Nơi góp phần tháo gỡ nút thắt của nhiều vụ án

Thứ Ba, 09/06/2015, 08:00
Trong công tác đánh án của lực lượng Công an, có những vụ án mà các manh mối của thủ phạm để lại hiện trường chỉ là một vài dấu vân tay mờ mịt không rõ ràng, có khi đối tượng nghi vấn đã thay tên đổi họ hoặc cố gắng tạo ra những nút thắt bằng các yếu tố ngoại phạm khiến cho công tác xác định danh tính thủ phạm gặp rất nhiều khó khăn. Trước những yêu cầu tham gia tháo gỡ những nút thắt ấy, cán bộ chiến sỹ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C53) đã âm thầm vào cuộc và nhanh chóng tìm ra những bí ẩn của vụ án. 

1.Chúng tôi đến Cục C53 vào buổi chiều một ngày cuối tháng 5. Ngoài trời nắng như đổ lửa, các phòng làm việc bị cúp điện khiến cho không khí ở đây vốn đã bị ngột ngạt bởi các loại mùi bột giấy cũ, thuốc diệt mối, mọt và các loại hóa chất tẩy rửa giấy càng trở nên đặc quánh.

Khái quát sơ qua về các chủng loại hồ sơ lưu trữ, Thượng tá Trần Văn Đức - Phó trưởng phòng 2 dắt chúng tôi đến thăm từng phòng làm việc. Hình ảnh khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên là bởi hầu hết trong số những phòng làm việc, bàn ghế chỉ là thứ yếu, toàn bộ không gian được dành cho các kệ tủ chứa đầy tài liệu tựa lưng vào nhau xếp thành nhiều hàng chật kín cả lối đi.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục trưởng cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát.

Tuy chỉ là những con số, dòng chữ, hình ảnh đơn giản nhưng trong đó chứa đựng khối lượng lớn thông tin, nhất là hành trình sa vào bóng tối của hàng trăm, hàng ngàn đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm, giang hồ cộm cán. Chính từ đây mà các loại đối tượng này đã bị lật tẩy với đầy đủ căn cứ pháp lý giúp cho các đơn vị điều tra trên cả nước có nhiều thuận lợi trong việc truy bắt, xử lý các loại tội phạm nguy hiểm.

Nói về công tác tra cứu hồ sơ hỗ trợ các đơn vị Cảnh sát phá án, Thượng Tá Trần Văn Đức bảo nhiều lắm không nhớ hết được, chỉ ấn tượng với hai vụ gần nhất.

Vụ thứ nhất: Giữa năm 2013, Công an TP. Tân An, tỉnh Long An tiếp nhận trình báo của quần chúng nhân dân về hàng chục vụ trộm xảy ra trên địa bàn với tổng trị giá tài sản bị mất cắp lên đến 107 triệu đồng. Số tiền ấy tuy không lớn lắm, nhưng với người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì đó là khối tài sản khổng lồ mà cả gia đình họ phải một nắng hai sương làm lụng vất vả hàng chục năm trời mới có được.

Nhận thấy tính chất nguy hiểm của vụ án, đồng thời không để cho bà con nông dân nghèo phải hoang mang lo sợ, Công an Long An đã nhanh chóng vào cuộc rà soát đối tượng. Trải qua thời gian dài mà bọn tội phạm vẫn như bóng chim tăm cá, chỉ thu được một vài dấu vân tay không rõ ràng tại hiện trường. Vụ việc còn chưa kịp được làm sáng tỏ thì những ngày sau đó lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm khác với thủ đoạn tương tự. Không thể để vụ việc gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của đông đảo người dân, Công an TP. Tân An đã đề nghị sự hỗ trợ của Cục C53.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với các loại phương tiện kỹ thuật hiện đại, chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ chiến sỹ Cục C53 đã xác định chính xác dấu vân tay để lại hiện trường là của đối tượng Nguyễn Sơn Lâm, sinh năm 1994, ngụ tại phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An và đến ngày 18/11/2013, Lâm bị tóm gọn khi đang ngồi tại nhà nhâm nhi chiến lợi phẩm mà mình trộm được.  Tại cơ quan Công an, Lâm khai trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2013, hắn đã thực hiện trót lọt 21 vụ trộm cắp với số tài sản trộm được lên đến gần 400 triệu đồng. Trước đó cũng bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục C53 phối hợp với Công an TP Tân an truy bắt 3 siêu trộm là Nguyễn Ngọc Rạng, Lê Tấn Đạt và Nguyễn Nhất Đăng khi bọn này đang tìm cách đột nhập vào một chi nhánh ngân hàng để trộm tiền.

Xác định dấu vân tay của đối tượng.

Vụ thứ hai: Đầu tháng 4/2015, tiếp nhận yêu cầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an, xác minh xem có hay không việc giả mạo hồ sơ giấy tờ, con dấu của cơ quan Nhà nước để chiếm đoạt tiền trợ cấp xã hội của một đối tượng ngụ ở thị xã Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây quả thực là một "ca" khó bởi đối tượng là người lớn tuổi, từng tham gia một đơn vị chiến đấu thời kỳ trước năm 1975. Ngoài ra trong chiến tranh, các đơn vị chiến đấu thường thay đổi tên, bí danh nhằm bảo đảm bí mật tác chiến nên đến nay có rất nhiều tên đơn vị không còn tồn tại kể cả trên giấy tờ và trong ký ức của những người lính.

Xét thấy tính nghiêm trọng của vụ việc, đồng thời có thể gây ảnh hưởng không tốt đến một số người đã từng hy sinh một phần xương máu của mình để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, cán bộ chiến sỹ Cục C53 đã mất hàng chục ngày đêm trích lục, nghiên cứu hồ sơ và nhanh chóng xác định chính xác đối tượng là Phạm Văn Quý, sinh năm 1947 tại tỉnh Thái Bình (thường trú tại thị xã Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Mặc dù thời gian phục vụ trong quân đội rất ít mà chủ yếu là thời gian chấp hành án phạt tù giam do giả danh quân nhân để lừa đảo nhưng với âm mưu của mình, Phạm Văn Quý đã kịp đánh cắp các loại bằng khen, giấy khen của đồng đội và những người lính khác đem cạo sửa thành tên mình, đồng thời làm những giấy chứng nhận giả để sau này khi Đảng, Nhà nước có chế độ đãi ngộ đối với những người có công thì ông ta đã khai man hồ sơ và nộp những loại giấy khen mà mình chiếm được trước đó để nhận số tiền trợ cấp lên đến gần 200 triệu đồng.

2. Đại úy Lê Thị Hoài Hương - cán bộ phòng tàng thư chế độ cũ kể lại: Ngày ra trường, được tổ chức điều động về Cục C53, nhiều bạn bè cùng khóa ai nấy đều chúc mừng chị vì được về nơi công tác phù hợp với nữ. Ngày đầu tiên đến nhiệm sở nhận công việc, chị đã được những cán bộ chiến sỹ đi trước động viên, bảo chị phải cần cù, chịu khó, nhẫn nại và phải luôn làm việc với tinh thần cao thì mới làm tốt được nhiệm vụ. Tuy nhiên khi bắt tay vào việc, chị thật sự hoang mang bởi thấy cán bộ chiến sỹ ở đây vừa phải đối mặt với áp lực khủng khiếp từ một núi công việc, vừa phải tiếp xúc với mùi giấy cũ, hít bột giấy, hóa chất chống mối mọt được phủ thường xuyên lên các chồng hồ sơ cũ.

Lần ấy, chị cùng gần chục đồng đội khác làm thâu đêm và đến gần sáng thì đã có đến bốn người bị chóng mặt nhức đầu và chị Hương còn bị ói và nổi sẩn khắp người do dị ứng hóa chất. Thời gian sau khi trực tiếp gỡ rối cho hàng chục đơn vị Cảnh sát điều tra trong công tác phá án, nhất là giúp được hàng chục người dân tìm lại được thân nhân bị thất lạc, chị Hương cảm thấy công việc mình làm thật ý nghĩa và không biết từ bao giờ lòng yêu nghề, máu nhiệt huyết luôn tuôn trào trong chị.
Cán bộ chiến sỹ Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát đang trích lục hồ sơ.

Cho đến nay, mặc dù hàng năm phải giải quyết đến hơn 4 triệu yêu cầu các loại, nhưng với sự vững vàng nghiệp vụ của mình, cùng sự nhiệt huyết với công việc, Cán bộ chiến sỹ Cục C53 đã giải mã hàng ngàn những bí ẩn về nhân thân thủ phạm, hỗ trợ cho các đơn vị Công an cùng các đơn vị hành chính sự nghiệp và bà con nhân dân trên cả nước triệt phá hàng ngàn các vụ án quan trọng, lật tẩy hàng trăm vụ gian lận hồ sơ, giúp hàng chục gia đình có người thân bị thất lạc được đoàn tụ. Những việc làm ấy tuy thầm lặng nhưng đã góp phần không nhỏ vào công tác giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đem lại bình yên cuộc sống cho nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục trưởng cục C53 cho biết: Thoạt nhìn khi thấy các cán bộ chiến sỹ của đơn vị chỉ phải làm việc trong phòng với các loại hồ sơ giấy tờ thì có thể sẽ cho rằng đây là loại hình công việc bàn giấy hết sức nhẹ nhàng, không phải sớm nắng, chiều mưa. Tuy nhiên có thực tế làm công việc này mới hiểu đây là nhiệm vụ không hề đơn giản. Có khi nhận được yêu cầu trích lục về thân nhân đối tượng từng có tiền án tiền sự cách đây vài chục năm thì anh em có khi phải bỏ ra cả tuần liền làm việc ngày đêm, lần mò trên những chồng hồ sơ cũ để tích xuất dữ liệu phục vụ công tác điều tra.

Những lần như vậy, ngoài việc phải tạm xa gia đình, vợ con giống như đi công tác xa, anh em còn phải hít thở thứ không khí nồng nặc bột giấy bong ra từ các loại giấy cũ đã chuyển mùi, có khi do hồ sơ quá cũ, còn phải xử lý bằng một số loại hóa chất độc hại khiến cho một số anh em, nhất là những người mới vào nghề bị dị ứng bột giấy, dị ứng hóa chất và đặc biệt là mắc bệnh viêm xoang, viêm mũi dị ứng.

Hiện nay, để giảm tải cho cán bộ chiến sỹ, đồng thời nâng cao biện pháp quản lý hồ sơ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu tra cứu nghiệp vụ và các yêu cầu tra cứu chính đáng của các tổ chức, cá nhân, Cục đã thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ chiến sỹ, đồng thời tiến hành cho nâng cấp, tích hợp giữa 2 phần mềm quản lý đối tượng và quản lý vụ việc thành một. Đây là phương pháp hữu hiệu nhằm giải tỏa các loại yêu cầu đang tăng đột biến trong thời gian nhanh nhất.

Ngoài việc tra cứu tại chỗ, lãnh đạo Cục còn chỉ đạo cho cán bộ chiến sỹ tạo mọi điều kiện tốt nhất để lực lượng trinh sát, điều tra viên của các đơn vị Công an trên cả nước, các cán bộ cơ quan hành chính sự nghiệp đến nghiên cứu hồ sơ. Cũng nhờ những cải tiến này mà trong những năm qua, cục đã giúp cho các đơn vị Cảnh sát điều tra trên cả nước triệt phá được hàng trăm vụ án hình sự các loại, bắt hàng trăm đối tượng đặc biệt nguy hiểm, giúp các cơ quan hành chính sự nghiệp giải tỏa được hàng ngàn những vướng mắc trong công tác quản lý cán bộ, giúp hàng trăm người dân có thân nhân bị thất lạc trở về đoàn tụ với gia đình.

Đức Cương
.
.
.