Nơi huấn luyện lính công binh cho Liên Hợp Quốc

Thứ Hai, 22/04/2019, 09:31
Theo kế hoạch, tháng 6-2019, các chuyên gia công binh của lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ sang sát hạch, đánh giá trình độ, năng lực của Đội Công binh Việt Nam, sau đó mới quyết định để Đội Công binh Việt Nam tham gia GGHB LHQ tại Nam Sudan vào tháng 2-2020 hay không.


Vì vậy, thời điểm này, các tổ công binh sẽ được cử đi làm nhiệm vụ ở Lữ đoàn 229 đang ráo riết đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng huấn luyện các nội dung chuyên ngành và học tập nhiều nội dung liên quan…

Ghi ở "nơi luyện thi"

Tại thao trường huấn luyện của Lữ đoàn 229, mặc dù trời mưa, nhưng tiếng máy lu, máy xúc, máy húc, máy gạt vẫn nổ giòn. Sau gần một giờ thực hành lái chiếc máy gạt PY165K, Đại úy QNCN Nguyễn Hoành Võ đã hoàn thành hơn 100m nền đường với yêu cầu tạo mui luyện, độ phẳng và tạo rãnh thoát nước vượt so với kế hoạch hơn 20 phút.

Chuyên gia nước ngoài kiểm tra việc thực hành của chiến sĩ Lữ đoàn 229.

Anh cho máy vào vị trí quy định và rời khỏi ca-bin. Chờ cho chiếc lu rung XCMG trọng lượng 30 tấn tiến vào đầm nèn, tạo độ cứng cho nền đường thì Nguyễn Hoành Võ mới trò chuyện với chúng tôi. Anh chia sẻ, lái gạt khó là vì có rất nhiều các cần điều khiển ở các chế độ khác nhau.

Muốn tạo mặt đường đúng yêu cầu kỹ thuật thì cốt yếu nhất là phải nắm được cao trình, đặc điểm địa chất nơi thi công, những đoạn vòng, đoạn cua của đường... để điều khiển máy, lưỡi gạt ở các chế độ phù hợp.

Theo anh, nếu được làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ ở Nam Sudan vào đầu năm 2020 thì cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, trong đó mấu chốt là nắm chắc quy trình và yêu cầu, cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp đó là phải hình thành trong đầu các tình huống để xử lý. Ví dụ như tình huống máy gạt bị hỏng động cơ, hoặc các chế độ làm việc không ăn khớp, bị lỗi; khi máy bị lầy vì thi công ở nền đường yếu... Đặc biệt, đội đã xây dựng các tình huống bị tấn công bất ngờ khi đang làm nhiệm vụ và cách xử trí của người vận hành đã giúp Võ và đồng đội yên tâm, tự tin và xây dựng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng như Đại úy Võ, Thượng úy QNCN Phạm Văn Tiến và các thành viên của đội xây dựng nhà cao tầng của Đội Công binh GGHB LHQ đã rất thành thạo kỹ thuật xây tường gạch theo phương pháp mới, nhất là những phần việc khó như phần bắt góc, dựng hộc cửa sổ, cửa đi...

Tiến là người trực tiếp tham gia xây tường gạch để chuyên gia công binh làm nhiệm vụ GGHB LHQ thẩm định hồi năm ngoái. Anh cho biết, về cơ bản việc xây tường gạch không khác nhiều so với ở ta. Khác biệt lớn nhất là tạo mặt phẳng của tường, xây nhẵn cả hai mặt và sử dụng công cụ hỗ trợ rải vữa đều trên mặt tường.

Việc này khiến cho tiến độ xây dựng sẽ chậm hơn với cách làm của ta nhưng nó chắc chắn hơn, đẹp hơn. Tính đến nay, Tiến và đồng đội đã quá quen với kỹ thuật này và không ngừng rút ngắn thời gian khi xây 10 mét tường xuống 15 phút so với thời kỳ đầu. Đây được xem là một kỷ lục đền đáp cho những tháng ngày nỗ lực không ngừng nghỉ.

Tích cực tìm kiếm thông tin

Đại úy Nguyễn Văn Phong, Trợ lý tham mưu, kế hoạch của Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình LHQ vừa trở về từ Hội thảo Chương trình hành động GGHB LHQ tổ chức tại Australia ngày 16-4. Anh chia sẻ, qua hội thảo đã nắm chắc hơn thông tin về tình hình Phái bộ LHQ tại Nam Sudan cả những thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là hiểu sâu hơn nguyên lý tổ chức, vận hành hoạt động của lực lượng GGHB LHQ tại đây.

Huấn luyện trang bị đặc chủng.

Trước đó, Đại úy Phong từng sang Nam Sudan để tìm hiểu về mọi mặt đóng quân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị Công binh quân đội Hoàng gia Anh tại Bentiu. Đến giờ, với vốn tiếng Anh được học tại Đoàn 871 gần 2 năm và 3 tháng nâng cao tại Singapore, Phong có thể tự tin giao tiếp khá tốt với người nước ngoài về lĩnh vực chuyên ngành công binh.

Phong cho biết, đặc điểm thời tiết, khí hậu, địa chất, thủy văn ở Bentiu, nơi mà dự kiến Đội Công binh Việt Nam sẽ đến và làm nhiệm vụ vào đầu năm 2020 có những đặc thù khá giống với miền Nam Việt Nam.

Khác biệt lớn nhất là nhiệt độ chênh lệch ban ngày và ban đêm rất lớn và trong 6 tháng mùa mưa, mặt đất nơi đây thường lầy lội, rất khó di chuyển. Ngay sau khi trở về, Đại úy Nguyễn Văn Phong đã tổ chức lại các thông tin tiếp thu được và soạn ra tài liệu làm cơ sở để phổ biến cho toàn đội.

Các chiến sĩ Lữ đoàn 229 đang huấn luyện trên các thiết bị đặc chủng.

Theo Thượng tá Lưu Quang Lân, Đội trưởng Đội Công binh GGHB LHQ, nếu sang Nam Sudan, đội sẽ có 4 tổ với gần 80 người và thực hiện 4 nhiệm vụ chính: Xây dựng sân bay, bến đỗ; nhà cao tầng; rà phá mìn và làm đường cơ động. Ngoài những nhiệm vụ này thì sẵn sàng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác và dự đoán là sẽ rất phức tạp.

Anh chia sẻ, hoạt động GGHB khác rất nhiều so với tác chiến công binh thời bình, thời chiến tại Việt Nam, trong đó có nhiều yêu cầu rất khắt khe. Thực chất đó là hoạt động phối hợp làm nhiệm vụ và giúp đỡ dân thường nước sở tại ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hỗ trợ bảo đảm cho các lực lượng của LHQ tại đây triển khai duy trì hòa bình.

Anh Lân ví dụ, theo quy định trong tiêu chuẩn AMAS của LHQ, trong thực hành rà phá mìn, vật nổ, các trang bị bảo hộ cho người lính thực hiện nhiệm vụ được coi trọng. Tiếp đó là bước phát quang, mở lối vào bãi cũng được làm rất kỳ công và thật sạch thì mới tiến hành bước tiếp theo.

Khi phát hiện mìn, vật nổ, thay vì dò gỡ thì phải tổ chức phá nổ ngay tại chỗ bằng biện pháp nghiệp vụ phù hợp chứ không dò, gỡ hoặc vô hiệu hóa quả mìn như công binh Việt Nam vẫn làm.

Việc tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo quy định của LHQ có quy trình rất khác. Nếu như trong tác chiến, lực lượng công binh có thể vừa làm nhiệm vụ độc lập vừa phải tự bảo vệ và nếu có lực lượng hỗ trợ bảo vệ thì cũng không nhiều.

Trong thời bình, khi làm các công trình quốc phòng hay làm đường tuần tra biên giới ở trong nước, lực lượng công binh phải tự bảo đảm vật liệu, nhiên liệu và tự tổ chức thi công. Trong khi đó, nếu làm nhiệm vụ GGHB tại Nam Sudan, công binh Việt Nam được bảo đảm vật liệu tại chân công trình và được lực lượng khác bảo vệ khi thi công.

Điểm khó nhất đối với anh Lân và nhiều cán bộ, chiến sĩ khác trong đội hiện nay là thông tin. Anh rất muốn nắm được nhiều hơn các thông tin về đặc điểm văn hóa, tổ chức sản xuất, kết cấu xã hội và đặc điểm của người dân địa phương... Bởi theo anh, để giúp được người dân nước sở tại tránh xung đột vũ trang, phát triển kinh tế, duy trì xã hội ổn định thì việc nắm thông tin này mới hiệu quả.

Thượng tá Trần Thanh Khôi, Chính ủy Lữ đoàn 229 đánh giá sơ bộ kết quả chuẩn bị của Đội Công binh gồm gần 80 cán bộ chiến sĩ. Theo đó, từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 229 luôn theo sát tình hình, liên tục kiểm tra, động viên và tổ chức cho lực lượng được lựa chọn những điều kiện huấn luyện tốt nhất.

Ngoài việc đầu tư xây dựng phòng học tiếng Anh chuyên dùng và tổ chức học thêm tiếng Anh vào các tối thứ 2, 4, 6 trong tuần; lữ đoàn tích cực tìm kiếm thông tin về tình hình Nam Sudan, nơi dự kiến sẽ đến làm nhiệm vụ để phổ biến cho anh em biết.

Lữ đoàn đã mở lớp và mời giảng viên bồi dưỡng cho đội ngũ này về pháp luật, kỹ năng, phương pháp khi tiếp xúc với người dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và phỏng vấn trong các tình huống cụ thể.

Thượng tá Trần Thanh Khôi cho biết, làm nhiệm vụ ở nơi thời tiết khắc nghiệt, xa Tổ quốc và trong điều kiện sống kỷ luật khắt khe, phương pháp tiến hành thực hiện nhiệm vụ không tuân theo thói quen truyền thống... rất dễ nảy sinh các vấn đề về tư tưởng. 

Tuy nhiên, bản chất công việc GGHB LHQ tại Nam Sudan cũng gần giống những nhiệm vụ mà cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 229 đã thường xuyên làm và làm rất tốt trong nhiều qua, bởi nó khá tương đồng với nhiệm vụ làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới mà lữ đoàn đã thực hiện.

Vì vậy dù phương pháp, cách thức tổ chức làm việc của Phái bộ LHQ tại Nam Sudan có khác so với làm nhiệm vụ ở trong nước, nhưng lực lượng công binh của lữ đoàn sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Nguyễn Mạnh Thắng
.
.
.