Nỗ lực, đồng lòng vượt khó!

Thứ Sáu, 20/11/2020, 07:52
Quá trình gia nhập và đồng hành cùng ASEAN trong suốt 25 năm qua (Việt Nam trở thành thành viên chính thức và là thành viên thứ 7 của Hiệp hội vào ngày 28-7-1995) chính là tiền đề để Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của mình. Với những hoạt động trong “ngôi nhà chung” ASEAN, Việt Nam đã chứng minh sâu đậm hơn nữa chính sách ngoại giao và vị thế của mình trên trường quốc tế...


Sau 25 năm là thành viên chính thức của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, từ ngày 12 đến 15-11-2020,  Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và một loạt hội nghị cấp cao liên quan khác, kết thúc chuỗi hoạt động trọng đại này bằng một sự kiện rất đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc Bộ trưởng kinh tế của 15 quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Quá trình gia nhập và đồng hành cùng ASEAN trong suốt 25 năm qua (Việt Nam trở thành thành viên chính thức và là thành viên thứ 7 của Hiệp hội vào ngày 28-7-1995) chính là tiền đề để Việt Nam triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của mình. Với những hoạt động trong “ngôi nhà chung” ASEAN, Việt Nam đã chứng minh sâu đậm hơn nữa chính sách ngoại giao và vị thế của mình trên trường quốc tế.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 tổ chức trong thời điểm của năm 2020 - là một năm rất đặc biệt, mà như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 thì “các nước ASEAN đều đã thể hiện bản lĩnh và quyết tâm, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Từ cam kết chính trị ở cấp cao nhất đến các biện pháp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng của cả bộ máy cũng như giữa các quốc gia thành viên, chúng ta đã chứng kiến tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát COVID-19 cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Niềm tin của người dân đối với khả năng ứng phó dịch bệnh của các chính phủ trong khu vực đều ở mức cao”.

Thiên tai, dịch bệnh sẽ là lực cản rất lớn trong nỗi lực phát triển kinh tế.

Nói về con đường trước mắt của ASEAN còn không ít trở ngại, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Những tổn thất cả về người, về của mà hàng chục triệu người dân trong khu vực phải gánh chịu do thiên tai và dịch bệnh trong năm qua thật nặng nề. Người dân ASEAN đang trông đợi ở quý vị lãnh đạo các quốc gia đề ra những biện pháp hợp tác hiệu quả và quyết liệt hơn nữa để kiểm soát tốt các làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời duy trì các hoạt động và cùng các doanh nghiệp vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội cho tất cả các vùng, miền và mọi người dân của các quốc gia”.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra cùng thời điểm Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, với tỷ lệ 89,21% tổng số ĐBQH tán thành. Trong 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết đề ra, có tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%, Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%...

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%, nếu là ở giai đoạn những năm 2016-2019 thì không việc gì phải băn khoăn. Vì chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho giai đoạn đó đã ở mức 6,5-7%, mà cụ thể thì kinh tế đã liên tục tăng trưởng lần lượt từ 6,2-6,8-7,0%,bình quân đạt 6,8%. Và điều quan trọng hơn đó chính là Việt Nam đã tạo ra nền kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc; kiểm soát lạm phát, bình quân dưới 4%; tạo được các cân đối lớn của nền kinh tế, dự trữ ngoại hối tăng và cải thiện rất tốt, từ đó bảo đảm cho sự ổn định tiền tệ và tăng niềm tin vào sức mua,giá trị đồng tiền Việt Nam.

Nhưng với năm 2020, 2021, thậm chí có thể một vài năm tiếp thì việc tăng trưởng về tổng sản phẩm trong nước (GDP) là một bài toán cực khó. Khó ở chỗ ngoài việc vừa phải tập trung cho công tác phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của biến động chính trị - kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng lớn… như hầu hết các nền kinh tế khác, Việt Nam còn phải đương đầu với hậu quả khủng khiếp của thiên tai, bão lũ triền miên trong cuối năm 2020.

Chỉ riêng với thu ngân sách năm 2020, kế hoạch đưa ra phải thu được 1.512.000 tỉ đồng, nhưng nếu bây giờ phấn đấu tích cực sẽ thu được khoảng 1.300.000 tỉ đồng là cũng đã thất thu khoảng 189.000 tỉ đồng - Một con số rất rõ mà các chuyên gia về kinh tế dẫn ra để nói về sự khó khăn và thách thức cho kế hoạch thu ngân sách của năm 2021, năm bản lề khởi đầu cho một giai đoạn mới.

Nhưng dù khó khăn như thế thì qua phân tích, đánh giá tình hình, Quốc hội vẫn quyết tâm cho chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 trên 6%. Quyết tâm này không chỉ là dựa trên những kết quả đã và đang đạt được, mà còn là niềm tin ở những nỗ lực, những kịch bản mà Chính phủ đã đưa ra để hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi. Và, nói rộng hơn nữa thì đây chính là sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để “sức khỏe” của cả nền kinh tế - xã hội phải sớm vượt qua những khó khăn, thách thức đã được nhận diện. 

Nói như thế để thấy vấn đề không phải chỉ là ở sự quyết tâm của Đảng, Quốc hội hay Chính phủ, mà vị thế của nước nhà tiếp tục được khẳng định và vươn lên hay không còn đòi hỏi từ sự nỗ lực của chính bản thân mỗi người dân, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp, mỗi địa phương. Đấy là sự nỗ lực trong vượt khó, nỗ lực trong sự đoàn kết, chung tay cùng nhau trên biển lớn.

Lương Duy Cường
.
.
.