Nơi in ra tiền cũng gặp khó vì… hết tiền

Chủ Nhật, 15/12/2019, 18:15
De La Rue là công ty tư nhân chuyên in tiền giấy cho Ngân hàng Trung ương Anh từ năm 1860 và cũng là đối tác của 140 ngân hàng Trung ương khác, đồng thời là công ty in thương mại lớn nhất thế giới khi sản xuất hộ chiếu cho 40 quốc gia và thiết kế 36% loại tiền giấy đang lưu hành trên khắp thế giới. Tuy nhiên, công ty vừa báo cáo kết quả kinh doanh tuột dốc trong nửa đầu năm tài chính 2019 – 2020 và mất 20% giá trị thị trường chỉ trong một tuần.


Lịch sử huy hoàng

Ở thị trấn Gateshead, Đông Bắc nước Anh có một nhà máy trông bên ngoài không có gì đặc biệt. Thế nhưng hệ thống camera giám sát lắp đặt khắp nơi, mọi người ra vào đều phải qua kiểm tra nghiêm ngặt của bộ phận an ninh, không thua gì một cơ sở quân sự quan trọng. 

Thỉnh thoảng những chiếc xe tải bọc thép được áp tải bằng một đội quân đi qua cổng đóng mở bằng điện tử. Đó chính là nhà máy in tiền của Công ty De La Rue Bên, nơi không chỉ in tiền cho nước Anh mà hơn 100 quốc gia khác trên thế giới.

Nhà máy sản xuất tiền giấy thương mại lớn nhất thế giới De La Rue đang đứng trước nguy cơ... thiếu tiền. Ảnh: BBC.

Sở dĩ De La Rue được nhiều nước tín nhiệm bởi công ty có rất nhiều họa sĩ đồ họa có tay nghề bậc thầy và dàn máy in hiện đại nhất thế giới. Các họa công có đủ tài hoa để làm thỏa mãn những sở thích riêng biệt của ngân hàng các nước. 

Người Thụy Sĩ thích tiền có những nét vẽ giản dị nhưng phải hiện đại. Campuchia thích hình vũ công xòe tay múa dân tộc. Các nước Latin đòi hỏi giấy bạc phải có đường nét hình in hao hao giống tờ đô la Mỹ.... Mỗi nước đều muốn có hình ảnh đặc thù riêng bằng đường nét sắc sảo mà chỉ có nhà máy in tiền De La Rue có thể đáp ứng về mặt kỹ thuật in ấn. 

Không những thế, De La Rue có đội ngũ chuyên viên giỏi tìm cách cải tiến kỹ thuật tinh vi hơn như màu mực phấn, giấy in, độ nhám, phần in nổi giúp các khách hàng đối phó với bọn làm tiền giả.

Công ty De La Rue được thành lập bởi Thomas de la Rue (1793–1866), người chuyển từ Guernsey sang London năm 1821 và thành lập doanh nghiệp với tư cách là một nhà sản xuất Leghorn, sau đó là một nhà ga và máy in. Năm 1831, công ty sản xuất thẻ chơi và các thẻ bài. 

Năm 1855, De La Rue bắt đầu in tiền giấy với các tờ tiền giấy mệnh giá 1, 5 và 10 bảng. Năm 1862, công ty này giành được hợp đồng in tem của Mỹ. Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, công ty in tiền cho các nước đồng minh bị chiếm đóng và giấu nó trong một mỏ đá.

Năm 1921, gia tộc De La Rue bắt đầu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Việc in ấn giấy bạc hầu như không gặp đối thủ đáng kể. Năm 1947, De La Rue chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán London. Ở Trung Đông, kể từ năm 1960, công ty nhận in tiền cho Ngân hàng Trung ương Iran.

Đối thủ cạnh tranh của De La Rue bấy giờ là Portal Limited, một công ty có tuổi đời gần 300 năm và in giấy bạc cho Ngân hàng Anh từ năm 1724. Cả hai sáp nhập trong thương vụ đình đám năm 1995 và De La Rue chính thức nắm hơn 30% nguồn cung giấy bạc cho toàn cầu. 

Hai năm sau, De La Rue tiếp tục mua lại hãng chuyên in tem và tín phiếu Ngân hàng Harrison and Sons. Nhưng thương vụ này mang lại khoản lỗ hàng triệu USD và nhà máy tại đây phải đóng cửa vĩnh viễn năm 2003.

Dù in ra tiền nhưng De La Rue có nguy cơ hết tiền.

Ngoài in tiền, De La Rue còn thầu các hợp đồng in trái chiếu, hộ chiếu, tem thuế cho các ngân hàng trung ương các quốc gia. Ba nhà máy lớn nhất của công ty hiện đặt tại Team Valley ở Gateshead, Debden ở Essex và Bathford ở Somerest. 

Đến nay, De La Rue là công ty in tiền thương mại lớn nhất thế giới, in ra khoảng 1/3 tiền mặt toàn cầu thông qua các hợp đồng với 140 ngân hàng trung ương trên thế giới. De La Rue cũng chính là doanh nghiệp thiết kế 36% các mệnh giá tiền giấy lưu hành. 

Công ty De La Rue bán giấy và công nghệ in bảo mật cao với hơn 150 loại tiền tệ quốc gia. In và làm giấy an ninh, De La Rue cũng sản xuất một loạt các tài liệu an toàn khác, bao gồm: Giấy tờ có giá của ngân hàng, Giấy phép lái xe, Hộ chiếu, Tem bưu chính, Tem thuế, Séc du lịch, Chứng từ. 

De La Rue đã in tờ tiền polymer đầu tiên cho Anh vào tháng 9- 2016. Trong những năm gần đây, De La Rue đã đầu tư rất nhiều vào việc in tiền polymer, với đặc điểm khó làm giả và có chất lượng tốt hơn so với tiền giấy truyền thống.

Khi người "vẽ ra tiền" cũng lâm vào cảnh… hết tiền

Mặc dù có trong tay những hợp đồng lớn, De La Rue phải chịu hai thất bại lớn trong năm vừa qua. Năm 2018, De La Rue đã mất hợp đồng trị giá tới 525 triệu USD để sản xuất loại hộ chiếu màu xanh hậu Brexit của Anh cho đối thủ Pháp. 

Việc để mất hợp đồng này đã đánh mạnh vào cán cân tài chính của De La Rue. Các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về tương lai không chắc chắn của De La Rue vì tính đến cuối tháng 9-2019, công ty này đã lỗ 9,2 triệu bảng Anh. Trong khi đó thời điểm cùng kỳ năm ngoái De La Rue có mức lãi đến 10 triệu bảng Anh.

Một nhà máy in tiền của De La Rue.

Tháng 10-2019, De La Rue phải bán hẳn mảng Identity Solutions cho HID Global với giá hơn 50 triệu USD để cân đối chi phí. Khoản nợ ròng 220 triệu USD đã vượt quá mức vốn hóa thị trường của công ty, vốn đã giảm gần 80% kể từ năm 2017. 

Một hợp đồng sản xuất tiền cho ngân hàng trung ương Venezuela (in tiền trong bối cảnh quốc gia này đang rơi vào tình cảnh siêu lạm phát) cũng bị mất khi lệnh cấm vận buộc công ty phải từ bỏ. Trong khi đó, De La Rue còn đang bị điều tra về gian lận tại Nam Sudan.

Ông Russ Mould, Giám đốc đầu tư A.J. Bell, cho biết với NBC News: "Không thể phủ nhận tình hình tài chính của De La Rue có vẻ đang rất bấp bênh". Hãng tin Bloomberg đưa tin hôm 26-11 cổ phiếu của De La Rue đã bị mất hơn 1/5 giá trị sau khi nhà máy này tạm dừng chia cổ tức cũng như cảnh báo về năng lực vận hành trong tương lai. 

Sau khi giám đốc điều hành (CEO), Chủ tịch hội đồng quản trị cùng với các nhà quản lý hàng đầu khác ra đi đã cảnh báo trên của De La Rue có thể khiến những khách hàng trong chính phủ và thương mại phải lo lắng. Việc ngừng chi trả cổ tức, lên tới 25 triệu bảng (32 triệu USD) dù có thể hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn nhưng nó làm vị thế tài chính của công ty trở nên xấu hơn bao giờ hết.

CEO mới De La Rue là ông Clive Vacher từng là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, có kỹ năng trong việc xoay chuyển tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, thử thách lần này lại là một bài toán khó đối với ông. De La Rue vẫn có một vài mảng kinh doanh hứa hẹn: Doanh thu việc in nhãn mác chống hàng giả tăng 70% so với năm trước. 

Tuy nhiên, việc ra đi của lãnh đạo cấp cao và nỗ lực tái cấu trúc đã khiến phong độ của công ty sụt giảm trầm trọng. Ưu tiên của Vacher bây giờ là phải cắt giảm chi phí. Việc ngừng chi trả cổ tức, lên tới 25 triệu bảng (32 triệu USD) dù có thể hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn nhưng nó làm vị thế tài chính của công ty trở nên xấu hơn bao giờ hết.

Những tờ tiền mệnh giá 5 và 10 bảng Anh do De La Rue in cho Ngân hàng Trung ương Anh.

Mặc dù vẫn tiếp tục nhận các hợp đồng in giấy bạc cho những ngân hàng trung ương các quốc gia, nhưng tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài cộng với sự gia tăng sử dụng thanh toán điện tử và sự thay đổi chính sách tiền tệ, chính sách hộ tịch, đã khiến De La Rue chao đảo. Công suất in tiền cũng đặt áp lực lên doanh số và giá. Hiện nay nhiều nhà máy in tiền quốc gia cũng tự chủ được việc in tiền thay vì sử dụng các bên thuê ngoài như De La Rue. 

Không những thế, ứng dụng công nghệ thông tin vào thanh toán hiện nay đang được nhiều nhiều quốc gia khuyến khích. Và khi thế giới ngày càng nhiều người dùng các ứng dụng thanh toán điện tử vào việc mua bán thì tiền giấy càng ít được sử dụng, đây là xu thế toàn cầu và là thách thức lớn với De La Rue.

Hiện tại, giới quan sát đang chờ đợi động thái mới ông Clive Vacher sẽ làm gì để cứu lò in tiền lớn nhất thế giới khỏi bờ vực khủng hoảng. Nếu kịch bản tồi tệ nhất của De La Rue diễn ra, nó sẽ là dấu chấm hết cho một công ty với lịch sử hoạt động 200 năm.

Quý Đức (tổng hợp)
.
.
.