Nỗi khổ của hàng trăm hộ dân 'sống cạnh người chết'

Thứ Tư, 04/11/2015, 13:25
Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân tại khu dân cư số 4,5, 6,13 thuộc phường Hải Tân và thôn Cương Xá, Bảo Thái thuộc xã Tân Hưng (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) phải sống trong cảnh lao đao, chịu hậu quả nặng nề bởi sự ô nhiễm từ nhà hỏa táng, các khu mộ thuộc Nghĩa trang Nhân dân thành phố Hải Dương. Người dân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để kêu cứu nhưng cho đến nay, tình trạng khói bụi, ô nhiễm vẫn chưa được hoàn toàn khắc phục.

Sống chung với nhà hỏa táng

Chúng tôi đến phường Hải Tân và thôn Cương Xá, Bảo Thái vào đúng những ngày nắng nóng. Không khí ngột ngạt, mùi hôi thối bốc lên từ mương máng khiến nơi đây lúc nào cũng vắng người qua lại. Người dân cho biết, lúc nào họ cũng phải đóng cửa kín mít vì sợ khói, bụi từ nhà hỏa táng của nghĩa trang thành phố.

Ông Đỗ Văn Phấn bức xúc: "Đó là khói, mùi từ nhà hỏa táng thành phố. Tôi không hiểu ở nơi khác thế nào chứ ở đây khói bụi thường xuyên tràn vào nhà chúng tôi. Bây giờ còn quen, chứ ngày mới có, trẻ con, người lớn ai ngửi thấy cũng phải nôn mửa. Kinh khủng nhất là những lúc ăn cơm, nhiều khi chúng tôi phải bỏ bữa vì mùi quá nặng".

Khói đen từ lò hỏa táng bốc lên khiến không khí ở đây ô nhiễm nặng.

Qua tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều người dân sống quanh nghĩa trang buộc phải bán đất, bán nhà để tìm nơi ở mới. Thậm chí nhiều bà con trồng rau đã bật khóc khi những gánh rau của mình bị tẩy chay vì được trồng gần nghĩa trang thành phố.

Ông Phấn tâm sự: "Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Cấy lúa bây giờ cũng không ăn thua vì chuột ở nghĩa trang đổ ra ăn hết.Hằng năm, chúng tôi phải thuê người về bắt chuột nếu muốn cấy lúa. Người dân cũng nuôi cá, trồng thêm rau để bán, nhưng khổ nỗi, mang nông sản đi tiêu thụ toàn phải nói là ở nơi khác, nếu nói là dân Cương Xá, người ta nhất định không mua".

Ô nhiễm môi trường nặng không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất mà còn xuất hiện nhiều bệnh tật. Anh Nguyễn Văn Khái, phụ trách y tế thôn Cương Xá đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ "quản lý bệnh nhân ung thư" lo lắng nói: "Đúng là vài năm nay xuất hiện nhiều bệnh tật. Trẻ con gần như cháu nào cũng bị bệnh về đường hô hấp, ho nặng, năm nào cũng có dịch tả…. Nguy hiểm nhất vẫn là số người mắc bệnh ung thư trong xã tăng cao. Riêng trong xóm này, chỉ có khoảng 100 hộ dân nhưng từ đầu năm 2015 có tới gần chục người chết vì ung thư, chưa kể những người đang điều trị, hoặc không nói ra. Nếu tính từ 10 năm trở lại đây thì quả thực không kể hết. Như gia đình ông Phan có tới 3 người bị ung thư…rồi còn bao gia đình khác nữa. Chúng tôi rất lo lắng!".

"Không thể mặc mãi chiếc áo sơ sinh"

Nghĩa trang thành phố Hải Dương được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, tuy nhiên do nhu cầu sử dụng ngày càng cao, quỹ đất ngày một hạn hẹp  dẫn đến tình trạng quá tải. Đó cũng là lý do người dân đội đơn kêu cứu khắp nơi. UBND thành phố đã nhiều lần điều chỉnh, tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp chắp vá tạm thời.

Theo quan sát của chúng tôi, các ngôi mộ hung táng và cát táng cách hộ dân chỉ khoảng 50 mét, thậm chí có ngôi mộ cách chỉ vài mét. Nghĩa trang không hề có hệ thống xử lý nước thải, nước từ đây thải trực tiếp ra mương máng, ruộng đồng của nhân dân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tháng 9/2012, người ta còn cho xây dựng, lắp đặt, vận hành lò hỏa táng, với lý do giảm những ngôi mộ hung táng. Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật chưa đảm bảo khiến môi trường ở đây chịu thêm một nguồn ô nhiễm mới.

Qua tìm hiểu, nhà hỏa táng nằm tại Nghĩa trang Nhân dân thành phố Hải Dương được khởi công xây dựng từ năm 2010 - 2011 do Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương làm chủ đầu tư. Tháng 9/2012, lò hỏa táng này chính thức được đưa vào vận hành, khai thác. Điều đáng nói, lò hỏa táng được đặt chỉ cách nhà dân khoảng 150 mét đến 200 mét, trong khi theo qui định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia "Các công trình hạ tầng kỹ thuật" ban hành kèm theo Thông tư số 02/TT-BXD ngày 05/2/2010 của Bộ Xây dựng là 1.500 mét.

Chính vì khoảng cách quá gần này nên sau khi hoạt động, lò hỏa táng đã tỏa ra rất nhiều khói bụi, mùi khét, tiếng ồn…Ông Phấn bức xúc: "Mỗi ngày, người ta thiêu hàng chục người, lại ngay nhà dân chúng tôi. Chúng tôi làm sao mà chịu được! Chúng tôi phải kiến nghị đến cùng, kêu cứu đến cùng tới các cơ quan có thẩm quyền".

Sau nhiều đơn thư kêu cứu của bà con, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Cuối tháng 8/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hải Dương đã có kết luận thanh tra số 707/TNMT có nội dung: Thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa tham vấn ý kiến cộng đồng khi xây dựng. Việc kiến nghị hoạt động của nhà hỏa táng gây tiếng ồn, khói lửa, mùi khét ảnh hưởng đến môi trường sống là có cơ sở.

Tuy nhiên, nội dung kết luận kiến nghị lò hỏa táng gần khu dân cư, kết luận của Sở TNMT là khá chung chung: Do yếu tố lịch sử để lại, Nghĩa trang Nhân dân thành phố Hải Dương không cách xa dân cư nên vị trí nhà hỏa táng dù đặt ở đâu trong khuôn viên nghĩa trang cũng không đảm bảo khoảng cách an toàn đến dân cư theo quy định. Chính vì vậy, việc người dân kiến nghị khoảng cách của nhà hỏa táng với nhà dân quá gần là đúng.

Nhiều người dân thôn Cương Xá vô cùng bức xúc.

Ngay sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, đầu năm 2015, chủ đầu tư đã làm hệ thống phụ trợ để xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của những hộ dân thì đó chỉ là biện pháp tình thế, "bịt mắt" nhân dân. Hiện khói, khí thải vẫn chưa được xử lý triệt để, vẫn tỏa lên nghi ngút lan sang khu dân cư.Anh Nguyễn Văn Khái bức xúc nói: "Chúng tôi không hề được hỏi ý kiến, khi họ xây dựng lên cũng không biết đó là nhà hỏa táng. Chúng tôi cử đại diện lên hỏi thì người ta bảo là xây nhà chờ của nghĩa trang. Khi người ta chở máy móc, xây dựng xong đưa vào hoạt động, nhân dân chúng tôi mới biết đó là nhà hỏa táng. Như vậy là họ chỉ vì lợi ích cá nhân mà không vì lợi ích cộng đồng. Người ta lại đi kết luận do yếu tố lịch sử! Chả lẽ một người cứ mặc mãi được chiếc áo sơ sinh? Khi đất nước thay đổi, phát triển thì cũng phải tìm giải pháp cho phù hợp chứ!".

Trong khi các cơ quan chức năng đang tìm hướng xử lý thì người dân vẫn đang phải sống trong nỗi lo ô nhiễm môi trường từ nghĩa trang và lò hỏa táng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Nếu không được giải quyết triệt để, nỗi lo này sẽ trở nên trầm trọng hơn, khi những ca ung thư xuất hiện ngày càng nhiều ở nơi đây....

Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết:

"Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn thư của bà con trong địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ có thẩm quyền đưa những ý kiến của bà con lên lãnh đạo cấp cao hơn. Khi có chỉ đạo của cấp trên, Ủy ban sẽ tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, tránh những hành động quá khích ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. Nhân dân cũng nhiều lần kiến nghị phải đóng cửa hoặc di chuyển nghĩa trang đi nơi khác nhưng thành phố và tỉnh cũng đã chỉ đạo rồi, không thể di rời đi nơi khác được. Gần đây có chủ trương mở rộng diện tích nghĩa trang, tuy nhiên mới có 50% các hộ dân nhận đền bù. Chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền vận động làm theo chỉ đạo thôi".

Ông Trần Thế Cường - Phó giám đốc  Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương, chủ đầu tư Đài hóa thân hoàn vũ thành phố Hải Dương cho biết:

Có hiện tượng khói bốc ra từ lò hỏa táng là do quá trình vận hành máy móc có một số trục trặc.

Đây là dây chuyền hoạt động được nhập từ Mỹ, trước khi đưa vào hoạt động đã được cơ quan chức năng về đo đạc, kiểm tra cho thấy kết quả các thông số đều đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi vận hành thì máy móc mới bắt đầu nảy sinh ra trục trặc. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã cho lắp bổ sung thêm một bồn thu khí do Viện Khoa học của Bộ Quốc phòng nghiên cứu ra.

Tuy nhiên, khi nhập công nghệ của một nước phát triển vào nước ta cũng có một số điểm không phù hợp. Ví dụ bên họ khi đưa vào hỏa táng, thi hài được đặt vào 1 chiếc quan tài bằng giấy, hoặc bằng kính, hơn nữa họ lại không có đồ tùy táng đi theo. Ở nước ta, quan tài lại được làm bằng gỗ tốt, được trang trí rất nhiều rồng phượng bằng nhựa, đồ tùy táng cũng rất nhiều như quần áo, gối… đây chính là nguyên nhân gây ra khói đen và có mùi khét.

Việc đưa lò hỏa táng ra khu vực khác cũng được chủ đầu tư tính đến, tuy nhiên việc tìm biện pháp vẫn trong tình trạng loay hoay không lối thoát. Ông Cường cho hay, thành phố Hải Dương đã thuê một đơn vị Nhật Bản vào làm việc nhưng vẫn chưa có định hướng nghĩa trang thành phố sẽ được đặt ở đâu.

Phong Anh
.
.
.