Nơi góp phần làm giảm "áp lực" cho tòa án

Thứ Hai, 21/10/2019, 22:31
Đối thoại tại tòa án ở TP HCM trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính được đánh giá là đã góp phần không nhỏ trong việc giúp những người tiến hành tố tụng giảm bớt áp lực...


Thời gian qua, 10 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án ở TP HCM trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính được đánh giá là đã góp phần không nhỏ trong việc giúp những người tiến hành tố tụng giảm bớt áp lực; đội ngũ hòa giải viên giúp hóa giải nhiều mâu thuẫn, tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động đối thoại, hòa giải cũng tồn tại không ít hạn chế, tồn tại cần được xem xét, giải quyết…

"Bom nổ chậm" được tháo chốt trước khi ra tòa

Cho tới bây giờ, các hòa giải viên Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP HCM vẫn không quên một vụ tranh chấp trong nội bộ gia đình mà họ phải giải quyết. Cha mẹ ông N.T.H (ngụ TP HCM) sinh 10 người con. Sau khi chết, mẹ ông H. không để lại di chúc. Vì thế, chồng và các con có quyền hưởng phần tài sản bà sở hữu lúc sinh thời. 

Năm 2009, người cha và 8 anh chị em khác thống nhất tặng lại phần thừa kế trên cho một người em của ông H. Không hài lòng với quyết định này, ông H. không chịu phối hợp làm thủ tục kê khai di sản thừa kế. Kể từ đó, gia đình xào xáo. Ngày giỗ mẹ, mạnh ai nấy làm.

Việc chia tài sản thừa kế gần như bế tắc. Sau đó, em ông H. đã nhờ tòa án phân giải. Cơ quan xét xử chuyển vụ việc qua Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND TP HCM. 

Sau khi tiếp nhận, Hòa giải viên đã sắp xếp nói chuyện riêng với từng người, đồng thời phân tích căn cứ pháp luật, lợi ích hòa giải thay vì theo kiện. Đến tháng 3-2019, ông H. đồng ý đàm phán, hàn gắn tình cảm anh em.

Hòa giải viên ở Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TP HCM.

Quyết định của ông H. đã khiến các bên, gồm bản thân ông H. và những người thân trong gia đình, đặc biệt là Hòa giải viên và cơ quan xét xử như trút được gánh nặng; bởi nếu không thì cả gia đình ông H. có thể sẽ đối mặt với một vụ kiện cáo khó có hồi kết.

Đặc biệt, tại TP HCM, nhiều vụ việc có kết quả hòa giải thành công đã trở thành kinh nghiệm trong thương lượng; kịp thời ngăn chặn khiếu kiện tập thể. Có thể đơn cử như kết quả hòa giải vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty TNHH Bê tông Mê Kông (Công ty Mê Kông) với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Không Gian Việt (Công ty Không Gian Việt). 

Trong vụ việc này, Công ty Mê Kông cho rằng Công ty Không Gian Việt vi phạm nghĩa vụ thanh toán hợp đồng và yêu cầu phía bị kiện trả số nợ gốc gần 94 triệu đồng kèm lãi phát sinh gần 2,8 triệu đồng.

TAND quận Bình Tân chuyển hồ sơ qua Trung tâm Hòa giải, đối thoại trực thuộc. Hòa giải viên cũng tiến hành làm việc riêng từng bên… Sau đó, phía khởi kiện tự nguyện giảm lãi suất phát sinh từ gần 2,8 xuống gần 1,4 triệu đồng; và chấp nhận Công ty Không Gian Việt thanh toán số nợ còn lại trong ba đợt. Hai bên thống nhất yêu cầu TAND quận Bình Tân công nhận kết quả trong biên bản hòa giải thành.

Tại TAND huyện Củ Chi, Trung tâm Hòa giải, đối thoại được coi là có công ngăn chặn nhiều vụ kiện lao động từ một đơn kiện. Theo đó, mới đây chị Nguyễn Thị Cẩm Linh (công nhân) sau khi nghỉ việc đã khởi kiện Công ty TNHH Thực phẩm Việt Tường yêu cầu chốt sổ BHXH. 

Hòa giải viên Phạm Thị Ngọc đứng ra làm cầu nối hòa giải. Bà Ngọc cho biết sau khi nghiên cứu hồ sơ, bà mời từng đương sự đến làm việc. Qua đó, bà biết doanh nghiệp đang khó khăn, nợ BHXH hơn 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, chính chồng chị Linh cũng vừa nghỉ việc ở công ty này. Do công ty này đang gặp khó khăn nên ngoài chị Linh thì còn nhiều lao động khác cũng gặp tình trạng tương tự ở công ty này. 

Liên đoàn Lao động huyện Củ Chi từng tổ chức hòa giải tranh chấp giữa công nhân và doanh nghiệp nhưng không thành công. Trong trường hợp này, Hòa giải viên thuyết phục công ty tách riêng việc đóng và chốt sổ BHXH cho vợ chồng chị Linh. Doanh nghiệp đồng ý và đóng hết 120 triệu đồng, chốt hai sổ BHXH. Đổi lại, chị Linh đã rút đơn kiện.

Theo TAND huyện Củ Chi, từ vụ kiện trên, những người lao động khác bị công ty này nợ BHXH cũng chủ động liên hệ, thỏa thuận chốt sổ thay vì cùng nhau đi kiện. Như vậy, Trung tâm Hòa giải, đối thoại đã giúp tòa án không phải thụ lý một lượng lớn đơn khởi kiện giữa người lao động với Công ty Việt Tường…

Lãnh đạo TAND Tối cao và Ban Nội chính Thành ủy TP HCM tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải, đối thoại.

Người dân chưa hiểu hết vai trò của trung tâm hòa giải, đối thoại

Bắt đầu từ ngày 1-11-2018, thực hiện kế hoạch và quyết định của TAND Tối cao, TP HCM đã triển khai thí điểm hòa giải trong án dân sự, đối thoại trong án hành chính tại các trung tâm hòa giải, đối thoại được đặt tại 10 tòa án, bao gồm một trung tâm tại TAND Thành phố và 9 trung tâm tại TAND các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Củ Chi.

Nhiệm vụ của các trung tâm này là hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, đối thoại các khiếu kiện hành chính theo yêu cầu của đương sự và các vụ việc trước khi tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Theo TAND TP HCM, sau thời gian triển khai thí điểm, từ ngày 1-11-2018 đến ngày 20-8-2019, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND Thành phố và 9 TAND quận, huyện đã thụ lý 9.991 đơn, trong đó có 2.571 đơn không hòa giải đối thoại được do đương sự không đồng ý hòa giải đối thoại, số vụ được đưa ra hòa giải đối thoại 6.501, số vụ hòa giải thành 5.189 vụ, việc trên tổng 6.501 vụ, việc được hòa giải, đối thoại đạt tỷ lệ 79,82%.

Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành đã giúp cho TAND Thành phố và 9 TAND quận, huyện thực hiện thí điểm không phải thụ lý giải quyết là 5.189 vụ việc. TP HCM cùng với Hà Nội, Bình Dương, Khánh Hòa là một trong bốn địa phương đạt tỷ lệ hòa giải cao nhất.

Đáng nói, TP HCM là địa phương có số lượng Hòa giải viên, Đối thoại viên lớn nhất cả nước với 93 Hòa giải viên, Đối thoại viên, 31 Thư ký. Trong thời gian thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại, có nhiều Hòa giải viên, Đối thoại viên đã tiến hành hòa giải, đối thoại hơn 100 vụ việc. Đặc biệt có Hòa giải viên, Đối thoại viên có tỷ lệ vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành cao nhất là 100% (184 vụ việc trên tổng số 184 vụ việc được phân công).

Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý thì Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại tòa án là cơ chế pháp lý mới là chủ trương sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay hỗ trợ rất nhiều cho không chỉ tòa án mà còn cho cả cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.

Việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại góp phần giảm tải, giảm áp lực cho những người tiến hành tố tụng… (hình minh họa).

"Với những kết quả tích cực trong hòa giải hơn 9 tháng qua, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đối thoại là bước quan trọng trong cải cách tư pháp, ngăn ngừa tiêu cực phát sinh, góp phần xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh. 

Đồng thời, cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm tải, giảm áp lực cho những người tiến hành tố tụng của TP HCM; sau đó là góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả cho các bên", Thẩm phán Lê Thanh Phong, Chánh án TAND TP HCM, đánh giá.

Theo ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP HCM, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp thành phố, quá trình hoạt động của các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại tại tòa án vẫn còn có vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá khách quan. 

Cụ thể, người dân còn bỡ ngỡ, chưa hiểu hết lợi ích trung tâm mang lại. Ngoài ra, cơ quan, ban ngành, quận - huyện chưa làm tốt công tác tuyên truyền. Vì thế, một số cán bộ, công chức chưa thực sự nắm bắt đầy đủ chủ trương về việc thực hiện thí điểm này.

Thẩm phán Lê Thanh Phong bày tỏ mong muốn TAND Tối cao tiếp tục tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự án luật để sớm trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án tạo hành lang pháp lý và bước đột phá trong việc đẩy mạnh hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án.

Ánh Xuân
.
.
.