Vụ 3 anh em tử vong do ngạt khí biogas ở Hải Dương:

Nỗi đau khôn cùng

Thứ Tư, 17/05/2017, 21:45
Bị mất cùng lúc 3 người con trai khiến bà Tăng Thị Mơ, (57 tuổi, trú tại thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương) như phát điên.


Mọi thứ xảy đến như một cơn ác mộng kinh hoàng. Giờ đây, bà Mơ chỉ còn lại một mình cùng ba đứa cháu nội mồ côi. Bà không biết những ngày tháng tới mình sẽ phải sống thế nào. Thân già đã vậy, còn những đứa trẻ vô tội, tương lai của chúng sẽ ra sao?

Trong ngôi nhà xập xệ, rách nát bà Mơ vẫn nằm yên vị trên chiếc giường cũ, lúc tỉnh lúc mơ. Bên cạnh, người thân và hàng xóm láng giềng luôn túc trực để động viên, an ủi và quan trọng là canh không cho bà được “làm liều”.

Tối 10-5, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, 3 người con trai của bà là: Tăng Văn Đượm (34 tuổi), Tăng Văn Đươm (32 tuổi) và Tăng Văn Đới (28 tuổi) lần lượt tử vong vì nhiễm độc khí biogas.

Theo tìm hiểu, gia đình bà Mơ nuôi lợn nên muốn tận dụng lượng phế thải của gia súc làm khí đốt, đồng thời cũng tránh gây ô nhiễm môi trường. Khoảng cuối năm 2016, gia đình bà Mơ đã xây hố biogas.

Cách đây ít ngày, hố ga bị tắc cần sửa chữa nhưng ban ngày ai cũng có việc phải làm nên các con của bà chỉ có thể tranh thủ hút nước cho cạn rồi đợi thời gian rảnh sẽ xuống sửa.

Bà Mơ như người vô hồn sau sự ra đi đau đớn của 3 người con trai.

Khoảng 20h ngày 10-5, sau khi đi làm phu hồ về, trong lúc đợi vợ đi bán hàng chưa về, anh Đươm (con thứ 2 của bà Mơ) đã tranh thủ xuống hố biogas để sửa. Tuy nhiên, khi vừa tụt xuống hố thì khí độc bốc lên khiến anh Đươm bị ngạt và tử vong.

Thấy con xuống được một lúc mà không có động tĩnh gì, bà Mơ chạy ra gọi. Không thấy anh Đươm trả lời, nghĩ là có chuyện chẳng lành, bà hốt hoảng gọi anh Đới (con trai út) về xem anh thế nào.

Do không có kinh nghiệm cũng như hiểu biết về khí biogas nên anh Đới vội vàng tụt xuống hố. Cũng giống như anh trai mình, anh Đới tiếp tục bị ngạt khí và tử vong tại chỗ.

Lại một lần nữa, bà Mơ gọi mà không nghe thấy tiếng con nào trả lời, bà xiêu vẹo chạy sang nhà hàng xóm gọi nốt người con cả là anh Đượm về xem 2 em có chuyện gì. Bà đâu biết, người con cả ấy sau khi tụt xuống hố cũng có kết cục thê thảm như 2 người em.

Khi cả 3 người con bà xuống đó và rồi đều im lặng, bà mới tri hô hàng xóm láng giềng. Nhưng khi những người thân và hàng xóm đến, kéo được 3 người con trai của bà lên mặt đất thì họ đều đã tử vong từ trước đó.

Sự việc diễn ra quá nhanh khiến không chỉ những người thân đau xót mà bà con trong thôn ngoài xã ai nấy đều bàng hoàng.

Bà Nguyễn Thị Hằng – một người hàng xóm cho biết: “Tôi năm nay cũng đã ngoài tám chục tuổi rồi nhưng trần đời chưa từng chứng kiến một trường hợp nào lại thương tâm đến thế. Bà Mơ sinh được tất cả 3 người con trai thì nay cả 3 đứa cùng dắt díu nhau sang thế giới bên kia. Nhà chúng nó nghèo xác nghèo xơ, giờ chỉ còn bà ấy với 3 đứa cháu nội thì biết sống thế nào. Ông trời sao mà nhẫn tâm quá!”.

Hàng trăm người dân nghẹn ngào tiễn đưa 3 anh em ruột xấu số.

Đã có rất nhiều người tới tiễn đưa ba người con trai xấu số của bà Mơ về nơi an nghỉ cuối cùng. Những người dự tang lễ ấy không chỉ là người thân, hàng xóm láng giềng mà còn có cả những người chưa từng quen biết. Một trong số ấy là bà Lê Thị Hoa.

Bà Hoa chia sẻ: “Tôi ở cách đây mấy chục cây số nhưng khi biết tin về vụ việc đau lòng này tôi cũng muốn đến đây đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng, đồng thời cũng kêu gọi bà con hàng xóm xung quanh nhà mình mỗi người một ít để giúp đỡ bà Mơ. Người mất thì đã mất rồi nhưng còn người ở lại. Chả biết bà ấy có thể vượt qua nỗi đau này mà nuôi các cháu nên người được không”?.

Có lẽ, hiếm thấy người phụ nữ nào lại bất hạnh như bà Mơ. Khi còn trẻ thì bà lập gia đình với một người đàn ông nghèo nhất nhì trong làng. Lúc các con đến tuổi trưởng thành thì chồng bà mất vì căn bệnh ung thư. Một mình bà phải lo dựng vợ cho các con.

Ngồi cạnh chị gái, ông Tăng Văn Dung nghẹn ngào chia sẻ: “Nhà các cháu tôi nghèo lắm, cũng vì nghèo mà vợ của đứa đầu và đứa út lần lượt bỏ đi hết. Chúng nó phải chịu cảnh gà trống nuôi con, kiếm ăn từng bữa. Thậm chí, đến khi khâm liệm, cả 3 đứa đều không có lấy một bộ quần áo tử tế để mặc mà sang thế giới bên kia”.

Trong ba anh em thì anh Đới đã có 2 cô con gái (cháu lớn 5 tuổi, cháu bé 3 tuổi), anh Đượm cũng có một cô con gái vừa tròn 3 tuổi. Riêng anh Đươm mới chỉ lấy vợ được cách đây khoảng 2 tháng nên vợ chồng anh chưa có con. Trong đám tang của chồng và anh, em chồng, chị Ngân (vợ anh Đươm) lúc tỉnh lúc ngất.

Hễ cứ tỉnh là chị Ngân lại gào khóc thảm thiết rằng: “Lúc tối anh còn gọi điện mấy lần cho em giục em về ăn cơm cùng. Em bảo với anh là em còn đang dở khách, chờ em thêm lúc nữa. Vậy mà sao anh không chờ em lại nhẫn tâm bỏ em mà đi thế. Vợ chồng mình còn chưa kịp ăn cùng nhau bữa cơm cuối cùng cơ mà. Sao số anh khổ thế, chết rồi mà vẫn phải làm con ma đói hả anh”. Nghe chị Ngân hờ chồng, những người có mặt trong tang lễ không ai cầm được nước mắt.

Ba đứa con thơ dại của các nạn nhân không biết sẽ ra sao khi không còn chỗ dựa.

Cũng chỉ vì nghèo mà hai người vợ của anh Đượm và anh Đới đã dứt áo bỏ chồng và con để ra đi. Khi chuyện đau lòng xảy ra, gia đình cũng đã thông báo tới 2 người vợ của anh Đượm và anh Đới, nhưng cũng chỉ có một người về chịu tang một chốc rồi đi ngay. Người phụ nữ còn lại cũng chỉ ậm ừ cho qua.

Khi các con còn sống, bà Mơ ở cùng người con trai thứ 2 là anh Đươm. Bình thường bà chỉ ở nhà trông 3 cháu nội chứ không đi làm gì. Thấy hai người con trai cả và út đều bị vợ phụ tình vì nghèo quá nên khi người con trai thứ 2 lấy vợ, bà Mơ đã động viên anh Đươm nhất định phải xây được gian nhà để “niu”' vợ. Nghe mẹ, anh Đươm tích cóp, dành dụm và vay tiền ngân hàng để dựng gian nhà mái bằng.

Nhà xây xong cũng đã hơn một tháng nhưng cũng không có tiền mua cửa, quét sơn nên nó vẫn trống hoác. Cố gắng cất gian nhà nhưng đến chiếc giường cưới tử tế vợ chồng anh cũng không có để nằm mà phải trải chiếu nằm dưới đất.

Về phần anh Đới, 3 bố con còn phải sống cuộc sống bi đát hơn. Trong căn nhà ước chừng 20 mét vuông cũng không có lấy một chiếc giường. Vật dụng trong nhà không có gì đáng giá. Hoàn cảnh bố con anh Đượm cũng chả hơn gì, thậm chí gian nhà đang ở còn dột nát, mùa mưa đến nằm trong nhà mà như ở ngoài trời.

Không còn chỗ dựa, bà Mơ không biết những ngày tháng tới mình sẽ sống thế nào? Phải làm gì để có tiền nuôi 3 đứa cháu nội đủ ăn ngày 3 bữa?

Chị Ngân lặng người bên di ảnh của chồng cùng anh và em chồng.

Từ hôm xảy ra sự việc đau lòng, bà Mơ luôn miệng gào thét trách mình ngu dốt khiến các con gặp nạn: “Giá mà tôi đủ tỉnh táo, tri hô mọi người đến cứu thì các con tôi đã không phải chết tức tưởi như thế này. Các con ơi, sao lại đi hết cả thế? Sao đi mà không đưa mẹ đi cùng”`.

Trong tang lễ của các nạn nhân xấu số, hình ảnh 3 đứa trẻ đầu quấn khăn tang vẫn ríu rít nói cười khiến ai chứng kiến cũng thấy xót xa. Chúng còn quá bé để hiểu giông tố đang ập xuống đầu mình.

Bố mất, mẹ bỏ đi, bà nội sẽ ngày một già yếu. Xót xa trước hoàn cảnh đáng thương của bà Mơ nên những người trong thôn đã lập một hòm từ thiện để kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện, xã cũng đã quyên góp ủng hộ cho gia đình bà Mơ. Nhưng đó chỉ là những trợ giúp trước mắt, còn tương lai của 4 bà cháu không hiểu rồi sẽ đi về đâu?

Mọi sự hỗ trợ cho gia đình bà Tăng Thị Mơ xin vui lòng gửi về:

1. Bà Tăng Thị Mơ, thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

2. Toà soạn Báo Công an nhân dân, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, HN.

ĐT: 04. 38222157 - FAX 04. 38224756.

Số tài khoản ngân hàng: 0021 0000 19774

Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

* Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết: “Trong các môi trường như dưới giếng hay hầm mỏ, nơi có nhiều chất hữu cơ bị phân hủy và sinh ra khí Metan. Nếu ở lò có nhiều khí Metan thì có nguy cơ cháy nổ gây nguy hiểm. Khí biogas ra chính là khí Metan có tác dụng làm chất đốt, người bình thường khi bất ngờ bị sộc khí này vào mũi có thể bị ngạt và dẫn tới tử vong. Vì thế, người dân phải tuyệt đối cẩn thận và phải xả hết khí biogas ra ngoài trước khi xuống hầm biogas để sửa. Để xác định trong hầm biogas đã xả hết được khí Metan ra hay chưa thì có một cách thử khá đơn giản: Hãy đốt một que củi hoặc ngọn nến, sau đó từ từ đưa nó xuống dưới hầm biogas. Nếu ngọn lửa tắt, tức là trong hầm vẫn còn khí Metan và tuyệt đối không được chui xuống đó. Còn nếu đưa xuống đó lửa vẫn cháy tức là khí Metan đã đi hết, lúc này có thể vào sửa chữa”.
Phong Anh
.
.
.