Nơi chỉ có tình người

Thứ Năm, 24/11/2016, 11:08
Ở đây, cuộc sống có thiếu thốn về vật chất, nhưng tình người luôn đong đầy. Dân số trên đảo chỉ có sinh sôi thêm chứ rất ít người bỏ xứ ra đi, hoặc nếu có trót bỏ đi thì cũng lại quay về "úp mặt" vào quê hương…


1.Chúng tôi xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh lúc 4h sáng, qua phà Bình Khánh sang đất Cần Giờ chạy thêm 60 cây số nữa để tới bến đò Cần Thạnh.

Chuyến đò sớm nhất chạy lúc 6h30’, dập dìu trên biển gần một tiếng đồng hồ mới tới đảo. Thạnh An một ngày dịu nắng, biển êm đềm và sóng dìu dặt đưa.

 "Mùi" cuộc sống thật hiền hòa, không bon chen cũng chẳng nhộn nhịp. Vừa bước xuống đò, mấy bác xe ôm chờ sẵn ở cầu cảng nở nụ cười rám nắng ngoắc tay lên xe. Chúng tôi đang lưỡng lự thăm dò giá cả "chặt chém" người lạ  ra sao, thì một bác xua tay: "Xe ôm ba ngàn, khỏi lo".

Sự dứt khoát và nét chân chất hiện rõ trên khuôn mặt mộc mạc của người xe ôm, vậy là chúng tôi lên xe, ngồi chưa ấm chỗ đã xong một vòng quanh đảo. Trả ba ngàn tiền xe ôm sao mà thấy thương đến tội, nhưng bác xe ôm nhe răng cười tỏ vẻ rất hồ hởi, thoải mái. Bác bảo, đi mỏi gối thì cứ đến cầu cảng tìm xe ôm, lúc nào cũng đáp ứng.

Người dân Thạnh An mưu sinh ngoài biển.

Trục đường chính duy nhất của xã đảo chỉ dài hơn một cây số, các ngóc ngách, hẻm hóc ngang dọc vào nhà dân cũng không ngoằn ngoèo, heo hút mà ngắn tủn, dễ dàng nhìn từ đầu đến cuối. Khách lạ dù có hóa trang, hòa trộn thế nào thì người dân vẫn biết, họ cười và nhìn bằng ánh mắt vô cùng thân thiện.

Nắng không gắt nhưng gió biển ào ạt tứ phía làm cho không khí ở Thạnh An nóng bức, oi ả. Tạt vào quán nước sâm của bà Mười uống xả phanh cũng chỉ hết sáu ngàn với hai ly cối nửa lít.

Bà Mười năm nay ngoài 80 tuổi, là người duy nhất ở  đảo có xuất xứ từ "đàng ngoài" vào. Hành trình từ vùng quê Việt Trì (Phú Thọ) dạt tận vào cù lao xa tít tắp chẳng mấy người biết tới của bà Mười kể ra cũng lắm nước mắt.

Duyên phận gắn với bà từ ngày phải lòng người cán bộ miền Nam tập kết. Năm 1979, bà theo chồng vào Nam tìm lại gia đình thất lạc trong cuộc chiến tranh. Tìm mãi cuối cùng gặp được người chị gái đang sống ở đảo, thế là ông quyết định ra đảo để chị em sống gần nhau, nhằm bù lấp khoảng thời gian dài xa cách.

Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, bà Mười đã khóc vì sự lụt lội hoang sơ, đói khổ không thể tưởng tượng được. Đường không có, phải đi trên những thân cây đước cong queo, lắc lư trơn trượt, dù có khéo đến mấy vẫn bị nước tràn vào chân, chỗ nào thụt sâu thì lên ngang quần. Toàn bộ nhà đều làm bằng lá, gác trên mặt nước.

Bà Mười khóc thảm thiết, nằng nặc đòi quay trở về, nhưng trên cù lao bập bềnh giông gió giữa biển bà chẳng biết về bằng con đường nào, trong khi đó, ông chồng đã âm thầm nhập khẩu vào xã đảo.

Chồng bà Mười sau đó được cử làm cán bộ xã đảo, còn bà chẳng biết làm nghề gì, vì dân đảo chỉ có nghề đánh cá. Vậy là bà chỉ ở nhà, lo cơm nước cho chồng con. Riết rồi quen, nỗi buồn cũng dần quên đi khi sự gắn kết cộng đồng dân cư trên đảo ngày càng sâu đậm.

Biết bà là gái Bắc, cư dân bản địa dành hết tình cảm cho bà. Năm người con đều trưởng thành, trong đó ba người vào thành phố làm việc, còn hai người ở lại xã đảo với cha mẹ.

Con đường duy nhất xẻ dọc xã đảo.

Sau khi chồng mất, các con muốn đón mẹ về thành phố sống. Bà Mười cũng đi, nhưng chỉ được vài tháng bà buồn không thể chịu nổi, vì ở thành phố người ta đóng cửa suốt ngày, chẳng ai chơi với ai.

Càng buồn, bà càng nhớ những gì thân quen nhất ở đảo. Nhớ ngôi nhà bé nhỏ có tấm cửa chẳng bao giờ đóng, nhớ những người hàng xóm mặt đen răng trắng hễ đi biển về lại mang sang cho bà con cá con tôm tươi ngon nhất. Bà nhớ lắm, nhớ phát ốm trong người. 

Vậy là bà nhất quyết đòi về để sống một mình, nhưng vui và hạnh phúc. Những ngày dài thênh thang ở đảo, bà Mười nấu nước sâm bán, nhưng chủ yếu để bà con đến uống rồi ngồi "tán chuyện" cho vui.

Bắt gặp chúng tôi, bà Mười xởi lởi kể chuyện, dường như bà rất "thèm người' nên những câu chuyện cứ nối tiếp nhau không dừng nghỉ. Vui đến mức bà chẳng lấy tiền nước sâm. Bà xua tay, giọng còn rặt Bắc: "Ối dào, tiền nong gì. Mấy khi đến đảo uống nước".

Nhịp sống bình yên của người dân.

2.Bạn tri kỷ của bà Mười là bà Ba Xê (71 tuổi). Bà Xê góa chồng gần 20 năm, sống một mình trong căn nhà rộng thênh thang.

Quê gốc của bà ở huyện Cần Giờ, lấy chồng ở đảo nên bà theo chồng luôn, thi thoảng mới trở vào đất liền thăm người thân. Năm ấy bà vừa tròn 20 tuổi và đảo thời ấy còn hoang hóa, lầy lội hơn thời của bà Mười đến.

Bấm đốt ngón tay, bà Ba Xê cho biết: "Hơn nửa thế kỷ rồi đó, tui cũng không ngờ mình sống ở cái cù lao này lâu đến vậy. Bây giờ yêu nơi này như máu thịt rồi, có chết cũng chết ở đây thôi".

Không con cái, hai vợ chồng cứ vậy mà sống. Nỗi buồn thoảng đến rồi cũng qua, nhưng bà không trách ông vì "tội" không có con, bà vui vẻ chấp nhận. Thủa trẻ trai, chồng bà làm nghề đánh cá, bà ở nhà bán buôn. Sau ông bị bệnh khớp nằm một chỗ chín năm trời mới mất.

Còn một mình, bà Ba Xê vạ vật sống, khi hàng xóm cho con cá, khi chính quyền cho cân gạo. Mấy tháng trước bà bị ngã nhào người xuống đường bê tông, chân trẹo hẳn sang một bên. Bà con trên đảo thấy vậy thay nhau đến chăm sóc bà.

Cẳng chân tuổi già tưởng sau cú ngã thì "xong" luôn, nhưng nhờ bài thuốc Nam của đứa cháu hàng xóm nên vẫn còn ngon lành. Đứa cháu ngày nào cũng đến xoa bóp, bó thuốc cho bà. Vài tháng sau, bà Ba đã vùng dậy đi lại thoăn thoắt.

Cái tình ở đảo là thế, càng già cả neo đơn thì càng được yêu thương. Cho nên bà Ba Xê chẳng bao giờ cảm thấy cô đơn, trống vắng.

Tình bạn giữa bà Ba Xê (phải) và bà Mươi gắn bó keo sơn mấy chục năm.

Bà sống đúng chất nam bộ, phóng khoáng và thảo mai. Gặp bà chống gậy ngoài đường, hỏi dăm ba câu mà bà đã mời vào nhà ăn cơm. Bà cười, bảo rằng: "Tui nghèo nhưng vẫn có đủ cơm gạo đãi mấy cô cậu một bữa".

Không thể từ chối tấm chân tình của bà, chúng tôi kéo đến đánh một trận no say. Trong nhà có thứ gì là mang ra hết, bà nói rất nghiêm túc, là đã ăn phải ăn nhiệt tình, ăn bằng hết mới được về. Trước khi ra về, bà lôi áo chúng tôi dặn với: "Lần sau ghé nhớ điện trước tui mua hào tươi nấu cháo, mua tôm càng nướng cho mà ăn".

Trẻ em trên đảo.

Truyền thống mến khách là "đặc sản" ở  hòn đảo nhỏ này. Bất cứ ai đặt chân lên đảo, đều được tiếp đón nồng hậu. Ngay cả trẻ nhỏ, chúng tự nhiên sà vào lòng cười đùa như đã thân quen từ rất lâu rồi. Các cô giáo cắm đảo cho biết, nhiều em cha mẹ đi biển cả tháng trời, nên chúng rất thiếu thốn tình cảm, hễ thấy người hỏi thăm là vui sướng.

Chúng ở đảo với những người hàng xóm, tất cả đều trở thành người thân. Chúng không bị bỏ đói một bữa nào.

Nghề đi biển, lắm bất trắc và nhiều hiểm nguy, nhưng bà con ngàn đời vẫn bám biển, vì đây là nghề cha truyền con nối ở đảo. Vì thế, dân trên đảo có một màu da hung hung giống nhau và có một giọng cười "giòn tan" như tiếng sóng vỗ ghè đá. 

Cá tôm là nguồn sống duy nhất của họ, còn lại tất cả phải nhập từ đất liền vào. Ở đây, cuộc sống có thiếu thốn về vật chất nhưng tình người luôn đong đầy. Cho nên, dân số trên đảo mỗi ngày chỉ có sinh sôi thêm chứ rất ít người bỏ xứ ra đi, hoặc nếu có trót bỏ đi thì cũng lại quay về "úp mặt" vào quê hương. 

Ánh chiều chạng vạng phía chân biển, những con đò thong thả neo bờ đón khách, người lặng lẽ về đảo cho kịp bữa cơm chiều, kẻ hối hả lên đò trở vào đất liền. Chút không khí sôi động duy nhất cũng chỉ diễn ra một thoáng, rồi lại trở về với những yên bình tựa như thinh không.

Ngọc Thiện
.
.
.