Nỗ lực chống ngập trước mùa mưa

Thứ Sáu, 03/03/2017, 11:21
Nam bộ chuẩn bị vào mùa mưa. Chuyện ngập lụt đối với người dân TP Hồ Chí Minh lại bắt đầu rục rịch được nhắc tới dù nó là "chuyện cũ nói hoài". Về chuyện chống ngập, người dân có vẻ kỳ vọng nhiều vào dự án 10.000 tỷ đồng đang được triển khai xây dựng liệu có giúp thành phố tránh được ngập lụt?


"Dự án 10.000 tỷ đồng không có màu hồng"

Theo đánh giá chung, nhiều năm qua, dù đã thực hiện nhiều giải pháp chống ngập, nhưng tình trạng ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh dường như chưa có chiều hướng tích cực rõ rệt và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Đến nay, nhiều người vẫn không thể quên trận mưa lịch sử vào chiều tối 26-9-2016, trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua, gần như đã làm tê liệt hệ thống giao thông ở TP Hồ Chí Minh.

Công tác chống ngập ở TP Hồ Chí Minh chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Hầu hết các tuyến đường của thành phố đều bị ngập nặng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên kể từ khi đưa vào khai thác từ năm 2011, đường hầm Thủ Thiêm bị ngập. Trung tâm thành phố ngập, ngoại thành cũng ngập, sân bay cũng ngập khiến hàng chục chuyến bay không thể hạ cánh.

Theo một thống kê, năm 2016, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 29 trận mưa trên 50mm, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Đặc biệt, sau những trận mưa to kết hợp với triều cường, 46 tuyến đường và khu vực thấp, trũng của thành phố lại chìm sâu trong nước… Thực tế này khiến "Hòn ngọc viễn Đông" luôn rơi vào tình trạng "đi trên đường mà như đang bơi trên sông".

Về kinh phí, chỉ tính trong vòng 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã bỏ ra khoảng 24.300 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập như nạo vét - cải tạo kênh rạch, xây dựng hệ thống thoát nước (trong đó, nguồn vốn từ ngân sách khoảng 9.000 tỉ đồng, vốn vay ODA khoảng 15.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, các dự án này cũng chỉ mới tạo được ra khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch chống ngập.

Dự tính, để thực hiện các dự án chống ngập cho khu vực rộng 550km2 (gồm lưu vực trung tâm thành phố, phía Bắc, phía Tây, một phần Đông Bắc và Đông Nam), trong giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh cần huy động khoảng 66.820 tỉ đồng.

Như vậy có thể thấy, để chống ngập nước do mưa, do triều cường, TP Hồ Chí Minh đã và sẽ chi không ít tiền của, song tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng.

Trong nhiều giải pháp chống ngập, có thể kể một số giải pháp cấp bách trước mắt mà thành phố đang thực hiện là duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống; đấu nối cống; cải tạo hầm ga và thay thế cống băng đường; nạo vét cục bộ các tuyến rạch; lắp đặt bơm hỗ trợ chống ngập khi có mưa, triều lớn gây ngập cục bộ; lắp đặt và vận hành van ngăn triều tại các cửa xả...

PGS.TS Hồ Long Phi.

Còn về lâu dài thì mới đây nhất tại TP Hồ Chí Minh, dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)" theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) được khởi công vào cuối tháng 6-2016 với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng (nhiều người hay gọi tắt là Dự án 10.000 tỷ đồng) đang được triển khai và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và người dân thành phố.

Đây là lần đầu tiên, một dự án chống ngập nước được thực hiện bằng hình thức BT, thay vì sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự án này (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện) được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ngập do triều (trong khi đó, gây ngập cho TP Hồ Chí Minh ngoài triều còn có mưa. Các dự án chống ngập do mưa tại thành phố lại được thực hiện theo một đồ án quy hoạch khác).

Dự án này gồm 8km kè chống triều được xây dựng ở các vị trí xung yếu ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh cùng 25 cống nhỏ đoạn từ Vàm Thuật đến Mương Chuối. Cùng với đó, hạng mục quan trọng nhất của dự án là 6 cống kiểm soát triều cường đặt ở Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định.

Trong đó, hệ thống cống ở Mương Chuối (Nhà Bè) là lớn nhất. Cống này hoạt động dựa vào mực nước dao động theo mùa. Vào mùa mưa khi mực nước thượng lưu lớn hơn mực nước hạ lưu, cửa tiêu nước sẽ được mở và ngược lại cho mùa khô. Sáu cống được thiết kế rộng 40-160m, cao trình đáy 3,5-10m để tàu bè có thể qua lại khi cửa cống mở hoàn toàn.

Các hạng mục của dự án sẽ được xây ở quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Chủ đầu tư Tập đoàn Trung Nam cam kết đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành trong hai năm để đảm bảo nhu cầu thoát nước từ kênh rạch chính ra sông lớn, đồng thời ngăn thủy triều từ hệ thống sông lớn bao quanh thành phố tràn vào hệ thống kênh rạch nhỏ bên trong.

Theo chủ đầu tư, khi hoàn thành dự án sẽ giải quyết được nỗi ám ảnh của người dân về tình trạng ngập do triều dâng, giúp chủ động đối phó với biến đổi khí hậu cho vùng lõi với diện tích 570 km2, khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Nói về dự án này, PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khuyến cáo rằng, báo chí truyền thông không nên tạo cho người dân sự quá kỳ vọng hay ảo tưởng về hiệu quả của dự án mà cần phải nói rõ những ưu, nhược điểm của dự án để họ hiểu được thực tế; nhất là những hạn chế để từng bước khắc phục dần và hoàn thiện thêm.

Phối cảnh một số hạng mục của Dự án 10.000 tỷ đồng.

"Tôi nghĩ không nên tạo cho người dân có cảm giác dự án sẽ mang lại hiệu quả lớn và chống ngập được hoàn toàn. Nó không chỉ có màu hồng, mà còn nhiều thứ cần phải hoàn thiện", PGS.TS Hồ Long Phi nhấn mạnh.

Ý kiến của chuyên gia này cũng đúng như cam kết của chủ đầu tư dự án với lãnh đạo thành phố chỉ có thể giải quyết tình trạng ngập do triều, ở những khu vực mà dự án này đi qua, còn tình trạng ngập trong đô thị còn hay không, thì phụ thuộc vào sự đồng bộ của hệ thống thoát nước từ bên trong, đưa nước ra kênh rạch để bơm ra sông lớn…

Cần xã hội hóa công tác chống ngập

Khái quát về nguyên nhân gây ngập, theo PGS.TS Hồ Long Phi, đó đơn giản là chuyện "vào" và "ra". Có người nhấn mạnh chuyện "ra", tức là do hệ thống thoát nước yếu kém. Trong khi nếu vì nguyên nhân "vào" - nghĩa là do mưa lớn, triều cường gây ngập…

Thực ra, ngoài hai yếu tố “vào” và “ra” còn một yếu tố nữa trước đây người ta ít chú ý tới chính là khả năng trữ tạm. Khi lượng nước ra không kịp, cần có các hồ trữ tạm. Ba yếu tố này là nguyên nhân chính gây ngập.

Với Dự án 10.000 tỷ đồng, ưu điểm của nó là sẽ giúp khu vực phía Nam thành phố (như khu huyện Nhà Bè, quận 7…) thường bị ngập do triều cường sẽ giảm đi rõ rệt; ngoài ra mực nước bên trong khu vực này sẽ hạ xuống, điều này giúp cho khả năng thoát nước từ các khu vực cao hơn là các quận trung tâm sẽ tốt hơn.

Theo đó, dọc theo kinh lộ Bến Nghé có nhiều tuyến kinh đổ vào, đổ từ phía quận 1 quận 3 xuống, quận 5, 10, 6, 8 sẽ góp phần giảm ngập những khu vực đó. Như vậy, một phần thành phố sẽ giảm ngập.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hồ Long Phi, dự án này cũng có hai hạn chế căn bản. Thứ nhất, khi làm hệ thống ngăn triều thì môi trường nước bên trong khu vực ít nhiều cũng sẽ bị ô nhiễm. Trước đó, nước vào dễ dàng sẽ giúp rửa trôi chua phèn, ô nhiễm… nhưng khi bị chặn lại thì nước bên trong sẽ ứ đọng, do đó khu vực phía Nam thành phố ít nhiều sẽ phải chịu cảnh này.

Giống như khu vực kênh Thị Nghè dù cải tạo đã lâu nhưng vẫn bị tình cảnh nước bẩn ứ đọng, hôi hám. Tuy nhiên, ô nhiễm ở mức độ nào thì phải chờ thực tế mới biết được. Thứ hai, sau khi có hệ thống đê bao, mực nước trên sông sẽ dâng lên, dự kiến có thể cao hơn từ 6 đến 10cm so với hiện nay. Điều này sẽ khiến cho các khu vực khác bị ngập nhiều hơn.

Từ những ưu, nhược điểm trên, PGS.TS Hồ Long Phi cho rằng vấn đề chống ngập phải có cái nhìn tổng thể và thực hiện đồng bộ. Đồng bộ ở đây, thứ nhất là hệ thống nước thải phải được thu gom; thứ hai việc thoát triều phải thực hiện cả hai bờ tả và hữu thành phố, tức là phải làm hệ thống đê bao và thoát triều cả bờ hữu bờ tả một lượt, chứ thực hiện chỉ riêng khu vực phía Nam thành phố dễ tạo nên những vấn đề xã hội như ô nhiễm hay ứ đọng nước, gián tiếp gây ngập nặng hơn ở khu vực khác.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, nếu muốn làm đồng bộ thì nguồn lực hiện nay của đất nước cũng như của thành phố không thể đủ để thực hiện. Do đó, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn và dù đã nhận biết được thực tế này nhưng "cái khó bó cái khôn".

Với hạn chế về ngân sách, tiền bạc như vậy, thành phố cần chọn ưu tiên. Nhưng theo PGS.TS Hồ Long Phi, hiện ưu tiên thứ nhất nay không phải chuyện chống ngập triều (như thành phố đang ưu tiên với Dự án 10.000 tỷ đồng) mà lại là chuyện ngập mưa!

Do đó, về lâu về dài, thành phố nói riêng và cả nước nói chung cần sửa cơ chế, phải dần dần tiến tới xã hội hóa việc này. Giống như nhà nào xài nước nhiều thì phải trả tiền nhiều, không thể bao cấp mãi được.

"Tôi thấy đây là lĩnh vực duy nhất vẫn được bao cấp còn sót lại. Ngay cả chuyện thiết thân với người dân như y tế và giáo dục mình còn xã hội hóa được thì cớ gì chuyện chung tay chống ngập không xã hội hóa được chứ. Nếu làm được vậy thì thành phố không bị giới hạn chỉ có 10.000 tỷ mà có thể hàng trăm ngàn tỷ, như thế các giải pháp chống ngập sẽ đồng bộ hơn và dĩ nhiên hiệu quả kéo theo sẽ cao hơn rất nhiều", PGS.TS Hồ Long Phi đặt câu hỏi.

Phú Lữ
.
.
.