Nô lệ công nghệ

Chủ Nhật, 09/07/2017, 11:00
Ngày 29-6 vừa qua, đánh dấu 10 năm ngày iPhone đầu tiên được ra mắt. Không cần phải nói nhiều, đây là một sản phẩm mở ra một định nghĩa mới cho điện thoại thông minh, mang cả thế giới vào chiếc điện thoại di động. Nhưng cùng với những tiện lợi iPhone mang lại, nó cũng mang theo nhiều rủi ro tiềm ẩn.


Bạn có từng trải qua thời gian “cùng nhau cô độc” với bạn bè và những người quan trọng kể từ khi iPhone trở thành vật bất ly thân? Từ năm 2011 hay 2012, rất dễ để đoán người ta sẽ làm gì ở nơi công cộng: Hầu hết sẽ cắm mặt vào chiếc điện thoại di động của họ.

Sản phẩm cách mạng

Trong nhiều năm trời, điện thoại di động không có gì nhiều để người ta chăm chú vào nó. Lúc đó, màn hình điện thoại khá nhỏ, và người dùng cần bấm 1 phím nhiều lần để gõ 1 ký tự, việc truy cập internet và các ứng dụng cũng khá khó khăn. Nhưng cách đây đúng 10 năm, vào ngày 29-6-2017, Apple cho ra đời chiếc iPhone đầu tiên.

Cựu Giám đốc điều hành Apple, Steve Jobs cho biết trong cuộc họp báo giới thiệu iPhone: "Mỗi lần xuất hiện một sản phẩm mang tính cách mạng đều có thể thay đổi mọi thứ”. Trong vòng 6 năm, đa số người Mỹ sở hữu một chiếc điện thoại thông minh sử dụng công nghệ mới nhanh hơn bất kỳ công nghệ nào trước đó từng được ứng dụng.

Ngày nay, điện thoại thông minh dường như không thể thiếu. Chúng kết nối chúng ta với internet, chỉ đường cho chúng ta, cho phép chúng ta soạn và gửi tin nhắn, thậm chí có thể giúp bạn tìm phòng khách sạn ở đâu đó khi máy bay của bạn bị mắc kẹt vì lý do đột xuất.

Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Chúng ta dường như đều trở thành những con nghiện điện thoại. Một nghiên cứu kết luận chứng nghiện này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần và các mối quan hệ của chúng ta theo hướng xấu đi. Đến nay, thế hệ trẻ em đầu tiên sống trong “kỷ nguyên điện thoại thông minh” bắt đầu đạt đến tuổi trưởng thành, và chúng ta chỉ mới bắt đầu nhìn thấy những tác động tiêu cực.

Cắm mặt

Nhà xã hội học Sherry Turkle cho biết: “Lúc đầu, người dùng điện thoại thông minh kết nối với nhau thông qua việc chia sẻ những gì có trên điện thoại của họ. Nhưng thời gian trôi qua, sự kết nối đó ngày càng ít hơn và trở thành một hiện tượng riêng lẻ. Thay vào đó, điện thoại di động đã trở thành một thế giới riêng của người dùng, họ có thể tìm thấy mọi thứ trong đó và bị nó hấp dẫn, dần trở nên xa rời với những người xung quanh”.

Đây là điều bình thường mới: Thay vì gọi cho ai đó, bạn chỉ nhắn tin cho họ. Thay vì ăn tối với bạn bè để kể cho nhau nghe về kỳ nghỉ gần đây của mình, bạn gửi hình ảnh lên Facebook. Thật thuận tiện, nhưng nó cắt đứt một số tương tác mặt đối mặt, mà là động vật xã hội, chúng ta khao khát.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho rằng truyền thông điện tử có những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe tâm thần. Một nghiên cứu yêu cầu sinh viên báo cáo về tâm trạng của họ 5 lần 1 ngày. Nghiên cứu cho thấy những người càng sử dụng Facebook nhiều càng ít hạnh phúc. Nhưng khi người ta cảm thấy không hạnh phúc, người ta lại càng sử dụng Facebook nhiều hơn. Kết luận của nghiên cứu là Facebook gây ra bất hạnh, chứ không mang lại hạnh phúc.

Một nghiên cứu khác đã khảo sát ảnh hưởng của điện thoại thông minh đối với các mối quan hệ. Theo đó, những người mà đối tác của họ thường xuyên bị phân tâm bởi điện thoại thường ít hài lòng với mối quan hệ của họ, và nhiều khả năng cảm thấy chán nản.

Tuy nhiên, chúng ta không thể ngừng cắm mặt vào chiếc điện thoại của mình. Giáo sư marketing Adam Alter đã đưa ra một trường hợp thuyết phục rằng, các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông điện tử cũng tác động đến bộ não giống như nghiện ma tuý. Trong một nghiên cứu, người dùng điện thoại thông minh thường xuyên yêu cầu đặt điện thoại của mình xuống mặt bàn ngày càng lo lắng khi thời gian trôi qua. Họ không chịu được việc không nhìn vào điện thoại của họ chỉ trong vài phút.

iGen: Thế hệ điện thoại thông minh

Sự bão hòa thị trường nhanh chóng của điện thoại thông minh đã tạo ra một thế hệ đáng chú ý, những người sinh ra trong những năm 1980 và đầu những năm 1990 (gọi là thế hệ Y - millennial) và những người sinh năm 1995 và sau đó (gọi là iGen hoặc GenZ). iGen là thế hệ đầu tiên trải qua toàn bộ tuổi thanh xuân của họ với điện thoại thông minh.

Mặc dù iGen có nhiều đặc điểm tích cực như ít nghiện rượu, ít quan hệ tình dục ở tuổi teen, nhưng xu hướng về sức khỏe tâm thần của họ tiêu cực hơn. Trong một cuộc điều tra ở Mỹ, tỷ lệ sinh viên mới vào đại học cho biết họ "cảm thấy chán nản" trong năm 2016 tăng gấp đôi so với năm 2009. Các trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh cho biết, tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên tăng mạnh trong cùng khoảng thời gian khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến.

Nhiều người thắc mắc liệu việc cắm mặt vào màn hình điện thoại có ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng xã hội đang phát triển của thanh thiếu niên hay không. Ít nhất một nghiên cứu cho thấy điều đó sẽ xảy ra. Những học sinh lớp 6 tham dự trại không có màn hình chỉ trong 5 ngày đã cải thiện kỹ năng đọc những cảm xúc trên khuôn mặt của người khác nhiều hơn những em đã trải qua 5 ngày đó với mức độ sử dụng màn hình cao. Giống như bất cứ điều gì khác, kỹ năng xã hội sẽ trở nên tốt hơn khi thực hành. Nếu iGen ít thực hành, kỹ năng xã hội của họ có thể bị ảnh hưởng.

Điện thoại di động là một công cụ, và như hầu hết các công cụ khác, chúng có thể được dùng theo cách tích cực hoặc tiêu cực. Nếu biết dùng chừng mực, điện thoại thông minh là một công nghệ hữu ích - thậm chí rất quan trọng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết một sự thực quan trọng: tương tác với người đối mặt thường làm cho chúng ta hạnh phúc, còn giao tiếp điện tử không làm được điều đó.

Anh Việt
.
.
.