Nỗ lực để cải thiện môi trường sống

Thứ Hai, 07/08/2017, 14:48
Chưa hạn chế tốt nguồn phát thải gây ô nhiễm từ môtô, xe máy; việc bảo vệ cây xanh, ao hồ - những "lá phổi" của Hà Nội cũng đang gặp khó khăn. Việc phát triển đô thị xanh, thân thiện, bền vững, bảo đảm môi trường trong lành nhằm kiềm chế ô nhiễm đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng.


"Lá phổi" thưa dần

Người viết bài từng có thời gian tìm hiểu nguyên nhân khiến ao, hồ Hà Nội và cả cây xanh "bốc hơi". Ngoài tốc độ xây dựng thì việc lấn chiếm vô tội vạ đã làm giảm nhanh chóng diện tích mặt nước, cây xanh. Trong khi đó việc quản lý lại chồng chéo, chưa hiệu quả.

Sở Xây dựng thì nói do quy hoạch xây dựng, Sở Tài nguyên, Môi trường đổ tại cơ chế quản lý chưa rõ ràng. UBND các quận, huyện, phường, xã "kêu" việc quản lý đất công, ao hồ là công việc phức tạp, khó khăn.

Tiến độ công trình làm đường chậm, gây khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Trước hiện trạng nhiều diện tích mặt hồ bị san lấp, biến thành khu đô thị (KĐT) nhưng thiếu vắng cây xanh, ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, đó là thiếu sót của các nhà đầu tư. Nhà nước giao cho nhà đầu tư vừa xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, vừa trồng mảng xanh.

Trong thời gian vừa qua, tại nhiều KĐT xây dựng với mục đích kinh doanh, họ cố gắng hoàn thiện trước phòng ở, hệ thống giao thông, điện nước… còn những vấn đề khác như mảng xanh được làm từng bước.

"Nhưng ở nước ta, do việc kiểm soát không chặt, lơ là nên có những nơi chậm chạp. Một số khu vực quy định là đất cây xanh nhưng trong quá trình xây dựng có hiện tượng biến thành loại đất khác. Từ đó dẫn đến nhiều KĐT không có cây, hoặc được trồng loại cây không đúng theo quy định", ông Tiến khẳng định.

Sốt ruột trước bầu không khí Thủ đô, kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh thốt lên: "Đô thị phát triển đã lấp nhiều ao hồ và chặt phá quá nhiều cây xanh ở Hà Nội. Chỉ trong thời gian ngắn mà 6.700 cây đã bị chặt hạ!".

Trong khi đó, công trình xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông kém chất lượng, lạc hậu cũng là thủ phạm gây ô nhiễm bụi trầm trọng tới môi trường, nhưng lại thiếu biện pháp xử lý.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên, Môi trường Hà Nội) cho biết, nhiều công trình trong quá trình xin giấy phép xây dựng đều cam kết phương án bảo đảm khi xe chở phế thải, vật liệu xây dựng không làm rơi vãi ra đường, trước khi xe chạy ra phố phải rửa bánh xe. Thực tế chủ công trình chỉ chấp hành khi có đoàn kiểm tra, ngoài thời gian đó phó mặc cho các tài xế gây ra nguồn khói bụi.

Theo nhiều KTS, con người là nạn nhân, cũng là thủ phạm khiến diện tích mặt nước đô thị Hà Nội giảm, tác động làm môi trường ô nhiễm. Trong khoảng 50 năm qua, khoảng 80% diện tích mặt nước ở Hà Nội đã dành cho các công trình xây dựng.

Theo kết quả nghiên cứu môi trường của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), hơn thế, tới hơn 90% ao, hồ Hà Nội đang bị ô nhiễm. Thêm nữa, diện tích cây phủ xanh cũng bị thu hẹp có tác động lớn đến bầu không khí.

Hoạt động xây dựng và vận chuyển nguyên vật liệu gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ Ao, hồ Hà Nội nêu ý kiến: "Nếu hồ, ao được bảo vệ sạch sẽ, nguyên vẹn thì không chỉ cảnh quan đô thị được bảo đảm, mà sức khỏe của người dân cũng được bảo vệ. Bởi hồ và cây xanh điều hòa không khí tốt, lại có khả năng hấp thụ nhiệt, khí CO2, giữ lại bụi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí".

Lùi thời điểm kiểm soát khí thải xe máy

Vụ Môi trường - Bộ Giao thông vận tải thống kê, hiện cả nước có khoảng 1,9 triệu xe ôtô và 40 triệu xe môtô, xe gắn máy lưu hành. Trong đó, xe môtô, xe gắn máy chiếm khoảng 70% số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tại các đô thị.

Tuy nhiên, trong số này lại có tới 4,5 triệu xe "hết đát" vẫn đang hoạt động phát thải khí NO2, khí CmHn, SO2 và bụi… dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Trước áp lực này cần phải kiểm soát được khí thải xe máy.

Bầu không khí luôn ngột ngạt, khói bụi.

Thế nhưng, sau một số lần xin lùi, "Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy" dự kiến sẽ thực hiện vào đầu năm 2017, lại một lần nữa, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xin lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 đối với một số dòng xe ôtô, và Euro 3 đối với xe máy.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: "Việc lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức mới của một phần đối tượng là xuất phát việc Chính phủ đánh giá từ báo cáo của các bộ, ngành và các đơn vị sản xuất, lắp ráp cho thấy là chưa đủ điều kiện để thực hiện bởi giá thành cao.

Do tính phức tạp đó, cần tiếp tục nghiên cứu khả thi quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm định khí thải đối với môtô, xe máy trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ GTVT xây dựng lộ trình khí thải để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. Dự kiến vào năm 2018".

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho rằng, dù lùi lộ trình một phần này không phải là Việt Nam không kiểm soát khí thải phát ra từ phương tiện cơ giới đường bộ, mà việc kiểm soát khí thải vẫn đang được kiểm soát.

Hầu hết các trung tâm đăng kiểm đang hoạt động đều có đủ trang thiết bị phù hợp để có thể thực hiện kiểm tra khí thải đối với môtô, xe máy. Với 145 trung tâm đăng kiểm trên cả nước cùng với các đăng kiểm viên đã được đào tạo và cấp giấy chứng nhận sẽ đáp ứng được các yêu cầu ban đầu đối với nhiệm vụ kiểm tra khí thải môtô, xe máy.

Phương án "sống xanh"

Theo KTS Trần Huy Ánh, khi tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác triệt để, công tác kiểm soát khí thải xe máy còn gặp khó khăn thì việc tạo dựng một đô thị kiến trúc xanh là điều mà các đô thị Việt Nam phải làm nhanh chóng, nhất là những đô thị lớn nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Nhưng nhiều năm qua, Hà Nội thiếu vắng những giải pháp thiết thực trong kiểm soát ô nhiễm và điều chỉnh, hướng tới đô thị xanh cũng chưa được tính toán hiệu quả. Ngay cả việc hình thành các khu đô thị cũng để nhiều lỗ hổng khiến doanh nghiệp "làm ngơ" các biện pháp giảm nhiệt là trồng cây.

Cụ thể, ông Ánh cho rằng, bề mặt bê tông hóa tăng cao dẫn đến sự cân bằng sinh thái bị khủng hoảng nghiêm trọng, làm tăng nền nhiệt đô thị vào mùa hè, đồng thời khuếch tán khói bụi.

Ông Ánh cũng nêu quan điểm, người ta đôi khi quan niệm thành phố đáng sống là phải tăng GDP và xây thêm nhiều nhà chọc trời mà không nghĩ rằng chúng ta có thể tạo nên cuộc sống hạnh phúc hơn bằng những cách khác. Thành phố đáng sống là thành phố có bầu không khí trong lành và xanh. Sống xanh là sống cùng thiên nhiên, dựa vào và tương tác với thiên nhiên.

Chia sẻ trước vấn đề này, PGS. TS Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, hệ thống ao hồ giúp làm mát không khí, nhất là khi mật độ xe cộ tăng quá nhanh như hiện nay. Đó là tài sản thiên nhiên ban tặng mà chúng ta cần gìn giữ.

Bà Vinh nhấn mạnh: "Hướng phát triển đô thị xanh, thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp tốt nhằm giảm sự ngột ngạt. Đó là một thách thức rất lớn đối với các cấp chính quyền thành phố. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch mạng lưới giao thông thì việc bảo vệ ao hồ, diện tích cây xanh là cực kỳ cần thiết. Bởi việc phát triển đô thị xanh, thân thiện, có rất nhiều tiêu chí về không gian, công trình, chất lượng môi trường, cảnh quan, cộng đồng dân cư".

Những năm qua, nhiều hồ đẹp của Hà Nội đã bị lấp (ảnh minh họa)

Trong nỗ lực chỉnh trang đô thị, hướng đến phát triển thành phố bền vững, tháng 3-2014, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch Hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030 đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân.

Kế hoạch là vậy, song, theo các chuyên gia để bản quy hoạch đi vào thực tiễn và được triển khai tốt, cần nhiều giải pháp đồng bộ với một quyết tâm cao. Các cấp, ngành của thành phố cần phải có những khảo sát cụ thể, tránh tình trạng dự án quy hoạch đi vào triển khai thì nhiều hồ, ao đã bị lấp, cây xanh bị chặt phá.

Diên Khánh
.
.
.