Nỗi buồn sách cũ

Thứ Ba, 09/07/2013, 15:23

Đã nhiều lần tôi đến số 5 Bát Đàn, dừng chân trước một cánh cửa sắt, có cái tên giản dị Hiệu sách cũ... Hiệu sách đóng cửa im lìm suốt cả tháng nay. Chủ nhân của hiệu sách này, ông Phan Trác Cảnh đang mệt, không muốn tiếp khách. Dường như, tôi cảm nhận thấy nỗi buồn của ông, nỗi buồn hiu hắt của một người cả đời mê sách, sống với sách, sở hữu kho tàng sách mà không biết sẽ trao lại "di sản" này cho ai.

Tình người bán sách cũ

Nhưng có lẽ, đó không còn là nỗi buồn của riêng ông Cảnh. Những hiệu sách cũ của Hà Nội, không còn nhiều. Ông Dư 180 Bà Triệu, ông Điền 352 Thụy Khuê và anh Giang 27D Ngô Thì Nhậm... Từ xưa cũng chỉ có chừng ấy. Giờ còn lại cũng chỉ chừng ấy. Lặng lẽ, an nhiên tồn tại giữa những con phố sầm uất, tấp nập bậc nhất Hà thành. Đó là những hiệu sách mà chủ nhân của nó là những "dị nhân", những người yêu sách, coi sách như cả cuộc đời mình.

Trong những ngày lang thang ở các hiệu sách cũ Hà Nội, tôi đã gặp được ông Điền, một "dị nhân ẩn dật", mê sách cũ, hơn 40 năm sống và trò chuyện cùng những trang sách. Góc quán bé tẹo, vẻn vẹn 3 chữ: Hiệu sách cũ. Thế mà, cũng ở đó, bao nhiêu gã chơi sách của Hà thành từng ghé qua, những Cường, Bách, những Phong, Tuấn Sài Gòn… để lựa lấy một cuốn sách quý, hay đơn giản chỉ trò chuyện và truyền dạy cho cái nghề chơi cũng lắm công phu này. Bao nhà văn, họa sĩ của Hà thành từng đặt chân trong góc quán bé nhỏ của ông Điền để mượn một cuốn sách, hay đơn giản chỉ để đàm đạo chuyện văn chương, thế sự. Xa xưa, có Hồ Dzếnh, Bùi Ngọc Tấn, rồi họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải...

Xưa, những năm 1976, hiệu sách cũ ông Điền nằm trên phố Hàng Bài. Rồi thời cuộc thay đổi, những hiệu sách mới mọc lên nhan nhản, ông Điền lui về ở ẩn trong góc quán nhỏ này. Nhưng nhất quyết không bỏ hiệu sách cũ. "Bán sách mới chỉ đơn thuần là kinh doanh. Còn sách cũ, là tình người, là tri âm… Tôi bán sách để tìm gặp tri âm". Ít tiền, không có nhà mặt phố, nên hiệu sách của ông Điền có số phận ba đào. Sau nhiều lần dịch chuyển, giờ đã yên phận ở 352 Thụy Khuê. Thoạt nhìn, không ai nghĩ, ông Điền đang sở hữu một kho tri thức vô hạn. Ông vốn là công nhân nhưng mê đọc sách từ nhỏ. Đến giờ kho sách của ông Điền đã lên tới hàng vạn cuốn. Sách chơi, ông giấu kỹ trong nhà, phải thân tình lắm mới được mục sở thị.

Ông Điền cũng đã ngoài 70. May mắn, các con ông Điền cùng mở cửa hàng bán sách. "Nhưng để hiểu về sách, có thể đọc vanh vách từng cuốn sách từ cổ chí kim, thì có lẽ không. Tôi may mắn, có các con kế nghiệp nghề bán sách, nhưng không kế nghiệp được tình yêu mà tôi đã dành cả cuộc đời mình". Ông Điền ngậm ngùi khi nghĩ về một ngày không xa…

Ngồi lọt thỏm trong không gian chất ngất sách cũ, ở con phố vip thuộc hàng bậc nhất Hà Nội, Lương Ngọc Dư đã dành cả cuộc đời mình cho sách. Hiểu chân tơ kẽ tóc hàng vạn cuốn sách mình sở hữu, Dư còn đọc vị luôn những kẻ đến mua sách. Ngửi mùi là biết ngay, kẻ cần đọc thực sự hay chỉ lấy sách làm sang cho mình. "Tôi nổi tiếng không phải vì tôi có nhiều tiền, mà vì tôi sở hữu nhiều bộ sách quý. Nhiều bạn dụ tôi ra mở cửa hàng, buôn bán, làm ăn lớn. Nhưng tôi không thích bằng sống hằng ngày với những cuốn sách cũ của mình".

Dư vốn là kỹ sư. Thời khốn khó, bỏ việc, ra ngoài. Đọc sách, chơi sách rồi mê sách. Dư mở cửa hàng từ những năm 1986. Sách cứ chồng lên sách trong cái mặt phố hái ra tiền của Dư. Thế mà Dư chẳng bận tâm, cứ an nhiên sống với sách, mặc thiên hạ chạy đuổi, buôn bán, làm giàu quá nhanh. Cả một núi sách cao chất ngất lên tận trần nhà, nhưng Dư đọc vanh vách tên từng cuốn, nhớ rõ vị trí của nó ở đâu khi sách cần tìm mua. Nơi đó, cũng nhiều người nổi tiếng từng ghé qua. "Sinh thời nhạc sĩ Phạm Duy, những lần ra Hà Nội, ông đều chống gậy ba toong đến 180 Bà Triệu. Ông ở khách sạn tận Hàng Dầu, lang thang đi tìm lại những tác phẩm xưa của mình. Có lần tìm được. Có lần không. Nhưng để lại trong ký ức tôi dấu ấn về một nhà văn hóa lớn".

"Nhưng ai sẽ là người kế tục Dư". Cái chất giọng luôn cao vút sẵn sàng "đuổi" khách của Dư bỗng trầm lại. "Rồi có lúc, ai mua trọn gói, tôi sẽ buộc phải bán đi thôi"…

Những cuốn sách, những đời người

Ông Phan Trác Cảnh từng nói, sách cũng có linh hồn. Và người ta tìm gì trong thế giới sách cũ đã nhuốm màu thời gian đó. Một kỷ niệm. Một nỗi buồn đã qua. Một dấu tích về người thân nay đã không còn... hay chỉ giản đơn là tìm về một không gian của hoài niệm… Ở đó, cũng có đủ mọi nỗi buồn vui của một kiếp người.

Ông Điền kể, có lần, một người bạn đến hiệu sách của ông, vô tình tìm được cuốn sách của nhà văn Kim Lân, Nên vợ nên chồng, xuất bản năm 1955. Người bạn vội vàng mang cuốn sách đến tặng nhà văn Kim Lân. Ông sung sướng kêu lên: "Hơn 50 năm nay, tôi mới được gặp lại đứa con của mình, vẫn còn nguyên vẹn".

Hiệu sách nhỏ bé của ông Điều.

Giới chơi sách ở Hà Nội vẫn kể cho nhau nghe một câu chuyện về một cuốn sách có số phận đặc biệt. Anh Giang, chủ hiệu sách ở 27D Ngô Thì Nhậm nhớ lại: "Đôi khi, cuốn sách cũng có những số phận đặc biệt như một cuộc đời. Tôi nhớ cách đây mấy năm, có câu chuyện về một cô gái ra nước ngoài làm ăn. Rồi bị tai nạn, mất trí nhớ. Cô chỉ còn biết mình là người Việt Nam. Một thời gian sau, cô gái tìm về nước, lang lang ở một hiệu sách cũ trên đường Láng. Vô tình, cô gái tìm được một cuốn sách, trong đó, còn tấm chứng minh nhân dân. Cô gái trong ảnh rất giống mình. Cô gái giật mình. Cô lần trở lại địa chỉ trong chứng minh nhân dân và đã tìm thấy gia đình mình, biết mình là ai".

Đôi khi, một cuốn sách cũ là vết dấu của kỷ niệm, của ký ức tuổi thơ. Ông Dư kể, có lần, có một người đàn ông đứng lặng rất lâu trước quầy sách của ông, tay cầm chặt 3 cuốn sách. Rưng rưng. "Trong ba cuốn này, có một cuốn, kể cả phải trả tiền tỷ tôi cũng mua, vì có tên tuổi và ảnh của gia đình tôi trong đó. Với tôi, nó là vô giá".

Nhiều gia đình, khi ông Dư đến thanh lý tủ sách gia đình, thì bố đang nằm trên giường. Nhiều người, bố là trí thức lớn ở Hà Nội, nhưng con cái chẳng ai đọc sách. Ông bố sợ, khi ông mất các con lại đưa cho đồng nát, nên vội vàng gọi Dư đến thanh lý, may ra những cuốn sách quý còn tìm được người cần nó.

Nhưng tôn trọng người bán sách và "muốn giữ kín các bí mật của họ", Dư tế nhị cắt phần đề tặng hoặc những ghi chú của người đọc ngay từ trang bìa. Nhiều người cầm cuốn sách của Dư, tiếc hùi hụi. Vì sách có chữ ký "tươi" của những người nổi tiếng, giá có thể "đội" lên gấp 10 lần. Dư cười, chả vì kinh doanh, Dư tôn trọng người quá cố. Đó là một bí mật của riêng họ, không phải chuyện để mang ra khoe với thiên hạ. "Nhiều tủ sách cũ tôi thanh lý, con cái họ giờ cũng nổi tiếng trong xã hội, họ lại muốn tìm những kỷ vật của bố, nằng nặc đến tôi, mua lại những cuốn sách mà ngày xưa bố từng bán. Có người tha thiết để lại số điện thoại nhờ tôi tìm cuốn sách của bà mẹ viết về nấu ăn trước năm 1945. Ngày đó, bà là một đầu bếp nổi tiếng ở Hà Nội, giờ phiêu bạt ra nước ngoài sinh sống. Các con trưởng thành, giàu có, mới thấy quý giá những giá trị tinh thần của mẹ…".

Sách cũ cũng là câu chuyện của nhân tình thế thái. Nỗi buồn. Niềm vui. Kỷ niệm. Đó là một thế giới riêng, chìm sâu trong đời sống tinh thần của người Hà Nội. Nhưng không biết, rồi mai đây, trong cuộc sống mưu sinh càng ngày càng vội vã, những hiệu sách cũ ấy có còn…

Số 5 Bát Đàn là một hiệu sách cũ nổi tiếng của ông Phan Trác Cảnh, một "đại gia" sách cũ. Trong gia tài sách của mình, ông có gần 300 cuốn về Hà Nội, cuốn xưa nhất là Hà Nội chỉ nam của tác giả Nguyễn Bá Chính, xuất bản năm 1923 và rất nhiều tạp chí đầu thế kỷ trước như Phong Hóa, Phụ nữ Tân văn, Gia Định báo, Gió mới, Văn mới, Nam Phong… Trong thư phòng của mình, ông đã đón nhiều học giả lớn như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Phan Ngọc, Vương Hồng Sển đến thăm và xúc động khi thấy tác phẩm của mình được trân trọng. Thế nhưng, không gian ấy, gia tài ấy của ông giờ không có người kế tục. Cậu con trai mê sách và được ông dày công truyền nghề đã qua đời. Tôi cứ bị ám ảnh mãi nỗi buồn của ông Phan Trác Cảnh… Giờ, nó đâu còn là nỗi buồn của riêng ông???

Khánh Linh
.
.
.