Nỗi đau ở lại

Thứ Hai, 21/09/2015, 20:00
5 năm rồi, vết sẹo trên cơ thể đứa trẻ vẫn còn rỉ máu. Hằng đêm, nó giật mình hoảng sợ khóc thét cầu cứu. Cái đêm định mệnh mà người lớn gây ra vẫn ám ảnh nó cả trong giấc ngủ.
Tình yêu ca hai người đàn bà

 Một ngôi nhà mới đã mọc lên trên đống tro tàn sau cái đêm định mệnh của hai người đàn bà yêu nhau ở ấp Mây Rắc (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Tiếng cười của con trẻ bị lạc đi giữa những cơn gió rít lạnh lùng. Bé Võ Hoàng Trí (8 tuổi) phơi tấm lưng đỏ đòng đọc, nhăn nhúm và mỏng manh trước nắng gió.

Khuôn mặt bé rúm lại, thịt nhăn xô vào từng đụn. Trí ngước mắt nhìn người lạ rồi hoảng hốt chạy vào nhà ôm chặt mẹ. Người mẹ luống cuống vồ lấy con, hai tay lèo khoèo, run rẩy. Họ chính là nạn nhân của một cuộc tình trái khoáy giữa hai người đàn bà: Yêu mãnh liệt và hận điên cuồng.

Cuộc tình ấy, qua lời kể của anh Võ Hoàng Hận (32 tuổi), con trai ruột của hung thủ Đào Thị Thiết (58 tuổi) càng khiến người nghe giật mình thảng thốt. Chính cái tên của anh đã nói lên một góc nào đó ẩn ức trong cuộc đời người mẹ có suy nghĩ và hành động chẳng ai hiểu nổi.

Bà Năm Đông (trái) và bà Đào Thị Thiết (phải).

Năm 1995, bà Thiết chia tay chồng, ôm theo anh Hận từ xã Bình Hòa Trung về vùng biên giới Mộc Hóa (Long An) sinh sống. Bà Thiết mượn được miếng đất ruộng dựng lều, đi làm mướn nuôi con. Cuộc sống của hai mẹ con đột ngột thay đổi từ ngày bà Thiết bén duyên với "cha dượng" Nguyễn Thị Đông (tức Năm Đông).

"Cha dượng" Năm Đông (60 tuổi), quê ở huyện Châu Đốc (An Giang), dạt đến vùng này sau khi bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà vì tội không biết đẻ. Trái hẳn với vẻ bề ngoài của một người đàn bà qua tuổi 50, bà Đông có hình dáng thô kệch, đi đứng nói năng, cử chỉ như một người đàn ông.

Bà sống một mình, tính tình cởi mở, phóng khoáng, cứ cười hềnh hệch suốt ngày. Sáng bà đội thúng đi bán hàng rong, chiều về tụ tập nhậu nhẹt, ca hát thâu đêm với cánh đàn ông trong xóm. Có điều gì đó "là lạ" trong con người này: Là đàn bà nhưng Năm Đông chỉ thích nhậu và thích… đàn bà.

Ngôi nhà dựng lại trên đống tro tàn sau đêm định mệnh.

Trong những lần đi qua nhà bà Thiết, Năm Đông thường ghé lại hỏi thăm, khi thì biếu bà chai nước giải khát, khi thì cái bánh tét. Nhiều lần bà Thiết ốm, Năm Đông nghỉ bán, chạy hấp tấp lo lắng thuốc thang và rau cháo. Ai cũng nghĩ đó là hai người bạn tri kỷ của nhau. Nhưng càng sống, mọi người càng thấy có điều gì đó không bình thường ở tình bạn già này. Cử chỉ, ánh nhìn của họ hướng về nhau nó tha thiết, nồng cháy giống tình yêu hơn.

Cho đến một ngày, bà Thiết tuyên bố với con: "Mẹ và Năm Đông yêu nhau, muốn về sống với nhau". Tin như sét đánh ngang tai, vợ chồng anh Hận bối rối, không biết phải khuyên can thế nào. Ở làng quê ngày đó, tình yêu "trái khoáy" như thế vẫn còn vô cùng mới mẻ. Thậm chí bà con không biết thế nào là đồng tính?

Anh Hận kể lại: "Vợ chồng tôi đã khuyên mẹ rất nhiều, vì phong tục lề thói của người ở quê xưa nay không phóng khoáng nên họ đàm tiếu nhiều về mẹ. Nói riết mẹ không nghe, chúng tôi buồn lắm. Bà Năm Đông với mẹ tôi như đôi chim sẻ, ở gần "người yêu" mẹ vui ra mặt". Tuy không công bố rùm beng chuyện "chồng vợ" oái oăm này, nhưng mọi người đã mặc định đó là một cặp "sinh ra để thuộc về nhau".

Hai người đàn bà từng trải qua những buồn vui, cay đắng nhất của cuộc đời, từng đổ vỡ trong hôn nhân nên họ dành cho nhau tình yêu nồng nàn nhất. Mối tình đồng tính kéo dài suốt 15 năm, họ cùng đồng cam cộng khổ giữa vùng biên giới khô cằn sỏi đá mà chưa hề có tiếng cãi vã.

Nhưng, tình yêu lớn bao nhiêu thì sự ghen tuông, thù hận nhiều bấy nhiêu. Mâu thuẫn bắt đầu từ việc "cha Đông" thường xuyên nhậu xỉn vì buồn chuyện "vợ" ra ngoài đong đưa với người khác. Bà Thiết cho rằng "chồng" ghen tuông vô cớ đã không tiếc lời trách móc.

Mâu thuẫn ngày một lớn, bà Thiết bỏ đi làm thuê và ngủ lại chỗ làm không về. Tưởng hờn dỗi sẽ níu kéo được tình yêu nhưng "chồng" vẫn thờ ơ, lạnh nhạt khiến bà Thiết nổi máu điên. Không sống được cùng nhau thì chết cùng nhau và tất cả đã chấm hết một cách nghiệt ngã trong cái đêm định mệnh ấy.

Ni đau li…

khoảng 23h, người dân ấp Mây Rắc phát hiện một ngọn lửa lớn bùng cháy dữ dội tại ngôi nhà của bà Thiết. Bà con hô hào nhau lao vào chữa cháy nhưng không thể khống chế được vì ngọn lửa đã bén mái tranh, chườm tới liếp phên chẳng khác nào dầu gặp lửa. Phút chốc, toàn bộ căn nhà bị thiêu rụi. Bà Năm Đông, chị Út (con dâu bà Thiết) và bé Trí (cháu nội bà Thiết) bị bỏng nặng. Rất may là anh Hận không có trong nhà vào thời điểm đó.

Bé Trí với bàn tay 10 ngón co quắp.

Trong lúc cuống cuồng chữa cháy và tìm cách đưa nạn nhân đi cấp cứu thì có người phát hiện thi thể bà Thiết cách đó vài chục mét, bên cạnh là hai vỏ chai thuốc sâu cùng một bức tâm thư tuyệt mệnh. Trong thư, bà Thiết kể lại chuỗi ngày hôn nhân hạnh phúc lẫn bi kịch với "chồng" Năm Đông. Bà Đông đã qua đời trên đường đi cấp cứu vì bỏng nặng. Còn chị Út và bé Trí được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) và may mắn sống sót nhưng mang thương tật suốt đời.

Sau cái đêm kinh hoàng ấy, vợ và con anh Hận phải sống những ngày tháng đau đớn mỗi khi trái gió trở trời. Thương tật mà chị Út phải chịu là trên 30%, còn bé Trí là 70%. Nhắc đến con, anh Hận ngậm ngùi: "Lúc xảy ra chuyện, tôi không có ở nhà, nghe tin tôi hoảng hốt, đầu óc rối bù không hình dung ra chuyện gì đang xảy ra. Tôi vội bắt xe về quê ngay trong đêm mới hay tin "cha mẹ" chết, vợ con được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi lại tức tốc bắt xe ngược về thành phố. Để có tiền chạy chữa cho vợ con, tôi phải bán đất ruộng ở quê và vay mượn chắp vá khắp nơi".

Gia đình anh Hận còn lại nỗi đau thể xác và tinh thần không gì bù đắp nổi.

Mang vợ con từ bệnh viện trở về, đập vào mắt anh Hận là đống tro tàn giữa đồng lúa và hai ngôi mộ hoang lạnh của mẹ và "cha". Với người ở lại, họ mang một tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần. Chị Út trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nên vết thương tạm ổn, có thể lao động nhẹ. Bé Trí còn tấm lưng nhàu nhĩ, đỏ ối màu da non. Hai cánh tay co rúm chằng chịt, má trái bỏng nặng và riêng hai bàn tay bị biến dạng làm các ngón co quắp, bé hoàn toàn mất khả năng cầm nắm.

Trí đang theo học lớp 3, nhưng em luôn phải sử dụng loại bút đặc biệt để viết chữ. Bàn tay của em tóe máu mỗi ngày tập viết. Bé Trí vẫn bị ám ảnh bởi cái đêm bị bà nội thiêu sống, hễ nhìn thấy lửa là bé la hét, khóc thét. Nỗi đau có thể dịu lại theo ngày tháng, nhưng vết sẹo thì không bao giờ lành trên thân thể non nớt của đứa trẻ, nó sẽ ám ảnh cậu bé cho đến hết cuộc đời.

Ngọc Thiện - Ái Nhi
.
.
.