Nỗi đau từ lòng biển

Thứ Năm, 24/03/2016, 17:30
Gần 40 năm bám biển, mặt đen, da cháy, muối biển lặn vào cơ thể khiến lão như con cá ngừ khổng lồ giữa đại dương. Ở thôn Tây (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) này, lão là một "đặc sản" của biển.  


1.Ngôi nhà của lão nằm tựa lưng vào trảng cát trắng phau, quay mặt ra biển, đó là một vị thế tuyệt đẹp, là niềm mơ ước cả đời của những người đi biển. Người ta bảo lão hạnh phúc nhất vì được ôm trọn biển cả vào lòng, ngủ cũng nghe thấy sóng, ăn cũng ăn với sóng. Còn lão thì lắc đầu, xua hai bàn tay cụt mà rằng: "Biển lấy đi của tôi nhiều thứ, đẹp chi mà đẹp. Sống ở đây để trả nợ hết kiếp người với biển".

Lão nói giọng Quảng rặc, cái giọng cả đời không pha tạp, lai căng bất cứ vùng miền nào. Chúng tôi nghe, câu nào chưa rõ lại quay sang hỏi vợ lão, bà nói nhanh quá lại hú đứa con gái đang học lớp 11 vào phiên dịch. Dù gặp trở ngại trong việc truyền thông tin, nhưng cảm nhận rõ rệt nhất chính là sự thật thà, mộc mạc như gốc cây, hòn đá của lão ngư Nguyễn Văn Thạnh.

Với lão bây giờ, đi biển là để quên nỗi đau.

Lão là con thứ 10 trong gia đình có truyền thống đi biển, lão khoe rằng hồi nhỏ mình thuộc hàng đẹp trai nhất nhà, được cha mẹ chiều chuộng yêu thương hết mực. 13 tuổi, lão đi biển cùng cha, từ đó yêu biển luôn.

18 tuổi, lão đem lòng yêu một cô gái làng chài ở trong đất liền nhưng bị cha mẹ phản đối. Cha mẹ lão bắt con trai lấy vợ gần nhà. Lão dùng dằng không chịu, chán đời bỏ đi lang thang. Lão đến chỗ người ta nổ mìn phá đá, thấy có hai trái lựu đạn, trong đầu lão nghĩ đến mối tình đầu mãnh liệt, cuồng say sắp bị chia cách, lão xông lại cướp lựu đạn, hai tay nắm hai trái giơ lên trời, mắt nhắm nghiền lại rồi rút chốt. Một tiếng nổ xé khói, máu phun lên trời, hai bàn tay lão nát bét.

Tàu cá ngư dân đạp sóng đưa lão vào đất liền cấp cứu, mạng sống được giữ lại nhưng hai bàn tay lìa khỏi cơ thể lão. Một năm sau, có ông bạn biển của cha lão tới nhà chơi, cảm thông hoàn cảnh của lão, ông về nhà ép con gái lấy chồng.

Cô gái khóc lóc nhảy dựng lên phản đối, trách cha sao lại gả con gái cho một người cụt cả hai tay, lấy về thì làm ăn ra sao. Cô bỏ nhà đi nhưng bị cha bắt về đánh cho một trận nhừ tử. Vậy là 19 tuổi, lão lấy được vợ xinh xắn ở cùng làng. Miếng cơm manh áo nhanh chóng bủa vây lấy cuộc đời lão, lão cũng chẳng còn đầu óc đâu mà nghĩ đến chuyện yêu đương người xưa. Lão tập bơi, tập làm mọi việc với đôi tay cụt.

Những ngày đầu ra khơi, nhiều người mỉa mai lão: "Hai tay đi biển còn chẳng ăn thua, ông cụt hết thế kia thì bắt cá kiểu gì". Lão mặc kệ, quyết bấm bụng đi biển. Cha mẹ cho vốn lão sắm tàu ra khơi, làm ăn nuôi vợ con. Lão đi biển như con thoi, bơi như rái cá và lão bủa lưới cũng chẳng kém cạnh bất cứ một ngư phủ dạn dày nào. Vợ lão ở nhà trồng dăm ba công hành tỏi và nuôi 4 đứa con.

Lão huấn luyện cho thằng con trai làm quen với biển từ nhỏ. Mới hơn 10 tuổi, nó đã có thể đi biển cùng cha, giúp cha kéo lưới, nhặt cá. 16 tuổi, nó trở thành ngư phủ chính, nó lao xuống biển người ta tưởng con cá chứ chả phải người. Lão hạnh phúc như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng, đứa con, là một phần xương thịt của lão, sau này nó sẽ thay cha đội trời, đạp biển.

Cho đến một ngày, đứa con trai duy nhất của lão bị "ông chú bắt". Từ ngày đó, lão trở nên lầm lì ít nói, hay ngồi thẫn thờ một mình ở bậu cửa nhìn ra biển.

Nhắc đến con trai, lão nấc nghẹn lên rồi từ khóe mắt nhăn nhúm, khô khan ứa ra hai giọt lệ, lão vội vàng giơ cánh tay cụt lên lau nước mắt. Vợ lão thấy thế cũng khóc. Dường như, sự mất mát này là quá lớn, vợ chồng lão vẫn chưa chịu thừa nhận sự thật.

Tủ đựng vỏ ốc.
Một trong hai mô hình tàu do con trai lão làm.

Lão chỉ lên hai nóc tủ, ở đó có hai con tàu đánh cá được làm bằng gỗ rất tỉ mẩn, sơn màu xanh viền đỏ bóng loáng. Mỗi lần nhớ con, lão lại mân mê chiếc tàu, lại buồn, lại trống rỗng trong lòng. Đó chính là kỷ vật con trai lão để lại trước khi bị biển cả "nuốt" đi, đó là hình hài dáng dấp của một "hòn máu" còn lại trên thế gian này. Còn chiếc tủ đựng toàn vỏ ốc cũng do con lão sưu tầm trong những lần đi biển. Vì yêu thương quá nên vợ chồng lão cất giữ vỏ ốc vào tận trong tủ, lau chùi sạch sẽ để ngắm mỗi ngày cho đỡ nhớ.

Trong tâm trí, vợ chồng lão vẫn nghĩ con trai đang đi đánh cá ngoài biển chưa về, rồi nó sẽ về, nhất định là như thế. 3 năm kể từ ngày con mất, vợ chồng lão sống vật vờ bằng những kỷ vật của con. Nỗi buồn chưa bao giờ nguôi, nỗi đau chưa bao giờ tan.

Nguyễn Văn M. mất vào một buổi chiều trời trong, gió lặng. Hôm ấy, cậu chèo thuyền thúng ra bãi biển trước nhà bắt ốc. Bắt được một rổ, đang chuẩn bị trèo lên thuyền về thì có một "bàn tay" nào đó ở dưới đại dương nắm lấy chân lôi xuống.

Nghe hung tin, vợ chồng lão lao ra biển nhận dạng hình hài con trai. Nó vẫn hồng hào, tươi tắn, trên tay con nắm chặt con ốc biển. Vợ lão ngất tại chỗ, còn lão như người hóa điên. Ai hỏi vì sao con trai chết, lão đều trả lời là do ông chú thương quá bắt đi. Ông chú chính là người em trai của cha lão, cũng chết ngoài biển. Vì sao biết ông chú bắt? Vợ lão cho biết: "Dân đi biển Lý Sơn có một niềm tin tuyệt đối vào tâm linh. Những người chết ngoài biển đều là những vị thần bảo vệ bà con. Ông chú nhà này thương cháu quá nên bắt nó đi".

2.23 tuổi, M. nằm lại ngoài biển khơi, bỏ lại bao ước mơ, dự định với biển. Chán nản, đau khổ, hụt hẫng, lão Thạch bán tàu, bán sạch sẽ lưới ngư cụ, tuyên bố bỏ biển. Những ngày ngồi bó gối ở nhà nhìn vào những kỷ vật của con trai, lòng lão Thạch như có ai cắt từng khúc ruột. Lão đi lang thang ngoài biển như người điên, ai hỏi gì đều lắc đầu. Để riết thời gian và cho quên sự đời, lão làm bạn với rượu. Đến khi không chịu nổi nữa, lão quyết định theo bạn ra biển. Những ngày lão đi, vợ ở nhà một mình đi ra đi vào bấm đốt ngón tay ngóng ngày chồng về.

Niềm vui lớn nhất của vợ lão bây giờ là đứa cháu ngoại.

Tiền kiếm được từ chuyến biển không đáng là bao, bởi lão không có tàu, không có vốn góp, lão đi bạn với người ta, họ chia cho bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Chủ tàu rất thích lão đi cùng, vì lão giỏi trong việc đoán định luồng cá, nắm bắt quy luật biển cả. Chỉ cần "ngửi" gió là lão biết thời tiết ra sao, chỉ cần nhìn sóng lão đoán được ở đâu có luồng cá mới. Lão vừa là hoa tiêu vừa là "sát thủ" của cá. Chỗ nào cần thợ lặn, lão xung phong ngay. Lão đứng trên boong tàu, như con chim cánh cụt đạp chân vào thành tàu rồi tung người xuống biển. Hai tay bị cụt, lão dùng lực đẩy của đôi chân, tuy sức bật có thể yếu hơn ngư phủ khác, nhưng bù lại lão lặn được sâu, tai thính, mắt tinh.

Những ngày lênh đênh ngoài biển, đã khiến lão trút bỏ bao nhiêu nỗi phiền muộn. Lão tâm niệm, con trai ở đâu đó ngoài đại dương, chỉ quanh quẩn ở mạn tàu của cha thôi, nó sẽ phù hộ cho lão. Những lúc như vậy, lão thấy cuộc đời đáng sống hơn, biển cả đáng yêu hơn.

Những ngày biển giông gió, tàu cá phải vào đảo trú tránh, vợ lão ở nhà đứng ngồi không yên. Đó là những ngày dài lê thê và đêm dài vô tận, người đàn bà hết nhìn về phía biển lại nhìn lên tấm di ảnh của con trai cầu nguyện. Giữa đêm, sực tỉnh giấc, mặc cho sóng đánh nứt toác cột bê tông chắn biển, bà vẫn lặng lẽ đứng trên đầu sóng, chăm chú nhìn ra khơi xa căng mắt theo dõi từng đốm đèn li ti, le lói đang hướng về đất liền.

Về nhà, nghe hàng xóm kể lại chuyện vợ như hòn vọng phu giữa đêm, lão thở dài trách móc: "Cứ ở nhà mà nghỉ ngơi, ra đó ngóng có thay đổi được thời tiết. Biển chưa bắt tôi đâu mà lo". Mắt bà đỏ hoe, nguýt lão thật dài: "Để tôi đi biển rồi ông ở nhà xem có chịu ngồi yên không". Lão cười huề, lấy mẩu tay cụt ngoáy ngoáy vào người vợ một cái lại hết giận hết hờn.

Hơn một tháng nay lão không đi biển, chỉ ở nhà uống rượu. Nhiều tàu gọi nhưng lão dứt khoát từ chối, là vì sắp đến ngày giỗ của con trai. Lão bảo, ở nhà làm giỗ cho con trai xong đã rồi làm gì mới làm, còn bây giờ có ném cục tiền trước mặt cũng không đi. Nói rồi lão lại thở dài: "Tôi 52 tuổi rồi, giá như thằng M. còn sống thì tôi chẳng phải đi biển nữa đâu. Nó ngoan, chịu khó, nó sẽ nuôi được hết…Vậy mà…!".

Ngọc Thiện
.
.
.