Ám ảnh "những bông ban" nhiễm "ết"

Thứ Hai, 21/09/2015, 14:00
Số người nhiễm HIV hiện còn sống mà các cơ quan chức năng ở Sơn La thống kê được là 7.543 người. Thế nhưng, đó đã phải là con số cuối cùng hay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm? Tỉnh Sơn La đang nỗ lực kiềm chế và tìm cách ngăn chặn đại dịch. Song, trong quá trình thực hiện vẫn còn quá nhiều khó khăn.
Khi hoa rng nhim bnh

Sơn La là tỉnh nghèo, điều đó đã rõ, nhưng thật buồn khi phải chứng kiến những nam thanh nữ tú còn vời vợi ước mơ đã mắc phải căn bệnh thế kỷ. Bản nghèo, vì thế mà heo hút hơn. Lò Thị Hăn, ở xã Chiềng Sung - huyện Mai Sơn, mới 19 tuổi, cái tuổi đẹp như trăng rừng.

Bình thường lứa tuổi này, em vừa làm việc nhà, ruộng nương, vừa đi chợ để hẹn bạn trai, rồi làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, từ khi biết căn bệnh quái ác đó ở trong mình, là do lây nhiễm từ bố, thì em đã chẳng muốn sống nữa. Hăn tâm sự: "Em chẳng muốn học, muốn làm. Tương lai như thế là hết rồi".

Hăn cho biết thêm, trong xã không thiếu người nhiễm "ết", nhưng họ không nói. Một số đã được giới thiệu đi uống thuốc ARV, được xuống thành phố Sơn La điều trị. Hăn nhấn mạnh: "Lại có người cứ mặc nó. Em cũng mặc luôn". Tôi lắc đầu: "Không, em cũng phải điều trị. Em phải cố sống tốt. Chưa phải dấu chấm hết đâu. Bố em mất, thì em phải có trách nhiệm với mẹ". Cuộc trò chuyện của chúng tôi cứ bị đứt quãng bởi dòng nước mắt của Hăn và cơn mưa chiều thảng thốt. Tôi hy vọng, lúc nhẹ lòng, Hăn sẽ hồi tâm chuyển ý.

Ở huyện Yên Châu, cô gái Lò Thị Sen cũng tươi như đóa hoa ở tuổi xuân thì. Sen đã lọt vào mắt xanh của một cán bộ trẻ về thị trấn huyện công tác. Cuộc hôn nhân của họ càng ấm áp khi Sen sinh được một cô con gái đầu lòng xinh xắn. Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, khi một ngày con gái Sen được phát hiện dương tính với HIV. Lúc này, sức khỏe của chồng cũng không tốt.

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tới tận người dân các thôn bản.

Họ đưa nhau đi làm xét nghiệm và ngã ngửa khi hay tin cả hai người đều đã nhiễm HIV. Hai năm sau chồng Sen mất. Sen dường như không gượng nổi dậy, vì hạnh phúc đến quá ngắn ngủi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Mai Sơn, Yên Châu và nhiều xã vùng sâu của Sơn La, những "bông hoa rừng" nhiễm HIV không phải ít. Một số gượng dậy được, một số sợ bị kỳ thị đã giấu nhẹm bệnh tật.

"Nhưng quan trọng hơn, nhiều người không có ý thức đề phòng cho người khác. Có người mắc bệnh từ người yêu lại đi trả thù đời. Có người mắc bệnh chẳng giữ gìn lại đi gieo rắc căn bệnh cho các gái bản. Điều đó làm gia tăng số người mắc bệnh. Thật nguy hiểm", chị Bùi Thị Hồng, sống ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, là thủ quỹ nhóm "Niềm tin Mai Sơn" cho biết.

Tích cực kiểm soát HIV/ADIS, không để lây rộng sang trẻ em.

Khó kim soát

Về những nỗ lực phòng, chống và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, hạn chế gia tăng số ca mắc bệnh, ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho biết: "Hiện nay việc quản lý các đối tượng nhiễm HIV/AIDS là hết sức khó khăn. Ngành Y tế Sơn La đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trước khi kết hôn nên đến cơ sở y tế để khám sức khỏe và làm các xét nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chủ quan bỏ qua. Nhiều trường hợp khi phát hiện bị nhiễm thì đã quá muộn và là một trong những nguyên nhân khiến HIV/AIDS lây lan nhanh".

Trước những vấn đề phức tạp về tệ nạn xã hội, tội phạm trên địa bàn, Chính phủ đã cho phép tỉnh Sơn La thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, (gọi tắt là Ban chỉ đạo 2968). Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban là kiểm soát và phòng, chống "bão HIV".

Đại diện Ban chỉ đạo 2968 cho biết, đầu năm 2015, số người nhiễm HIV phát hiện mới vẫn không ngừng gia tăng. Số người nhiễm HIV phát hiện mới tập trung tại một số huyện: Thuận Châu, Sông Mã, Mường La, Mai Sơn, Quỳnh Nhai. Đáng nói là, tỷ lệ mắc mới HIV chủ yếu ở lứa tuổi 20 - 39, chiếm hơn 70%. Đó là lứa tuổi lao động, là những trụ cột gia đình.

HIV đã khiến cuộc sống của bà con vùng cao thêm nghèo khổ.

Thừa nhận những khó khăn trong công tác kiểm soát bệnh HIV, ông Lê Bắc Hải, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 2968 cho biết: "Chúng tôi thực sự vô cùng khó khăn trong công tác kiểm soát số bệnh nhân HIV. Cứ mở rộng điều tra thì lại phát hiện, mỗi tháng vài chục người. Đó là một vấn đề thách thức lớn. Chính chúng tôi cũng không biết bản chất thật về con số là bao nhiêu, bởi có xét nghiệm được tổng thể 1 triệu người ở tỉnh đâu".

Ông Hải cho biết thêm, hiện ngành Y tế chưa kiểm soát được với rất nhiều lý do tài chính, nhân lực, tổ chức thực hiện còn yếu. Thêm nữa, việc tuyên truyền cũng vô cùng khó khăn. Đa số người mắc bệnh không muốn hợp tác, và không thể bắt buộc họ đi xét nghiệm được. Nêu thêm những khó khăn, ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho biết: "Khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Sơn La hiện nay là nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn thấp. Thêm vào đó, đối tượng nhiễm HIV/AIDS không khai đúng địa chỉ, họ tên, hay di chuyển nơi cư trú nên công tác giám sát, phát hiện và tư vấn gặp rất nhiều khó khăn".

Với những nỗ lực và quyết tâm, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban chỉ đạo 2968 cho biết, trong thời gian tới, các ban, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân sử dụng thuốc ARV, thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Trước mắt, các cơ quan chức năng Sơn La sẽ tập trung vào những địa bàn trọng điểm, theo đó kiểm soát dần các vùng đệm, tích cực đưa người bệnh đi triều trị, không để dịch "ết" lan nhanh sang lứa tuổi trẻ em.

Hải Miên
.
.
.