Nỗi khổ… họp phụ huynh

Chủ Nhật, 24/09/2017, 11:31
Khi các con tôi tốt nghiệp phổ thông và vào đại học, tôi nói vui với bạn bè, sướng nhất là từ nay không phải đi họp phụ huynh nữa, bởi mỗi cuộc họp nặng nề như "tra tấn" và chỉ mang tính hình thức.

Như một quy định bắt buộc cho năm học, khai giảng xong là họp phụ huynh đầu năm, phổ biến những nhiệm vụ chính năm học mới, kể lể về thành tích nhà trường trong năm qua, những kế hoạch lớn của nhà trường liên quan đến cơ sở vật chất, bầu Ban đại diện cha mẹ học sinh (còn gọi là Hội phụ huynh) và cuối cùng là các khoản phải nộp.

Cuộc họp lần thứ hai là khi kết thúc học kỳ 1, nhận xét chung về những mặt được và chưa được trong một học kỳ và kết thúc bằng việc… thu tiền để phục vụ cho các khoản chi cuối năm. Cuộc họp thứ ba vào dịp kết thúc năm học, nội dung như hai cuộc họp trên nhưng… không phải nộp tiền nữa.

Minh họa của Lê Tâm.

Vào lớp học, khi phụ huynh nhìn lên bảng là đã thấy giáo viên chủ nhiệm viết chi tiết các khoản thu, ai thắc mắc sẽ được giải thích và người "hỗ trợ" tích cực nhất cho giáo viên chủ nhiệm để giải thích chính là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thông thường, ngoài các khoản thu bắt buộc, Hội phụ huynh còn "sáng tạo" thêm vài khoản thu khác để phục vụ cho những hoạt động riêng của lớp.

Hội phụ huynh gồm những ai? Tất nhiên có người chủ động tham gia nhưng đa phần đều ngại vì sợ mất thời gian, song khi ra cuộc họp để bầu thì hầu như đã "trù bị" trước, giáo viên chủ nhiệm chỉ việc chỉ định hoặc công bố. Có thể nói, Hội phụ huynh là những trợ thủ đắc lực, là "cánh tay nối dài" của nhà trường trong việc phổ biến, vận động các khoản thu.

Còn giáo viên chủ nhiệm chẳng dại gì mà đứng trước lớp yêu cầu phụ huynh phải nộp các khoản tiền bởi hầu hết ngoài những khoản bắt buộc luôn phát sinh thêm vài khoản khác. Thế nên mới có chuyện ồn ào những ngày qua là cuộc họp đầu năm mà có nơi phụ huynh phải nộp hàng chục triệu đồng. Tất nhiên, những khoản thu hợp lý thì phụ huynh vẫn vui vẻ ủng hộ nhà trường, song vẫn có những khoản khiến phụ huynh không hài lòng vì nó bất hợp lý, trái với quy định chung.

Dạo con gái tôi học lớp 12, chủ nhiệm lớp là cô giáo dạy tiếng Anh, ngoài 50 tuổi. Cô nghiêm khắc không chỉ với học sinh lớp cô chủ nhiệm mà còn khắt khe với cả phụ huynh. Nghĩa là mỗi buổi họp, cô yêu cầu phụ huynh có mặt trước 10 phút, chỉ cha mẹ mới được họp chứ ông bà, cô chú, anh chị thì mời ra ngoài. Vào lớp một lúc là cô điểm danh phụ huynh ngay.

Chưa hết, "bệnh" phổ biến của giáo viên có tuổi là nói nhiều, như sợ người khác không hiểu. Mỗi lần họp, cô có thể đứng trên lớp nhận xét lần lượt 40 học sinh trong lớp, các ưu điểm, khuyết điểm, rồi những việc cần làm trong học kỳ. Tiếp đó là phần thu tiền. 3 vị đại diện trong Ban phụ huynh học sinh giải trình từng khoản.

Nhiều phụ huynh tỏ ra khó chịu về cách điều hành cuộc họp của cô chủ nhiệm, đứng lên góp ý là cô tỏ thái độ ngay. Tất nhiên, phải thừa nhận là cô có trách nhiệm, tận tụy với công việc, nhưng kiểu trình bày của cô khiến mỗi cuộc họp trở nên rất mệt mỏi. Các phụ huynh muốn yên chuyện đành phải ngồi đến khi tan họp.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu tiền đầu năm là chuyện bình thường, nhưng phải công khai, hợp lý và nhà trường không nên để Ban phụ huynh phải ra mặt trong những chuyện đó, nhất là những khoản thu không có trong quy định chung, khiến họ rất khó xử. Cùng với đó, nhiều phụ huynh đành phải chấp nhận nộp tiền cho yên chuyện vì chẳng ai muốn có ấn tượng không hay với giáo viên chủ nhiệm.

Học sinh đến trường để nâng cao kiến thức, rèn luyện thể chất và trau dồi đạo đức cùng các kỹ năng khác. Vì thế, những cuộc họp phụ huynh nên hướng vào những mục đích này. Việc đổi mới nội dung các cuộc họp là cần thiết, trên cơ sở trao đổi, bàn thảo tiến tới sự đồng thuận giữa gia đình và nhà trường.

Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để giúp các em vượt qua khó khăn bằng những hành động thiết thực. Chỉ như thế, việc xã hội hóa giáo dục mới mang lại hiệu quả, những mục tiêu của giáo dục mới thực sự đi vào chiều sâu và ý nghĩa.

Tuấn Nguyễn
.
.
.