Nỗ lực cho một môi trường trong sạch

Thứ Hai, 18/09/2017, 00:16
Tuy không trực tiếp đối mặt với tội phạm như các lực lượng chiến đấu khác nhưng lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thường xuyên tiếp xúc với những chất thải độc hại, ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Thế nhưng kể từ khi thành lập đến nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Hà Nam liên tục lập chiến công.


Chia sẻ về những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng PC49 cho biết: "Nhiều người cứ nghĩ đơn giản thấy ô nhiễm môi trường, thấy khói bụi, cá chết, tôm chết... là doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật là có thể khởi tố bắt giam. Nhưng trên thực tế việc chứng minh hành vi phạm tội của các doanh nghiệp cực kì khó".

Hà Nam là một tỉnh mới phát triển nên tập trung khá nhiều khu công nghiệp lớn và nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động trên địa bàn. Nhưng tập trung nhất vẫn là sản xuất hàng mỹ ký có công đoạn mạ kim loại, sản xuất đồ chơi trẻ em có công đoạn phun sơn...

Cán bộ, chiến sĩ phòng PC49 Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ tàu hút cát trái phép.

Trong quá trình hoạt động, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất có phát sinh khí thải, nước thải độc hại. Nếu không có một hệ thống xử lý hiện đại triệt để thì khí thải, nước thải ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, những hệ thống xử lý này thường tốn rất nhiều chi phí xây dựng, do đó ngay từ khi mới thành lập, chủ doanh nghiệp đã tự thiết kế hệ thống xử lý xả thải có chủ định, nhằm tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra để qua mặt cơ quan chức năng, doanh nghiệp còn lắp đặt thiết kế khác so với ban đầu như dùng máy bơm trước và sau hoặc bỏ qua một số công đoạn trong quá trình vận hành xử lý. Thậm chí còn lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa, nghĩa là người ngồi một nơi khác điều khiển hệ thống ở một nơi khác, chỉ cần thấy động là có thể xoá bỏ dấu vết hoặc thay thế bằng một hệ thống xử lý khác. 

Vì thế, để phát hiện được các hành vi sai phạm nói trên, đòi hỏi lực lượng trinh sát phải nắm chắc tình hình địa bàn và công tác nghiệp vụ cơ bản. Chỉ cần sơ suất bỏ qua bất cứ một công đoạn, một khâu kĩ thuật dù rất nhỏ là coi như công sức bỏ bể, không thể tìm ra sai phạm của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống xử lý chất thải của các doanh nghiệp thường được đặt ngầm dưới lòng đất hay dưới sông sâu, biển lớn. Nếu không nếm mật nằm gai, bám trụ địa bàn, tìm mọi biện pháp nghiệp vụ để đối phó thì khó lòng phát hiện ra.

Câu chuyện về việc phát hiện sai phạm của công ty TNHH Fist Young Products INC có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Đồng Văn 1, huyện Duy Tiên, Hà Nam khiến Đại uý Nguyễn Minh Đức nhớ mãi. Đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất đồ trang sức mỹ ký nên trong quá trình sản xuất có thải nhiều yếu tố, thành phần độc hại, đặc biệt là kim loại nặng và axit.

Theo thiết kế, công ty có xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải chung của khu công nghiệp... Thế nhưng trên thực tế, công ty này thường xuyên xả trộm nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thu gom nước thải chung.

Nếu nhìn bình thường, sẽ không thể phát hiện được những sai phạm trên. Suốt nửa năm lăn lộn mật phục tại khu xử lý chất thải của công ty các trinh sát đã chứng minh được hành vi, thủ đoạn tinh vi của công ty.

Để che giấu hành vi sai phạm, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã khôn ngoan thực hiện xả thải chỉ vào ban đêm, khi các công nhân đã rời khỏi công ty về nhà hết và chỉ làm cùng với một người phiên dịch. Khu xử lý lại được gắn camera theo dõi và tổ chức bảo vệ giám sát nghiêm ngặt. Cộng với địa hình phức tạp khi là địa bàn giáp ranh của 3 công ty nên việc xâm nhập, theo dõi cực kì khó khăn.

Với tội phạm môi trường dù biết rõ những vi phạm nhưng nếu không bắt được quả tang đang xả thải thì không thể nào khởi tố, do đó, suốt nhiều đêm liền, anh em mang theo bánh mì, lương khô lọ mọ chui rúc vào khu vực xả thải ẩm thấp, hôi thối để theo dõi. Để tránh muỗi đốt, anh em nghĩ ra sáng kiến chui vào bao tải nhưng mùi hôi thối nồng nặc xông lên nhiều lúc vừa ăn vừa ọe.

Phát hiện, thu giữ nhiều tang vật trong các  vụ buôn bán, vận chuyển thực p­hẩm bẩn.

Sau nửa năm mới nắm bắt được phương thức hoạt động của đối tượng. Một kế hoạch vây bắt được lập ra.

Theo đó, lực lượng trinh sát chia làm 4 mũi cùng lúc đột nhập vào các phía. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác xác định nước thải mạ của công ty không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào được xả trực tiếp ra hệ thống thu gom nước thải chung của Khu công nghiệp Đồng Văn I.

Cụ thể, nước thải của xưởng mạ được thu vào bể thu gom ban đầu. Tại đây, được bố trí 1 bơm hút đặt trên thành bể bơm nước thải vào bồn số 1 (theo quy trình thông thường thì bồn này có tác dụng tạo phản ứng hóa học). sau đó nước thải được dẫn theo đường ống nhựa vào bể chứa bùn.

Từ bể chứa, nước thải chưa qua xử lý tiếp tục được bơm ra hố ga tiếp nhận nước thải sau xử lý trong công ty bằng một bơm chìm thông qua đường ống xả bùn được chôn ngầm dưới đất. Thời điểm bắt quả tang, một đối tượng đang định phi tang mọi chứng cứ, nhưng các trinh sát đã nhanh hơn một bước kịp thời khống chế nếu không mọi công sức sẽ đổ xuống song xuống biển.

Nói về những khó khăn của cán bộ chiến sĩ, Thiếu tá Nguyễn Thị Hoài Nam, Phó trưởng Phòng PC 49 tâm sự: "Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ rằng lực lượng Cảnh sát môi trường khá nhàn hạ, nhưng thực tế anh em thường xuyên đối mặt với những chất thải cực độc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà không hề có một sự bảo hộ nào.

Nhiều khi đi làm về, hít phải khí độc nhiều anh em mệt mỏi, phải nằm nghỉ nhiều ngày mới lại sức để đi làm tiếp. Trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực môi trường thì khó nhất vẫn là những vụ án khí thải bởi diễn biến của khí thải khá nhanh, chỉ trong vòng 5-7 phút, do đó nhiệm vụ của các trinh sát càng thêm nặng nề".

Trong vụ bắt khí thải sản xuất không qua xử lý ra môi trường xảy tại Công ty TNHH Thời trang Việt Nam, địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên là một ví dụ. Đây là công ty 100 % vốn đầu tư nước ngoài (chủ đầu tư là người Trung Quốc) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mỹ ký có công đoạn mạ sản phẩm.

Trong quá trình hoạt động sản xuất, có phát sinh khí thải độc, hại, nếu không được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của công nhân làm việc trong công ty và người dân sống ở khu vực xung quanh. Để phá án, Phòng PC49 phải mời các cán bộ Viện Hàn lâm đồng hành từ lúc lập án.

Khó khăn, vất vả còn phải kể đến những chuyến bắt cát tặc đầy gian nan. 6 tháng đầu năm 2017, tình hình khai thác cát trên các tuyến sông Châu Giang, sông Hồng diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, sử dụng tàu, thuyền không số hiệu, lợi dụng đêm tối, sử dụng tàu công suất và tải trọng lớn để khai thác cát trái phép, cử người cảnh giới, tiến hành khai thác cát làm thất thoát tài sản của nhân dân, Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, đặc biệt là mùa mưa bão. Nhiều đêm không ngủ, các trinh sát Phòng PC49 đã phải lặn lội dọc các bến sông, theo dõi trực chiến cả đêm, dù thời tiết diễn biến mưa gió bất thường.

Có những lúc nước lũ dâng cao, trời mưa tầm tã, anh em trinh sát vẫn dầm mình trong đêm bởi đó là thời điểm các đối tượng dễ dàng hoạt động nhất. 6 tháng đầu năm 2017 đơn vị đã chủ động phát hiện 7 vụ khai thác cát trái phép trên sông.

Trong đó phải kể đến việc bắt giữ tài sắt có biển hiệu HY 0206 do Trần Văn Dương (SN 1979, trú tại xã Kim Bình, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) điều khiển tàu. Vào thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 đối tượng đang thực hiện việc khai thác khoáng sản, tang vật thu giữ là 60m3 cát.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn, thực phẩm cũng được tiến hành. Với những thành tích đã đạt được, Phòng PC49 đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Công an; của Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho quá trình phá án chỉ trong thời gian ngắn.

Nhóm PV
.
.
.