Nỗi đau từ "giặc lửa"

Thứ Tư, 04/04/2018, 10:48
Từ ngày bị "giặc lửa" giết chết một phần cơ thể, ông Bảy rất sợ lửa. Ra ngoài đường mà nhìn thấy cột khói cao là người ông run bắn lên, phải nép mình vào đâu đó không dám nhìn. Từ chỗ nghiện thuốc lá, ông đã bỏ luôn...


Buổi chiều kinh hoàng

Người đàn ông thu mình trên chiếc xe lăn, chầm chậm trên vỉa hè những khu dân cư đông đúc ở khu vực quận 8 (TP Hồ Chí Minh). Ông bán vé số trong ánh mắt lòi một con ngươi đỏ lòm, chẳng thể nói nên lời. 

Khuôn mặt ông rúm vào nhau, đụn gò má nhô cao trông đến hốc hác, khổ sở. Người ta nhìn mặt ông, rồi nhìn bàn tay nhợt nhạt, loang lổ sẹo, thương cảm mà mua vé số. Cứ thế, hơn mười năm qua, ông sống trên cơ thể tàn tích của cơn hỏa hoạn khủng khiếp nhất cuộc đời.

Quê của ông Lê Văn Bảy ở Hồng Ngự, một huyện vùng biên của tỉnh Đồng Tháp. Thời trẻ cho đến khi lập gia đình với bà Nguyễn Thị Bé Hai, ông chỉ biết làm ruộng và nuôi vịt. 

Cha mẹ cho mấy công đất ra riêng, dựng mái nhà lá dừa vợ chồng đùm khúm nhau sống qua ngày, mong mãi chẳng có mụn con nào. Ngỡ cuộc sống êm đềm trong đói nghèo như vậy cũng an phận, ông Bảy không mong ước gì cao sang. Nhưng tất cả đã đẩy ông vào bi kịch vào buổi chiều mùa hè năm 2005. 

Khi vợ chồng ông Bảy đang hăng say đốt đồng cho vụ mùa mới thì ở nhà, cánh trẻ nhỏ đi bắt chuột ngang qua đã châm đống rơm cạnh gốc dừa để xin lửa hun chuột. Rơm khô, gió mạnh chẳng mấy chốc đã tạt vào mái tranh nhà ông Bảy. Ngọn lửa như bó đuốc lạnh lùng "ngoạm" lấy tất cả. 

Ông Bảy nhìn thấy cột khói từ căn nhà mình liền "ba chân bốn cẳng" chạy về, mặc cho lửa đỏ rừng rực, ông Bảy vẫn lao vào cứu chiếc xe máy. Khi ông vừa chạm tay vào chiếc xe thì một tiếng nổ rất to phát lên, hất văng ông ra ngoài. Ông tỉnh dậy trong bệnh viện, toàn thân trắng toát, mặt bị bó chặt khít, một con mắt mãi mới mở nổi ra. 

Bà Bé Hai nghẹn ngào, chỉ nói với chồng một câu: "Ông còn sống là mừng rồi, mình sẽ làm lại từ đầu". Lúc ấy, ông Bảy mới nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng trong đám cháy, ông lặng đi, mấy ngày không nói chuyện, gặp gỡ ai. Điều trị 5 tháng trời ở bệnh viện, ông Bảy được bác sĩ cho về với lời dặn: "Sức khỏe chỉ còn 30%, bác ráng giữ gìn".

Nghề phun lửa tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng vì mưu sinh, nhiều người vẫn phải làm.

Bà con ở quê hùn hạp giúp đỡ vợ chồng ông Bảy dựng lại căn nhà ngay trên nền nhà cũ. Những chiều nhìn ra bờ ruộng, trông lũ vịt thảnh thơi tìm cái ăn, ông Bảy cảm thấy một nỗi buồn vời vợi. Ông bàn với bà Hai bán đi một công ruộng, bán hết đàn vịt lấy ít vốn lên TP Hồ Chí Minh làm ăn. Với sức vóc hiện tại, ông chỉ có thể đi bán vé số.

Từ ngày bị "giặc lửa" lấy đi một phần cơ thể, ông Bảy rất sợ lửa. Ra ngoài đường mà nhìn thấy cột khói cao là người ông run bắn lên, phải nép mình vào đâu đó không dám nhìn. 

Từ chỗ nghiện thuốc lá, ông đã bỏ luôn. Trong nhà nấu ăn bằng bình gas mini, sau một lần rò rỉ gas bùng lên ngọn lửa làm cháy bàn tay của bà Hai Em, ông Bảy vứt luôn bếp gas. Giờ hai ông bà chỉ nấu ăn bằng bếp điện, các món ăn chủ yếu là luộc, hạn chế chiên rán cháy khét.

Ông Bảy tâm sự: "Cả đời này, tôi ám ảnh với lửa. Trận cháy ngày xưa lúc nào cũng hiện trong đầu tôi, thật khủng khiếp".

Vừa rồi nghe tin chung cư Carina ở quận 8 bị cháy, làm chết 13 người, ông Bảy cứ bần thần, cả ngày không đi bán được. Đêm ông cũng không dám ngủ. Ông nói bà Hai Em đi tới chung cư hỏi thăm người dân và giúp họ một thùng mì tôm, xem như "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Ông Bảy sống trên 10 năm với khuôn mặt bị bỏng nặng.

Những phận đời "chìm" trong khói lửa

Trong ánh đèn mập mờ của những con đường khu Lâm Văn Bền, Trung Sơn (Q.7), Ba Lụa (Nguyện Thị Lụa, 27 tuổi) đêm nào cũng bập bùng ánh lửa trên mồm để phun ra mua vui cho dân nhậu. 

Miệng người phụ nữ phun lửa đen xì, phồng rộp, nồng nặc mùi dầu hỏa. Có lần Lụa gặp ông nhậu thích đùa ác đã mồi điếu thuốc ép chị hút. Khi vừa châm thuốc vào, khói sộc vào cuống họng nghẹt thở, rồi lửa bén dầu cứ thế cháy vào môi. Xong trò chơi, hai bờ môi của Lụa như hai quả cà chua, căng mọng. Lụa phải nghỉ một tuần uống thuốc, xoa kem.

Lụa và bạn Lê Thanh Thúy (Hai Lớn) ở chung một phòng, cùng làm nghề phun lửa mua vui bán bánh. Căn phòng trọ chỉ khoảng 10m2 nằm trong hẻm 793 đường Trần Xuân Soạn (Q.7) chỉ có một thứ mùi duy nhất, mùi dầu hỏa. 

Đó cũng chính là đồ nghề quý giá phục vụ công việc mưu sinh hằng đêm của họ. Lụa và Hai Lớn quê ở Phú Yên. Lụa già nghề hơn, với thâm niên 7 năm phun lửa. 

Lụa kể: "Chúng em sống dở chết dở với nghề nhưng vẫn phải làm vì quen rồi". Ngày mới vào thành phố, Lụa thuê phòng ở Gò Vấp, hành nghề trong các quán nhậu. Được thời gian, cánh "anh chị" ra dằn mặt dọa đốt chết, Lụa sợ quá chuyển nhà về Bình Thạnh. Ở khu vực mới được vài tuần, bà chủ biết chuyện Lụa hay để dầu hỏa trong phòng, sợ cháy nổ nên đuổi. 

Lụa cho biết: "Cái nghề này ở đâu người ta cũng sợ. Có lần bạn trai em tới chơi, châm thuốc lá hút vô tình rơi tàn trúng bình dầu hỏa hành nghề của em. Thế là ngọn lửa phừng lên, cháy mất mấy bộ quần áo. May mà nhanh trí tắt cầu dao điện, rồi đổ nước tới tấp vào mới dập được lửa. Sau vụ đó, em bị nhà chủ đuổi đi".

Bé Khôi đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.

Bĩ cực với nghề, những người như Lụa, Hai Lớn cứ quẩn quanh với lửa, nhiều khi quyết dứt áo từ bỏ nhưng cũng không thể chọn được công việc phù hợp hơn. 

Gần 30 tuổi, cô gái phun lửa đã trải qua 3 mối tình, tất cả đều "cháy tan" theo lửa. Lụa buồn rầu tâm sự: "Người yêu thứ 3 dẫn em về ra mắt gia đình, khi em giới thiệu làm nghề phun lửa thì ông bà im lặng, không đề cập gì đến chuyện cưới xin nữa. Bạn trai không vượt qua nổi sự hà khắc của gia đình cũng lẳng lặng rời xa em".

Hai Lớn mắt rớm lệ, nghẹn ngào khi kể về người bà con ở trên Đắk Nông, vừa bị hỏa hoạn "lấy" mất một đứa con, đứa khác bị bỏng nặng đang cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). 

Hiện nay, gia cảnh của vợ chồng anh Trần Đăng Quyền và chị Nam đã chạm đến ngưỡng bi thương tột cùng. Căn nhà thuê mướn trên đất rẫy trong phút chốc đã biến thành tro tàn. Nén chua xót, đau đớn trước sự ra đi bất ngờ của đứa con gái bé bỏng, hai vợ chồng vội vã bế con trai mới 2 tuổi vào TP Hồ Chí Minh cấp cứu. Vết bỏng của bé Trần Đăng Khôi quá nặng, bác sĩ tiên lượng phỏng đến 80%.

Ngoài hành lang bệnh viện, người mẹ luôn đưa ánh mắt mọng nước về phía phòng cách ly. Từ ngày theo con vào đây, chị Nam tiều tụy, hốc hác, già nua hơn nhiều cái ở tuổi 25. 

Kể về ngày kinh hoàng ấy, chị Nam vẫn không tin sự mất mát lại lớn đến vậy, đau đớn, ân hận giằng xé tâm can. Trưa hôm ấy, khi hai con đang no giấc thì vợ chồng chị Nam ra lô cao su để cạo mủ. Một lúc sau, nghe tiếng con khóc thét lên, vợ chồng chị Nam vội chạy về. 

Lúc này, ngọn lửa đã bao trùm căn nhà ép ván, tiếng khóc của con tắt lịm trong đám khói. Bé Khôi bò được ra ngoài nhưng toàn thân cháy xém, bỏng nặng. Còn bé gái hơn một tuổi chạy không kịp đã bị lửa thiêu. Cho đến bây giờ, vợ chồng chị Nam vẫn không hiểu nguyên nhân tại sao nhà lại cháy. 

Anh Quyền thì nghi ngờ có thể một trong hai bé tỉnh giấc, bò chơi trong nhà nghịch hộp quẹt rồi đụng vào bình xăng hoặc bình gas mini mà vợ chồng anh Quyền mua sẵn về dự trữ. Còn nguyên nhân nào khác thì anh cũng chịu thua, vì giờ nhà đã cháy thành tro.

Đôi bàn tay cũng bị cắt đứt hai ngón.

Trong cơn hoảng loạn, vợ chồng anh Quyền chỉ biết ôm con chạy đi cấp cứu, còn lại tất cả giấy tờ tùy thân, tiền bạc đều bị lửa thiêu rụi. Chi phí chăm con, ăn uống ở TP Hồ Chí Minh quá tốn kém, vợ chồng anh Quyền đành nhờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện. Ôm bọc quần áo để chờ thăm con, chị Nam thẫn thờ, nói không ra hơi: "Gia đình em giờ không còn gì nữa, chỉ cầu trời cho con trai mau khỏe rồi sẽ làm lại từ đầu". 

Có muôn vàn nỗi đau mà "giặc lửa" đã gây ra cho con người. Cuộc sống sau đống tro tàn là sự khủng hoảng về thể xác lẫn tinh thần. Ai rồi cũng phải đứng lên, làm lại cuộc đời nhưng sự mất mát về con người, tài sản thì mãi còn đó, trở thành "vết sẹo" không bao giờ lành.
Ngọc Thiện
.
.
.