Thảm kịch bí ẩn của chuyến bay MH370

Niềm hy vọng vào một điều kỳ diệu vẫn chưa bao giờ tắt

Thứ Năm, 02/04/2015, 16:00
Năm 2014 là một năm có nhiều thảm kịch xảy ra đối với ngành Hàng không thế giới nói chung và hàng không Malaysia nói riêng. Không chỉ một lần mà liên tiếp máy bay rơi rồi máy bay mất tích, nhưng nỗi đau lớn nhất vẫn là chuyến bay MH 370 bởi cho đến một năm sau, mọi kết luận cũng chỉ là giả thuyết và đồn đoán.

Mất tích bí ẩn

Chuyến bay MH370 của Hãng hàng không quốc gia Malaysia đã mang theo 239 người mất tích vào ngày 7 tháng 3 năm 2014 và cho đến nay mọi thông tin về chiếc máy bay này vẫn còn là một con số bí ẩn. Chiếc máy bay mất tích trong suốt hơn một năm qua mà không để lại bất cứ dấu vết nào. Ngành Hàng không thế giới cũng như hàng không Malaysia coi đây là một thảm kịch lớn nhất trong lịch sử. 

Chiếc máy bay Boeing mang số hiệu MH370 cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur lúc 0h41 ngày 07 tháng 03 để tới Bắc Kinh vào khoảng 6h30 cùng ngày nhưng chỉ chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, chiếc máy bay mất tín hiệu liên lạc với mặt đất và chiếc máy bay này chỉ xuất hiện trên radar quân sự Malaysia lần cuối khi đang ở biển Andaman. 

Không có bất cứ thông tin gì của chiếc MH370 cho đến tận ngày 24/3/2014, dựa trên phân tích tín hiệu vệ tinh Inmarsat, Chính phủ Malaysia tuyên bố MH370 đã bay lệch hàng nghìn dặm khỏi lộ trình định sẵn, về phía nam Ấn Độ Dương. Hành trình của nó kết thúc ở tây thành phố Perth của Australia và không còn ai trên khoang sống sót. 

Từ những thông tin đó mà chính phủ nước này đã mở một chiến dịch tìm kiếm MH370 và đây là một cuộc tìm kiếm với chi phí đắt đỏ nhất trong lịch sử ngành Hàng không. 

Một lực lượng tìm kiếm hùng hậu do Australia thiết lập để tìm kiếm ở những nơi sâu nhất của đại dương và được hàng chục quốc gia tham gia. Các tàu thuyền và máy bay hiện đại đã quét khoảng 5 triệu km2 mặt Ấn Độ Dương nhưng không thu được kết quả. Cuộc tìm kiếm dưới nước đã bắt đầu vào tháng 10/2014 và đến nay trên hơn 24.000km2 đáy biển đã được rà soát bằng các thiết bị dò tìm tín hiệu và phát hiện mảnh vỡ nhưng chưa mang lại kết quả khả quan nào.

Cuộc tìm kiếm vẫn cứ diễn ra trong suốt một năm qua nhưng vẫn không thu được kết quả gì. Hàng loạt giả thuyết được đặt ra, còn thân nhân những nạn nhân của MH 370 thì trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc nhưng đến giờ họ vẫn hy vọng vào một phép mầu kỳ diệu nào đó.

Ngày 29/1 vừa qua, Chính phủ Malaysia chính thức tuyên bố rằng MH370 là một tai nạn và toàn bộ 239 hành khách cùng tổ bay coi như đã thiệt mạng, tuy nhiên các thân nhân không bằng lòng với kết luận này khi giới chức không đưa ra được bằng chứng nào cụ thể và cuộc tìm kiếm ở Ấn Độ Dương vẫn đang tiếp diễn.

Nỗi lo bị lãng quên

Những thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 đã phải chịu đựng những nỗi đau không tả. Họ lo lắng, bàng hoàng rồi hoảng hốt khi phải chứng kiến những người thân của họ mất tích mà không có bất cứ thông tin gì. 

Hy vọng rồi lại bị rơi vào hụt hẫng, thất vọng rồi lại lo sợ và hoảng hốt. Hàng nghìn cung bậc cảm xúc cứ giày vò những người thân của các nạn nhân, nhưng nỗi sợ hãi lớn nhất luôn đè nặng trong tâm trí họ đó là chuyến bay MH370 sẽ dần bị quên lãng, không còn ai muốn nhắc đến chuyến bay này nữa. 

Dư luận thế giới đã vượt qua đau thương, chỉ còn họ, những người thân của những nạn nhân MH370 thì nỗi đau vẫn còn nguyên đó, có khi còn đau hơn gấp trăm ngàn lần khi không còn ai cùng chia sẻ.

Ông Ghyslain Wattrelos, một kỹ sư người Pháp và là người thân của hai hành khách đã cho rằng vợ và hai trong số ba con của mình đã thiệt mạng cùng với những hành khách khác trên chuyến MH370 và nỗi đau của ông Ghyslain Wattrelos cũng như những thân nhân khác đó là không biết vợ con của mình ra sao, không có bất cứ một hiện vật nào để xác nhận cái chết, không một thi thể hay mảnh vỡ nào của máy bay được phát hiện. 

Laurence, người vợ mà ông đã chung sống suốt 24 năm, cậu con trai Hadrien mới bước sang tuổi 18 và cô con gái Ambre chỉ là một thiếu nữ vị thành niên. Trước khi cất cánh, Ambre còn nhắn tin cho bạn mình nói rằng: "Mình sắp được gặp lại bố rồi".

Trong một thời gian dài, ông Ghyslain Wattrelos vẫn sống dựa vào tin nhắn đó bởi ông luôn hy vọng rằng nội dung trong tin nhắn sẽ trở thành hiện thực. Ông hy vọng, họ có thể hạ cánh khẩn cấp ở một trong 16.000 hòn đảo không người sống của Indonesia. Thậm chí là họ có thể bị bắt làm con tin ở đâu đó. Không có điều gì kỳ quái hơn việc một chiếc máy bay Boeing 777 biến mất trong thế kỷ 21 này. Nhưng, MH370 lại chính là bí mật không lời giải lớn nhất trong lịch sử ngành Hàng không thế giới.

Cũng giống như biết bao thân nhân khác, trong một năm qua, ông Ghyslain Wattrelos sống trong một tâm trạng phức tạp: chấp nhận, đau khổ, tức giận và mất dần hy vọng vì thiếu lời giải đáp. Thêm nữa ông Ghyslain Wattrelos còn cảm thấy lo sợ hơn bởi sự im lặng của dư luận. Mọi chuyện đã trở thành quá khứ, không ai còn muốn quan tâm đến những chuyện đau lòng này nữa bởi nỗi đau của họ không phải là nỗi đau mất đi những người thân thích. Thế giới rồi cũng phải bỏ qua quá khứ để tiếp tục bước đi, nhưng với những người như ông Ghyslain Wattrelos thì có chết nỗi sợ hãi và nỗi đau vẫn không thể vơi đi.

Tại sao MH370 vẫn mất tích?

Suốt một năm trôi qua kể từ ngày MH370 mất tích, những cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ, những nghiên cứu, phân tích rồi đánh giá của các chuyên gia hàng đầu thế giới nhưng MH370 vẫn bặt âm vô tín. Không ai có thể giải thích được một cách chính xác về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay này.  

7 giả thiết có thể coi là những lý giải hợp lý nhất được đưa ra nhưng cũng không hoàn toàn thuyết phục được dư luận bởi thực tế thì chưa có bất cứ bằng chứng nào chứng minh một trong những giả thuyết đó là có thực. 

Giả thuyết đầu tiên được đặt ra trước sự biến mất của MH370 là có bàn tay của CIA nhúng vào. He Xin, một blogger Trung Quốc, cho rằng việc MH370 mất tích là kết quả của một hoạt động do CIA thực hiện để giành quyền kiểm soát một số "người hay đối tượng đặc biệt" trên máy bay.

Trên MH370 có 20 nhân viên của công ty công nghệ Mỹ Freescale Semiconductor, sản xuất vi mạch cho các lĩnh vực khác nhau, gồm cả công nghiệp quốc phòng. 12 hai nhân viên trong số này đến từ Malaysia và 8 người từ Trung Quốc. Việc này dẫn đến việc suy đoán rằng họ nắm giữ bí mật công nghiệp quan trọng. 

Ông Xin cho rằng phi cơ buộc phải hạ cánh tại Diego Garcia, điều này giải thích tại sao người nhà nạn nhân tin rằng điện thoại của những người trên chuyến bay vẫn đổ chuông vài giờ sau khi biến mất. MH370 có thể bị tháo dỡ trong một khoang chứa trước khi bị thiêu và đổ xác xuống biển. Những lập luận cũng có phần logic nhưng vẫn chẳng có bằng chứng nào để chứng minh lập luận đó là chính xác.

Hay cũng có rất nhiều nghiên cứu cho rằng MH370 bị bắn rơi trong cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Thái Lan ở Biển Đông. Giả thuyết này được củng cố trong một cuốn sách có tên "Bí ẩn chuyến bay MH370" của nhà văn Anh Nigel Cawthorne. 

"Cuộc tập trận gồm các hoạt động trên mặt đất, trên biển và trên không, bao gồm các bài tập bắn đạn thật", ông Cawthorne viết và cho rằng máy bay có thể vô tình bị bắn hạ. Thân nhân của những người trên máy bay MH370 chỉ trích cuốn sách là hấp tấp và thiếu nhạy cảm. Hàng loạt lập luận đưa ra cho rằng MH370 bị bắn rơi nhưng giới chức đã hoàn toàn bác bỏ giả thuyết này. 

Cũng có thể máy bay MH370 bị không tặc khủng bố khống chế và đưa đến một nơi bí mật. Có thể MH370 đang được trang bị một quả bom hạt nhân để chuẩn bị cho cuộc tấn công, có thể phá hủy và thổi bay một thành phố Mỹ.Trong seri phim tài liệu NOVA của PBS, các chuyên gia cho rằng máy bay có thể bị cướp quyền kiểm soát từ xa, sử dụng một thiết bị có thể dễ dàng truy cập trên máy bay Boeing 777.

Liệu MH370 chính là MH17?

Theo BBC, nhiều cuộc thảo luận trên các diễn đàn hàng không suy đoán rằng chiếc máy bay được cho là MH17 tại hiện trường vụ tai nạn ở Ukraine hồi tháng 7 năm 2014 thực chất là MH370. Cả hai máy bay đều thuộc cùng một mẫu, tuy nhiên MH17 là phiên bản cũ hơn, từ năm 1997. Những người ủng hộ lập luận này dẫn chứng hình ảnh chụp mảnh vỡ từ hiện trường, cho thấy chiếc máy bay gặp nạn dường như là phiên bản đời mới. 

"MH17 có một cửa sổ phụ cạnh cửa thứ hai bên tay phải, còn MH370 thì không. Xác máy bay tại hiện trường vụ tai nạn ở Ukraine cũng không có", một tài khoản trên diễn đàn viết. Còn có ý kiến cho rằng biểu tượng lá cờ Malaysia trên chiếc phi cơ bị rơi cũng xuất hiện sai vị trí.

Một lãnh đạo phiến quân thân Nga nói rằng người trên máy bay thực chất đã chết trước khi máy bay cất cánh. Với giả thuyết này, hộ chiếu được cho là cố tình đặt vào cạnh các thi thể. Tuy nhiên, các blogger về hàng không khác bác bỏ luận điểm này, cho rằng những hình ảnh nói trên đã được chỉnh sửa. Họ cũng đặt ra câu hỏi làm sao có thể đánh cắp phi cơ chở 239 người và giấu kín nó trong suốt thời gian dài đến vậy.

Bị người ngoài hành tinh bắt cóc

Theo The Week, 5% người Mỹ tin rằng chiếc máy bay bị người ngoài hành tinh bắt cóc, theo khảo sát của Reason.com. Theo một số blogger, trong thời gian gần đây, vật thể bay không xác định (UFO) xuất hiện khá nhiều lần tại Malaysia và đây là bằng chứng của sự can thiệp ngoài trái đất. 

Alexandra Bruce, từ Forbidden Knowledge TV, "chứng minh" sự liên quan của người ngoài hành tinh với vụ việc bằng phân tích từ dữ liệu radar. Bà tuyên bố một đoạn phim trên YouTube cho thấy sự hiện diện của một thứ "chỉ có thể gọi là UFO" trên bầu trời Malaysia. Tuy nhiên, giả thuyết này được nhiều người đánh giá là còn khá xa vời.

Một lời giải thích khác cho việc máy bay đột ngột biến mất có thể là phi công điều khiển tự sát và khiến phi cơ mất tích. Theo Mirror, các thám tử Malaysia phát hiện cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, không hề lên kế hoạch tương lai. Ông để trống nhật ký làm việc và hoạt động xã hội, không giống những người khác trong phi hành đoàn. 

Khi được hỏi về lập luận này, John Brennan, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói rằng "không thể coi nhẹ bất kỳ giả thuyết nào". 

Trong khi đó, Hugh Dunleavy, Giám đốc thương mại của Malaysia Airlines, cho biết cơ trưởng là một phi công dày dạn kinh nghiệm với thành tích xuất sắc. "Chúng tôi không nhận thấy dấu hiệu bất thường trong hành vi hoặc thái độ của ông ấy", Dunleavy nói: "Chúng tôi không có lý do để tin rằng nội bộ phi hành đoàn đã khiến máy bay biến mất".

Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là có một vụ hỏa hoạn giết chết tất cả người trên máy bay, nhưng đã cháy hết trước khi gây tổn hại đến vỏ ngoài phi cơ. Điều này giải thích lý do tại sao chiếc phi cơ lại bay tự động một quãng đường dài, chệch khỏi đường đi dự kiến.

Một nguồn tin hàng không cho rằng, nếu giả thiết này là đúng, máy bay có thể rơi xuống nước với vận tốc hơn 960km/h sau khi trượt xuống từ độ cao hơn 10.600m. "Chiếc máy bay không rơi xuống như một hòn đá, nó có thể trượt xuống từ độ cao hơn 10.600m khoảng 10-12 phút sau khi hết nhiên liệu", người này nói. 

"Nó có thể rơi xuống mặt nước với va chạm mạnh, như thể rơi xuống bề mặt bê tông. Không ai có thể sống sót. Có thể có một vụ nổ lớn, cánh máy bay gãy ra và thân phi cơ có lẽ đã chìm thẳng xuống đáy biển", nguồn tin suy đoán.

Hàng loạt giả thuyết rồi rất nhiều lập luận được đưa ra nhưng tất cả đều chỉ là giả thuyết và đồn đoán, còn sự thật thì vẫn chưa có bất cứ một bằng chứng xác đáng nào của chiếc MH370 xuất hiện. Những nỗi đau của những người thân các hành khách trên chuyến bay vẫn còn đó, cho dù có là vô vọng nhưng họ vẫn có quyền tin và chờ đợi một phép mầu nhiệm nào đó hiện ra giữa cuộc đời này.

Hải Hiền (tổng hợp)
.
.
.