Nỗi đau "liệt sĩ" trở về

Thứ Tư, 12/04/2017, 22:13
13 năm trước, gia đình nhận được giấy báo tử của ông Nguyễn Đình Dầu (trú tại thôn Phương Thông, xã Phương Chiểu, TP Hưng Yên). Vậy mà bỗng nhiên vào một ngày năm 2014, gia đình ông lại nhận được một bức thư từ phương xa, người ký tên trong thư lại chính là "liệt sĩ" Dầu. Việc "liệt sĩ trở về" như một giấc mơ đối với gia đình ông. Nhưng cũng chính từ đây, bi kịch tranh giành đất cát đã xảy ra khi người sống không muốn chia phần cho người tưởng đã… hy sinh.

Lá thư phương xa, ngỡ gửi nhầm người

Khoảng tháng 4-2014, gia đình bà Nguyễn Thị Nụ - mẹ của liệt sỹ Nguyễn Đình Dầu nhận được một bức thư mà người gửi ở mãi tận An Giang. Thấy phần người nhận bị ghi sai họ, bà Nụ đã bảo các con chắc ai đó gửi nhầm nên nhờ người chuyển trả bưu điện. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, bức thư đó lại được gửi trở lại với lời khẳng định ở địa phương không ai có tên họ như thế.

Giở thư ra đọc, những người trong gia đình bà Nụ bàng hoàng khi thấy người viết thư ký ở dưới là Nguyễn Văn Đương. Đó là tên thường gọi lúc ở nhà của liệt sĩ Nguyễn Đình Dầu. Trong thư có ghi số điện thoại để liên lạc.

Ngay lập tức người chị cả của ông Dầu là bà Nguyễn Thị Nên nhấc máy gọi tới số điện thoại đã viết trong thư. Đầu dây bên kia là bà Nguyệt - người đã giúp ông Dầu biên và gửi lá thư đó nhấc máy.

Niềm vui ngày trở về chưa được bao lâu, ông Dầu đã dính phải bi kịch do em trai mình gây ra.

Không lâu sau, cuộc điện thoại giữa ông Dầu và bà Nên được kết nối. Dù ông Dầu không nhớ được nhiều nhưng bằng linh cảm, bà Nên tin chắc đó là em trai của mình. Bà Nên khi ấy đã bật khóc, bảo: "Cậu về với gia đình mình đi!".Để ông Dầu được trở về đoàn tụ với gia đình, bà Nguyệt đã mua vé ôtô và dặn lái xe khi nào về đến bến xe Thái Bình thì cho ông Dầu xuống, khi ấy sẽ có người nhà chờ đón.

Nói đến bà Nguyệt, bà Nguyễn Thị Hoàn, chị ông Dầu không giấu được xúc động: "Bà ấy chỉ là người dưng thôi vậy mà tốt quá, giúp đỡ em tôi hết lòng. Vô tình có một lần em trai tôi ốm, mẹ vợ cậu ấy ra hiệu thuốc mua thuốc. Thấy bà chủ cửa hàng thuốc nói giọng Bắc nên bà ấy chia sẻ: "Con rể tôi cũng là người Bắc nhưng tội lắm, đi bộ đội chiến đấu giờ không nhớ quê mình nữa".

Sau lần nghe thông tin đó, bà Nguyệt đã vào tận nhà em trai tôi hỏi dò về quê quán. Cậu ấy chẳng nhớ được nhiều, chỉ bảo quê ở Hưng Yên, gần đó có cây đa to, gần cây đa to có cầu Triều Dương. Trong một lần về quê Thái Bình, bà Nguyệt đã qua những địa điểm mà cậu Dầu chỉ, sau đó hỏi cụ thể địa danh vùng đó. Khi quay trở lại An Giang, bà Nguyệt đã giúp cậu Dầu biên thư về và gia đình tôi mới có cơ hội đoàn tụ".

Ngày biết tin ông Dầu trở về, gia đình ông đã ra bến xe Thái Bình chờ từ 7 giờ sáng cho dù biết chuyến xe đó phải 12 giờ mới tới bến. Giây phút trùng phùng, các thành viên trong gia đình chỉ biết ôm nhau khóc. Niềm hạnh phúc ngỡ như trong mơ. Nhớ lại những tháng ngày nghĩ em mình đã hy sinh, bà Hoàn chia sẻ:

"Năm 1978 thì cậu ấy nhập ngũ. Thời gian đầu đơn vị cậu ấy đóng quân ở Khoái Châu, Hưng Yên. Nhưng sau đó thì đơn vị nằm trong đội quân tình nguyện sang Campuchia. Kể từ năm 1979, gia đình không nhận được tin gì về cậu ấy nữa, năm 1993 thì gia đình tôi nhận được giấy báo tử".

Vợ chồng ông Dầu bên mẹ khi cụ Nụ còn sống.

Vui ít, buồn nhiều

Câu chuyện "liệt sĩ" Dầu trở về như một câu chuyện cổ tích, thế nhưng những chuyện buồn sau đó khiến không ít người thương cảm, xót xa. Chúng tôi ngỏ ý muốn được qua thăm nhà ông Dầu thì một vị cán bộ xã Phương Chiểu, phụ trách công tác Thương binh và Xã hội tỏ ra e ngại. Bởi tất cả lối ra và vào ngôi nhà ấy đều đã bị ông Nguyễn Ngọc Anh (em trai ông Dầu) phong tỏa.

 "Muốn vào được đó thì phải trèo tường thôi, còn muốn chụp ảnh ngôi nhà thì phải lên tầng hai nhà hàng xóm mới chụp được. Không những vậy, nếu đến chụp ảnh, tìm hiểu chưa biết chừng sẽ bị ông Ngọc Anh đuổi đi" - vị cán bộ cho hay.

Những ngày đầu khi ông Dầu trở về, ông Ngọc Anh nhượng lại ngôi nhà cũ của bố mẹ ở góc vườn, nơi ông để nuôi gà cho anh. Tuy nhiên, sau một thời gian rất ngắn, ông này đã quay ngoắt thái độ nên cho bịt hết lối đi khiến vợ chồng ông Dầu và các con phải đục tường làm đường ra. Thậm chí gần đây, ông Ngọc Anh còn có ý định không nhượng lại đất, đuổi gia đình ông Dầu trở lại An Giang.

Bà Nguyễn Thị Hoàn, chị gái ông Dầu chia sẻ: "Cậu Dầu về nhà một thời gian, vợ và hai con trai từ xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn, An Giang) cũng chuyển ra để sinh sống. Gia đình cậu ấy ở tại gian nhà cũ của bố mẹ tôi phía bên trong. Toàn bộ đất, ngôi nhà này đều được cấp sổ đỏ mang tên Nguyễn Ngọc Anh từ năm 1996, sau khi cậu Dầu được công nhận liệt sĩ vào năm 1994".

Một điều nghịch lý là khi ông Ngọc Anh chấp thuận để ngôi nhà cũ cho gia đình ông Dầu ở nhưng không đồng ý cho đi thẳng ra đường chính. Người em này đã làm hẳn một rào chắn rất kiên cố để bịt lối đi lại. Không còn cách nào khác, ông Dầu đành phải đục tường để đi ra ngoài.

"Anh em ruột với nhau mà cậu ấy lại đối xử như thế. Toàn bộ diện tích mặt đường nhà cậu Ngọc Anh đang ở trước đây là sở hữu của tôi, do tôi mua lại của người ta. Tháng 12/2013, tôi làm thủ tục tặng cho cậu ấy, thế mà chỉ yêu cầu cậu ấy bớt đi một phần lối đi cho anh trai mình mà cũng không được. Cậu Dầu đã chịu nhiều khổ cực, thiệt thòi rồi. Anh em người ta có đi tù về thì cũng vẫn nhường cho nhau đằng này anh mình lại là "liệt sĩ" trở về, người mang nhiều bệnh tật" - bà Hoàn bức xúc.

Ngôi nhà của ông Dầu bị chính em ruột bịt kín tất cả lối ra.

Câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Anh không chịu mở lối đi cho ông Dầu khiến nhiều người bất bình. Từ anh em ruột thịt can ngăn, dòng họ Nguyễn khuyên giải, thậm chí chính quyền địa phương cũng đã đến tận gia đình làm công tác tư tưởng nhưng ông Ngọc Anh vẫn nhất quyết không thay đổi suy nghĩ.

"Việc ông Dầu trở về là điều vô cùng kỳ diệu, nó là niềm hạnh phúc cho người thân, là niềm vui của mọi người. Hoàn cảnh của ông Dầu vô cùng khó khăn, sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã tổ chức họp dòng họ Nguyễn để khuyên nhủ các thành viên trong gia đình những mâu thuẫn về nhà đất, nhưng cuối cùng cũng không được" - ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng dòng họ Nguyễn cho hay.

Trở về quê hương, không tấc đất cắm dùi, không giấy tờ tùy thân, rồi lại bị chính người em trai của mình hắt hủi, đã có lần ông Dầu được em mình gọi sang nhà và đưa cho 20 triệu đồng rồi nói "anh cầm tiền rồi trở về An Giang đi". Không những vậy, cho rằng anh mình đầu óc nhiều khi không còn minh mẫn, nhiều lần ông Ngọc Anh còn dọa ông Dầu nếu không chịu trở lại An Giang sẽ bị Công an đến bắt.

Bà Hoàn kể lại: "Cậu Dầu đưa vợ con về sống cùng mẹ, mấy mẹ con bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Không hiểu sao mà cậu Ngọc Anh lại đối xử với anh mình như thế. Cậu ấy còn trát cả phân lên tường nhà, thậm chí còn chửi bới, đánh đập cả anh mình. Nhiều lần va chạm, đánh đấm đến mức Công an huyện phải xuống lập biên bản. Càng nghĩ tôi càng thấy đau lòng quá. Nhà người ta còn bỏ tiền, bỏ sức ra cũng chỉ mong tìm được nắm xương của người đã mất. Đằng này nhà mình may mắn người còn sống sót trở về mà không biết thương yêu nhau".

Do ảnh hưởng của chiến tranh, lại sống xa quê hương nhiều năm nên trí óc ông Dầu chẳng còn được minh mẫn. Thế nhưng ông vẫn hiểu, cảm nhận hết nỗi đau, sự cay đắng mà mình đang phải chịu. Nhiều lần ông Dầu buồn bã tâm sự với chị gái: "Thà em chết trong chiến tranh còn hơn, em khổ quá rồi chị ơi. Có lẽ em phải trở về An Giang sống thôi".

Buồn tủi là thế, ông Dầu vẫn phải gắng gượng để duy trì cuộc sống, kiếm tiền nuôi hai người con thất học. Ông làm bất cứ việc gì người ta thuê, khi thì đi làm cỏ, lúc lại sang làng bên cuốc đất, bẻ ngô. Ông cũng không bao giờ mặc cả hay đòi hỏi trả bao nhiêu tiền. Người ta đưa bao nhiêu ông cầm bấy nhiêu, ngày nhiều thì được dăm ba chục nghìn, có hôm thì được vài cân gạo.

Nói đến đây bà Hoàn không cầm nổi nước mắt: "Cậu ấy lo vợ con bị đói. Thấy cậu ấy làm vất vả tôi lại động viên. Mỗi lần như thế cậu ấy chỉ bảo: Em thì thế nào cũng được. Chỉ thương vợ và các con thôi, tưởng tìm được quê hương, gia đình là hạnh phúc. Ai ngờ lại đến nước này?".

*Ông Vũ Văn Giản, Chủ tịch UBND xã Phương Chiểu cho biết: 

"Khi ông Nguyễn Đình Dầu về địa phương chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để giúp đỡ như: nhập khẩu (nhập cho cả gia đình). Sau đó là làm chính sách cho đối tượng người có công. 

Tiếp đến là tạo điều kiện cấp đất để sản xuất. Tạo công ăn việc làm cho những người con của ông Dầu, cụ thể là chính quyền địa phương đã xin cho các con của ông Dầu vào công ty may. Trích quỹ, quà để thăm tặng đồng thời chúng tôi cũng báo cáo với các cơ quan chức năng của thành phố, Thành ủy để có hướng giúp đỡ. 

Chính quyền địa phương cũng rất muốn xây cho ông Dầu một ngôi nhà tình nghĩa, tuy nhiên hiện ông này lại không có đất chính chủ nên không thể triển khai xây dựng được. Nội bộ trong gia đình hiện đang xảy ra tranh chấp đất đai. 

Thời gian gần đây, em trai ông Dầu thường xuyên đuổi ông này ra khỏi miếng đất của cha mẹ. Thậm chí còn khóa cửa, nhét que, nhét nhiều thứ linh tinh khác vào nhà. Chính quyền địa phương tốn rất nhiều công sức nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Vụ việc bây giờ đang phải nhờ tòa giải quyết".

Phong Anh
.
.
.