Nỗi lo cháy chợ

Thứ Sáu, 14/07/2017, 14:20
Mặc dù vụ cháy được khống chế sau 2 giờ, với sự nỗ lực của hơn 400 cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh Lạng Sơn cùng các lực lượng chức năng ở cửa khẩu Tân Thanh và huyện Văn Lãng, nhưng hậu quả xảy ra từ vụ cháy chợ Tân Thanh vẫn rất nặng nề.


1/3 diện tích chợ bị thiêu trụi, thiệt hại trực tiếp tới 21 hộ kinh doanh, trong đó hộ bị thiệt hại ít nhất khoảng 250 triệu đồng và hộ nhiều nhất lên đến 1 tỷ đồng. Rất may vụ cháy vào đầu giờ sáng, người đến mua bán chưa đông nên không có thiệt hại về người.

Nguy cơ cháy chợ, các trung tâm thương mại (TTTM) luôn tiềm ẩn và trở thành nỗi lo thường trực không chỉ với những người kinh doanh mà cả chính quyền địa phương. Chỉ riêng năm 2011, cả nước đã xảy ra 9 vụ cháy chợ, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Những vụ cháy lớn xảy ra ở các chợ, TTTM đã khiến nhiều tiểu thương trắng tay, cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Đơn cử vài ví dụ: tháng 10-2002, xảy ra cháy tại TTTM Quốc tế TP Hồ Chí Minh khiến nhiều người thiệt mạng; đầu năm 2011, xảy ra vụ cháy tại chợ Ðầm Cùng, huyện Cái Nước, Cà Mau, gây thiệt hại khoảng chín tỷ đồng; tháng 6-2011, xảy ra cháy tại chợ Vinh, Nghệ An, thiệt hại cũng lên tới hơn ba tỷ đồng; tháng 2-2012, cháy chợ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, tài sản thiệt hại ước tính khoảng 150 tỷ đồng…

Minh họa của Lê Tâm.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 3.000 chợ, TTTM có quy mô, tập trung ở những khu vực đông dân cư. Có thể nói, chợ và TTTM là những loại hình cơ sở được xếp vào loại đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ và thực tế đã xảy ra những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng.

Dù là chợ hay TTTM thì một thực tế ai cũng thấy, đó là nơi tập trung rất nhiều hàng hóa, trong đó có nhiều thứ dễ cháy và cháy nhanh. Hơn nữa, vào một số thời điểm nhất định, lượng người ra vào mua bán trong chợ khá đông. Hệ thống đường điện trong chợ cũng là điều khiến nhiều người lo lắng.

Đó là chưa kể thói quen thắp hương đầu giờ sáng. Không phải chợ, TTTM nào cũng đảm bảo độ an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng như có một lực lượng chữa cháy có thể xử lý trong một số trường hợp khẩn cấp.

Phân tích những vụ cháy lớn tại các chợ, TTTM cho thấy, đa số những vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ. Tiếp đến là do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC hoặc do thắp hương thờ cúng trong chợ.

Ngoài sự thiếu ý thức, kiến thức PCCC của người dân, người kinh doanh buôn bán trong chợ, thì điều đáng nói là nhiều cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ, TTTM chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, coi nhẹ công tác PCCC, có thái độ phó mặc cho lực lượng Cảnh sát PCCC.

Quan trọng nhất vẫn là công tác phòng ngừa. Để hạn chế tới mức thấp nhất những vụ cháy chợ, TTTM thì việc đầu tiên là trang bị hệ thống PCCC đầy đủ, tiện lợi với một đội ngũ chữa cháy ngay tại cơ sở. Tiếp đến là nêu cao tinh thần trách nhiệm của ban quản lý cũng như những hộ kinh doanh.

Công tác tuyên truyền về phòng chống cháy nổ phải được coi trọng và tập huấn thường xuyên với lực lượng Cảnh sát PCCC. Đặc biệt, đội ngũ bảo vệ phải thật sự có chuyên môn, tăng cường kiểm tra ban đêm, kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh… nhằm mang lại sự an toàn cao nhất không chỉ trong khu vực chợ, TTTM mà cả các hộ dân, đơn vị sống xung quanh.

Tuấn Nguyễn
.
.
.