Nói “Không” với chủ nghĩa bảo hộ

Thứ Sáu, 30/12/2016, 10:27
Trong tuyên bố chính thức của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới diễn ra tại Peru, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định “cam kết mở cửa các thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”.


Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng tuyên bố “chống lại những nhân vật theo chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại tự do, các nhân tố sẽ làm suy yếu thương mại và cản trở sự phục hồi cũng như phát triển của kinh tế thế giới”.

Chủ nghĩa bảo hộ là con đường dẫn đến cái nghèo

Sự đi lên của chủ nghĩa bảo hộ theo sau những tuyên bố của ông Donald Trump trong quá trình tranh cử tổng thống Mỹ như “xé bỏ” Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay rút Mỹ khỏi những hiệp định thương mại có liên quan đến nước Mỹ (ví như NAFTA) đã khiến dư luận thế giới quan ngại. Trước đó, sự kiện người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cho thấy chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng. 

Tổng thống Peru Pablo Kuczynski khẳng định: “Tại Mỹ và Anh, xu hướng bảo hộ đang chiếm ưu thế. Điều quan trọng là thương mại thế giới phải tăng trưởng trở lại và chủ nghĩa bảo hộ bị đánh bại”. 

Tương tự, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cảnh báo “chủ nghĩa bảo hộ là con đường dẫn đến cái nghèo”, điều thế giới từng chứng kiến trong những năm 1930 sau cuộc đại suy thoái, trong khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thúc giục tăng cường tự do thương mại. 

Thực tế đã chứng minh, việc các nước gia tăng áp dụng ngày một nhiều các biện pháp bảo hộ thương mại cho các doanh nghiệp nội địa đang gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế, khi kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống lần đầu tiên trong 6 năm trở lại đây, dưới mức 7.000 tỷ USD. Theo đó, kim ngạch thương mại toàn cầu trong quý I/2016 chỉ đạt 6.945 tỷ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê, các biện pháp bảo hộ thương mại tại các nước trong nhóm G20 đã tăng lên mức cao nhất trong vài năm qua. 

Bên cạnh đó, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng thương mại năm 2017 sẽ bị cắt giảm từ 1,8% - 3,1% (trước đó là 3,7%) và khả năng tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ thấp hơn so với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu (dự đoán khoảng 2,2%). 

Trước những lo ngại của các nền kinh tế APEC, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde trấn an rằng, thương mại là động cơ tăng trưởng chính nhưng phải toàn diện, mang lại lợi ích cho mọi người.

Đối với chính nước Mỹ, Viện Peterson về kinh tế quốc tế ước tính nhân sự ngành tư nhân tại Mỹ sẽ mất 4,8 triệu việc làm (hơn 4%) cho tới năm 2019 nếu ông Trump thực hiện những cam kết tranh cử của mình. Cùng với đó, nếu những cam kết trên được hiện thực hóa sẽ rất tốn kém và tác động tiêu cực tới các mối quan hệ ngoại giao của Mỹ. 

Nhận ra được điều này, trong nỗ lực trấn an lo ngại của các nền kinh tế APEC, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama khẳng định TPP sẽ không kết thúc và cho biết, lãnh đạo các nước châu Á – Thái Bình Dương đã nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực thông qua thỏa thuận thương mại này. 

Đồng quan điểm, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman, nhấn mạnh chính sách của Washington sẽ không thể thay đổi cực đoan khi chuyển từ chính quyền này sang chính quyền khác; đồng thời thúc giục các nước cho tỉ phú Trump thêm thời gian trong cương vị mới.

TPP sẽ chìm vào giấc ngủ sâu?

Trong suốt 18 tháng tranh cử, ông Trump luôn khẳng định sẽ rút Mỹ khỏi các hiệp định thương mai đang chờ phê duyệt như TPP, với lý do hiệp định này sẽ lấy đi nhiều việc làm của người dân Mỹ, và Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Thậm chí, Mỹ còn có thể rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bởi ông Trump từng gọi tổ chức này là “một thảm họa”, trong khi Hiệp định NAFTA là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất”. 

Từ lâu, vị tỉ phú này cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ là nạn nhân của một hệ thống thương mại gian lận. Và để tạo ra sự “công bằng”, Tổng thống Mỹ mới đắc cử cam kết sẽ áp mức thuế suất 45% cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bởi ông cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang thao túng tiền tệ để giành lợi thế. 

Ông Trump cũng tuyên bố áp đặt mức thuế 35% lên hàng hóa từ Mexico. Tuy nhiên, khi chính thức bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump cần cân nhắc những chính sách thương mại một cách nghiêm túc bởi đó không phải là chuyện đùa hay chiến lược thu hút phiếu bầu nữa. 

Tổng thống Obama cũng vẫn tin rằng, ông Trump sẽ nhìn thấy lợi ích của TPP một khi ông tiếp quản chiếc ghế Tổng thống và sẽ cân nhắc lại. Nhưng nhiều người không khỏi hoài nghi về “số phận” TPP, nhất là sau khi ông Trump trúng cử, một số quan chức cấp cao thuộc chính quyền Tổng thống Obama đã thừa nhận không còn cơ hội thông qua TPP nữa. Một số học giả dù rất lạc quan nhưng cũng phải “cay đắng” thừa nhận “TPP không chết, nhưng chắc chắn sẽ chìm vào giấc ngủ sâu”. 

Tại Hội nghị APEC 2016, thậm chí đã xuất hiện những kịch bản như: Tiếp tục TPP mà không cần Mỹ, ông Trump chấp nhận hiệp định này hoặc các quốc gia bắt đầu đàm phán lại từ đầu. Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để gạch tên TPP, cũng như không dễ duy trì TPP nếu không có Mỹ. Lý do là một số nước đã có sự nhượng bộ với Mỹ trong quá trình thương thảo TPP nên họ có thể không sẵn sàng ký nó nếu không có nền kinh tế lớn nhất thế giới tham gia.

Trước cảnh TPP bế tắc, Trung Quốc đang nổi lên như một ứng viên sáng giá thay thế Mỹ dẫn dắt thương mại tự do trong khu vực với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). “Nếu TPP thất bại thì không nghi ngờ gì nữa, đó là một chiến thắng lớn đối với Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế” - nhà kinh tế Brian Jackson của Công ty Tư vấn IHS Global Insight nhận định. 

Theo đánh giá, dù RCEP có những khác biệt nhất định với TPP, đặc biệt là về vấn đề thúc đẩy cải cách tại các nước thành viên, nhưng không vì thế mà sức hút của nó kém cạnh hơn so với TPP. Cách tiếp cận của RCEP theo hướng thúc đẩy gia tăng thương mại, chủ yếu tập trung vào việc giảm thuế quan, trong khi đó TPP tập trung giảm các hàng rào phi thuế quan, cải thiện tình trạng lao động và môi trường. 

Về lâu dài, các tiêu chuẩn cao của TPP sẽ thu được những kết quả tích cực về nhiều mặt không chỉ riêng kinh tế, trong khi đó các lợi ích ngắn hạn (chẳng hạn như thương mại) của RCEP lại rất rõ ràng. Tuy nhiên, ông Froman khuyến cáo RCEP sẽ không có những ðiều khoản bảo vệ ngýời lao ðộng và môi trýờng nhý TPP.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.