Nỗi đau ám ảnh một miền quê

Thứ Năm, 27/11/2014, 09:00

Từ thành phố Vinh, vượt gần 300km đường rừng, chúng tôi về miền Tây đất Nghệ, nơi có những bản làng heo hút, những ánh mắt bơ phờ của đàn ông, cái nhìn len lét hoang mang của đám trẻ bởi lo sợ bị đem bán sang xứ người. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi cha bỗng nhiên mất con, chồng bỗng nhiên mất vợ bởi hằng ngày các "phù thủy buôn người" vẫn âm thầm len lỏi vào các bản, làng để tìm nguồn "hàng". Những mánh khóe táng tận lương tâm của các đối tượng buôn người đang thực sự "thách thức" chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sở tại.

Về nơi những "bóng ma" ẩn hiện trong bản

Len lỏi qua những sườn núi, chúng tôi tìm đến nhà ông Cụt Thanh Sơn-Trưởng bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An khi trời đã đứng bóng. Trưởng bản đón chúng tôi với khuôn mặt buồn rười rượi khi nói đến nạn buôn bán người nơi đây. Ông Cụt Thanh Sơn ngồi nhìn xa xăm nhẩm tính những người trong bản bỗng nhiên mất tích. Bàn tay ông run run rồi nấc một tiếng khô khốc: "Hơn 50 người, nhiều nhất có năm lên đến hơn 30 người". Nhấp vội chén nước, Trưởng bản Cụt Thanh Sơn dẫn chúng tôi vượt qua một con suối, rồi tiếp một triền đồi để đến nhà ông Cụt Phò Sang trú cùng bản Lưu Thắng. Ông Cụt Phò Sang cùng con trai Cụt Văn Sáng và đứa cháu nội 6 tuổi ngồi trước hiên nhà nhìn đăm đăm vào khoảng không vô định ở phía Bắc.  Năm 2007, Cụt Phò Sáng kết duyên với cô gái xã bên Moong Thị Mây. Đám cưới của Sáng vui như tết. Một năm sau vợ chồng Sáng sinh được con trai đầu lòng đặt tên là Cụt Văn Đức. Khi cháu Đức còn khát sữa mẹ thì Mây bị lừa bán qua Trung Quốc làm vợ xứ người. Hằng ngày, Sáng phải bồng con đi xin bú sữa khắp bản. Nỗi đau mất con dâu, mất vợ của cha con ông Cụt Phò Sang chưa nguôi thì đến tháng 4/2013, con gái út của ông Sang là Cụt Thị My (19 tuổi) lại bị bọn buôn người lừa bán sang Trung Quốc.

Các đối tượng buôn bán người bị lực lượng Công an và Biên phòng ở Nghệ An bắt giữ.

Rời bản Lưu Thắng mang theo nỗi buồn của nhiều bà con dân bản, chúng tôi qua bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Nói đến cảnh bi thương vì có nhiều người thân bị lừa bán qua biên giới, cả bản Đỉnh Sơn 2 đều nói đến gia đình anh Lương Văn Phương. Nhà có 4 chị em thì chỉ còn Phương là không bị bán. 3 năm về trước, cha của Phương gặp bạo bệnh nằm một chỗ nên mẹ Phương là bà Lương Thị Mai rời bản tìm việc làm và bị đám  buôn người lừa bán qua Trung Quốc. Mẹ bị bán, cha nằm một chỗ nhưng chị em Phương rất thương yêu, đùm bọc nhau rau cháo qua ngày. Mới 21 tuổi Phương đã trở thành trụ cột cho cả gia đình. Một buổi chiều lên nương về muộn Phương nghe hung tin: em gái Phương là Lương Thị Lá mới 12 tuổi và chị gái đầu Lương Thị Yến đã bị bọn buôn người lừa bán. Cha Phương đau buồn mà qua đời. Hằng ngày Phương chăm chút cho em gái Lương Thị Giang. Nhưng do cuộc sống khốn khó, anh buộc phải rời bản vào miền Nam làm công nhân để hằng tháng gửi tiền về cho em. Đêm 15/4/2014, sau ca trực đêm, nhận được điện thoại từ bà con, anh rụng rời chân tay khi đứa em gái Lương Thị Giang cũng bị bọn buôn người lừa đem bán nốt qua Trung Quốc.

Không chỉ lừa bán những thiếu nữ mới lớn, các đối tượng buôn người còn nhắm đến những trẻ em gái khi còn rất nhỏ tuổi. Tiếp chúng tôi bên trong càn nhà sàn trống huơ, trống hoác, anh Moong Văn Tiến, bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An nước mắt chảy dài gò má. Con gái anh Tiến, cháu Moong Thị Na mới học lớp 5 Trường Tiểu học Chiêu Lưu 1 bị bọn người lừa bán đi đâu đến nay vợ chồng anh vẫn đau thắt ruột ngóng trông. Anh Moong Văn Quế, Công an viên xã Chiêu Lưu trầm tư cho biết, dù cố gắng hết sức mình, nhưng các anh không thể "quét sạch" các đối tượng buôn người vì địa hình đồi núi, dân cư ở xa nhau, dân trí còn thấp và bọn buôn người lại nhiều thủ đoạn. Nhiều gia đình ở bản Lưu Tiến luôn sống trong tâm trạng lo lắng vì sợ con mình không biết bị các phù thủy buôn người bắt cóc, hoặc lừa gạt đem đi bán lúc nào.

"Hoa rừng" gặp "phù thủy"

Điều đáng nói, một số người sau khi bị bán một vài năm đã tìm cách trốn về quê đoàn tụ với gia đình. Song cũng có những người từng là nạn nhân của bọn buôn người lại trở thành "phù thủy" về lại quê tìm người đem đi bán. Chẳng hạn như trường hợp Cụt Thị My, con ông Cụt Phò Sang chúng tôi đề cập ở đầu phóng sự này, cháu My đã bị chính một phụ nữ cùng bản lừa bán qua Trung Quốc làm vợ. Cách nhà Cụt Thị My một con suối là nhà ông Cụt Khăm My có con gái là Cụt Thị Bông cũng bị một phụ nữ tên Duyên trú bản bên lừa bán qua Trung Quốc. Khi trốn được trở về, Bông đã nói với cha mình làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Hoặc như trường hợp Moong Thị Hoan, từng là nạn nhân bị bọn buôn người bán qua Trung Quốc, sau đó Hoan trốn được về bản và lại tìm cách để bán những người khác.

Cha con, ông cháu ông Cụt Phò Sang hằng ngày ngóng trông chị Moong Thị Mây và Cụt Thị My bị lừa bán qua Trung Quốc.

Để lừa các thiếu nữ bán qua biên giới, các đối tượng buôn người thường dùng thủ đoạn như: Lừa phỉnh đưa về thành phố tìm việc làm, được trả lương cao. Nhiều lúc bọn buôn người còn dùng các đối tượng là nam giới ăn mặc sành điệu, tỏ ra giàu có để lừa phỉnh các cô gái mới lớn… rồi đem đi bán. Chẳng hạn như 2 đối tượng Lô Thị Hợi (19 tuổi), trú tại bản Canh Khịt, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương và Vi Thị Pồn (24 tuổi), trú bản Đình Tài, xã Xiềng My, huyện Tương Dương, Nghệ An. Pồn và Hợi từng là nạn nhân của bọn buôn người, sau khi bị bán qua Trung Quốc làm vợ xứ người, Pồn và Hợi quay về miền Tây Nghệ An và trở thành những đối tượng buôn người chuyên nghiệp. Hàng ngày Pồn và Hợi ăn mặc sang trọng, tiêu tiền thoải mái làm cho nhiều phụ nữ dân bản tỏ ý thèm thuồng. Khi xác định "cá đã cắn câu", Hợi và Pồn mới buông lời "có muốn có tiền không, về thành phố, Pồn, Hợi sẽ giúp xin việc cho làm". Bằng thủ đoạn trên, mới đây Pồn và Hợi đã lừa bán 4 phụ nữ đều trú ở huyện Tương Dương, Nghệ An gồm: Bùi Thị T (37 tuổi), Lang Thị H (24 tuổi), Hà Thị Y (20 tuổi) và Lô Thị N (28 tuổi). Trong đó 3 nạn nhân là H, N và Y đang mang thai nhưng các đối tượng vẫn quyết tâm dùng thủ đoạn để lừa bán qua biên giới. Các nạn nhân may mắn được lực lượng Công an Nghệ An phát hiện và giải cứu kịp thời…

Những con số đáng báo động

Cầm trên tay số liệu của cán bộ xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi giật mình khi thấy chỉ tính riêng bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu có có 148 hộ với 638 nhân khẩu, nhưng đến thời điểm này đã có 38 phụ nữ mất tích khỏi bản, trong đó có 16 cháu từ 9 đến 12 tuổi cũng bị bắt cóc đem đi đâu không rõ. Nạn buôn bán người đã trở thành nỗi ám ảnh với bà con dân bản. Nhiều gia đình có con gái mới lớn không dám cho lên đồi làm rẫy, đêm ngủ không dám để con gái ngủ một mình, hoặc ngủ phía bên ngoài vì sợ các "phù thủy" buôn người dụ dỗ, hoặc bắt cóc đem bán. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội-Công an tỉnh Nghệ An, trong vòng một năm qua, phòng đã khởi tố 15 vụ buôn bán người, 29 bị can, giải cứu 28 nạn nhân trở về nhà. Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã phá được 7 vụ buôn bán người, bắt 6 đối tượng, giải cứu được 9 phụ nữ. Trao đổi với phóng viên, Đại tá Nguyễn Văn Đề-Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho rằng: Các đối tượng buôn bán người tìm hiểu, rồi chúng lợi dụng việc trình độ dân trí ở các bản còn thấp để dụ dỗ chị em đem bán. Thủ đoạn của chúng rất biến hóa, hết sức tinh vi, trao đổi qua nhiều trung gian khác nhau để qua mắt cơ quan chức năng. Khó khăn nhất trong vấn đề xử lý bọn tội phạm buôn người là những nạn nhân sau khi trốn được về nhà, Công an đến lấy lời khai để có căn cứ xử lý, nhưng họ bất hợp tác vì muốn che đậy quá khứ.

Đối tượng buôn người thường dùng nhiều thủ đoạn để đến các bản làng dụ dỗ người dân.

Thượng tá Châu Văn Thao - Phó trưởng Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: Bọn tội phạm buôn bán người hoạt động rất tinh vi. Chúng không ở trong một địa bàn và không đăng ký tạm trú một nơi cố định. Trong lúc đó, chúng còn được các đối tượng buôn bán người chuyên nghiệp hậu thuẫn nên quá trình điều tra truy bắt chúng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, chưa có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ cho việc đấu tranh chống tội phạm buôn người. Trong lúc đó, để theo đuổi một vụ án buôn người, các trinh sát phải đeo bám theo đối tượng để xác minh, thu thập chứng cứ nên kinh phí rất tốn kém.

Khép lại phóng sự này, chúng tôi hy vọng: góp thêm một tiếng nói đến với bà con ở những bản làng hãy luôn cảnh giác với những thủ đoạn của tội phạm buôn bán người, đồng thời đề nghị các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các đoàn thể  cơ sở ở Nghệ An có giải pháp hữu hiệu trước vấn nạn buôn bán người

Dương Sông Lam
.
.
.