các vị cao tuổi trong làng, truyền thống từ xưa đến giờ, người dân Duyên Yết không mấy hứng thú với việc quan trường, chính trị. Phần vì người dân thuần nông này ưa cuộc sống thanh bình, phần vì trong họ đều có máu nghệ sĩ. 

Thực tế, không ít diễn viên, nghệ sĩ thành đạt, tên tuổi là người con của Duyên Yết. Chả thế mà đội văn nghệ của thôn vinh dự được đi tham gia rất nhiều hội diễn từ làng, xã cho đến thành phố. 

Ông Doanh niềm nở khoe: "Đội văn nghệ, đặc biệt là đội khiêu vũ của làng được đi biểu diễn nhiều lắm. Mới đây thôi, kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, đội văn nghệ lên tận Cung Văn hóa Thiếu nhi để biểu diễn. Còn đi biểu diễn chào mừng đại hội, ngày thành lập ở huyện và xã thì thường xuyên. Cả huyện Phú Xuyên không xã nào có đội văn nghệ mạnh và đa năng như thôn Duyên Yết chúng tôi".

Yêu là thế, thích là thế nhưng không phải ai cũng có thể tập được môn nghệ thuật hiện đại này, đặc biệt là đối với những vị cao tuổi ở nông thôn. Mới ngày đầu thành lập, các thành viên vô cùng bỡ ngỡ, bởi họ còn chưa biết khiêu vũ là gì, còn xa lạ với những bản nhạc nước ngoài. Thời gian tập luyện cũng là vấn đề không nhỏ, tất cả họ đều làm nông nghiệp hoặc trông cháu giúp con cái. 

Bà Xuyến nhớ lại: "Nếu về quan họ hay hát chèo thì các chị em trong đội quá thuần thục rồi. Nhưng với khiêu vũ, tập được không phải là điều dễ dàng. Như điệu nhảy Valse, chị em tập luyện rất mất thời gian, bởi nó có nhiều bước, động tác quay cũng nhiều. Chị em ở đây toàn ngoài 60 tuổi, xương khớp cũng kém rồi, không may là dính chấn thương ngay".

Nhìn hình ảnh này, không ít người bất ngờ bởi sự đam mê của những người nông dân khiêu vũ.

2. Có được phong trào khiêu vũ mạnh như vậy phải kể đến bà Nguyễn Thị Kim Liên, người có công mang môn nghệ thuật này về làng. Bà Liên trước đây công tác tại Viện Y họ cổ truyền, nơi bà công tác có phong trào học dưỡng sinh, mà tiêu chí dưỡng sinh là phải có nhạc. 

Tại đây không chỉ các bác sĩ, y tá được học mà ngay cả các bệnh nhân điều trị tại Viện cũng được học. Vốn là một người mê môn nghệ thuật khiêu vũ, bà từng tập môn này hơn 20 năm về trước, nhiều lần bà cùng đồng nghiệp tham gia giải và đoạt đôi giày vàng. 

Khi nghỉ hưu về quê, chứng kiến những người phụ nữ ở nông thôn rất thiệt thòi nên bà quyết định đem thứ văn minh, hiện đại này dạy cho họ. Ý tưởng là thế nhưng gây dựng phong trào, mang những điệu Valse, điệu Tango, Rumba… về cho những đôi chân quanh năm lội ruộng liệu có khả thi? 

Liệu những giai điệu nhạc hiện đại có đi vào lòng người dân quanh năm chỉ nghe các làn điệu chèo, làn điệu quan họ? Đó là điều khiến bà Liên trăn trở và lo lắng. Thế rồi bà Liên mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo thôn, trước là muốn dạy và thành lập một đội khiêu vũ trong làng, lớn hơn nữa là nhân rộng cho bà con môn nghệ thuật thượng lưu này. 

Mọi người đều ủng hộ  cho ý tưởng độc đáo của bà, mọi thứ đã sẵn sàng nhưng nỗi lo của bà Liên còn nguyên đó. Khi tiếng nhạc vang lên giữa sân đình, tất thảy thành viên trong đội bỗng đu đưa theo, bà Liên rất xúc động. Bởi bà hiểu, với môn nghệ thuật khiêu vũ, việc cảm thụ âm nhạc là vô cùng quan trọng, quyết định đến 90% sự thành công của người học. 

Bà Liên nhớ lại: "Ban đầu cứ nghĩ, để dạy cho người chân lấm tay bùn biết khiêu vũ sẽ là một việc rất gian nan, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Bởi người dân ở đây rất đam mê âm nhạc nên cảm thụ âm nhạc rất tốt. Khi tiếng nhạc vang lên tôi đã cảm nhận họ hoàn toàn có thể tập được môn này. 

Cứ như thế, sau một thời gian ngắn tập luyện với nhau, các bài nhảy cũng được tăng dần theo độ khó. Hiện giờ họ có thể chủ động nhảy với nhau theo nhạc, tự tin biểu diễn trước đông người, coi nó là một món ăn tinh thần không thể thiếu".

Khi chúng tôi chia tay làng Duyên Yết, tiếng nhạc hiện đại vẫn cứ vang lên, những bước chân lội ruộng ấy vẫn say sưa, nhịp nhàng theo điệu nhảy Valse. Cứ như thế bao nhiêu năm nay, những người nông dân vẫn khiêu vũ, vẫn tập luyện, rồi họ sẽ lại truyền cho con cháu để cuộc sống nơi đây chỉ tràn ngập tiếng cười, tràn ngập niềm hạnh phúc.
Phong Anh
.
.
.