Nở rộ trào lưu phục dựng văn hóa Việt cổ của giới trẻ

Thứ Năm, 31/05/2018, 09:26
Gần đây, hàng loạt những nhóm bảo vệ, bảo tồn di sản phi lợi nhuận đã được hình thành và bắt đầu tạo ra tiếng vang. Đặc biệt hơn đây là những nhóm do các bạn trẻ sáng lập, họ hoạt động chủ yếu trên các trang mạng xã hội, kinh phí hoạt động đều tự đóng góp, kêu gọi ủng hộ của cộng đồng.



Khi các nhóm này ra đời nhiều người cho rằng đó là hiệu ứng lan tỏa và kích thích mọi người quan tâm đến văn hóa Việt cổ. Một số nhóm đang tạo ra tiếng vang nhất định như: Đình làng Việt, Đại Việt Cổ Phong, Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, S.River, Nguyên Phong Đoạn Lĩnh…

Hừng hực khí thế người trẻ

Từ khi công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội trở thành “món ăn” không thể thiếu người ta bắt đầu lo ngại về lối sống nhanh, vội vã của giới trẻ. Họ sẽ rời xa truyền thống, văn hóa dân tộc để tìm đến những “miền đất lạ”. 

Căn nguyên của sự lo sợ này bắt nguồn từ hiện tượng một bộ phận giới trẻ Việt yêu thích, am hiểu văn hóa nước ngoài hơn là văn hóa dân tộc. 

Họ có thể kể vanh vách những món ăn truyền thống của Hàn Quốc, hay họ tỏ ra vô cùng hào hứng với những lễ hội cosplay (hóa trang sắm vai) thành các nhân vật nổi tiếng của Nhật Bản. 

Họ không tiếc tiền để sang nước ngoài, vận những bộ trang phục truyền thống của nước bạn, để rồi chụp ảnh, khoe mẽ, sống ảo và tỏ ra vô cùng tự hào về điều này. Đôi khi người ta chạnh lòng vì nhiều người Việt trẻ còn thuộc sử nước ngoài hơn lịch sử nước nhà… 

Ông Nguyễn Văn Hùng (Cán bộ hưu trí, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Chẳng đâu xa lạ, như các cháu của tôi đây, chúng rất hào hứng với các đồ nước ngoài. Rất thích mặc trang phục truyền thống của các nước để chụp ảnh, đăng lên Facebook. Chúng tỏ ra khó chịu khi người lớn mở các chương trình về văn hóa truyền thống. Đi đâu đó về thấy tôi mở quan họ, chèo, cải lương là chúng tỏ ra khó chịu… đôi khi còn nói là sao ông có thể nghe được thể loại này. Thực sự tôi rất buồn!”.

Thế nhưng, bên cạnh những bạn trẻ có sở thích theo kiểu phong trào, sính ngoại thì vẫn còn đâu đó rất nhiều bạn trẻ hướng sự quan tâm của mình tới văn hóa truyền thống. 

Sự thật thì chính công nghệ đã kết nối những người trẻ có cùng đam mê, sở thích lại với nhau, giúp họ cùng góp sức xây dựng hoài bão, lý tưởng chung. Hoạt động bảo tổn di sản văn hóa được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. 

Các nhóm bảo vệ, bảo tồn di sản phi lợi nhuận dần dần được hình thành và bắt đầu tạo ra những tiếng vang nhất định như: Đình làng Việt, Đại Việt Cổ Phong, Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, S.River, Nguyên Phong Đoạn Lĩnh… 

Đánh giá về những nhóm này, bạn Lê Văn Bình (Đại học Văn Hóa) cho hay: “Ở một xã hội hiện, mạng xã hội phát triển như hiện nay thì có những nhóm bạn trẻ lập ra để bảo tồn văn hóa Việt cổ là vô cùng quý giá. Nhiều người đã từng lo lắng về văn hóa Việt bị mai một, giới trẻ lãng quên nhưng thực sự vẫn còn rất nhiều bạn trẻ nặng lòng và yêu lắm. Các nhóm này không đơn thuần là nơi hội tụ những đam mê, hội tụ những người yêu văn hóa Việt cổ mà còn có sức lan tỏa, ảnh hưởng đến toàn xã hội”.

Nhóm Đình làng Việt mặc trang phục truyền thống tham gia lễ kỷ niệm 590 năm ngày vua Lê Lợi lên ngôi.

Như S.river tạo ra ấn tượng với những dự án số hóa tranh dân gian Hàng Trống để bảo tồn thì Đại Việt Cổ Phong lại tạo ra được dấu ấn với dự án Hoa văn Đại Việt. 

Họ đã nhận được không ít lời khen ngợi, đánh giá cao của các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu văn hóa. Nó là một dự án số hóa hoa văn truyền thống của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và đưa vào ứng dụng thực tiễn với sách tô màu, in móc khóa… 

Không kém phần đặc biệt, nhóm Đình làng Việt lại tạo được những uy tín với dự án phục dựng áo dài nam truyền thống, hay những sự kiện bảo tồn di sản đình làng, di sản văn hóa phi vật thể như Tết Việt. 

Nhắc đến các nhóm phục dựng văn hóa Việt cổ không thể không nhắc đến nhóm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, đây là nơi tập hợp những bạn trẻ có chung niềm yêu thích với chèo và mong muốn giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Họ thường xuyên mời những nghệ nhân chèo nổi tiếng, nghệ nhân dân gian về giảng dạy cho các học viên có mong muốn được học…

Điều đặc biệt, những nhóm này luôn có phong cách “tự thân vận động”, các dự án này được gây quỹ cộng đồng chứ không dựa vào tổ chức nào cả. Như dự án Hoa văn Đại Việt của nhóm Đại Việt Cổ Phong là một ví dụ điển hình. 

Dự kiến kinh phí khoảng 100 triệu đồng nhưng khi gây quỹ cộng đồng, nhóm đã đạt được con số đáng kinh ngạc lên tới 200 triệu đồng từ những người ủng hộ dự án. 

Con số thực tế này để thấy, sự ủng hộ của cộng đồng dành cho những điều ý nghĩa mà các bạn trẻ này đang thực hiện. Điều đó chứng tỏ họ đến với dự án không vì lợi nhuận hay mục đích riêng mà vì yêu di sản văn hóa truyền thống. Họ không ngại bỏ tiền túi để góp kinh phí duy trì các hoạt động của mình.

Một buổi học hát chèo của nhóm Chèo 48h.

Tạo hiệu ứng toàn xã hội

Nhóm Đình làng Việt do họa sĩ Nguyễn Đức Bình sáng lập, được nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn và rất nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm hiểu về văn hóa truyền thống. 

Họa sĩ Bình được bạn bè yêu thích gọi là “Vị cứu tinh đến từ Facebook”. Họa sĩ Bình cho hay: “Ban đầu, tôi lập ra nhóm cũng chỉ mong những người yêu văn hóa Việt cổ xích lại gần nhau, cùng chia sẻ những ngôi đình đẹp, những di tích đang cần được “cứu”. 

Thế nhưng nó đã vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi, chỉ sau 4 năm thành lập, thành viên trên nhóm đã lên tới xấp xỉ 10.000 người. 

Cũng nhờ những thành viên trong nhóm “Đình làng Việt” mà chúng tôi đã biết được rất nhiều ngôi đình đẹp. Rồi cả những ngôi có kiến trúc độc đáo, có niên đại rất lâu nhưng lại đang trong tình trạng xuống cấp. 

Cứ mỗi lần như vậy chúng tôi lại tổ chức các buổi dã ngoại, đến chụp ảnh, nghiên cứu sau đó là kêu gọi những người có trách nhiệm vào cuộc. Có những lần, chứng kiến những ngôi đình xuống cấp chúng tôi đã bật khóc vì xót xa”. 

Năm nay, nhóm Đình làng Việt đang tất bật chuẩn bị chương trình Tết Việt 2018, sẽ được tổ chức ở Đình làng So (Quốc Oai, Hà Nội). Theo tiết lộ của họa sĩ Bình, đây sẽ là một không gian Tết truyền thống của người Việt được tái hiện với những lễ dựng cây nêu, gói bánh chưng, viết thư pháp… 

Những năm qua, nhóm tổ chức rất nhiều sự kiện và dự án như những chuyến đi điền dã tìm hiểu về các di tích văn hóa, phục dựng trang phục truyền thống áo dài nam. 

Còn nhóm Đại Việt Cổ Phong khiến rất nhiều người ngỡ ngàng khi những nhà nghiên cứu, họa sĩ như Trần Quang Đức, Nguyễn Mạnh Đức và các thành viên đã phục dựng được các hoa văn gần như đã biến mất, phục vụ và chia sẻ miễn phí, không giữ bản quyền. Ở đó, những hoa văn từ thời Lý, Trần… được vẽ lại theo công nghệ vector và được tải lên website để những người có nhu cầu có thể dùng. 

“Tôi thấy nhóm nào cũng có những nét riêng, có những đóng góp không hề nhỏ để bảo tồn những nét văn hóa Việt cổ. Tuy nhiên, tôi lại rất ấn tượng với nhóm S.river khi họ lại đang cho thử nghiệm những họa tiết của tranh Hàng Trống trên bao bì sản phẩm bánh, mứt kẹo. 

Những sản phẩm tưởng chừng như bình dị hàng ngày nhưng hầu như ai cũng có nhu cầu đến, đây là cách thực tế nhất, tiếp cận nhanh nhất với mọi người” – Bạn Lê Văn Bình bày tỏ quan điểm. 

Fan page của nhóm Đại Việt Cổ Phong có tới 26 nghìn thành viên.

Mới đây nhóm Chèo 48h – Tôi chèo về quê hương cũng rất tự hào “khoe”, đã tổ chức thành công khóa học với hai bộ môn chèo và chầu văn. Lớp này được những nghệ sĩ chèo hàng đầu như: NSƯT Thanh Ngoan, Tuấn Kha… tham gia giảng dạy. 

Đồng thời họ còn thực hiện hàng loạt những chương trình trải nghiệm sáng tạo như: Không gian nguồn cội, Young Culture day, Về nguồn, Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể, Gala tôi chèo về quê hương…

 Tuy vậy, phong trào dựng lại những nét văn hóa Việt cổ gặp không ít những ý kiến khác nhau của các chuyên gia. Ông Lê Liêm (Ban Bảo tồn di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) thốt lên: “Tốt, các bạn trẻ đã và đang làm sống lại những nét văn hóa Việt gần như bị lãng quên. Đôi khi tiếng nói của các bạn, hành động của các bạn mới có tác động trực tiếp đến đa số mọi người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. 

Các bạn là tương lai của đất nước, chính các bạn mới là những người phải có trách nhiệm gìn giữ những gì tốt đẹp nhất của cha ông. Khi thấy ngày càng nhiều các nhóm được sáng lập chúng tôi thực sự rất vui mừng”. 

Tuy nhiên, Nhà Sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng, đây là vấn đề khoa học, cần phải có một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu một cách có hệ thống. Chính vì thế ông mong muốn có các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm đi trước về chuyên môn đứng ra giúp đỡ các bạn trẻ. 

“Thực sự tôi đánh giá rất cao tinh thần cầu thị, yêu văn hóa của những bạn trẻ đã dành thời gian, tâm huyết để tiếp cận văn hóa truyền thống. Đây là hành động không chỉ đóng góp về chuyên môn, mà còn kích thích mọi người suy nghĩ và chia sẻ”- Nhà Sử học nhấn mạnh.

Phong Anh
.
.
.